(TNO) - Những dấu tích dù đã mai một ít nhiều theo thời gian, nhưng chuyện về kho báu bị yểm bùa của người Hời vẫn còn như mới trong tâm trí nhiều bậc cao niên ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi).
Kho báu chôn cùng trinh nữ
Theo tài liệu của họ Bùi ở đảo Lý Sơn, vào năm Ất Tỵ (1545) niên hiệu Nguyên Hòa thứ 13, Bắc quân đô đốc Bùi Tá Hán theo phò Lê diệt Mạc với sứ mệnh vỗ yên biên trấn Quảng Nam. Ông nhận thấy để lấy được Quảng Nam từ tay quân Mạc chỉ có một con đường là chiếm đảo Lý Sơn trước để lập căn cứ, làm bàn đạp. Việc đạt thành, Bùi Tá Hán cho dân ra Lý Sơn sinh sống. Từ đó, người Hời (tức người Chăm) ở đảo dần dần bỏ vào đất liền.
Thời ấy, Lý Sơn có tên là cù lao Ré, do tập quán sinh sống và điều kiện làm ăn mà chia thành hai vùng, nay là hai xã An Vĩnh và An Hải. Xã An Hải do có điều kiện thuận lợi hơn nên người Hời tập trung nhiều ở đó, điều này được thể hiện rõ qua các di tích còn đến bây giờ, cũng như một số kết quả khảo sát, nghiên cứu từ các nhà khảo cổ học. Hơn nữa, trong số các “truyền kỳ” về kho báu của người Hời trên đảo Lý Sơn, thì xã An Hải có nhiều câu chuyện và rõ nét hơn cả. Dân gian lưu truyền rằng người Hời có rất nhiều của cải, nhất là vàng. Khi rời đảo để vào đất liền, họ không thể mang hết tài sản theo nên để lại trên đảo. Tránh bị trộm mất, người Hời đã yểm bùa số vàng này.
Ông Ngô Văn Tùy (55 tuổi, ở xã An Hải), người được nghe khá nhiều chuyện này, kể lại những câu chuyện đã thành giai thoại, hư hư thực thực: “Trước khi người Hời rời đảo, toàn bộ số vàng đều được họ hóa phép. Để làm phép, họ chôn theo một trinh nữ vừa tròn 18 tuổi, tay trinh nữ này cầm một con dao nhỏ. Sau đó làm dấu bằng cách trồng một cây da (còn gọi là cây sợp). Một điều khá đặc biệt là, cây da này được tính toán rất kỹ, để mấy chục năm sau, khi trở lại, họ chỉ việc đo bóng cây vào một khung giờ đã tiên liệu rồi đào ngay vị trí đó là đúng nơi cất giấu vàng”.
Cũng theo ông Tùy, người dân trên đảo dù biết khu vực cất giấu vàng nhưng không thể nào tìm được. Họ đồn nhau rằng nhiều người cố đốn hạ những cây da làm dấu để tìm vàng thì thấy từ vết thương của cây chảy ra máu. Còn những kẻ động tay, động chân chắc chắn sẽ bị bệnh tật hoặc bất đắc kỳ tử. Ông Tùy cho biết khoảng 15 năm trở về trước, thỉnh thoảng thấy người Hời ra đảo trong vai người bán thuốc dạo. Sau khi họ về lại đất liền, thì có một vài cây da bị chết khô không rõ nguyên nhân. “Chúng tôi nghi rằng họ ra đảo lấy lại tài sản của mình, đó là nơi các cây da bị chết”, ông Tùy nghi hoặc.
Bắt gà vàng
Trong dân gian Lý Sơn giờ vẫn còn lưu truyền những câu chuyện được thêu dệt ly kỳ. Chẳng hạn, số vàng được yểm, trong thời gian chờ chủ nhân đến lấy lại, hóa thành nhiều con vật, chủ yếu là cua vàng và gà vàng... Cua vàng xuất hiện nhiều tại xã An Vĩnh, ở những gò đá, mồ cũ và nhiều nhất là dưới chân núi hòn Tươi, nằm cạnh núi Giếng Tiền. Người ta kháo nhau rằng, muốn bắt được cua vàng phải dùng quần áo màu đen, càng dơ bẩn càng tốt, nhất là quần của phụ nữ vào kỳ kinh nguyệt. Người ta còn đồn rằng, thỉnh thoảng lại thấy ngựa vàng chiều chiều phi nước kiệu từ núi hòn Tươi sang núi Giếng Tiền.
Ông Phạm Thoại Tuyền (63 tuổi, ở thôn Đông, xã An Vĩnh), người được xem là “nhà Lý Sơn học” của đảo Lý Sơn, xác nhận những chuyện trên ông cũng có nghe kể lại và cho rằng, đó là những câu chuyện về kho báu của người Hời. Ly kỳ hơn hết là chuyện bắt gà vàng của người dân thôn Tây (xã An Hải). Điểm nóng của câu chuyện là khu dân cư sống quanh đền thờ Thiên Y A Na, cụ thể là ở giếng nước và miếu Con Bò bên cạnh. Ông Ngô Văn Tùy cho biết hơn 5 năm về trước còn nghe người dân trong vùng nói thấy gà vàng xuất hiện. Đó là một đàn gà gồm 1 mẹ và 5 con, sau này, một con gà con đã bị bắt. Gà vàng thường xuất hiện từ 0 đến 4 giờ, khi theo đàn, lúc riêng lẻ. Khi thấy người, gà vàng vẫn thong thả kiếm ăn, đến khi người lại gần thì chạy biến mất.
“Tuy gà vàng nhìn rất sáng nhưng người mắt yếu lại không thể nhìn thấy, đấy là một đốm sáng vàng và có hình dạng rất giống gà ta, khi gà di chuyển làm sáng cả một vùng. Nhiều người đã bỏ nhiều công sức để theo dõi, vây bắt gà vàng nhưng đến nay chỉ có một người thành công. Đó là một người đàn ông tên Thu, quê ở Bình Sơn (Quảng Ngãi) ra đảo công tác”, ông Tùy kể như thật.
Theo ông Tùy, nghe kể rằng khi được gà vàng thì ông Thu nhanh chóng bỏ về quê sinh sống, gia đình khá lên từ đấy. Nhưng có một lần, chiếc xe chở vải (ông Thu buôn bán vải) bị bốc cháy, ông may mắn thoát chết, còn toàn bộ xe vải bị cháy rụi. Lúc này ông Thu mới chợt nhớ tới “lời hứa” của mình nên đã tức tốc ra lại đảo Lý Sơn, mua một con heo để cúng. Từ đó ông làm ăn dần ổn định và khấm khá trở lại, tiếc là không còn ai biết rõ địa chỉ hiện tại của ông Thu.
Bắt được gà vàng là chuyện thật ?
Kỳ lạ là khi trao đổi với chúng tôi về chuyện gà vàng, ông Nguyễn Dự, Chủ tịch HĐND xã An Hải, nói như đinh đóng cột: “Câu chuyện gà vàng xuất hiện, rồi người ta rình bắt gà vàng là có thật”. Ông Dự cũng khẳng định rằng chuyện ông Thu bắt được gà vàng là có thật.
Theo Lê Xuân Thọ (báo Thanh Niên)
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét