(ĐVO) - Đông Bắc trong chuyến phượt của chúng tôi là một Đông Bắc đẹp như huyền thoại với ruộng bậc thang, núi đồi chập chùng; những cung đường đèo huyền thoại; nhưng cũng buồn đến nao lòng với ánh mắt chơ vơ của trẻ em miền núi.
Không quần áo, không đồ chơi, không lớp học, không sách vở,… và vô vàn những số 0 khác là thực trạng của các em nhỏ vùng cao Đông Bắc - Tây Bắc Việt Nam.
Đi qua vùng Đông Bắc huyền thoại
Từ Hà Nội, chúng tôi chinh phục 300km đầu tiên dọc sông Lô để đến Hà Giang. Bắt đầu từ những con đường thẳng, rồi cong cong, rồi cua quẹo. Rồi lại tiếp tục vượt đèo Pắc Sum về Quản Bạ.
Những vòng “cua” cứ không thôi lên xuống và lượn thành những đường zic-zắc đến chóng mặt. Vừa vượt qua được đèo Pắc Sum, những tay phượt nghiệp dư như chúng tôi cảm thấy “choáng ngợp” thật sự. Tuy nhiên, đây chỉ là con đèo vào loại “thường thường bậc trung”.
Chúng tôi dừng chân ngắm nhìn những ngọn núi cao, những dãy ruộng bậc thang vào mùa lúa chín đẹp đến mê người. Men theo con đường đất nhỏ leo những con dốc, hai bên là đồng lúa chín vàng. Trên con đường mòn đó, thỉnh thoảng xuất hiện vài đứa trẻ lùa trâu ra đồng. Bên sườn đèo, một cậu bé chừng 7 tuổi ngồi chơ vơ một góc cánh đồng bên đàn trâu đàn gặm cỏ. Cảnh đẹp và thanh bình nhưng cũng buồn đến nao lòng.
Ở đây hiếm khi thấy mặt trời. Nếu có nắng cũng chỉ ươm ươm để tô điểm thêm cho những ruộng lúa vàng của người dân tộc.
Chúng tôi tiếp tục vượt dốc cao Phố Cáo, về Sủng Là tham quan ngôi nhà cổ người Mông – nơi quay bộ phim Chuyện của Pao, sau đó tiếp tục len lỏi giữa những vách núi để tham quan cực Bắc Lũng Cú – bờ phên liếp dậu của Tổ quốc. Trên tháp cột cờ nhìn xuống, những vuông đồng mênh mông xanh vàng được che chở bởi những rặng núi.
Những đứa trẻ chừng 7 – 8 tuổi, người lem nhem ướt vì sương sớm. Từ sang tinh mơ các em đã lùa trâu ra đồng. Nhiều em phải bận them áo mưa để chống ướt, chống rét. Trời lạnh căm và mưa ẩm ướt, một em trai chừng 4 tuổi lại đi chân đất lấm lem. Em là đứa nhỏ nhất mà chúng tôi gặp trên đường. Con mắt ngơ ngác nhìn, khuôn mặt bầu bĩnh đỏ hồng có chút lấm lem. Ngay cả quần cũng không buồn mặc, mặc cho cái lạnh cứ ngấm dần vào da thịt.
Em hầu như không phản ứng gì với những câu hỏi của chúng tôi (có thể các em không hiểu rõ tiếng Kinh), thỉnh thoảng em cất tiếng dân tộc be bé trong miệng. Đến khi tôi bảo em giơ tay ra cho kẹo thì em nhanh chóng xòe hai bàn tay, rồi nhét vội vào túi, sau đó thì lủi thủi men theo bờ đê băng qua những cánh đồng, bỏ lại chúng tôi với khoảng trống chơi vơi.
Chúng tôi lại lên đường, vượt đèo Ma Lé. Trước mặt là những khúc cua hiểm trở, chỉ cần người lái không tập trung một chút là có thể nghe “tiếng kêu xa dần” ngay.
Sáng hôm sau, chúng tôi vượt đệ nhất đèo Mã Pì Lèng ôm trọn dòng Nho Quế để về Mèo Vạc. Thực ra, Mã Pì Lèng chỉ có 9 khúc cua, không quá hiểm trở, nhưng cái lo lắng nhất của cánh xe tải khi qua đèo này chính là những vực sâu.
Đèo Mã Pì Lèng là cung đường chạy dài 20km uốn quanh đỉnh núi Mã Pí Lèng cao 2.000m, nối liền thị xã Mèo Vạc với Đồng Văn. Đoạn đèo này nổi tiếng với những cung đường uốn lượn như con rắn vắt mình từ ngọn núi này sang ngọn núi khác.
< Chống rét bằng cách quấn nylon.
Con đường chạy qua đèo Mã Pì Lèng có tên gọi là đường Hạnh Phúc. Đi dọc con đường Hạnh Phúc là những hồ treo trữ nước để bà con đồng bào dân tộc sinh hoạt vào mùa khô. Để làm được con đường này, đội cảm tử mở đường đã phải treo mình suốt 11 tháng trên vách núi để đục đá mở ra con đường công vụ rộng chỉ vẻn vẹn 40cm. Chính vì vậy, Mã Pì Lèng xứng với tên đệ nhất đèo không hoàn toàn vì độ hiểm trở mà vì ý nghĩa lịch sử của nó.
Nhớ nụ cười trong veo, ánh mắt buồn của trẻ thơ
Băng qua những ngọn núi hoang vu, thỉnh thoảng cũng gặp đồng bào dân tộc chạy xe máy trên đường. Tuy nhiên, điều khiến chúng tôi ngạc nhiên hơn cả là giữa ngun ngút đèo, một bên là vách núi, một bên là vực sâu nhưng vẫn thấy những em bé dân tộc Dao, Mông hay Thái gánh trên lưng khi thì củi, khi thì rau cỏ đi chiều ngược lại.
Không biết mỗi ngày các em phải đi bao xa khi thân hình nhỏ xíu của các em còn to hơn những ngôi nhà chúng tôi được nhìn thấy ở phía xa.
< Chống rét bằng áo mưa.
Cùng một lứa tuổi ấy, cùng những đôi mắt ngây thơ ấy, nhưng cuộc sống xung quanh những đứa trẻ miền núi khác xa với trẻ em đồng bằng. Đó là con đường đến trường dốc núi cheo leo, là sân chơi thênh thang của triền ruộng, con suối, là cây cỏ, khoảng trời mênh mông, là những gùi củi nặng trĩu trên vai, là những bữa cơm không đủ ấm bụng,...
Dừng chân trên đỉnh Mã Pì Lèng, đỉnh đèo là một trong những điểm quan sát toàn cảnh vào loại đẹp nhất ở Việt Nam, chúng tôi lại bắt gặp những ánh mắt trẻ thơ đau đáu một nỗi buồn. Khi chúng tôi bắt chuyện, các em chỉ cười, rồi quơ tay như cho chúng tôi biết các em đang phải canh chừng đàn dê đang gặm cỏ ở sườn đèo. Những chiếc áo mưa được các em “trưng dụng” quấn quanh người để chống ướt, chống rét.
Trẻ em vùng cao thiếu thốn toàn diện, từ cái cơ bản nhất của cuộc sống như cơm ăn, áo mặc cho đến những cái mà bất cứ trẻ em nào cũng có quyền: đi học, vui chơi. Những mùa đông lạnh tím bầm tay chân với chiếc áo mỏng manh và đôi chân trần.
Chạy dọc cung đường này, chúng tôi lại bắt gặp những đứa trẻ đang ngồi với nhau bên đường. Gọi là ngồi với nhau vì không thể nói là chúng đang chơi với nhau được. Không có gì bên cạnh có thể gọi là đồ chơi. Quanh chúng chỉ là vài ba hòn sỏi như được đặt để sẵn từ lâu lắm, và trò chơi của chúng cũng chỉ là trò "nhìn người đi qua" như bao đứa trẻ khác.
Trước khi bắt đầu cuộc hành trình, chúng tôi mỗi người đều mang theo vài ba bịch kẹo. Có khi vừa mới thấy một hai em bé đứng chơ vơ ở lưng chừng đèo, trong lúc chúng tôi loay hoay mở túi kẹo, ngước lên đã thấy một "đội quân nhí" đổ ào từ trên triền núi xuống theo những con đường mòn rất nhỏ, mà người lạ rất khó nhận ra.
Khách du lịch miền xuôi đến với Tây Bắc thường mang theo rất nhiều kẹo, bởi như một "luật bất thành văn", họ biết rằng cho tiền đồng nghĩa với làm hư những đứa trẻ nơi đây. Đối với khách du lịch lần đầu tiên đến, họ rất thích thú khi được ghi lại những khoảnh khắc bên những em bé người dân tộc. Vì vậy như thành lệ, các em bé ở đây dường như hiểu rằng: Nhận kẹo và nhìn vào ống kính. Sau khi nhận kẹo, các em trở về chốn cũ.
Đoàn người đi qua, bỏ lại những em bé hồn nhiên ngơ ngác và mang theo những băn khoăn nằng nặng. Chúng tôi khó có thể lãng quên những ánh mắt, những nụ cười của những đứa trẻ ở đây. Chính các em đã dạy chúng tôi biết yêu thương và sẻ chia nhiều hơn.
Chứng kiến hoàn cảnh của những em bé co ro đói khát trong lạnh giá vùng cao, không ai trong chúng ta không khỏi chạnh lòng, nhất là khi những ngày Tết đang đến rất gần, khi mà người người nhà nhà quây quần ấm áp no đủ thì nơi đây các em phải cùng gia đình vật lộn với cuộc sống hàng ngày, hàng giờ.
Lạnh lắm các chú ơi!
Theo Tây Phương (Báo Đất Việt)
Travel79.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét