Suối không có tên, dân địa phương thường gọi là suối Mỏ Đá vì nó chảy qua một khu khai thác đá rộng mênh mông. Suối nằm trên đoạn đầu của đoạn quốc lộ Phan Thiết – Di Linh. Nếu theo lộ trình này, chúng ta sẽ bắt gặp suối khi vừa qua khỏi thị trấn Ma Lâm không bao xa. Tại đây có một đoạn đường mòn chạy cặp bên dòng suối.
Đường Phan Thiết – Di Linh cũng chính là QL28, được người Pháp mở ra từ đầu thế kỷ không bao lâu sau sự kiện phát hiện ra Đà Lạt. Tuy nhiên, vì đoạn đường quá hiểm trở, qua nhiều đèo dốc nguy hiểm, nên người ta đã làm đường Phan Rang – Đà Lạt thay thế. Một thời gian dài trong chiến tranh và sau năm 1975, con đường này ít được sử dụng.
Điểm đầu đường này là điểm giao cắt quốc lộ 1A đoạn qua thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận; điểm cuối là thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông.
Quốc lộ 28 đi qua thành phố Phan Thiết - thị trấn Ma Lâm (huyện Hàm Thuận Bắc)- thị trấn Di Linh (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) - thị trấn Quảng Khê (huyện Đắk Glong )- thị xã Gia Nghĩa. Toàn tuyến dài 197 km, trong đó đoạn thành phố Phan Thiết - thị trấn Di Linh dài 98 km, đoạn thị trấn Di Linh - thị xã Gia Nghĩa dài 99 km.
Quốc lộ 28 có một đoạn trùng với quốc lộ 20 (chừng gần 1 km) ở Di Linh. Trên quốc lộ có nhiều đèo dốc, trong đó đáng chú ý hơn cả là đèo Gia Bắc (đèo Di Linh) ở ranh giới tỉnh Bình Thuận - Lâm Đồng, đèo Quảng Khê. Quốc lộ 28 (đoạn từ Phan Thiết tới Di Linh)chỉ có 1 làn đường khá nhỏ hẹp, đường dốc quanh co, nhiều cua gắt. So với đèo Bảo Lộc hay đèo Prenn thì đèo Gia Bắc nguy hiểm và khó đi hơn nhiều. Đường được rải nhựa toàn tuyến nên xe du lịch 50 chỗ vẫn có thể lưu thông, tuy nhiên nếu 2 xe ngược chiều thì tránh nhau hơi khó.
Chúng tôi đi qua suối trên cuộc hành trình thám hiểm con đường Phan Thiết – Di Linh. Khi đến suối, một cảm giác sợ hãi bao trùm lấy chúng tôi. Quanh suối không một mái nhà không một bóng người, chỉ vài bụi cỏ lơ thơ trên đá. Khung cảnh như ở một sa mạc đá mênh mông. Dòng suối khi đó là mùa mưa, tuôi chảy ào ạt như một cơn hồng thủy đang ập đến, dữ tợn và hung hãn…
Suối không lớn, nhưng đứng trước nó, chúng ta sẽ có cảm giác mình quá bé nhỏ và mềm yếu trước thiên nhiên. Đó là cảm giác độc đáo mà dòng suối mang lại cho chúng ta khi đến với nó. Suối, thời điểm ấy chỉ có nước lạnh như cắt và đá nhọn.
Trong sự yên lắng đến tột cùng của đồi núi, đột ngột, tiếng mìn nổ phá đá từ xa vọng về. Dư âm những tiếng nổ ì ầm, trộn lẫn vào tiếng gào thét của dòng suối tạo nên thứ âm thanh ma quái khó tả. Những bức ảnh mà chúng tôi chụp ở đây, khi rọi ra, cũng mang một thứ sắc màu âm u kỳ lạ. Đến với suối Mỏ Đá, có lẽ không phải là đi tham quan mà đúng ra là đi “phiêu lưu”. Qua cầu sắt bắc ngang dòng suối, chúng ta sẽ tiếp tục cuộc hành trình trên con đường từ Phan Thiết đến Di Linh.
Chúng tôi đã đến Đà Lạt theo con đường này vào năm 1993, vào thời điểm Đà Lạt kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển.
Rời Phan Thiết lúc 6 giờ sáng, bằng xe gắn máy giữa lúc đài phát thanh loan báo là có bão, cuộc hành trình quả là đầy đe dọa đối với chúng tôi. Đoạn đường dài khoảng 100km này có đoạn chỉ còn là lối mòn vừa cho hai người tránh nhau, mà một bên là vực sâu không đáy, có đoạn phải đi xuống lòng suối, có đoạn phải vạch cỏ rậm cao quá đầu người mà đi. Trên bản đồ, dọc theo đường có rất nhiều suối và thác, có một số thác được ghi là lớn nhưng chúng tôi không có thời gian để dừng lại chụp ảnh và ghi chép vì phải đến Di Linh trước khi trời tối và một phần cũng vì sợ cơn bão đang đến.
Ngày nay, con đường nối liền Phan Thiết – Di Linh: QL28 trong đó có đoạn đèo Gia Bắc vẫn đẹp và hoang sơ vô cùng đấy bạn.
Theo Thư Viện Lâm Đồng
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét