Thứ Tư, 8 tháng 1, 2014

Lên đỉnh núi Muối

(iHay) - Mùa đông, khi cái giá rét, hanh khô làm bạn khó chịu thì cũng chính là lúc thích hợp nhất để bạn đi leo núi. Cảm giác lên đỉnh, tận hưởng cái nắng ấm áp và ngắm 'đại dương mây' quả thực vô cùng tuyệt vời.

< Rừng sao băng trên đỉnh núi Muối.

1 - Biển sao băng

Núi Muối là một trong những đỉnh thuộc khối núi Bạch Mộc Lương Tử với đỉnh cao nhất trên 3.000m, là ranh giới tự nhiên giữa Lai Châu và Lào Cai. Núi mới được khai phá năm 2012 nên vẫn còn rất bí ẩn.

< Đoạn dốc khóc nhọc vào bản Kỳ Quan San.

Lên núi Muối có hai đường leo. Đường lên từ Lai Châu có vẻ thuận lợi hơn đường từ Lào Cai. Sau hồi phân vân, chúng tôi vẫn quyết định đi từ hướng xã Mường Hum (huyện Bát Xát, Lào Cai).

< Những nóc nhà trong bản Kỳ Quan San.

Từ chợ Mường Hum đến UBND xã Sàng Ma Sáo (huyện Bát Xát, Lào Cai), chúng tôi hỏi đường người dân bản địa nhưng hầu như không ai biết tên Bạch Mộc Lương Tử như chúng tôi mô tả. Cuối cùng chúng tôi cũng nhờ được A Tủa, một thanh niên thường đi rừng và tự nhận biết đỉnh núi cao nhất khu vực này.

< Hai người dẫn đường A Tủa và A Sé.

Mất tầm 5km đường đèo chúng tôi tới bản Kỳ Quan San. Để xe tại một trường học, chúng tôi leo bộ tới nhà một anh chàng tên A Sé trên sườn núi, ở độ cao khoảng 1.000m.

< Leo bộ lên nhà A Sé.

Thời tiết khá âm u không mấy thuận lợi. Ăn trưa xong, khoảng 13 giờ chiều chúng tôi tiếp tục hành trình. Đường leo ban đầu thoải, có lối mòn của những người đi rừng. Đây là một khu rừng rậm rạp, ẩm ướt, có khá nhiều cây thảo quả.

< Từ trên này nhìn xuống bản.

< Rừng ẩm ướt với nhiều cây thảo quả.

Càng lên cao trời càng rét, bóng tối bao trùm trong khi đoàn vẫn chưa tới điểm có lán trại để nghỉ. Tới cao độ 2.000m, băng tuyết vẫn còn phủ nhiều, cây cối đổ rạp vùi trong băng tuyết.

< Vượt những dòng suối trắng xóa như mây.

Trời thì tối hẳn khiến cho việc đi lại cực kỳ khó khăn. Chúng tôi phải leo, chui, trườn qua tuyết, qua những thân cây gãy đổ, qua những bụi gai, lần mò trong bóng tối, trong giá rét, rồi lại phải chống chọi với cái đói.

< Sưởi ấm và ngắm sao trời.

Đến cả hai người dẫn đường cũng mất phương hướng và buộc phải đi mở đường trước. May mắn, chúng tôi cũng băng qua được cái thung lũng ngập tuyết và cây đổ đó để tới lán trại. Lán nằm giữa thung lũng, sát bên là dòng suối, bao bọc quanh là những sườn núi tuyết trắng. Chúng tôi kiếm củi, chuẩn bị đồ ăn và đắp đất nướng gà.

< Bầu trời đầy sao long lanh.

Bầu trời đêm cuối cùng của năm 2013 thật quá sức huyền ảo. Bên đống lửa trại, chúng tôi quây quần ngồi sưởi và ngắm sao trời. Chưa bao giờ tôi thấy bầu trời nào nhiều sao đến thế. Đêm đó, chúng tôi gầm như thức trắng để ngắm biển sao băng.

< Lán trại đi rừng mà nhóm tôi tá túc nhờ qua đêm.

2 - Ngỡ ngàng bay giữa đại dương mây

Băng qua những khu rừng ngập tuyết, tia nắng chiếu xuyên qua những thân cây cổ thụ tạo nên khung cảnh huyền ảo.

< Mặt trời ló rạng khi chúng tôi vẫn đang vượt rừng.

Đêm trước, chúng tôi hầu như không thể nào ngủ được vì rét. Cả đoàn liên tục phải chặt củi nhóm lửa để sưởi ấm. Vì thế sáng sớm hôm sau, mọi người khá uể oải.

< Những sườn núi phủ tuyết trắng.

Ăn sáng xong, dù tôi và anh bạn cố gắng khởi hành trước nhưng cũng không kịp ngắm bình minh trên đỉnh núi.

< Nắng giúp cho những đôi chân trên tuyết bớt băng giá.

< Chưa thấm vào đâu. Muốn lên đính núi cần nhiều nổ lực hơn nữa.

Băng qua những khu rừng ngập tuyết, những tia nắng chiếu xuyên qua những thân cây cổ thụ tạo nên khung cảnh rừng huyền ảo. Cảm giác giẫm chân trên tuyết lạnh, chạm tay vào những gốc cây cổ thụ rêu phong và những tia nắng chiếu le lói, ấm áp thật là tuyệt.

< Ngỡ ngàng trước biển mây.

< Khung cảnh núi rừng hùng vĩ.

Và khi vượt qua khu rừng, leo qua những dốc đá dựng đứng như lên trời, chúng tôi như vỡ òa vì sung sướng.

< Thoạt trông cứ ngỡ như đường lên trời.

< Núi trông như hòn đảo.

Biển mây, phải gọi là đại dương mây, bập bềnh như sóng vỗ. Thấp thoáng những ngọn núi nhô lên mặt mây, trông như những ốc đảo vậy.

Từ xa xa, dãy Hoàng Liên Sơn, Ngũ Chỉ Sơn, Nhìu Cồ San, Tà Chì Nhù... hùng vĩ bên những sóng mây.

< Những đảo núi kỳ ảo trong đại dương mây.

< Đỉnh núi Muối trên kia.

< Để đến đỉnh núi, đôi chân vẫn phải bước đều.

Thông tin thêm:

Dãy núi Hoàng Liên Sơn gồm ba khối: khối Bạch Mộc Lương Tử, khối Phan Xi Păng và khối Pú Luông. Riêng Bạch Mộc Lương Tử là vùng núi cách Phong Thổ 20 km về phía đông bắc, ở biên giới Việt Trung, giữa các nhánh của Sông Hồng và sông Nậm Na. Diện tích khối Bạch Mộc Lương Tử khoảng 112 km², có đỉnh 2.998m. Thực vật phân bố thành 3 vòng đai theo chiều cao: nhiệt đới (ở chân núi), cận nhiệt đới và ôn đới. Trên núi thường có nhiều sương mù và mây phủ.

< Băng xuyên qua những đám mây, huyền ảo và cảm giác mát lạnh.

Các đỉnh núi cao nhất của dãy Hoàng Liên Sơn (tạm xếp) trên bản đồ bao gồm:

1/ Phan Xi Păng: 3.143 mét.
2/ Phu Ta Leng: 3.096 mét ( đỉnh Pú Tả Lèng – từ Hồ Thầu – huyện Tam Đường tỉnh Lai Châu hoặc từ Tả Lèng – Tam Đường).
3/ Pu Si Lung: 3.076 mét - nằm ở sát biên giới với Trung Quốc – thuộc huyện Mường Tè - Tây Bắc tỉnh Lai Châu, giữa sông Đà và thượng nguồn sông Nậm Na.
4/ Bạch Mộc Lương Tử: 3.045m – Bản Dền Sung – xã Sin Súi Hồ - Huyện Phong Thổ - Tỉnh Lai Châu.

< Cuối cùng cũng trên mây đại ngàn.

5/ Phu Song Sung hay còn gọi là Tà Chì Nhù: 2.985 mét - Bản Xà Hồ - huyện Trạm Tấu – tỉnh Yên Bái.
6/ Pú Luông: 2.938 mét – nằm cạnh Phan Xi Păng.
7/ Lùng Cúng : 2.913 mét - giáp Lào Cai và Yên Bái.
8/ Tà Xùa: 2.879 mét – Bản Công – Tà Xùa - Huyện Trạm Tấu – tỉnh Yên Bái.
9/ Đỉnh Xi Giơ Pao: 2.876 mét.
10/ Đỉnh Sa Phình: 2.871 mét.
'Tạm xếp' do có nhiều đỉnh núi chưa được khám phá.

Phượt ký của Ngô Huy Hòa (iHay.Thanhnien)
Travel79.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét