(TTO) - Le le là một loài chim trời, thường sống ở những đồng cỏ hoang vu, nơi có nhiều lung bào, nhất là ở Đồng Tháp và vùng tứ giác Long Xuyên.
Le le thân hình cũng giống như vịt nhưng con lớn nhất chỉ nặng khoảng 300g. Nếu so với vịt trời, le le có trọng lượng chỉ bằng phân nửa, nhưng thịt lại ngon, bổ và mắc hơn nhiều lần. Mặc dù các chuyên gia ẩm thực chưa khẳng định thịt le le bổ dữỡng như thế nào nhưng theo kinh nghiệm dân gian, thịt le le là một món ăn có đẳng cấp, một loại thực phẩm giá trị dinh dưỡng cao, có khả năng tăng cường sinh lực cho nam giới.
Bởi thế dân gian mới có câu:
Thương chồng nấu cháo le le
Nấu canh bông bí nấu chè hạt sen...
< Le le xào bầu.
Cũng chính vì vậy thịt le le từ lâu đã trở nên quý hiếm, giá cao hơn thịt vịt gắp nhiều lần. Giới sành điệu ẩm thực thì coi đây là “hàng độc”, nằm trong nhóm đại bổ “le le - hải sâm - tắc kè - đuôn chà là…” chỉ dành riêng cho giới thượng lưu, người bình dân ít có dịp thưởng thức.
Thịt le le vừa ngon ngọt, vừa bổ dưỡng lại phối ngẫu với bầu nên càng đậm đà thi vị, vượt trội các loài gia cầm khác. Ở vùng bưng biền, các bà nội trợ thường chế biến le le thành nhiều món ngon độc đáo như nấu cháo, luộc, ruti nước dừa…đặc biệt là món “le le xào bầu”.
Le le hiện nay phần lớn đều bắt từ thiên nhiên. Một số ít người nuôi để cung cấp thịt cho các nhà hàng hoặc xuất sang Trung Quốc với giá 450.000 - 500.000 đồng/con). Ở một số nơi như Tây Ninh, An Giang đã có một số người nuôi le le thịt thành công theo mô hình bán hoang dã để cung cấp thịt cho các nhà hàng.
Còn bầu vốn là món ăn dân dã quanh quẩn trong các bếp nghèo với các món ăn đơn sơ như bầu nấu canh, bầu xào, bầu luộc, bầu kho… và đã đi vào văn học với nhiều món ẩm thực dân gian đầy thú vị. Nhưng ngày nay bầu cũng đường hoàng bước vào nhà hàng, quán ăn sang trọng và có mặt trên các thưc đơn với nhiều kiểu cách như cá lóc hấp bầu, vịt xào bầu, đặc biệt là món le le xào bầu… món nào cũng “danh bất hư truyền”.
Muốn thưởng thức món nầy chúng ta có thể đến một nhà hàng đặc sản nào đó ở các tỉnh miền Tây hoặc mua le le về tự chế biến.
Cách làm le le cũng giống như làm vịt, nghĩa là phải cắt cổ, nhổ lông, mổ bụng, làm sạch rồi chặt ra từng miếng nhỏ cho vừa ăn. Nhiều người sành điệu về ẩm thực khi làm le le không cắt cổ để giữ máu lại. Nhờ vậy thịt nấu chín mới trở thành món ngon tuyệt vời.
Thịt đem ướp thịt với tiêu, hành, tỏi. ớt, nước mắm, bột nêm và chút rượu độ 15 phút cho thấm đều. Kế đến bắc chảo lên xào cho đến khi thịt săn lại. Tiếp theo cho bầu vào xào chung, thêm nhiều hành cọng hoặc hành lá. Bầu, nên chọn những trái còn tươi, không quá non, cũng không quá già, gọt vỏ, xắt miếng nhỏ, dài chừng 5 cm.
< Le le nuôi trong môi trường bán hoang dã.
Với bàn tay khéo léo của người nội trợ, món le le xào bầu có thể trở thành một món ăn hấp dẫn, vừa thơm tho vừa quyến rũ. Sở dĩ bầu trở thành món ăn đa phong cách như thế bởi vừa mềm, ngọt dịu, đậm đà hương vị đồng quê. Một dĩa le le xào bầu vừa dọn ra đã bốc mùi thơm phức nhờ người nội trợ biết chăm chút từ cách xào, cách chọn gia vị và nêm nếm cho vừa ăn.
Nên nhớ, khi xào đừng để cho bầu chín quá sẽ mất ngon. Thịt bầu còn hơi giòn là hấp dẫn nhất. Bầu xào le le hoặc xào thịt vừa ngon, ngọt, vừa đậm đà, mùi vị đặc trưng nhờ nước bầu và gia vị thấm vào thịt, đồng thời thịt cũng thấm vào bầu.
Le le xào bầu được coi là món chính trong bữa cơm. Và nước chấm phải là thứ chua - cay - ngọt hoặc nước tương mới đúng điệu. Chỉ cần thưởng thức một lần thôi cũng sẽ nhớ mãi món ăn vừa dân dã vừa cao sang này...
Theo Hoài Vũ (báo Tuổi Trẻ)
Travel79.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét