Thứ Bảy, 28 tháng 6, 2014

Đi tìm Si Ma Cai mộc mạc...

Si Ma Cai là một huyện biên giới phía Bắc, nằm ở phần Đông Bắc của tỉnh Lào Cai, cách thành phố Lào Cai chừng 95 km. Si Ma Cai giáp với huyện Mường Khương (Lào Cai) và huyện Mã Quan (Vân Nam, Trung Quốc) ở phía Bắc, huyện Bắc Hà ở phía Nam, huyện Mường Khương ở phía Tây và huyện Sín Mần (Hà Giang) ở phía Đông.

< Đường vào Si Ma Cai.

Vì đã lỡ hẹn nhiều lần với vùng đất biên cương này, nên ngay khi sắp xếp được thời gian, tôi và một cô bạn đã quyết định lên đường. Chuyến xe đêm đưa chúng tôi từ Hà Nội tới Bắc Hà, sau đó chúng tôi thuê xe máy chạy tiếp sang Si Ma Cai. Cách thị trấn Bắc Hà chưa đầy 10 km , chúng tôi tới chợ Cán Cấu.

< Họp chợ buổi sớm.

Nhắc tới chợ phiên thì ở Lào Cai có rất nhiều: chợ Bắc Hà, chợ Cốc Ly (huyện Bắc Hà), Bản Phiệt (Bảo Thắng), Cao Sơn và Lùng Khẩu Nhin (Mường Khương)... nhưng nổi tiếng nhất vẫn là chợ Cán Cấu. Chợ chỉ là những căn lều dựng tạm nằm trơ trọi trên nền đất bên con đường độc đạo nối thị trấn Bắc Hà với thị trấn biên ải Si Ma Cai. Là chợ của người Mông Hoa và người Giáy nhưng lại thực hiện theo lối buôn bán của người Dao. Chỉ họp chợ vào thứ 7 hàng tuần và các ngày lễ Tết trong năm.

< Cảnh buôn bán ở chợ.

Chợ vui nhất vào lúc mặt trời mọc. Khi mặt đất vẫn con sương và giá, người đeo gùi, người dắt trâu, dắt ngựa, ôm con chó, con gà... ở các nẻo đường bỗng tứa ra từ những quả đồi vắng.

Người dân từ Bản Phố, Hoàng Thu Phố dưới Bắc Hà lên, từ Sán Chải, Si Ma Cai xuống, từ Sín Mần sang bỗng chốc đông kín cả khu chợ.. Người mua ngựa, kẻ tậu trâu, trẻ con thì ngồi ăn hàng quán, các chị tập trung ở mấy hàng quần áo thổ cẩm.

Chợ được chia thành nhiều khu riêng biệt: lợn và trâu ở mé đông, vải vóc, thổ cẩm ở trung tâm và những món ăn đặc sản ở mạn bắc. Những người H'Mông diện những bộ váy áo vừa dày vừa nặng biến cả khu chợt thành núi hoa, chợ hoa với từng đời hoa riêng biệt.

Mỗi người phụ nữ nơi đây, cứ như một nàng công chúa: sống động và lộng lẫy. Chúng tôi nhanh chóng ghi lại những khoảnh khắc nơi đây.

Khi mặt trời đã lên quá đỉnh đầu, chúng tôi mới rời chợ. Với chiếc xe máy, chúng tôi thong dong, lang thang khắp các nẻo đường. Cảnh vật hai bên đường một bên là đồi núi, là đá và hoa mọc xen kẽ. Một bên là những con đường đất nối nhà với nhà dưới thung sâu.

Cái nắng của Lào Cai khiến chúng tôi mệt rất nhanh. Rồi chúng tôi bắt gặp một hội người lớn chơi cù bên đường. Thấy lạ chúng tôi tấp vào xem, vì trò này tuổi thơ ai chẳng biết, nhưng ở đây lại toàn người lớn chơi. Không lâu sau, cả hai chúng tôi đều bị cuốn vào trận đấu. Cùng reo vang khi có bên ăn điểm. Bất chợt, tôi tìm thấy mình đang cười thật to ở một nơi xa lạ. Khi trận đấu kết thúc, một anh tiến lại phía cô bạn tôi và trách: “Tại em hướng cái máy đấy vào anh nên anh mới bị thua đấy.” Rồi tất cả cùng cười.

Sau trận đấu cù đầy kịch tính đấy thì chúng tôi đã tỉnh ngủ hẳn. Tiếp tục lên đường, rồi lại dừng xe, leo lên một quả đồi. Xa xa là những người dân đang dọn cỏ, chuẩn bị cho một mùa vụ mới. Những đứa bé H’Mông nô đùa bên tán mận. Cuộc sống bình yên đến lạ. Gió cứ mơn man như muốn xua tan đi hết những lo lắng, tất bật đời thường. Chúng tôi ngồi lại khá lâu trên quả đồi chờ hoàng hôn buông xuống.

Truyền thuyết kể rằng, Sa Pa và Si Ma Cai là hai chị em sinh đôi. Cả hai lớn lên đều mang vẻ đẹp thuần khiết của núi rừng. Nhưng Sa Pa may mắn hơn, 100 năm trước nàng gặp được hoàng tử Tây (người Pháp), được chàng lấy làm vợ (trở thành khu du lịch nổi tiếng) và trở nên rực rỡ được muôn người biết đến và ngưỡng mộ...

Si Ma Cai ngược lại, kém may mắn hơn vẫn thiếp ngủ trong rừng cấm, cheo leo, chênh vênh trên vùng núi đá hiểm trở. Nhờ vậy mà Si vẫn giữ được những nét hoang sơ tự thuở nào. Bất chấp sự thay đổi đến chóng mặt của cuộc sống hiện đại, Si vẫn bình thản với những giá trị chân sơ, mộc mạc của riêng mình.

Mãi miên man với những suy nghĩ, mặt trời đã chuyển sang màu đỏ từ lúc nào. Hoàng hôn phố núi, khung cảnh đẹp đến mê hồn. Như một món quà, dành tặng cho những lữ khách phương xa.

Theo VietBao.vn (VB-Theo Yume)
Du lịch, GO!

Một thoáng Si Ma Cai

Thác Tiên trong sương

(ANTĐ) - Bước trên con đường lát đá nhấp nhô, uốn lượn lên xuống, xuyên qua  màn sương mỏng tang vốn đã trở thành “đặc sản” của thời tiết Sa Pa, con đường dẫn vào bản Cát Cát khiến bước chân của khách lãng du như lạc vào tiên cảnh.

Tiếng suối Mường Hoa quanh năm róc rách, dòng suối với những con đường uốn quanh triền núi, quanh những thửa ruộng bậc thang mỗi mùa một sắc. Ở điểm cuối của con đường, một con thác đẹp như áng thơ tình đổ những sợi nước mềm mại lên ghềnh đá. Thác Tiên, thác của bản Cát Cát là nơi những đôi trai gái người Mông, người Dao mỗi đêm hò hẹn, tâm tình.

Con đường lát đá nhấp nhô dẫn vào bản Cát Cát nhỏ nhắn vốn là một lối mòn cũ xuyên qua những tán lá rừng ôm vào sườn núi. Sau khoảng gần 2 cây số đi bộ qua những bậc thang lên xuống theo địa hình núi dốc, qua một cây cầu treo nhỏ nhắn bắc ngang suối Mường Hoa là có thể thấy thấp thoáng những mái nhà thấp lợp ván gỗ mang đường nét điển hình của người Mông, người Dao bản địa. Đến gần một cây cầu treo thứ hai nằm ở ngay đầu bản, dòng suối Mường Hoa hiền hòa nhận thêm một dòng chảy nhỏ từ nguồn trong lòng núi đổ ra tạo thành một con thác đẹp như trong tranh thủy mặc. Thác suối không quá cao, quá rộng mà mang một nét mềm mại hòa vào âm thanh róc rách, rì rầm như tiếng thì thầm tâm sự của dòng suối rót vào những phiến đá rêu phong.

Ngay từ cuối thế kỷ 19, khu vực chân thác Tiên đã được những sỹ quan người Pháp chọn làm nơi nghỉ dưỡng bởi khí hậu mát mẻ và vẻ đẹp thiên nhiên hoang dã, không gian quanh năm sương buông mờ ảo.

Thác Tiên đẹp như chính cái tên mà người bản địa đặt cho nó, những sợi nước thả dài mềm mại, ôm tràn lên những phiến đá tròn nhẵn. Ở dưới chân đá, rêu suối xanh rì, hòa vào với sự mềm mại của thác  mà đuổi nhau theo dòng nước.

Thác Tiên, bản Cát Cát mỗi khi bóng tối lan về xóa tan đi sắc màu bạc sương của buổi ban ngày. Những đôi trai gái người Mông, người Dao lại hẹn nhau bên bờ suối, dưới chân cầu, bên dòng thác, thánh thiện thiên nhiên. Họ tình tự trao duyên, gửi gắm tình cảm của mình. Họ tin rằng “Nàng Tiên” trên thác sẽ ghi nhận tình yêu đôi lứa của họ, và sẽ giúp họ được sống mãi với người mình yêu.

Một buổi sớm sương, dạo bước trên con đường mòn rải đá, bất chợt một bàn tay vương màu thuốc nhuộm chàm che miệng khúc khích cười, một ánh mắt cô gái Mông long lanh đón chào bước chân khách lãng du ngay dưới Thác Tiên. Dù là ai, ở bất cứ đâu đến với nơi này, cũng sẽ “tan” cùng thiên nhiên và nét duyên con người nơi miền sơn cước.

Theo Vũ Thanh (An Ninh Thủ Đô)
Du lịch, GO!

Phải vờ là ‘Tây’ để được chiều...

(Vietnamnet) - Ăn nhà hàng, đi du lịch, lên máy bay, mua sắm... đôi khi phải giả vờ là người nước ngoài mới mong được phục vụ tốt. Việc phân biệt đối xử giữa khách Việt với khách "Tây" diễn ra ở nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ gần đây khiến nhiều người khó chịu.

Phủ phàng từ chối khách Việt

Trước đây, dư luận từng bức xúc về tình trạng một số cửa hàng của người Việt, bán hàng ở Việt Nam mà chỉ treo biển phục vụ khách nước ngoài. Điều này xuất phát từ tâm lý lâu nay cho rằng, chỉ khách Tây mới rủng rỉnh ví tiền, và đổ lỗi cho người Việt có những thói quen xấu trong tiêu dùng, như kiệt sỉ, khó tính, mặc cả lên xuống cuối cùng lại không mua... Trước sức ép của cơ quan quản lý và dư luận, chủ cửa hàng đã phải công khai xin lỗi và gỡ bỏ tấm biển.

Thế nhưng, lối ứng xử kỳ thị, phân biệt trong kinh doanh này giờ lại đang có xu hướng quay trở lại trong các nhà hàng, khách sạn của Việt Nam.

Bất chấp sự khó chịu và bực bội của người mua, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ vẫn ưu ái phục vụ khách nước ngoài và "phũ" với người tiêu dùng Việt. Đặc biệt, tình trạng này xuất hiện nhiều tại những cửa hàng, khách sạn tự cho mình là sang chảnh.

Anh Phương (34 tuổi, ngụ ở Thanh Xuân, Hà Nội) kể lại câu chuyện về tuần trăng mật của mình ở một khách sạn lớn tại Nha Trang. Chẳng là buổi sáng hôm ấy, hai vợ chồng đều mệt nên muốn gọi đồ ăn phục vụ tại phòng. Chờ gần một tiếng đồng hồ, vợ chồng chị mới được nhân viên mang đồ ăn lên với thái độ khá khó chịu. Thậm chí, trước khi cô phục vụ rời khỏi phòng vẫn lẩm bẩm đủ để anh chị nghe thấy: "Đặt phòng thường mà cứ làm như khách VIP không bằng".

Lúc sau xuống sảnh, vợ chồng anh thấy cũng đúng là nhân viên đó nhưng có thái độ phục vụ rất tận tình, lễ phép với mấy ông khách Tây. Thậm chí, lúc anh đi ngang qua lễ tân và gửi chìa khóa, cô thậm chí còn không đáp lại mà đang bận chào hỏi những vị khách ngoại quốc kia. Anh chị khá bực mình nhưng chỉ biết ngán ngẩm lắc đầu. Anh Phương kể, đến khi ăn tối tại khách sạn, vợ chồng anh bảo nhau nói tiếng Anh thì y như rằng, thái độ phục vụ của nhân viên khác hẳn.

Tại một số cửa hàng, cứ thấy bóng dáng khách Việt, nhân viên bảo vệ sẵn sàng chạy ra can ngăn với nhiều lý do như hết đồ, cửa hàng đang tạm nghỉ. Hoặc nhân viên phục vụ cũng thờ ơ, khó chịu ra mặt với khách. Họ thanh minh rằng mình làm vậy là do thói xấu của người tiêu dùng Việt.

Đặc biệt, ở những khu phố cổ Hà Nội thường có rất nhiều khách du lịch nước ngoài. Vậy nên, người Việt mua hàng ở đây thường không lạ với những câu đuổi khéo: "Ở đây bán buôn chứ không bán lẻ", "size này hết hàng rồi". Kèm theo đó là những ánh mắt khinh khỉnh. Nhưng ngược lại, nếu là khách Tây thì thái độ khác hẳn. Nhìn thấy bóng khách từ xa, chủ cửa hàng đã vồn vã mời chào.

Đành giả vờ là Tây

Cũng chính từ đó nảy sinh một chuyện tưởng chừng khá nực cười. Nhiều khách hàng Việt, vì muốn được phục vụ chu đáo hơn, không ngần ngại "xổ" một tràng ngoại ngữ vay mượn chỉ để chứng tỏ mình cũng là... khách Tây.

Trên facebook cá nhân, K.N (37 tuổi, Hà Nội) kể: "Mình và bạn Tây cùng cầm trên tay ly nước uống. Bạn phục vụ ra hỏi có cần thêm đồ uống không, mình nói "Có", bạn Tây nói "Yes" (Có). Kết quả, bạn ấy được rót thêm đồ uống, mình thì không. Lúc sau, một bạn khác đến hỏi câu tương tự, mình rút kinh nghiệm nên nói "Yes, please". Kết quả, mình được rót thêm nước. Bạn phục vụ nói: "You look like Vietnamese" (Bạn trông giống người Việt Nam nhỉ). K.N kết luận: "Khi đi cùng với Tây, nếu muốn được phục vụ chu đáo, không nên giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ".

Cùng chung hoàn cảnh, Lâm Anh (30 tuổi, Hà Nội) tâm sự: "Giờ vào nhà hàng, khách sạn của Việt Nam, tốt nhất là không nên nói tiếng Việt nếu không muốn bị phân biệt đối xử. Mình biết vài chữ tiếng Hàn, tiếng Trung cũng phải nói hết, chí ít nhất người ta biết mình là Việt kiều. Cùng mất một số tiền để trả cho cùng đồ ăn, thức uống nhưng nếu bạn là người Việt, bạn sẽ bị coi thường ngay".

Lối ứng xử kỳ thị, phân biệt còn xảy ra phổ biến ở những cơ sở dịch vụ có nhiều khách nước ngoài. Anh Quốc Thanh (nhân viên văn phòng) chia sẻ: "Mình hay đi công tác nên đi máy bay thường xuyên. Mình thấy khá rõ cách ứng xử phân biệt người nước ngoài và người Việt Nam của các nữ tiếp viên".

Anh kể: "Lần đầu tiên, mình bê cốc nước ngọt xin cô tiếp viên vài viên đá, cô ấy thản nhiên lấy đá thả vào cốc làm nước bắn tung tóe vào mình và ông khách Tây ngồi ghế bên cạnh. Cô nữ tiếp viên rối rít xin lỗi và lấy khăn lau cho ông khách ấy, còn mình thì thản nhiên như không. Lần thứ hai, cả nhà mình đi nghỉ mát trên một hãng máy bay khác, thấy nhiệt độ thấp nên mình hỏi mượn chăn. Cô tiếp viên nói không có nhưng ngay sau đó, một vị khách nước ngoài hỏi chăn thì cô ấy lại lập tức mang ra. Mình thật sự rất không hài lòng về cách phân biệt đối xử như thế".

Hà Tuấn, một người bạn của anh Thanh, cũng góp chuyện : "Rút kinh nghiệm nên mỗi lần đi máy bay hay tàu thủy du lịch, mình đều giao tiếp bằng tiếng Anh".

Trong kinh doanh dịch vụ, các cửa hàng có thể xác định nhóm khách hàng tiềm năng để ưu tiên phục vụ, nhưng không nên vì thế mà đối xử không công bằng giữa khách Việt và khách nước ngoài. Bởi khách nào cũng là khách, không hẳn người nước ngoài đã nhiều tiền hơn, dễ tính hơn và không có những tính xấu như người Việt. Rõ ràng, cần xóa bỏ lối ứng xử dưới chuẩn trong văn hóa kinh doanh này.

Theo Nhị Anh (Vietnamnet)
Du lịch, GO!

Món ngon dân dã xứ Đoài

(VNE) - Người xứ Đoài (Sơn Tây, Hà Nội) có nhiều món ăn đặc sắc như bánh tẻ, nem Phùng, Gà Mía mang hương vị riêng biệt.
Thưởng thức những món ăn đậm chất dân dã, thôn quê để cảm nhận được văn hóa ẩm thực của một vùng quê Bắc Bộ.

Bánh tẻ Sơn Tây

Với cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, xứ Đoài luôn hấp dẫn du khách bởi làng cổ Đường Lâm nổi tiếng, ngoài ra nơi đây còn có một món ăn dân dã đặc biệt mà bạn nên thưởng thức. Người dân quê hồn hậu, chất phác ở đây thường có món bánh tẻ thay vì bánh chưng, bánh dày, xôi trong mâm cỗ. Chiếc bánh tẻ nhỏ xinh, dài dài bên trong có nhân thịt băm nhỏ, được trộn cùng với mộc nhĩ, ăn hoài không biết chán luôn được khách thập phương mua làm quà mỗi khi đến vùng đất này.

Thường gạo để làm bánh tẻ phải là gạo ngon, trắng, dẻo và thơm được ngâm kỹ và thay nước nhiều lần. Sau khi ngâm, gạo được xay nhuyễn để nước bột có màu trắng tinh. Bột để nước ráo cho đủ độ, được đem vào nồi sơ quánh lại cho sền sệt rồi mới đem ra gói, để bánh có độ dẻo mà vẫn giòn.

Công đoạn làm nhân bánh đơn giản nhưng cũng đòi hỏi sự khéo tay, nêm nếm gia vị sao cho vừa đủ. Thịt nửa nạc nửa mỡ được băm nhỏ, mộc nhĩ đen thái chỉ rồi đem xào sơ qua cùng với hành cho thơm, cho ngấm gia vị rồi mới đem gói. Lá dong cũng phải là loại lá nhỏ, xanh và dùng dây lạt tước nhỏ, quấn theo chiều dài của bánh.

Để bánh giữ nguyên được hương vị thơm ngon mà không bị nhão, người ta không cho bánh vào luộc và đem hấp cách thủy. Hơi nước làm bột chín đều, không bị nhão và nhân bánh cũng không bị nhạt. Chiếc bánh xinh xắn, mở lớp lá dong xanh, khúc bánh hiện ra màu trắng trong, tỏa hơi nóng, mùi thơm dịu nhẹ.

Bánh mật, bánh gai

Vào dịp Tết, ở một số gia đình thường làm bánh mật, bánh gai, một loại bánh dân dã được làm bằng bột nếp. Thường thì gạo nếp sau khi xay xong, để ráo nước rồi đem trộn với mật mía cho thật mịn. Nhân bánh làm bằng đỗ xanh, xào chín với đường, thêm chút dừa hay thịt mỡ luộc bằng nước đường rồi cho vào giữa bánh, gói lại thành hình vuông. Nếu là bánh gai thì thêm ít lá gai khô, luộc rồi băm nhỏ, trộn vào bột cùng mật mía.

Để gói các loại bánh này thường phải là lá chuối khô, sau đó cho bánh vào nồi hấp cách thủy sao cho đủ độ chín, bánh không nát mà cũng không bị cứng quá.

Để ăn bánh mật, bánh gai, người thưởng thức cũng phải rất cầu kỳ khi tước nhỏ từng sợi lá chuối, nếu không bánh sẽ bị dính hết vào lớp lá, lộ hết lớp nhân bên trong. Khi bóc ra, bạn sẽ thấy một màu nâu hay đen mỏng tang, bao bọc lấy lớp nhân đậu xanh thơm thơm cùng mùi mật mía, lá gai, lá chuối khô tạo thành một hương vị độc đáo, đậm chất thôn dã.

Kẹo dồi

Món đồ ăn chẳng cao lương mỹ vị, mà lại rất giản dị cũng luôn hấp dẫn du khách. Nguyên liệu làm kẹo dồi đơn giản, thường được làm từ mạch nha, đường và lạc nhưng đòi hỏi phải có sự kỳ công và khéo léo của người làm. Nấu mạch nha phải đến độ keo nhất định, không lỏng quá cũng không quá cứng để “đánh” kẹo thành công. Vì thế người làm phải có sức khỏe và sự bền bỉ.

Cả khối đường được dàn mỏng, càng mỏng càng tốt, rồi cho hỗn hợp nhân lạc đã nhào đường, mạch nha vào giữa, cuốn tròn lại thành hình dồi chó. Chờ nguội đủ độ, lấy dao cắt vát thành những khoanh kẹo như những miếng dồi.

Sau khi ngắm cảnh thôn quê, ngồi bên quán trà đầu làng, thưởng thức món kẹo dồi trắng phau bên chén trà xanh ngát hương, bạn sẽ cảm thấy cuộc sống nơi đây thật thú vị.

Nem Phùng nổi tiếng

Những quả nem vuông vắn, khi mở ra thơm nức mùi thính gạo, của bì lợn, mùi hăng hăng của lá sung… khiến bất kỳ ai một lần ăn cũng nhớ mãi. Món nem Phùng đặc biệt bởi việc chọn nguyên liệu cầu kỳ, chế biến cũng rất công phu. Để làm nem Phùng ngon, người ta phải chọn thịt mông sấn có nạc, có mỡ, ngoài bì phải sạch lông. Dựa theo thớ mà người chế biến cắt ra từng khúc, sau đó nhúng nước sôi cho tái rồi vớt ra, lọc bì riêng, thịt nạc, thịt mỡ riêng.

Bì lợn phải luộc hai lần cho đến khi bì mỏng và trong rồi thái sợi chỉ mảnh, vừa thơm, vừa giòn. Thịt nạc, thịt mỡ cũng đem thái nhỏ xíu như hạt đỗ xanh, mỡ càng mỏng và nhỏ hình con chì, trộn một ít gia vị như muối tiêu, nước mắm ngon, mì chính gia giảm đúng liều lượng.

Gạo để rang thính làm nem phải là gạo nếp quýt pha lẫn gạo tẻ theo đúng tỉ lệ để thính xốp và thơm. Rang gạo làm thính cũng rất công phu, làm sao để cho đủ nhiệt, lên màu vàng như cánh gián. Sau đó bột thính trộn đều với nhân thịt. Để cho nem ngon, người ta trộn bì vào sau. Lá gói nem cũng phải là lá chuối tây, còn xanh, rửa sạch phơi ráo nước, sau đó gói kín nhân buộc lại bằng lạt, giữ ấm vài ngày là có thể ăn được. Nem Phùng phải ăn kèm với lá sung non, lá đinh lăng, chấm với nước mắm pha chua ngọt và có độ cay mới thưởng thức được hết hương vị thơm ngon của món ăn quê mùa, dân dã này.

Gà Mía xứ Đoài

Nhắc đến xứ Đoài thơ mộng, người ta không thể quên nói về giống gà Mía nổi tiếng. Trong mâm cỗ ngày lễ, giỗ chạp, thờ cúng, ngày Tết, món gà Mía luộc bao giờ cũng được nhiều người ưa chuộng.

Gà Mía là giống gà thuần chủng được nuôi dưỡng và bảo tồn tại vùng Đường Lâm từ rất lâu đời. Đây là giống gà có trọng lượng vừa phải, khi luộc chín tới, để nguội, chặt miếng thịt gà to bằng bao diêm, rắc lá chanh thái chỉ, thịt trắng, dai chắc và đặc biệt thơm ngon. Thịt còn nguyên lớp da, dưới là lớp mỡ mảnh, ngọt mà không ngấy, không béo như một số loại gà khác.
Khi ăn cùng với miếng dưa cần muối xổi khiến vị béo của mỡ, vị thơm ngọt của thịt gà hòa trong vị chua giòn của dưa cần khiến người ăn nhớ mãi.

Theo Anh Phương (Vnexpress)
Du lịch, GO!

Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2014

Khám phá Bình Lập

(DNSG) - Cách Nha Trang khoảng 90km và cách trung tâm thành phố Cam Ranh khoảng 30km, Bình Lập, một thôn nhỏ của xã Cam Lập đang được giới du lịch chú ý bởi nơi đây có nhiều bãi biển rất đẹp và một làng chài nằm dưới chân núi khá nên thơ.

Bình Lập là một thôn nhỏ của xã Cam Lập (Cam Ranh). Vùng biển này chỉ mới được đánh thức vài năm trở lại đây. Ngày trước, muốn đến Bình Lập phải đi ghe mất hai tiếng từ Cảng Ba Ngòi bởi thôn này nằm biệt lập với đất liền, sau lưng là núi bao bọc, trước mặt là biển khơi mênh mông. Dân cư sống rải rác trên ba khu vực là Bãi Ngang, Bãi Lao và Tàu Bể. Từ năm 2007, con đường dài hơn mười cây số nối liền từ xã Cam Lập vào tận làng Tàu Bể, điểm cuối cùng của Bình Lập mới được xây dựng. Con đường này còn có một nhánh rẽ đi vào tỉnh Ninh Thuận dọc theo biển.

< Đường vòng qua núi dẫn vào Bình Lập.

Từ trung tâm thành phố Cam Ranh, đi về hướng Nam, qua cầu Mỹ Thanh có đường rẽ trái vào xã Cam Lập. Đi khoảng sáu cây số thấy một ngã ba, rẽ phải sẽ đi vào Ninh Thuận qua Bình Tiên, Vĩnh Hy, rẽ trái theo hướng lên núi là đi vào Bình Lập. Trước đây, Bình Lập còn nổi tiếng là điểm đến của những người đi tìm đá quý. Họ cho rằng, địa thế của Bình Lập nằm dưới chân núi Chúa (giữa Khánh Hòa và Ninh Thuận) nên trong rừng, dưới các khe suối thường tích tụ nhiều đá quý.

Hôm ấy chúng tôi rẽ trái, lên núi để đi vào Bình Lập. Bắt đầu lên dốc, một khung cảnh rất đẹp hiện ra trong tầm mắt. Nhìn xuống bên dưới những ô vuông nuôi trồng thủy sản, rừng dừa, xa xa là biển xanh. Con đường phía trước quanh co đèo dốc. Một bên là núi, cây rừng trùng điệp, một bên là biển thấp thoáng xa xa. Lác đác đây đó vài mái nhà giữa vườn cây cối xanh um, những quán lá bên đường đơn sơ, dân cư thưa thớt.

Nhìn về phía trước con đường chỉ thấy bạt ngàn cây xanh. Dân phượt thích chọn đi xe máy vì vừa cơ động, lại được ngắm cảnh, chụp hình tùy thích, và dừng lại bất cứ nơi nào để nghỉ chân hay ăn uống rồi đi tiếp. Đường đi tốt nhưng khá quanh co, đèo dốc. Một bên đường là núi có những tảng đá thật to, cây rừng trùng điệp, một bên là biển thấp thoáng xa xa bên dưới.

Bảng chỉ dẫn đầu tiên trên đường là lối vào một resort. Đây cũng là đường đi xuống Bãi Ngang. Nhưng chúng tôi chưa vội dừng lại hay rẽ xuống vì cuộc hành trình vẫn còn nhiều điểm lý thú phía trước. Hết con đường nhựa rồi đến đường bê tông, cảnh vật hai bên đường quá đẹp khiến ai nấy đều háo hức.

Lác đác đây đó vài mái nhà, vườn quanh nhà cây cối xanh um, mát mẻ, những cái quán bên đường đơn sơ, dân cư thưa thớt. Đoàn qua khu vực Bãi Lao (còn gọi là Bãi Mũi cây nhao) có các bãi tắm, đây chỉ là nơi kinh doanh du lịch tư nhân tự phát, chủ yếu phục vụ khách dã ngoại cuối tuần.

Cuối cùng chúng tôi cũng đến làng Tàu Bể, là nơi tập trung dân cư đông nhất Bình Lập. Nghề chính của người dân ở đây là đánh bắt thủy sản. Nếu trước đây khi chưa có đường thông từ xã Bình Lập đến Tàu Bể nên cuộc sống người dân khá khó khăn thì giờ đây, đường đi trong làng đều đã được bê tông hóa, nhà cửa khá khang trang.

Điểm dừng chân kế tiếp của cả đoàn là Bãi Lao, một bãi biển đẹp và hoang sơ dài đến mười cây số. Bãi Lao quanh năm sóng êm vì kín gió, nước trong xanh nhìn thấy tận đáy. Những tảng đá thật to nằm rải rác trên cát, dưới nước, ngoài xa. Những chiếc thuyền đánh cá thấp thoáng trên biển.

Đặc biệt là cát trắng mịn và sạch. Nhìn bên tay phải xa xa là Bãi Ngang có khu resort với phi lao vươn ra đến sát biển. Nhìn hướng ngược lại và men theo bờ biển mà đi sẽ về lại bãi biển trước làng Tàu Bể.

Đã có một số khu nghỉ dưỡng quy mô nhỏ, bình dân (trừ resort Ngọc Sương tương đối cao cấp) mọc lên phục vụ nhu cầu ăn uống vui chơi cho khách địa phương trong vùng lẫn khách xa lưu lại như Bình Châu, Hai Tèo…

Trong đó, Bình Châu có bãi tắm sạch đẹp nhất và nhà nghỉ tiện nghi. Tuy nhiên, dù cao cấp hay bình dân, tất cả đều được hưởng bình đẳng những cảnh đẹp mà thiên nhiên mang lại. Và đó cũng chính là cái mà du khách cần, chứ không phải là những dịch vụ phiền toái rầy rà bám theo.

Dạo chơi một vòng tham quan, tìm hiểu đời sống bà con làng chài, chúng tôi quay trở lên và chọn địa điểm cắm trại ở bãi tắm Bình Châu. Sau khi thuê nhà mát, đặt thức ăn trưa, chúng tôi bắt đầu khám phá Bình Lập. Bãi tắm trước mặt khá đẹp có tên là Bãi ngang. Từ bên trong nhà mát nhìn ra bờ cát trắng mịn, sạch, mặt biển phẳng như gương, nước xanh biếc.

Nhiều dân phượt có kinh nghiệm du lịch bụi cho rằng, muốn khám phá hết vẻ đẹp của Bình Lập nên bắt đầu đi từ đảo Bình Ba rồi vòng vô bán đảo Bình Lập đi kết hợp nhiều phương tiện và quan trọng là nên mang theo máy hình chụp dưới nước vì không thể bỏ qua những hình ảnh thu được bên dưới đại dương.

Cảnh quan kỳ vĩ, hải sản tươi ngon, con người chân chất, giao thông thuận tiện…, có lẽ nay mai Bình Lập sẽ vươn mình lên một tầm cao mới xứng đáng hơn. Không biết đó có phải là điều mà dân cư ở đây mong mỏi hay không. Còn trong lòng du khách chỉ mới một lần ghé qua như tôi thì chỉ luôn mong muốn Bình Lập mãi là nơi bình yên để tìm về, đừng bao giờ lột xác thành… Pataya ở Thái Lan.

Theo Kim Duy (Doanh Nhân Sàigòn)
Du lịch, GO!

Hoang sơ Bình Lập
Sáu ngày đêm dzọc nát Bình Tiên - Bình Lập

Đáng ngưỡng mộ taxi ở Nhật Bản

(Giải trí) - Không tham một xu của khách, luôn đàng hoàng, đúng mực tài xế taxi ở Nhật có quá nhiều điều khiến người nước ngoài đến Nhật phải ngưỡng mộ.

Nhật Bản là quốc có cước phí taxi đắt nhất tại châu Á, giá taxi tại các thành phố lớn như Tokyo, Kyoto, Nagoya, Hiroshima hay Nagasaki tương đối đồng đều, khoảng từ 500 - 600 yên cho một cây số (tương đương khoảng 105 - 115 nghìn đồng Việt Nam/cây số đầu tiên, các cây số sau có giảm hơn một chút, khoảng 450 - 500 yên), gần gấp 2 lần tại New Zealand và gấp 7 lần so với New Delhi, Ấn Độ.
Ở các vùng quê giá taxi có thể lên đến 650 hoặc 700 yên, tức khoảng 140.000 đồng/cây số. Giá cao chất lượng dịch vụ mà khách đi taxi được hưởng có thể nói rất xứng đáng. Và nhìn từ những lái xe taxi Nhật, thế giới có rất nhiều điều để ngưỡng mộ.

Ưu điểm

- Chất lượng xe, dịch vụ tốt

Taxi ở Nhật thường là Toyota Prius, Toyota Crown, Toyota Comfort, Toyota Crown Sedan, Nissan, rất đẹp và sang trọng.

Nhật không quy định về kiểu dáng và màu sắc xe nên taxi ở Tokyo cũng như nhiều thành phố du lịch lớn có rất nhiều màu sắc đỏ, hồng, xanh lá cây, đen rất sinh động đẹp mặt. Riêng ở Osaka, taxi có màu đen chủ yếu.
Đi kèm với xe sang là giá cao. Thế nên mới có chuyện không ít khách Việt sang Nhật vô tư gọi taxi bảo chở đi quanh Tokyo xem một vòng, lúc xuống thanh toán vài trăm đôla Mỹ là bình thường.

Khách có thể đón taxi ở các điểm đỗ xe bus, không cần thiết phải biết số taxi thì mới có thể đi taxi được. Phía bên trong xe nơi tài xế ngồi thường có vách ngăn bằng nhựa rất cứng, có lẽ để ngăn khả năng tài xế bị tấn công từ phía sau.

Tài xế luôn cúi chào khách lịch sự. Tài xế không cầm tiền từ khách mà luôn có khay đựng tiền. Tài xế luôn mặc áo sơ mi sơ vin phẳng phiu (màu trắng hoặc xanh dương), tay đeo găng tay, vận chuyển mọi hành lý để khách không phải động tay.

- Đàng hoàng, công khai với khách

Khi đi taxi ở Nhật, khách sẽ được hỏi đi từ đâu đến đâu, tài xế lập tức sẽ nhẩm xem khách sẽ tốn khoảng bao nhiêu tiền và thường sẽ khuyên khách đi tàu điện ngầm cho tiết kiệm. Trong nhiều trường hợp, tài xế không đi đường dài mà chở khách đến ga tàu điện ngầm hướng dẫn khách vào quầy hỏi thông tin để đi tàu điện ngầm.

- Không tham của khách dù một đồng

Khi đi taxi mà con số cuối cùng là gần chẵn, ví dụ khoảng 998 yên, khách đưa 1000 yên, tiền thừa phải trả lại chỉ 2 yên, tương đương khoảng 400 đồng Việt Nam, thường khách sẽ bỏ qua con số đó hoặc thậm chí tài xế nhiều nơi cố tình lờ đi không trả lại khách thì tài xế taxi ở Nhật sẽ bằng mọi cách trả lại cho khách, không nhận thêm dù chỉ một đồng.
Trong nhiều trường hợp, dù còn khoảng 100-200 mét mới đến địa điểm nhưng đồng hồ tính cước tắc xi đã lên mức chẵn, ví dụ khoảng 1000, 2000 yên, tài xế sẽ tự động ngắt đồng hồ để không tính thêm tiền của khách.

- Không chấp nhận chở quá số người quy định

Người Nhật nguyên tắc và tuân thủ luật pháp chặt chẽ trong việc chở khách bằng taxi. Chưa bao giờ có ai có thể thuyết phục để đi quá số người theo quy định, với mỗi xe taxi khoảng 4 người. Nếu chỉ thừa thêm một người thôi cũng sẽ phải chuyển sang xe khác.

- Cơ hội việc làm dành cho mọi người

Ở Nhật, biết lái xe, hiểu đường phố và có đủ sức khỏe thì dù cơ thế có tật sẽ vẫn có thể trở thành tài xế taxi. Với kinh nghiệm từng đi đến phần lớn các trung tâm và thành phố du lịch lớn nhất của Nhật, tôi từng chứng kiến rất nhiều tài xế taxi chỉ cao khoảng 1 mét 50, thậm chí chân hơi khèo, đi lại rất chật vật khó khăn, tôi cảm thấy mình lành lặn mà để họ chuyển hành lý cho mình tôi thấy vô cùng ái ngại nên cố gắng tự vác hành lý lên xe. Thế nhưng họ từ chối sự giúp đỡ của tôi và lịch sự trả lời họ là tài xế để họ tự thực hiện trách nhiệm của mình.

- Thích nói chuyện với khách

Trong một số lần đi taxi, không biết có phải vì may mắn không nhưng tôi hay được gặp nhiều tài xế thích nói chuyện với tôi. Họ hỏi tôi đi đâu, làm gì, đến nước Nhật làm gì và gợi ý cho tôi một số địa điểm du lịch nổi tiếng mà tôi nên đến. Cũng có khi họ chia sẻ cho tôi những thông tin địa điểm nào cần đặt trước, số tiền bao nhiêu, khu vực nào trong đó đẹp.

Nhược điểm

- Ngoại ngữ không tốt

Đi taxi rất nhiều lần ở Nhật tại nhiều địa điểm khác nhau ở Nhật, tôi mới chỉ thấy 2 tài xế ở Kyoto và Hiroshima nói được chút ít tiếng Anh, còn lại họ không thể hiểu tiếng Anh dù những câu đơn giản nhất. Thế nhưng khách có thể khắc phục điều này bằng cách giơ hình và địa chỉ nơi mình cần đến cho tài xế, việc đi lại dù tài xế không biết ngoại ngữ cũng không vì thế mà ảnh hưởng nhiều.

- Không thực sự rành đường

Dù có rất nhiều điểm cộng nhưng không hiểu biết nhiều về đường phố là điểm yếu cần cải thiện của tài xế taxi Nhật. Rất nhiều trường hợp khi đến nơi tôi mới biết địa điểm tôi cần đến chỉ cách nơi tài xế đỗ xe khoảng 1-2 km mà tài xế đi lòng vòng mãi không đến hoặc phải gọi lên tổng đài hỏi rất lâu mới ra được đường. Tuy nhiên ngay cả trong việc này người Nhật cũng bộc lộ bản chất tuyệt vời. Khi phát hiện ra đi nhầm đường, tài xế lập tức sẽ chỉnh lại đồng hồ tính cước về 0 hoặc giảm đi rất nhiều để khách không chịu thiệt.

Ở Nhật, trong một số trường hợp, giá taxi nhiều khi rẻ hơn giá tàu điện ngầm: Nếu nhìn theo con số, giá taxi ở Nhật thực sự đắt đỏ. Nhưng khi đi một nhóm đông khoảng 4 người và khoảng cách không quá xa, tương đương khoảng 1,2 ga tàu điện ngầm, lựa chọn tốt hơn lại là taxi. Vì khi chia ra theo số đầu người, số tiền thực bỏ ra còn thấp hơn so với đi tàu điện ngầm mà khách không phải đi bộ xa, không phải chờ đợi mua vé.

Dù cũng có một số điểm trừ nhưng có thể nói tài xế taxi ở Nhật thực sự có nhiều điểm để khách du lịch nhớ và tôn trọng cũng như để tài xế nhiều nước khác đáng học hỏi.

Theo Ngọc Diệp (Tri Thức Trẻ)
Du lịch, GO!

Con ghẹm vùng Đất Mũi

(TBKTSG) - Ca dao có câu: “Le le vịt nước bồng bồng / Con cua, con ghẹm, con còng mấy chân?”. Câu đố nhưng rất dễ trả lời vì cua, còng và ghẹm đều rất giống nhau về ngoại hình kể cả càng và ngoe, có điều mỗi loại khác nhau ở kích thước lớn nhỏ mà thôi. Với người nông dân vùng sông nước lợ và mặn, ghẹm là một loài thủy sản quá đỗi thân thuộc; nó còn được gọi là rệm hoặc rạm, tùy vùng. Thoạt trông rất giống cua, nhưng ghẹm có đôi càng to, mai lồi lõm, xù xì.

Cứ khoảng tháng 9 tháng 10 âm lịch, khi những cơn mưa trút xuống xối xả là bắt đẩu vào mùa ghẹm. Người ta để mồi cá tép ươn đã bốc mùi cùng cám rang dùng lờ hoặc lú sẽ bắt được nhiều ghẹm. Nhưng bắt được nhiều nhất là vào những đêm mưa gió tầm tã. Riêng ở đầm Thị Tường (Trần Văn Thời, Cái Nước thuộc tỉnh Cà Mau), “vào mỗi con nước rằm hay ba mươi, ghẹm nhiều vô số. Lớp vô lú, lớp bu đầy bập dừa thả lềnh bềnh ngắm trời chơi” (Nguyễn Ngọc Tư, “Nước chảy mây trôi”).

Còn ở huyện U Minh thì hằng năm, cứ vào tháng 8 và tháng 9 âm lịch, con sông Biện Nhị đầy tràn những con ghẹm... Ghẹm là loài sinh vật giống cua biển nhưng lớn nhất cỡ ngón chân cái. Tới mùa, người địa phương đổ xô bắt ghẹm ướp nước đá chở lên Sài Gòn bán. Đó là chuyện bây giờ, chứ xưa kia ghẹm là tai họa đối với cư dân xứ nầy. Người ta chỉ dùng ghẹm cho gà vịt ăn là quá lắm.

Con ghẹm đã thành hàng hóa từ hàng chục năm nay, khiến nông dân mảnh đất Cà Mau có thêm nhiều thu nhập.

Người địa phương ngoài bán còn chế biến ghẹm thành khá nhiều món ăn ngon. Nhưng để có những món ăn ngon từ ghẹm, phải biết cách chọn ghẹm cho từng cách chế biến. Những con ghẹm có cặp càng lớn đem rang hoặc lăn bột chiên ăn với cơm rất ngon, mà nhậu thì hết ý với con cái gạch son luộc chấm muối chanh ớt.

Trong bữa cơm, ghẹm trở thành món canh chủ lực khiến ai cũng gắp “oằn đũa”: canh chua. Trước tiên rửa ghẹm thật sạch, bóc yếm bẻ đôi, tách càng và ngoe (gọng). Tất cả ướp hành lá giã nhuyễn, thêm chút đường, chút nước mắm nhĩ cùng một ít tiêu, trộn đều. Bắc chảo lên bếp lửa, phi tỏi thật thơm rồi cho ghẹm vào, xào sơ. Khi mùi thơm của ghẹm bốc lên thì cho cà chua xắt miếng cau vào, đảo đều rồi xớt vào nồi, đổ nước vào một lượng vừa đủ. Nồi canh sôi bùng thì thêm me, nhưng trái giác mới đúng điệu, vào cùng một mớ rau ghém (bắp chuối xắt). Ghẹm chín, nêm nếm vừa ăn múc ra tô, rắc thêm tiêu, dọn ra bàn, bảo đảm nồi cơm hôm đó không còn một hột. Canh chua ghẹm càng ngon hơn vào những hôm mưa gió sụt sùi, nó còn tăng thêm sức đề kháng cho con người.

Ghẹm còn được chế biến thành một số món ăn ngon, như chiên nước mắm, hấp bia, rang me, rang muối ớt... Nhưng cái món khoái khẩu của dân nhậu vùng đất cuối trời nầy không gì bằng ghẹm rang mặn. Ghẹm rửa sạch, tách mai và yếm, cắt bớt chân, chú ý giữ nguyên lớp gạch chéo trên lưng ghẹm. Ướp ghẹm với chút muối, cho vào ơ, chế dầu ăn vào, đảo đều. Đun chừng mười phút thì ghẹm chín, thêm đường, tương ớt vừa ăn, trước khi tắt bếp thì cho vài miếng chanh giấy xắt chỉ cùng sả giã hoặc tiêu là đã có”mồi bén”, nhậu quên... say. Mê nhất là lớp gạch chéo trên lưng ghẹm béo không gì bằng!

Những khi ghẹm nhiều quá, “trúng đậm”, ăn hoặc bán không hết, người ta muối ghẹm để dùng dần. Ghẹm rửa sạch, sắp vô chum. Nước muối nấu sôi, để nguội, đổ ngập, đậy kín. Chừng mười ngày sau thì đem mắm ghẹm ra giằm nhiều ớt tỏi. Mắm ghẹm ăn với cơm hoặc bún đều rất... hao.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư trong bài “Nước chảy mây trôi” cho biết: “ Ở đầm (Thị Tường) người ta cầu kỳ ghê lắm, muối toàn là ghẹm cái, loại nhiều gạch nhất, ăn vừa mặn lưỡi vừa béo ngậy. Rồi hỏi về mắm, dù mùa cá hội đã qua lâu lắm rồi nhưng nhà nào cũng còn hũ mắm (ghẹm) chưa giỡ, chỉ cần hé cái nắp đậy một chút đã nghe thơm lừng lựng mũi”.

Người dân sống dọc các con sông Cái Tàu, Cái Đôi Vàm... (Cà Mau) dù rất “quen thân” con ghẹm vậy mà vẫn chắc lưỡi “kêu” dữ trời: “Giữa trưa mà ăn cơm nguội với ghẹm muối thì chết rất uổng, nhưng phải muối cho thiệt mặn nghen!”.

Theo Phương Kiều (The Saigon Times)
Du lịch, GO!