Troh Bư (Troh Bư, Tro Bư) là tên một khu vườn cảnh đẹp ở Đắk Lắk - Tây nguyên. Vườn Troh Bư nằm ở địa phận Buôn Niêng, xã Ea Nuôl - huyện Buôn Đôn, cách TP.Buôn Ma Thuột khoảng 12 km về phía Tây trên đường Nguyễn Thị Định (TL1) theo hướng đi Buôn Đôn. Theo tiếng Ê đê thì Troh bư (Troh Bư) có nghĩa là 'lũng cá lóc suối'.
Từ một thung lũng xinh đẹp bị chặt phá trơ trọi: một người yêu rừng, yêu Tây Nguyên đã vất vả trong suốt gần hai mươi năm để tái tạo lại cảnh rừng xưa.
Hiện nay Troh Bư là một khu vườn cảnh với những con đường đi dạo quanh co uốn lượn theo các triền dốc, bờ hồ. Vườn có cả một bộ sưu tập phong phú và đa dạng về cây, cỏ, hoa, đặc biệt là lan rừng.
Huyền thoại kể rằng ngày xưa, tại vùng đất nọ có một lần Giàng làm khô hạn, mấy năm liền không cho một giọt mưa. Đất đai nứt nẻ không còn trồng tỉa được, ngay cả nước ăn cũng dần cạn kiệt, người dân trong làng phải đi rất xa mới tìm được nước dưới những lòng suối sâu. Bao nhiêu lúa, ngô, khoai, sắn trong làng đều đã dùng hết, người trong làng phải chia nhau vào rừng tìm rau, đào củ. Rồi chẳng mấy chốc rau củ trong rừng cũng hết; chim, thú cũng bỏ đi cả không còn gì để săn bắn.
Già làng đã nhiều lần cúng tế bao nhiêu là trâu, bò, lợn, gà mà Giàng vẫn không tỏ lòng thương xót. Không thể đợi lâu hơn được nữa, tù trưởng quyết định phải bỏ làng đi tìm đất mới và cả làng lũ lượt kéo nhau đi. Nhiều ngày trôi qua, đã rất xa nơi ở cũ nhưng rừng núi quanh họ vẫn chỉ một màu nắng cháy, cây cối xác xơ, mọi người đều thấy mệt mỏi và chán nản. Chợt một sáng nọ, họ thấy trước mặt có một vùng cây xanh tốt, mọi người không ai bảo ai cùng nhanh chân bước. Đến nơi, họ thấy đó là một khu rừng đất đai màu mỡ, cây cối tốt tươi.
Lúc ấy, trời đã quá trưa, họ dừng chân ở một nguồn suối nhỏ bên một thung lũng lấp xấp nước. Trong lúc tìm cái lót dạ, họ bỗng phát hiện trong thung lũng kia có rất nhiều cá lóc suối sinh sống; mọi người lấy làm vui mừng, cùng nhau be bờ, tát cá. Khi nước cạn, họ bỗng lấy làm lạ vì cá ở đâu cứ như từ dưới đất chui lên, bắt mãi mà chẳng hết. Trưa hôm đó cả làng lại được ăn uống một bữa thật no nê. Rồi hôm sau cũng vậy, cá vẫn cứ như tự sinh ra trong thung lũng.
Cái bụng đã được no, cái chân không còn muốn đi xa thêm nữa; lũ làng, ai ai cũng đã thấy ưng bụng với nơi ở mới này. Rồi họ phát hiện quanh đó có rất nhiều những nguồn nước mạch chảy tự nhiên, thật trong lành, mát ngọt; lại còn có cả một dòng suối lớn quanh năm đầy nước thật thuận tiện cho việc lập buôn làng mới.
Cho rằng Giàng đã giúp mình, cả làng quyết định dừng chân cúng tạ và bắt tay vào việc lập buôn làng mới. Họ đặt tên cho buôn mới là Buôn Niêng và gọi dòng suối chảy qua làng là suối EaNuôl, còn thung lũng đầy cá lóc suối đã nuôi sống lũ làng khi mới đến kia là Trohbư.
Đam mê huyền thoại về một vùng đất đẹp như tranh này, anh Đỗ Tuấn Hưng - người Ban mê đã vất vả để có thể sở hữu được mảnh đất 2ha gồm hồ và rừng này rồi khổ công để tái tạo lại cảnh rừng xưa. Từ những nhánh lan tự nhiên ban đầu, sẵn niềm đam mê với loài hoa vương giả đó, ông đã lặn lội vào nhiều khu rừng để tìm thêm các loại lan quý.
Đến nay, vườn đã có khoảng 200 loại lan với số lượng khá lớn, tập trung đầy đủ những giống lan quý vùng Tây Nguyên như nghinh xuân, thủy tiên trắng, quế lan hương… trong đó nổi bật nhất là loài giáng hương (nhạn sóc Lào) đặc trưng của rừng Buôn Đôn.
Sau gần 20 năm kiên trì phục hồi rừng tự nhiên, vườn Troh Bư đã có lan rừng trở lại và tái sinh hạt; một điều hiếm gặp ở các vườn lan. Giới chơi lan tìm đến đây đều trầm trồ trước hàng trăm loại lan rừng tự nhiên và gọi nó bằng cái tên 'Bảo tàng lan rừng' hay 'Khu bảo tồn lan rừng'. Với những người mê lan trong cả nước, một khu bảo tồn lan rừng Việt Nam cho đến nay vẫn đang là ước mong cháy bỏng.
Trohbư trở thành một khu vườn cảnh với những con đường đi dạo quanh co uốn lượn theo các triền dốc và bờ hồ. Ngoài bộ sưu tập phong phú và đa dạng về cây, cỏ, hoa và lan rừng, còn có những ngôi nhà nhỏ đơn sơ mang đậm màu cổ tích nằm ẩn giữa rừng cây, có những tiểu cảnh đẹp làm điểm nhấn. Đặc biệt, Troh bư mang đậm phong cách Tây Nguyên và rất "rừng" - một thay đổi thật đáng ngạc nhiên của khu rừng tái sinh trên mảnh đất vốn từng bị biến thành đồi trọc trong một thời gian dài bởi nạn phá rừng làm nương rẫy.
Mục tiêu của anh là trong thời gian ngắn nữa, vườn sẽ trở thành 'Ngũ bách lan viên' (vườn hoa lan gồm 500 loại) như của vua Trần Anh Tông ngày xưa. Khi ấy, vườn Troh Bư sẽ là vừa là khu du lịch sinh thái, cũng là bảo tàng hoa lan và là một trong những điểm hẹn của những người yêu thích lan rừng ngoài phục vụ nhu cầu tham quan của du khách.
Hiện tại, đây là nơi hội tụ - kết tinh giữa thiên nhiên, văn hóa và con người, nơi bỏ lại sau lưng những lo toan của cuộc sống. Đến với vườn Troh bư - Buôn Đôn: quý khách sẽ đi tham quan đồn điền cà phê, vườn cảnh; tìm hiểu cây rừng và phong lan rừng Tây Nguyên; tour đi bộ kết nối với bến nước buôn Kŏ Dung; chiêm ngưỡng chiếc thuyền độc mộc lớn nhất thế giới và dàn chiêng đá cổ xưa…
Bên cạnh đó, khách đến đây sẽ được thưởng thức các món ăn mang đậm chất núi rừng Tây Nguyên như các món đặc sản rừng, cơm lam, gà nướng Bản Đôn, món heo nướng, rau rừng dân dã. Khu du lịch sinh thái vườn Troh bư - Buôn Đôn cũng là nơi có thể tổ chức cắm trại, pic nic, nhà nghỉ cuối tuần của gia đình, nơi câu cá và tự nấu ăn trong vườn, nơi khách cảm thấy yên bình và thực sự thoải mái.
Trang trại du lịch Vườn Troh Bư - Bản Đôn
- Địa chỉ: Buôn Niêng 3, xã Ea Nuôl, Huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk
- Điện thoại : 0500. 3504554 - 0914 042 803 (Anh Đỗ Tuấn Hưng)
Travel79.net tổng hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét