(ĐNO) - Từ hơn 500 năm trước, 43 chư tộc họ thuộc làng Hải Châu, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa đã theo vua Lê Thánh Tông vào Nam khai phá đất đai và lập nên làng Hải Châu. Đình làng Hải Châu được xây dựng vào năm Gia Long thứ 5 (1806) để thờ Thành Hoàng làng và các vị Tiền hiền, Hậu hiền của làng.
Đình làng Hải Châu nằm trong khuôn viên rộng 3.500m2 tại kiệt 48/14 đường Phan Châu Trinh, trong quần thể các di tích của làng Hải Châu gồm Nhà thờ Tiền hiền, nhà thờ các chư phái tộc và miếu Bà tại phường Hải Châu 1, quận Hải Châu. Giữa lòng thành phố Đà Nẵng hôm nay, Đình làng Hải Châu, một di tích cổ kính thân thương, một nét đẹp văn hóa đình làng, như nhịp cầu nối người dân thành phố hôm nay với quá khứ của những ngày đầu lập làng, lập ấp.
Trong văn bia chùa Long Thủ (nay là chùa An Long) ở phường Bình Hiên, dựng vào năm Thịnh Đức thứ 5 (1657), là một trong những tấm bia cổ ở Đà Nẵng, cũng có nhắc đến địa danh Hải Châu. Như vậy là cùng với làng Nại Hiên, làng Hải Châu cũng là một trong những làng đã được xây dựng sớm ở Đà Nẵng, mà địa giới hành chính lúc bấy giờ có thể bao gồm các phường Hải Châu 1, Hải Châu 2, và Nam Dương ngày nay.
Vào năm Gia Long thứ 5 (1806), các hương chức làng Hải Châu xin vua Gia Long cho lập đình thờ Thành Hoàng làng và các vị Tiền Hiền, Hậu Hiền của làng (lần thứ nhất). Đầu tiên đình được xây dựng tại khu đất Nghĩa Lợi bên bờ sông Hàn.
Đến năm 1858, đình bị hư hại nặng do chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp. Năm 1860, nhân dân xây dựng lại đình (lần thứ hai) tại khu đất nay thuộc địa phận trường Trung học Y tế thành phố Đà Nẵng ngày nay (số 99 đường Hùng Vương, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng).
Đến năm 1903, do nạn dịch đậu mùa, người Pháp sử dụng ngôi đình làng Hải Châu làm trạm y tế để điều trị bệnh nhân. Năm 1904, thể theo đơn xin của dân làng, người Pháp trả lại đình. Tuy nhiên, nhân dân Hải Châu quan niệm cho rằng ngôi đình làng bị ô uế nặng nên một lần nữa làm đơn thỉnh nguyện dâng lên vua Thành Thái xin cho xây dựng lại ngôi đình làng tại vị trí hiện nay (phường Hải Châu I, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng). Lần xây dựng này (lần thứ ba) bao gồm đình làng, nhà thờ Tiền Hiền, nhà thờ 43 Chư phái tộc, Miếu Bà (thờ Thánh mẫu Thiên Y Ana), cổng tam quan và một hồ sen.
Để bảo tồn, phát huy và tôn vinh những giá trị của Đình làng Hải Châu, ngày 12/7/2001 Bộ Văn hoá và Thông tin (nay là Bộ Văn hoá - Thể thao và Du Lịch) công nhận Đình Hải Châu và nhà thờ Chư phái tộc là Di tích Lịch sử Văn hoá Quốc gia. Đầu năm 2002, UBND thành phố Đà Nẵng đã có quyết định đầu tư phục hồi, tôn tạo khu di tích đình và nhà thờ chư phái tộc; đến năm 2005, đình làng Hải Châu được chính thức hoàn thành.
Đình Hải Châu là một trong những ngôi đình có không gian hài hoà, quy mô lớn, kiến trúc đẹp ở Đà Nẵng hiện nay. Trước mặt đình là hồ nước hình chữ nhật, giữa có ngọn giả sơn và một cây si lớn.
Bước qua khoảng sân rộng là đến những công trình chính của đình, bao gồm nhà tiền đường, hai dãy nhà hành lang nối liền phía sau đến nhà chính điện. Kiểu nhà tiền đường một gian hai chái. Chính điện theo lối ba gian hai chái. Tất cả các đơn nguyên kiến trúc đều làm bằng gỗ, mái lợp ngói âm dương, tường xây gạch. Trên cổng Tam Quan vẫn còn rõ tên “Hải Châu Chánh Xã” bằng chữ Hán. Qua khoảng sân rộng là một quần thể kiến trúc chính gồm: Đình Hải Châu, Nhà thờ Tiền Hiền.
Theo các nhà nghiên cứu, hiện nay đình Hải Châu còn lưu giữ nhiều hiện vật, hoành phi và liễn đối bằng chữ Hán, được sơn son thếp vàng, có niên đại hàng mấy trăm năm.
Đình còn lưu giữ lại 9 bức được làm vào các triều vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức và Bảo Đại. Trong số này, bức hoành phi được làm từ thời vua Gia Long lớn nhất có chiều dài 2 m, chiều rộng 0,7 m, ghi: “Vạn cổ anh linh” (dịch là Muôn thuở anh linh), dòng lạc khoản ghi đầy đủ: “Hoàng triều Gia Long, thập thất niên, tuế thứ Mậu Dần; Hải Châu chánh xã đồng cung lặc” (dịch nghĩa: Năm Mậu Dần, niên hiệu Gia Long thứ 17, xã Hải Châu chính đồng kính chạm). Ngoài ra, các bức hoành phi khác được làm vào năm 1825 (vua Minh Mạng), thời vua Tự Đức có hai bức, một đề “Thiên tức Thánh - Thánh tức là Trời” (ghi năm 1851) và bức khác ghi “Thiên tham nghĩa - Việc nghĩa hợp với lòng trời” (ghi năm 1856)...
Bên trong đình còn có 3 tấm bia đá cẩm thạch, trong đó có một tấm cao 1,2 m, rộng 0,7 m, được lập vào năm Tự Đức thứ 14 (1861), bên trên bia chạm hai con rồng đường nét sắc sảo, uyển chuyển theo thế “lưỡng long triều nguyệt”.
Nội dung bài văn khắc trên bia, ghi rõ: “Hải Châu chánh xã ở Quảng Nam, từ xưa đã có miếu thờ Quan Thánh đế quân. Năm Tự Đức, Mậu Ngọ (1858) giặc tràn vào quấy nhiễu ở Đà Nẵng, khiến nhân dân khiếp đảm chạy tán loạn, nơi ấy thành bãi chiến trường, miếu Quan Thánh chỉ còn trơ nền cũ. Tổng đốc tỉnh Quảng Nam là ngài Đào đại nhân (tức Tổng đốc Đào Trí) vâng lệnh thiên tử, quản lý cả quân vụ. Ngài kêu gọi lưu dân Hải Châu về quê ổn định, ngài bèn tập hợp mọi thứ vật liệu còn lại đề xướng việc tu tạo lại miếu thờ đế quân. Nhân dân vui mừng và cùng nhau hưởng ứng, đem cả của cải và dốc sức lực, chẳng bao lâu miếu được hoàn thành...”. Hai văn bia còn lại được lập vào năm Bảo Đại nguyên niên (1926) để ghi công đức của nhân dân Hải Châu đóng góp tiền của sửa chữa lại đình và nhà thờ 43 chư phái tộc.
Đặc biệt, còn có một quả chuông đồng cao 1,3 m, đường kính miệng rộng 0,7 m, có niên đại hàng trăm năm. Trên đỉnh chuông đúc hình hai con rồng nằm quấn đuôi vào nhau, trên thân chuông chia làm 8 ô, chữ được đúc nổi, ở phần thân gần đỉnh chuông có một hàng chữ bằng tiếng Phạn chạy vòng quanh thân, còn ở giữa có các dòng chữ Hán - Nôm được viết theo chiều dọc.
Năm 2009, UBND quận Hải Châu đã khôi phục lại lễ hội Đình làng Hải Châu với mong muốn góp phần mang lại cho người dân Hải Châu nói riêng và thành phố Đà Nẵng nói chung trở về với với cội nguồn, với lịch sử của cha ông, quê hương, xứ sở, góp một tiếng nói tích cực trong việc giáo dục lòng tri ân, truyền thống “uống nước nhớ nguồn”; đồng thời đưa lễ hội Đình làng Hải Châu trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Đến nay lễ hội Đình làng Hải Châu đã tổ chức được 3 lần.
Lễ hội đình làng Hải Châu: diễn ra vào ngày 10/3 âm lịch với nhiều hoạt động nhằm gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa, ngày mà nhân dân khắp nước Việt Nam và đồng bảo ở nước ngoài về Đất Tổ để ghi nhớ công ơn của vua Hùng.
Lễ hội diễn ra gồm có hai phần chính gồm phần lễ và phần hội. Đối với phần lễ thì có lễ Vọng, lễ tế cô hồn diễn; lễ Chánh tế;…Về phần hội thì diễn ra với nhiều hoạt động sôi nổi, hào hứng, đậm đà bản sắc dân tộc, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao như múa lân, thả chim bồ câu, hội thi làm lồng đèn; liên hoan nghệ thuật quần chúng, bao gồm: Hát múa dân ca, thời trang các dân tộc Việt Nam… Ngoài ra, trong phần hội còn diễn ra thi đấu các môn thể thao dân tộc như thi kéo co, đẩy gậy, nhảy bao bố tiếp sức, cờ tướng…
Đình làng Hải Châu được trường THCS Trưng Vương (Hải Châu, Tp. Đà Nẵng) nhận chăm sóc di tích lịch sử văn hóa. Nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như dạy lồng ghép giới thiệu về di tích lịch sử Đình làng Hải Châu trong các môn học Lịch sử, Ngữ văn, Âm nhạc, Mỹ thuật… trong các tiết dạy lịch sử, văn hóa địa phương, văn hóa dân gian…Tổ chức cho các em học sinh tham gia lễ hội đình làng; tổ chức các lớp lao động dọn dẹp, vệ sinh khuôn viên đình làng, chăm sóc cây cảnh.
Theo CTTĐT TP Đà Nẵng
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét