(BCT) - Cuối tuần, mấy người bạn rủ rê nhau: 'Đi chơi Bình Dương đi?'. 'Lên đó làm gì?'. 'Làm thợ gốm!'. Cả bọn chúng tôi chưa một người nào trải qua nghề này nhưng vừa nghe đến đã thấy thích. 'Ừ, đi!'. Thế là cả bọn khăn gói chạy xe gắn máy thẳng tiến Bình Dương.
Đến thị xã Thủ Dầu Một, sau một vài lần hỏi đường và nói rõ mục đích của chuyến đi là muốn đến những lò gốm còn làm thủ công để trải nghiệm, một người dân địa phương nhiệt tình hướng dẫn. Theo hướng dẫn của anh, chúng tôi vòng vèo qua vài ngã tư rồi đến một con đường nhỏ dẫn vào nhiều lò gốm truyền thống, được duy trì theo kiểu cha truyền con nối ngay trung tâm thị xã Thủ Dầu Một.
< Cổng của một lò gốm thủ công được trang trí bằng những sản phẩm bằng gốm sứ lỗi, hỏng.
Người dân ở khu vực này khá thân thiện. Khi chúng tôi xin vào tham quan các quy trình làm gốm để tìm hiểu về nét văn hóa truyền thống của 'đất Thủ', các chủ lò gốm tươi cười bảo: 'Tham quan thì được thôi. Thích công đoạn nào, cũng có thể làm thử một vài mẫu cho biết'. Không những chị chủ lò nhiệt tình mà các nghệ nhân, thợ làm gốm ở đây đều tỏ ra thân thiện như đón khách quý ở xa mới về. Chúng tôi thầm nghĩ, nếu phát triển du lịch ở vùng đất này, sự nhiệt tình và am hiểu nghề của người dân địa phương đủ làm nên một sản phẩm du lịch độc đáo bên cạnh một làng nghề truyền thống có gần 200 năm tuổi này.
< Quy trình làm gốm bắt đầu từ việc chọn mẫu đất.
Chúng tôi được hướng dẫn ra khu vực chắt lọc tinh chất của đất sét trước khi pha chế chúng thành nguyên liệu chính để làm gốm. Tại Bình Dương, có nhiều mỏ đất sét rất tốt phục vụ nghề gốm.
Được biết, theo dòng lịch sử, những dòng người từ Trung Quốc sang Việt Nam lập nghiệp đã đến vùng đất Thủ này mang theo nghề làm gốm. Cũng đồng thời một mỏ đất và cách chắt lọc tinh tế làm nguyên liệu, tùy từng gốc người mà sản phẩm gốm ra lò khác nhau mang tính đặc trưng.
< Đất sét đã chắt lọc và nhào nặn kỹ được đặt lên bàn xoay để tạo hình.
Người gốc Quảng Đông thường chế tác gốm với nhiều màu sắc trang nhã, phần lớn dùng vào việc trang trí.
Người gốc Triều Châu hoặc người Hẹ lại sử dụng men trắng để trang trí các đồ gốm gia dụng với những hình ảnh phong cảnh, con vật. Trong khi đó, người gốc Phúc Kiến lại sử dụng màu men nâu đen để trang trí ché đựng rượu, lu, vại chứa nước...
< Mang bán thành phẩm đi phơi nắng, sau đó sẽ được lựa chọn, kiểm tra rất kỹ trước khi đưa nung.
Ngày nay, bên cạnh các cách làm truyền thống mang tính đặc trưng riêng, lớp người trẻ ở Bình Dương đã đưa công nghệ vào sản xuất những sản phẩm đa dạng với nhiều cách làm khác nhau, tạo sự phong phú cho sản phẩm, đáp ứng nhu cầu sử dụng gốm cao cấp trong việc trang trí gốm, sử dụng hàng ngày của thị trường nội địa và xuất khẩu.
< Những bán thành phẩm được xếp trong lò nung. Lò nung kiểu cũ vẫn đun bằng củi, than đá.
Bắt tay vào làm, chúng tôi mới cảm nhận được nỗi cực nhọc của nghề. Khó nhất là khâu tạo hình sản phẩm. Từ cục đất vô tri, nghệ nhân đã đưa hồn vào sản phẩm qua đôi tay khéo léo và sự sáng tạo của mình. Với một cục đất trên tay và chiếc bàn xoay trong chốc lát, họ đã tạo ra được sản phẩm gốm thô có hình dáng, kích thước tùy ý.
< Sau khi được đưa ra khỏi lò và để nguội sẽ đến công đoạn tráng men trang trí. Những công nhân này đang tô điểm cho những sản phẩm đã ra lò. Các làng nghề gốm sứ đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động trong và ngoài địa phương.
Nhưng chúng tôi phải làm đi làm lại nhiều lần mới tạo dáng được một sản phẩm có kích thước nhỏ. Nhưng khi lấy sản phẩm khỏi bàn xoay thì nó méo mó, trông rất buồn cười. Chỉ mới khâu tạo hình thôi đã thấy khó khăn rồi, nói chi đến khâu trang trí, tráng men tạo hoa văn đẹp cho gốm.
< Thành phẩm cuối cùng sẽ như thế này đây.
Dễ nhất có lẽ là đổ khuôn cho gốm. Khuôn được làm sẵn, chỉ cần đổ nguyên liệu đất sét và các phụ gia vào, chờ khoảng 20-30 phút thì phá khuôn, lấy sản phẩm ra gọt bỏ phần dư thừa là cơ bản xong phần tạo hình nhưng khi lấy khuôn ra, sản phẩm còn mềm, không khéo tay sẽ làm hỏng sản phẩm. Chúng tôi may mắn được chủ lò cho vẽ thử trên sản phẩm. Từ sản phẩm gốm thô, chúng tôi được tự tung tự tác với những màu sắc và cọ, tạo hoa văn tùy ý. Tất nhiên, các mẫu chúng tôi làm ra khó tạo được sự hài hòa, tinh tế như các nghệ nhân.
Suốt gần một ngày vật lộn với đất sét và màu, chúng tôi quên cả cái nóng hầm hập có đến 38-39°C ở bên ngoài và cả bữa ăn trưa. Cục đất vô tri nhưng có sứ hút kỳ lạ. Bởi thế cũng là đất sét của trăm năm trước nhưng trải qua thời gian và đôi tay khéo léo, cái hồn của nghệ nhân, muôn vạn sản phẩm ra đời, hình thành một nghề truyền thống đặc trưng của đất Thủ, nổi tiếng ở khắp nơi.
Gốm Bình Dương ngày nay đã trở thành nguồn lợi kinh tế lớn. Chúng không chỉ có mặt ở thị trường nội địa suốt gần 200 năm qua và còn được đóng thành container xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới...
Theo Thành Nhan (báo Cần Thơ)
Travel79.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét