(TNO) - Khúc sông qua làng Rơ wang, cách trung tâm TP.Kon Tum 2 km, có một bãi đá lộ thiên nằm giữa dòng sông Đăk Bla cuồn cuộn chảy. Người Kon Tum gọi đó là bãi đá Rơ wang gắn liền với lời nguyền của một chuyện tình hận trên sông này.
Chuyện tình buồn
Tên làng Rơ wang (P.Trường Chinh, TP.Kon Tum) bắt đầu từ truyền thuyết dòng sông ăn thịt người, gắn liền với một chuyện tình đau thắt ruột. Người Tây nguyên là thế, mỗi tên đất, tên làng đều gắn với một huyền thoại nào đấy mà người xưa không giải thích được. Chẳng hạn như dòng Đăk Bla, mà theo nhà văn Tạ Văn Sỹ (được mệnh danh là “nhà Kon Tum học”), thì truyền thuyết về dòng sông ăn thịt người này được người Pháp ghi chép mà ông may mắn được tiếp cận và sưu tầm lại.
Chuyện rằng, ngày xưa làng này tên gì không ai biết. Trong làng có một đôi trai gái người Ba Na yêu nhau đắm say. Rồi ngày cưới cũng đến, cả làng mang rượu đến chúc mừng cô gái “bắt” được chồng giỏi giang, thương vợ. Hạnh phúc ngày nối tiếp ngày. Thế nhưng rất nhiều năm qua mà đôi vợ chồng này vẫn không có con, dù không biết bao lần thành tâm mang trâu, bò dê, heo, gà đi cúng yàng, cúng thần linh cầu khẩn xin một đứa con.
Bí quá, để có người nối dõi, người chồng lén lút vợ ngoại tình với người đàn bà khác để mong có được một mụn con. Dần dần, người vợ biết được. Nỗi buồn kéo về như chứa cả dòng sông hiu quạnh trong mắt. Trong một đêm trăng mùa lũ, chờ cửa ngóng nhưng không thấy chồng về, người vợ mang rượu ra uống. Trong cơn say, tình hận nổi lên ngút ngàn, lại thêm đêm trăng không có đàn ông trong nhà tình tự, người vợ trang điểm kỹ càng và ăn mặc thật đẹp rồi đi ra phía bờ sông. Sau đó, nàng lấy thuyền độc mộc chèo ra giữa dòng, đôi mắt sầu tuyệt vọng nhìn trăng khấn: “Ô, trăng ơi, tao buồn lắm, hận thằng đàn ông nhà tao, hận đàn ông thế gian này. Sau khi tao chết đi, trăng hãy chứng giám dòng sông mang xác tao đi biền biệt. Mỗi năm trên dòng sông này phải có một người đàn ông chết đuối để trả thù cho tao nỗi hận này…”. Khấn xong, người vợ gieo mình xuống dòng sông. Con nước vô tình ôm người đàn bà hận tình ấy đi xa mãi.
Trở về nhà, người chồng không thấy vợ đâu. Nỗi hối hận ùa về, vội chạy ra sông tìm vợ, nhưng người xưa còn đâu nữa, chỉ có trăng nước bàng bạc một màu buồn tênh, hiu hắt cả bến sông. Người chồng phụ bạc ấy khóc vợ, nước mắt chảy ra thành máu, hòa quyện với dòng sông đỏ thẫm. Truyền thuyết cho rằng sông Đăk Bla luôn có màu đỏ cũng vì thế.
Ngày tháng như thoi đưa. Người chồng vẫn một mình thui thủi bám sông để sống. Đến đầu mùa lũ, đúng ngày trăng sáng người vợ tự vẫn, người chồng thả lưới trên sông. Bất chợt, thấy lung linh trăng vàng dưới nước là gương mặt sầu hận đầy nước mắt của người vợ. Thế nhưng, dù vớt tay hay chèo thuyền vội vã, hình bóng người vợ vẫn ở phía trước mà người chồng không tài nào đuổi kịp.
Người chồng dùng hết sức mình chèo thuyền đuổi theo, cuối cùng va vào một bãi đá giữa dòng sông, thuyền vỡ tan và anh chết đuối. Sống không trọn vẹn, nhưng cùng nhau chết trên một dòng sông, lời nguyền của người vợ thành hiện thực và người chồng là người đàn ông đầu tiên trả nợ lời nguyền. Bây giờ, tảng đá ấy vẫn còn, dân làng gọi là bãi đá Rơ wang và làng ở đấy cũng lấy tên làng Rơ wang.
Dòng sông ăn thịt người
Đứng ở bến làng Rơ wang nhìn ra, dòng sông uốn khúc phẳng lì dài mấy ki lô mét, chỉ duy nhất bãi đá Rơ wang nổi lên giữa dòng. Mùa này con nước còn lớn, bãi đá Rơ wang không lộ ra hết, chỉ nhô lên một đoạn khoảng 5 m, hai bên bãi đá chính có hai tảng đá nhỏ kề cận. Mùa nước cạn, người làng
Rơ wang hay ra bãi đá này hóng mát. Những đêm trăng, trai gái cũng dắt nhau ra đây thề nguyền. Ngày xưa, bãi Rơ wang kết thúc một chuyện tình buồn, bây giờ nó lại là nơi khởi đầu của tình yêu và có thể, bãi đá này cũng in dấu bao nhiêu chuyện tình đầy nước mắt.
Đã cuối tháng 10, con nước trên sông Đăk Bla, biểu tượng của tỉnh Kon Tum, dòng chảy đã hiền hòa. Những buổi sớm chiều, khi ánh dương trải dài, sông như dát vàng, uốn lượn lấp lánh giữa lòng phố xá, làm mê mẩn lòng khách thập phương. Phải chăng, dòng sông chỉ đẹp khi có chuyện tình buồn, người càng mê mẩn với sông khi biết thêm huyền thoại trên sông. Tình là chi, để hẹn thề rồi phụ bạc, rồi chia xa để lại oán hờn qua suốt tháng năm. Để bãi Rơ wang tháng năm trầm mặc với sông hồ.
Có ý kiến cho rằng, sở dĩ có tên bãi Rơ wang là vì ngày xưa chàng trai tên là A Rơ, còn cô gái là Y Hwang và tên bãi đá là ghép âm từ tên hai người. Thế nhưng vào làng Rơ wang, hỏi thăm vì sao có tên Rơ wang, thì cả già làng ở đây cũng không biết tên đá, tên làng có từ bao giờ.
Nhà văn Tạ Văn Sỹ, suốt gần 50 năm qua sống dọc dòng sông này, chịu khó đi tìm tư liệu tên bãi đá và làng Rơ wang có từ bao giờ, nhưng chưa ai giải thích, chưa có sách nào ghi lại. Còn chuyện này thì có thật: ấy là năm nào cũng có người nhảy sông Đăk Bla tự vẫn. Vì vậy, sông dù đẹp vẫn còn có tên là “dòng sông ăn thịt người”. Theo tiếng Ba Na, Đăk có nghĩa là nguồn nước, Bla (nguyên gốc là Blăh) nghĩa là cuồng nộ, hung bạo. Dòng Đăk Bla còn có tên là dòng sông hung bạo, nhấn chìm tất cả mọi thứ trên sông vào mùa mưa lũ và nhiều người đã chết đuối, nhất là đàn ông. Đến nay, chưa ai giải thích được điều này. Còn giải thích theo cách đơn giản nhất, thì do mỗi mùa lũ, trên sông Đăk Bla cá và củi, gỗ trôi về đây rất nhiều, đàn ông hay kiếm ăn mà bị chết đuối.
Theo Phạm Anh (báo Thanh Niên)
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét