(TNO) - Núi Hoành Sơn (ở H.Tây Sơn, Bình Định) được dân gian lưu truyền là nơi có mộ ông Hồ Phi Phúc và vua Nguyễn Nhạc nhà Tây Sơn.
Nơi có long huyệt
Ngày nay, nhiều ngọn núi xung quanh Hoành Sơn được đặt các tên như: Bút Sơn (Hòn Trưng), Nghiên Sơn (Hòn Dũng), Cổ Sơn (Hòn Trống), Chung Sơn (Hòn Chuông), Kiếm Sơn (Hòn Hóc Lãnh), núi ông Bình, núi ông Nhạc… Đàn tế trời đất được xây dựng tại Ân Sơn, nằm trong dãy Hoành Sơn, càng khiến cho vùng đất này thêm linh thiêng, huyền bí. Hầu hết những địa danh, di tích mới và cũ này đều gắn với những truyền thuyết về phong trào nông dân Tây Sơn vào cuối thế kỷ 18 do anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ lãnh đạo.
Theo nhà thơ Trần Viết Dũng (ở thị trấn Phú Phong, H.Tây Sơn), đứng từ cầu Phú Phong nhìn lên Hoành Sơn trông như một án thờ khổng lồ. Bên trái là Bút Sơn, bên phải là Nghiên Sơn giống như 2 cây đèn ở hai bên án thờ Hoành Sơn. Khi vua Nguyễn Nhạc chưa đào thêm các nhánh sông Côn ở phía bắc thì trước án thờ Hoành Sơn là đồng bằng y như một chiếc chiếu. Cũng có người cho rằng 3 ngọn Bút Sơn, Hoành Sơn, Nghiên Sơn được trời đất sắp xếp như một chiếc ngai vàng nằm giữa đất Tây Sơn.
< Từ núi Hoành Sơn nhìn xuống đèo Ngang.
Truyền thuyết dân gian kể lại rằng, trước khi anh em Tây Sơn dựng cờ khởi nghĩa, có một thầy địa lý người Tàu thường đến tá túc nhà Nguyễn Nhạc để tìm long huyệt. Xác định Hoành Sơn là đại địa, có long huyệt nên thầy địa lý về nước mang hài cốt cha sang chôn. Khi trở lại nhà Nguyễn Nhạc tá túc, thầy địa lý có mang theo một chiếc tráp nhỏ bọc tấm khăn điều ở ngoài. Biết chuyện, Nguyễn Nhạc làm giả một cái tráp y hệt đựng hài cốt cha mình là ông Hồ Phi Phúc rồi tìm cách đánh tráo với cái tráp của thầy địa lý. Đến ngày tốt, thầy địa lý lén lút mang cái tráp vào chôn ở long huyệt Hoành Sơn rồi về nước chờ ngày phát đế vương. Thầy địa lý đâu ngờ trong tráp là hài cốt của ông Hồ Phi Phúc. Về sau anh em Nguyễn Nhạc đã cùng với nông dân phất cờ khởi nghĩa.
Năm Kỷ Dậu (1789), Nguyễn Huệ đại thắng 20 vạn quân Thanh tại gò Đống Đa, đòi lại đất Lưỡng Quảng, tiếng tăm vang dội cả Trung Quốc. Thầy địa lý biết mình bị lừa nên trở lại vùng đất Tây Sơn tìm cách phá hoại long mạch để trả thù. Y khuyên Nguyễn Nhạc lấp mấy ngọn phụ lưu sông Côn ở phía nam và đào thêm mấy nhánh khác ở phía bắc để dẫn nước vào ruộng cho nhân dân cày cấy. Nguyễn Nhạc làm theo. Sông vừa đào xong, Nguyễn Huệ băng hà ở Phú Xuân vào năm 1792, Nguyễn Nhạc cũng mất vào năm 1793. Năm 1802, Nguyễn Ánh thống nhất đất nước, nhà Tây Sơn bị diệt vong.
Dân gian cũng lưu truyền câu chuyện Nguyễn Nhạc được Ngọc Hoàng phong vương ở Trưng Sơn, ban kiếm ở hòn Hóc Lãnh nên gọi là Kiếm Sơn, ban Ấn ở hòn Trống nên gọi là Ấn Sơn... Những truyền thuyết này được nhà thơ Quách Tấn kể lại trong các sách Non nước Bình Định, Võ nhân Bình Định... Người dân Tây Sơn còn lưu truyền rằng ở Bút Sơn còn có mộ mẹ chàng Lía (lãnh tụ phong trào khởi nghĩa nông dân đầu thế kỷ 18 ở Bình Định) nhưng đã bị quân Nam Triều Tiên phá tung từ trước năm 1975. Dưới chân Hoành Sơn ngày nay còn có mộ Mai Xuân Thưởng (1860 - 1887), một lãnh tụ phong trào Cần Vương ở Bình Định.
Bạch mã hiện hình
Trong sách Non nước Bình Định, nhà thơ Quách Tấn còn kể lại câu chuyện "bạch mã hiện hình" gắn với giả thuyết mộ vua Thái Đức Nguyễn Nhạc cũng ở Hoành Sơn. Vua Thái Đức Nguyễn Nhạc có con bạch mã rất quý, gắn bó với ông từ những ngày đầu dựng cờ khởi nghĩa. Sau khi vua băng hà, con bạch mã cũng biệt tích. Thời gian sau, người ta thấy ở Hoành Sơn có bóng ngựa trắng, khi thì đi thơ thẩn dưới chân núi, khi thì lên đỉnh đứng hí não nùng. Mọi người đều tin rằng đó là hồn thiêng con bạch mã của vua Thái Đức. Vì tôn trọng nhà vua, mấy trăm năm nay, người dân Tây Sơn không một ai nuôi ngựa trắng.
< Lăng mộ Mai Xuân Thưởng dưới chân núi Hoành Sơn.
Sau khi lên ngôi vua, nghe tin Hoành Sơn có hai nấm mộ bằng đá, nghi ngờ là phần mộ của ông bà Hồ Phi Phúc, Nguyễn Ánh truyền quan địa phương quật lên để trả thù. Nhưng hài cốt không thấy đâu, chỉ thấy bốn chum dầu phụng đã lưng, trong mỗi chum có một ngọn đèn chong đương cháy. Nhiều người cho rằng bốn chum dầu này do nhà Tây Sơn chôn nhưng không rõ mục đích. Vua quan nhà Nguyễn tìm khắp nơi trong núi Hoành Sơn nhưng vẫn không thấy mộ ông bà Hồ Phi Phúc.
Nhà thơ Trần Viết Dũng kể: Năm 1933, nhà thơ Tản Đà đến chơi tại Bình Định, nghe tin vùng Hoành Sơn có mộ thân sinh anh em nhà Tây Sơn nên lặn lội đi tìm. Xã trưởng xã Bình Thành khi đó, dân gọi xã Xuyền, nghe tin, cho người bắt giải lên quan tri huyện vì tội "tôn thờ ngụy Tây Sơn". Tuy nhiên, quan tri huyện là người rất yêu thích văn chương, biết tiếng nhà thơ Tản Đà nên ra lệnh thả ngay.
Những truyền thuyết, giai thoại liên quan đến nhà Tây Sơn hư hư thực thực nhưng lòng dân yêu mến triều đại này rất thực. Một triều đại lãnh đạo nhân dân giành nhiều chiến công hiển hách, đem lại khát vọng cường thịnh cho dân tộc nên dù đã diệt vong hơn 200 năm, người dân vẫn ghi nhớ: "Cây Me cũ, Bến Trầu xưa/Dẫu không nên tình nghĩa cũng đón đưa cho trọn niềm".
Theo Hoàng Trọng (báo Thanh Niên)
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét