(TNO) - Ở đường Mạc Đĩnh Chi, P.Quang Trung, TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum bây giờ còn một ngôi chùa và ngôi đình có lối kiến trúc cổ xưa.
Dấu chân người khai sơn
Ít ai biết, chùa và đình này được xây từ chính bàn tay của những người miền xuôi lên khai khẩn đất Kon Tum. Đây là chùa tổ đình Bác Ái và đình Võ Lâm, tuy hai nhưng lại là một.
Từ giữa thế kỷ 19, người dân ở các tỉnh duyên hải miền Trung tìm lên sinh cơ lập nghiệp tại Kon Tum ngày một đông. Tuy nhiên, do chỉ có con đường độc đạo đi từ tỉnh Bình Định lên Tây nguyên nên thuở ấy, người Bình Định đặt chân lên Kon Tum sớm nhất.
Theo đó, dòng di dân đầu tiên chính là những gia đình Thiên Chúa giáo trốn lệnh bắt đạo gay gắt của triều đình nhà Nguyễn, theo chân các cha cố Hội Truyền giáo Kon Tum. Dòng thứ hai là những gia đình muốn thoát cảnh sưu cao thuế nặng, hoặc trốn tránh những rắc rối về mặt pháp luật đang gặp phải ở quê nhà.
Theo sách Kontum tỉnh chí của Võ Chuẩn (sinh năm 1896), tại TP.Kon Tum hồi đó, Võ Lâm là làng thứ ba (sau làng Trung Lương và Lương Khế) ở nội thị Kon Tum gồm những gia đình ngoại đạo. Sách viết: Năm 1933 những người ngoại đạo xin phép lập một cái chùa thờ Phật và quy y các vong linh những người chết mà thân thuộc không thể đem thi hài về xứ được, ban đầu chùa lấy tên là Linh Sơn về sau đổi thành Bác Ái. Theo trụ trì đời thứ 4 chùa Bác Ái là hòa thượng Thích Chánh Quang, chính quan Quản đạo Kon Tum là Võ Chuẩn đã cho phép dựng chùa Linh Sơn. Tự ông Võ Chuẩn vẽ thiết kế và huy động nhân công phát hoang rừng rú, lấy đất xây chùa. Nhờ vậy, khởi công trong 10 tháng đầu của năm 1932, đến đầu năm 1933 thì chùa hoàn tất, với vách bằng mành tre, lợp ngói âm dương. Lúc xây chùa, xung quanh còn nhiều rừng rậm rạp. Phía sau chùa là rừng với nhiều cây đại thụ lớn. Còn phía trước chùa là con suối Bác Ái, nay đã bị lấp.
Sau khi xây dựng xong chùa Linh Sơn (tức Bác Ái), Võ Chuẩn đã chiêu mộ dân chúng khai hoang lập khu dân cư quanh khu vực chùa, tức làng Võ Lâm sau này. Theo sách Kon Tum - Di tích và danh thắng, tên làng Võ Lâm được giải thích: Võ là họ của Võ Chuẩn, người công đầu trong việc lập làng, còn Lâm nghĩa là rừng. Công việc khẩn hoang lập làng kéo dài từ năm 1933 đến 1935. Lúc này bà con dân làng bàn chuyện dựng đình Võ Lâm và chọn gần chùa Linh Sơn.
Chính ông Võ Chuẩn chỉ định vị trí đất và giao quan Đề lại Hồ Thượng Chất chủ trì thi công đình với diện tích ban đầu khoảng 1.000 m2. Trước, đây là nơi sinh hoạt cộng đồng, thờ tự âm linh cô bác, tổ thần thổ địa, về sau làm nơi thờ tự những vị tiền hiền khai canh và nay nó là nơi thờ Thành hoàng làng Võ Lâm là Quản đạo Võ Chuẩn.
Hổ dữ hóa hiền
Đưa chúng tôi đi thăm cảnh chùa, trụ trì Thích Chánh Quang cho biết khi chùa Bác Ái khánh thành, chính vua Bảo Đại đến dự và sắc phong biển Sắc tứ Bác Ái tự. Biển này giờ vẫn còn son đỏ và chữ vàng, không phai mờ. Từ đó, chùa chuyển sang tên Bác Ái. Sở dĩ có tên Bác Ái là do vua Bảo Đại biết chùa có gần 40 mẫu ruộng tốt, nhưng khi thu hoạch đều phân phát cho người nghèo, bất kể tín đồ hay tôn giáo khác hay cô khổ ở mọi nơi bước chân vào chùa xin cơm gạo.
Trụ trì Thích Chánh Quang còn cho hay khi chùa xây lên, khói hương không ngớt hưng thịnh. Thế nhưng, xung quanh vẫn là rừng hoang, đêm đêm tiếng thú dữ đi ăn đêm vẫn gầm rú, nhà chùa nghe có cảm giác bất an. Có điều chưa có thú dữ nào xông vào chùa phá phách hay bắt chó, gia súc nuôi. Vậy mà vào một buổi chiều khoảng cuối năm 1932, cả chùa giật thót khi thấy một con bạch hổ ba chân lừ lừ từ rừng đi vào chùa. Con bạch hổ này vốn nổi tiếng hung bạo ở rừng này. Nó tấn công và ăn thịt tất cả các loài thú. Khi thiếu mồi, nó còn tấn công cả người. Một khi bạch hổ đã ăn thịt người thì nó càng hung tợn, càng dữ hơn bất cứ loài thú ác nào.
Lạ thay, khi bước vào chùa, con bạch hổ ba chân này không gầm gừ mà cong đuôi hiền lành về nằm tại khu bếp của chùa. Đầu bạch hổ gác lên hai chân trước, tai dỏng lên, mũi hít hít, còn mắt thì lim dim như tận hưởng cái gì đấy rất yên lành. Đến khoảng 20 - 21 giờ, các sư trong chùa vào chính điện để tụng kinh Phật, con bạch hổ cũng tiến về chính điện, nằm phủ phục ngoài cửa điện thờ, quỳ hai chân trước, đầu gác lên, còn một chân sau thì sãi ra. Khi hết giờ tụng kinh, các sư về nghỉ, bạch hổ lại chui vào gian bếp. Đến 4 giờ sáng hôm sau, nó lại dậy nghe kinh Phật lần nữa, rồi khi trời còn tờ mờ sáng thì vào rừng.
Cứ thế suốt 10 năm, con bạch hổ ngày nào cũng về chùa nghe kinh Phật như vậy. Các sư trong chùa quen dần, lấy tay vuốt lông, có người còn cưỡi lên, nhưng con bạch hổ vẫn hiền lành, đưa lưỡi liếm tay các nhà sư. Trụ trì Thích Chánh Quang đưa chúng tôi đi tham quan, chỉ gian bếp nơi bạch hổ về nằm, phía ngoài gian chính điện bạch hổ nằm nghe tụng kinh Phật.
Đáng nói nữa là, từ khi về chùa Bác Ái nghe kinh Phật, xung quanh chùa thú dữ tránh đi hết, trong vùng không còn xảy ra các chuyện đau thương như người bị hổ vồ, hay thú dữ tấn công vật nuôi của làng Võ Lâm nữa. Đến khoảng năm 1943 thì bạch hổ bỏ đi đâu không ai biết.
Ngày nay, tại đình Võ Lâm hằng năm vào các ngày 12.2 và 12.8 âm lịch, dân sinh sống trong làng tề tựu đông đủ, cùng nhau đóng góp tiền của tổ chức ngày tế để tưởng nhớ tiền nhân. Trước 1975, mỗi dịp tế đình, bà con còn rước gánh hát bội Bình Định lên diễn mấy ngày liền. Bây giờ ở đình Võ Lâm, hình con bạch hổ được chạm khắc ở ngay bình phong vào chính điện thờ. Theo giải thích của sư Thích Chánh Quang, bạch hổ ở đây không chỉ trừ tà mà còn ngăn ngừa được “ma rừng” theo quan niệm của người bản địa.
Theo Phạm Anh - Tạ Văn Sỹ (báo Thanh Niên)
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét