(Tiếp theo) - Nhiều người yêu du lịch vẫn cho rằng Cà Ná là vùng biển đẹp nhất nước. Có thể chủ quan nhưng ý kiến của mỗi người mỗi khác, không rõ được trừ khi có một cuộc bầu chọn chính thức về một vùng biển đẹp.
< Chạy ngang Cà Ná nhiều lần nhưng lần đầu tiên bọn mình ở lại.
Riêng mình, cái nhìn đơn giản về một vùng biển đẹp đơn thuần nó không bị chi phối bởi quá nhiều sự can thiệp của con người. Biển đẹp nếu tương đối vắng người, biển đẹp nếu có cát trắng - nước trong xanh, đẹp nếu biển đối diện với núi, nếu được thiên nhiên tô điểm thêm nhiều cụm đá thì tuyệt vời.
< Sau khi sắp xếp sơ hành lý, cần tắm rửa giũ bụi đường do đã chạy cả ngày.
Khỏe khoắn rồi thì mình chạy vào cảng cá Cà Ná (đây là cảng cũ - vị trí tại đây, cảng mới ngoài kia).
Tàu rất nhiều, cá lên xuống nhộn nhịp nhưng quán ăn lại không có (chỉ có buổi sáng hoặc vào trung tâm Lạc Nghiệp).
Vậy nên bọn mình vào nhà hàng của hotel Sơn Biển - Cà Ná.
< Từ nhà hàng, nhìn ra bãi biển nơi bọn mình ở. Sắp hoàng hôn rồi còn gì...
Vị trí nơi này tại đây.
Và bạn biết không, Cà Ná có đủ những thứ ấy đấy. Lợi thế hơn nữa là biển Cà Ná nằm ven quốc lộ 1A, ven tuyến đường sắt Bắc Nam, cách trung tâm thị xã Phan Rang 30km về phía nam - nơi phía tây quốc lộ là dãy Trường Sơn nhô ra gần sát bờ biển. Bãi biển Cà Ná dài trên 8km có hình cong lưỡi liềm, được chia ra thành nhiều đoạn...
< Cầu tàu của hotel Sơn Biển, dưới là bãi tắm với cát trắng, nước trong xanh. Nhưng bọn này không thích tắm lúc này.
< Cái lẩu hải sản là đủ no, giá 120k với mực, cá tươi rói. Bếp đốt bằng cồn khô, thêm lon 333 để tăng khẩu vị cho đời lên hương.
- Đoạn từ Lạc Nghiệp đến bãi đá Cà Ná: đây là nơi có một số khách sạn, nhà hàng - không quá nhiều nhưng đủ cho các đoàn khách nếu muốn dừng chân nghỉ lại. Giá phòng tại đây khá mềm như bạn thấy: từ 150k đến 300k.
< No lòng, mát dạ... Tối lang thang trên đường, lếch thếch ngắm sao, thậm chí leo lên cả sân thượng hotel để nghe tiếng sóng biển dạt dào như những lời ru - một đêm thật yên bình.
- Đoạn từ bãi đá Cà Ná đến quá đèo Vĩnh Tân: Gọi là đèo nhưng thật ra chỉ có một đoạn cong, địa hình hiểm trở nhưng đẹp. Đoạn bãi biển này dài tầm cây số, ít đá ngoại trứ khúc giáp với bãi đá Cà Ná. Có nhà hàng, resort.
< Bình minh của ngày mới, nhìn từ hành lang Sơn Biển ra cây cầu tàu. Mặt biển lăn tăn không sóng.
< Hướng Đông, nơi mặt trời ló dạng phơi ánh sáng đầu ngày.
- Đoạn từ đèo Vĩnh Tân đến nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân: có chiều dài khoảng 5km, cũng là đoạn biển yên tĩnh với những bãi đá đẹp. Khách sạn và quán vẫn có, nằm ngay cạnh bãi biển và cũng không quá nhiều. Do vậy cảnh quan đẹp hoàn mỹ.
< Giá cả được đấy chứ, Cà Ná chỉ tầm giá này thôi - khá mềm cho một dãi biển đẹp cùng nơi nghỉ tương đối tốt.
< Lấy xe chạy qua bên kia đường QL1, bên ấy có ngôi miếu nhỏ trên triền núi. Mình vứt xe trước cổng...
Bãi biển Cà Ná quanh năm trong suốt và thường có độ mặn cao hơn những vùng khác từ 3-4 độ. Vậy nên vùng ruộng muối công nghiệp Cà Ná rất nổi tiếng trong nước. Đối diện bãi biển là núi Điện Bà cao ngất. Do có dãy núi Trường Sơn sát bên nhiều mỏm đá nhô ra sát mép biển, vì vậy ngoài tắm biển du khách còn có thể được leo núi, chụp những bức ảnh lưu niệm đẹp nơi đây.
< Rồi theo những bậc xi măng lên cao, cao hơn nữa. Trên ấy, nếu nhìn xuống thấy rất hiu. Mong rằng bạn không sợ độ cao vì thang dốc đứng.
< Nhìn xuống, thấy đoàn tàu Thống Nhất đang đến, tiếng còi vang vọng trong sự tĩnh lặng ban mai.
Ẩn sâu bên trong núi là những thảm rừng nhiệt đới nơi có nhiều muông thú sinh sống. Ở ngay lưng chừng núi có một ngôi chùa nhỏ, leo lên núi thì bạn hãy vào đây viếng thăm chùa. Đứng ở chỗ này, du khách sẽ ngắm được toàn cảnh non nước Cà Ná tuyệt đẹp.
< Một trong nhiều tượng thờ trên đây, nếu bạn muốn lên cao nữa thì xin cất bước chân. Vậy nhưng giờ sớm này, cửa lên cao hơn vẫn còn khóa.
< Trên này, nhìn ra một một khoảnh trời mênh mông... nhưng mặt trời vẫn như còn ngái ngủ, chưa lên.
Bãi tắm trải dài xa hút, cát trắng tinh anh và rất sạch. Từ bãi tắm, chỉ cần lội ra khơi chừng 20 mét với độ sâu chỉ khoảng 1-1,5 mét, bạn có thể thỏa sức ngắm các rạn san hô rất đẹp ẩn sau tầng nước. Rất nhiểu bãi đá đẹp đủ mọi hình thù giúp cảnh quan Cà Ná nổi bật giữa rừng bãi biển trên toàn cõi VN.
< Bọn mình trở xuống, băng ngang qua đường sắt. Bạn có đi thì cẩn thận nhé. Tuy nhiên, tàu đến khu vực này sẽ phát còi và chạy không nhanh.
< Vào Lạc Nghiệp uống cà phê, lúc này nắng đã lên rồi. Cà phê đá 7k, uống được.
Không khí ở đây trong lành, mát mẻ. Đêm ở Cà Ná rất đẹp, nhất vào những ngày có trăng, gió biển lồng lộng vi vu, tiếng sóng vỗ rì rào, mọi thứ như hòa vào đất trời, thiên nhiên. Những ghềnh đá ven biển điểm xuyến thêm nét đẹp đặc trưng của Cà Ná. Chính những ghềnh đá này tạo nên nhiều hang động kỳ bí như: hang Ông Phật, ghềnh Ông Nồng, giếng Đục...
< Riêng ăn sáng không được rẻ do không hỏi giá trước, lại lấy máy ảnh ra bấm ầm ầm. 50K cho 2 tô cháo lòng (cháo lỡ ăn hết lòng rùi) + dĩa bánh hỏi lòng heo.
Kinh nghiệm cho bạn là hỏi giá trước rồi gọi món, biết giá rồi thì mới móc máy ảnh trong túi ra và chụp hình.
Nhớ nhé, căn bệnh 'bán hơi mắc' cho khách du lịch đã tiêm nhiễm đến mọi nơi.
< Mình vòng xe ngược lại, trở ra bãi đá Cà Ná. Lúc này mới thấy xã Vĩnh Tân thuộc huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.
< Người ta gọi là đèo Vĩnh Tân nhưng thật ra cũng không có dốc gì, cua cũng không gắt.
Tít xa xa ngoài khơi Cà Ná lờ mờ hiện ra một hải đảo nho nhỏ, xinh xinh - đó là hòn Lao (cù lao Câu - cù lao Chàm). Đây là một hòn đảo nhỏ giữa biển, cách đất liền khoản 9km. Bạn có thể đến đảo từ nhiều điểm khác nhau như xã Phước Thể, xã Vĩnh Hảo, xã Bình Thạnh hoặc từ Cà Ná. Tùy theo từng bến đi nhưng trung bình đi ghe máy độ 40 phút sẽ đến đảo.
< Bọn mình tấp vào bãi đá Cà Ná. Đây là lần ghé thứ 2 tính từ vài năm nay. Chốn này có thể chạy xe xuống được, khóa lại rồi thì tha hồ đi lang thang.
Không mất đâu miễn là đừng đi xế xịn (hi hi).
< Một góc biển Cà Ná đây.
Hòn Lao có chiều dài 1.500m và nơi rộng nhất gần 700m, nơi cao nhất hơn 7m, từ đất liền nhìn ra như một chiến hạm lớn. Toàn đảo bao quanh bởi hàng vạn khối đá có nhiều màu sắc và hình thì khác nhau, trông như những đàn thú với nhiều loại lớn nhỏ, thật là kỳ thú khi có điều kiện quan sát kỹ hết đảo.Xung quanh Cù Lao Câu nước trong xanh, khi thủy triều xuống, bờ biển làm lộ ra vô vàn vỏ sò, vỏ ốc đẹp làm say mê nhiều du khách.
< Quanh mình chỉ có đá và đá, xa hơn là một phần của núi Điện Bà.
< Cà Ná đẹp có hồn cũng chính nhờ những bãi đá đủ mọi hình thù này đó, bạn ạ.
Hòn Lao rất nổi tiếng với giếng Tiên và thạch động bảy đầu lâu, nghe cái tên thôi cũng thật là kỳ bí. Nét độc đáo của Hòn Lao còn ở những đàn khỉ hàng trăm con được thả tự nhiên trên đảo với những tiếc mục biểu diễn đầy thú vị.
< Những lối mòn tại đây dẫn ra nhiều khu vực riêng biệt mà nơi này chả thấy nơi kia.
< Một chốn khác đây.
Ngoài những đặc sản nổi tiếng như muối, nước mắm nhĩ… , du khách đến Cà Ná còn được thưởng thức những món ăn ngon được chế biến từ rất nhiều loại hải sản như: tôm, cua, sò, ốc, hến tươi rói.
< Do biển lặng nên không có tiếng sóng vỗ bờ, thật yên tĩnh.
< Có nơi toàn là đá với những loài cá nhỏ bơi lăn tăn trong các khe...
Cà Ná thưa dân? Có lẽ vậy. Tuy nhiên, nếu điều nghiên trước kỹ, bạn có thể vào làng chài Cà Ná để rồi nhận ra một vùng dân cư sung túc, trù phú... chỉ cách miền du lịch này vài cây số thôi.
Này nhé: từ Cà Ná, bạn chạy ngược theo QL1 về hướng Bắc, qua các hãng nước mắm (nước mắm ở đây ngon có tiếng đấy), bỏ qua ngã 3 đường xuống cảng cá (cảng cũ)...
< Vậy nhưng tại bãi đá vẫn có nơi có cát, nước trong khe nhìn thấu tận đáy.
Tắm biển thì ok nhưng không đem theo chai nước để tắm tráng lại, vậy nên thôi.
< Mình làm phó nháy.
... Chạy thẳng thêm gần 2km nữa, bạn sẽ thấy nhánh rẽ bên phải (đây chính là ngã 3 Cà Ná): bạn rẽ vào đấy rồi chạy ngang qua các ruộng muối bao la cho đến khi gặp ngã 3 đầu tiên: nếu rẽ phải sẽ vào trung tâm xã Lạc nghiệp (có chợ cá, có đình chùa, làng chài) - nếu chạy thẳng là vào thôn Thương Diêm, ra bờ kè cảng cá mới.
< Phó nháy chụp luôn cả nửa kia.
Bên cạnh bãi biển Cà Ná là cánh đồng muối Thương Diêm (thuộc xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam) khá nổi tiếng xưa nay. Ruộng muối làm nên muối thì rõ rồi. Nhưng còn một thứ được sinh ra từ ruộng muối là con 'ạc-tê', hay còn gọi là con 'ti-mi' - loài vật này giống như con lăn quăn sinh ra từ những vũng nước tù, nhưng nhỏ hơn nhiều. Thứ này dùng để nuôi ốc hương. Xúc ở đây xong, người dân mang ra ngoài mấy trại nuôi ốc hương để bán. Mỗi kg khô bán được 50.000 đồng.
< Và chụp luôn cả ánh bình minh...
< Hơi tiếc là bác mặt trời hôm nay thiếu màu sắc. Dùng Photoshop thêm màu vô à? Thôi, cứ để tự nhiên vậy: 'đồ giả' vẫn không ham.
Trên QL1 đoạn Cà Ná - trước kia vẫn thấy người ta bán ven đường các nhánh san hô nhiều màu sắc, trang trí vỏ ốc đủ màu thật đẹp. Vậy nhưng nếu nó có màu sắc quá sặc sỡ (ví dụ màu đỏ) thì bạn có đặc nghi vấn đây là màu nhuộm vì san hô đỏ rất hiếm.
Điều cũng cần nên biết là mua bán các sản phẩm từ san hô (cả trăng hay đỏ) là vi phạm pháp luật VN đấy. Vậy nên lần đi này không thấy cũng là điều đáng mừng.
< Vài phút tịnh tâm. Có lẽ hơi điên nhưng nói thật: khung cảnh này thì bọn mình có thể 'đốt thời gian' hàng tiếng, thậm chí cả buổi cũng được đấy.
Cà Ná còn gì lạ nữa không? Thì đây:
Nhà nghiên cứu động vật Ngô Văn Trí, phòng công nghệ và quản lý môi trường, viện Sinh học nhiệt đới (thuộc viện Khoa học và công nghệ Việt Nam) và tiến sĩ Tony Gamble, khoa di truyền – sinh học tế bào và phát triển, trường đại học Minnesota (Mỹ) vừa công bố thêm một loài tắc kè đá mới ở khu vực núi đá thuộc mũi Cà Ná, tỉnh Bình Thuận.
< Vậy nhưng cuối cùng cũng phải trở ra, nắng đã lên cao rồi.
Loài tắc kè này được đặt tên theo địa danh thu mẫu – Tắc kè đá Cà Ná – Gekko canaensis Ngô & Gamble, 2011. Công trình này được công bố trên tạp chí phân loại động vật quốc tế Zootaxa 2890, số ra cuối tháng 5.2011. Tắc kè đá Cà Ná Gekko canaensis có đặc điểm tương tự như loài tắc kè đá Grossmann – Gekko grossmann nhưng có mắt đỏ và cơ thể lớn hơn.
< Cô nàng Win vẫn lẻ loi chờ đấy, thầm lặng một mình và ngóng trong hai kẻ lãng du.
Chiều dài đầu mình lớn nhất 108,5 mm, màu nâu vàng, xen kẽ những đốm nâu thẫm trên đầu và lưng. Chạy dọc theo sống lưng từ sau gáy đến cuống đôi có năm đến bảy đốm trắng, dọc hai bên hông có sáu đến bảy cặp vạch trắng nhạt ngắn ở khoảng giữa chân trước và chân sau, có 14 – 18 lỗ trước huyệt ở con đực, đuôi có những vạch nâu thẫm và nâu trắng nhạt xen kẽ...
< Trở về Sơn Biển, bọn mình soạn hành lý, trả phòng rồi đi.
Nói chung: 150k tiền ở cho 1 ngày là khá rẻ, vừa ý.
Việc khám phá thêm loài bò sát mới cho thấy sự đa dạng loài ở Việt Nam và còn rất nhiều loài mới sẽ được nghiên cứu và công bố trong những năm tới.
< Rời Cà Ná, cung đường kế tiếp hôm nay mình dự định vẫn theo đường ven biển về Phan Rí rồi vượt Hòa Thắng để đến Mũi Né - đích đến sẽ là khu Suối Nước: một chốn 'chưa từng ở'.
Vậy nhưng trước khi đến 'chốn chưa từng ở', mình phải vượt Hòa Thắng rồi thấm mùi gian truân dù đã qua con đường đất đỏ ven biển này nhiều lần! Bạn sẽ biết khi xem phần sau, chờ nhé.
Còn Tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16
Điền Gia Dũng
Travel79.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét