(QBO) - Theo quốc lộ 1A, từ Bắc vào hay từ trong Nam ra, đến phía Nam cầu Lý Hòa, rẽ về phía Đông khoảng 2km là tới chùa Quan Âm Tự.
Tương truyền, vào tháng 7/1802, đời vua Gia Long, một ngư dân tên là Hồ Lương Đường, trong một lần đi đánh cá ngoài biển, đã kéo lên được một pho tượng bằng đá. Ngày hôm sau, ông lại kéo được 1 bệ đá và 2 chiếc cối, 2 chiếc chày bằng đá (theo các nhà khảo cổ học thì đây là đồ dùng của người Chăm). Nhân dân cho đây 1à điểm lành nên dân làng đã dựng một ngôi nhà bằng tranh tre thờ vị quan âm đó để cầu phúc cầu tài.
Theo truyền tụng, trước đây vùng đất này không yên ổn, làm ăn thiếu may mắn. Nhưng từ ngày dựng "chùa" dân làng làm ăn phát đạt, làng xóm yên vui. Tiếng lành đồn xa, nhân dân trong vùng đến lễ chùa rất đông. Ngôi chùa trở nên chật hẹp, không đáp ứng được nhu cầu tâm linh của thiện nam tín nữ. Thể theo nguyện vọng của nhân dân, một Ban vận động xây dựng chùa với quy mô lớn được thành lập.
Chùa được khởi công xây dựng năm 1843. Sau hơn 2 năm lao động miệt mài của những người thợ và nghệ nhân tài hoa, ngày lễ vu lan (15/7 năm Ất Tỵ (1845) chùa được khánh thành. Chùa Quan Âm Tự tọa lạc trên một khu đất cao khoảng 15m, rộng 10.000m2 trông giống như một bông sen khổng lồ, sát bờ biển và ngã ba sông Lý Hòa thuộc xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch, rất thuận tiện cho khách tham quan cả bằng đường thủy lẫn đường bộ.
Chùa hoàn thành năm 1845, là ngôi chùa có quy mô khá lớn. Chùa làm bằng gỗ lim, theo phong cách kiến trúc Phương Đông, có hàng rào xung quanh. Chùa có tiền đường, thượng điện, nhà thờ tổ, tam quan, gác chuông. Khác với chùa khác của Việt Nam, phần nhiều do giai cấp quý tộc hay đồng minh của nó xây dựng, nên thể thức kiến trúc không có tính chất dân gian. Chùa Quan Âm Tự do nhiều cánh thợ ở các nơi đến làm. Mỗi cánh thợ làm một bộ phận. Vì thế các nhóm thợ thi nhau làm cho đẹp để lấy tiếng. Thợ làm chùa Quan Âm Tự là những người tự do, không bị quyền lực nào khống chế gò bó, câu thúc. Bởi thế những tác phẩm điêu khắc ở chùa trang trí đầy óc sáng tạo. Hình rồng, phượng ở chùa mỗi con mỗi vẽ. Xung quanh chùa là vườn cây trái, một không gian thoáng đảng yên tỉnh.
Buổi đầu chùa chỉ thờ tượng Quan Âm vớt được ở dưới biển. Dần về sau, do có nơi thờ phụng trang nghiêm nên tăng ni, phật tử trong chùa đã thỉnh về và nhiều vị cao tăng phật tử các nơi đã tiến cúng nhiều tượng cho chùa. Phật điện dần đông lên. Hiện nay, trong chùa có tượng hộ pháp, bộ tượng tam thế, a di đà, quan âm bồ tát, đại thế chí, được sư lưu ly, địa tạng, thích ca sơ sinh, ngọc hoàng, nam tào, bắc đẩu, hộ pháp long thiên, đạt ma tổ sư... Tất cả có 30 pho tượng.
Các tượng được làm bằng chất liệu khác nhau như đá, đồng, gỗ và có niên đại từ thế kỷ 18 đến 19. Các hoành phi, câu đối sơn son thiếp vàng đa phần nói về phật pháp nhiệm màu và có nhiều bức đại tự. Chùa Quan Âm Tự có một số hiện vật rất quý như: Hai chiếc cối đá và 2 chiếc chày đá, có, niên đại khoảng thế kỷ thứ 7, thứ 8. 2 chiếc đại hồng dung được đúc vào thời Tự Đức, chuông nặng 200 kg, tăng ni, phật tử ở đây coi như một báu vật. Trên chuông khắc một bài văn bia ca ngợi chốn danh lam thắng tích, nhắc lại truyền thuyết vớt được tượng quan âm.
Sau gần 140 năm tồn tại, tháng 5-1972, trong một trận chiến đấu vô cùng ác liệt, dân quân Đức Trạch đã phối hợp với bộ đội bắn chìm một tàu chiến, bắn rơi một máy bay và bắn bị thương nhiều tàu chiến khác, bắt sống tên phi công Mỹ. Trước thất bại nặng nề đó, đế quốc Mỹ đã huy động hàng trăm lần chiếc máy bay, điên cuồng ném xuống chùa và khu vực xung quanh hàng trăm tấn bom đạn, giết chết hàng trăm thường dân vô tội và các tín đồ phật giáo, 17 đồng chí bộ đội đã hy sinh, phá hủy gần như hoàn toàn ngôi chùa, cổng tam quan chỉ còn lại phần cổng chính.
Năm 1991, Với tinh thần trở về cội nguồn, giữ gìn một di sản văn hóa quý báu, các tín đồ trung thành với đức phật Thích Ca, đã góp công góp của xây dựng lại ngôi chùa khang trang như hiện nay.
Chùa Quan Âm Tự được dựng lên để thờ phật, hoằng dương phật pháp và cũng là một trường học kiến thức xã hội, nhất là đạo đức làm người. Chùa đã có những đóng góp đáng kể trong việc phục vụ lợi ích xã hội. Trong những năm tháng kháng chiến, chùa đã trở thành cơ sở cách mạng, nuôi giấu, che chở cán bộ. Tại ngôi chùa này đã chứng kiến nhiều lần kết nạp đội viên du kích, lễ tuyên thề của các chiến sỹ cảm tử quân trước khi ra trận. Ở đây cũng là điểm xuất phát của những người ban ngày là những phật tử - dân chài, ban đêm là du kích đi đánh đồn giặc, ngăn chặn địch hành quân đi cướp bóc, đốt phá.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chùa là nơi hội họp của chi bộ Đảng lãnh đạo nhân dân chống trả các cuộc càn quét của địch, bí mật đưa đón cán bộ cấp trên về chỉ đạo chiến đấu. Một số cán bộ trong số ấy đã nhiều lần bị địch vây giáp, truy kích nhưng do hóa trang thành phật tử đến hành hương nên đã thoát khỏi sự truy lùng của địch. Có pho tượng được đục thủng ở dưới đế để cất giấu tài liệu. Nhiều đồng chí hoạt động ở đây sau này đã trở thành những cán bộ chủ chất của tỉnh. Đặc biệt, có đồng chí Đặng Gia Tất sau này trở thành thư ký của đồng chí Lê Duẩn, Tổng Bí thư nổi tiếng của Đảng ta.
Chùa Quan Âm Tự nằm cạnh cửa sông Lý Hòa, sát bờ biển, trên một vùng đất rộng, không có gì che chắn, mùa đông thì ấm áp, mùa hè thì mát mẻ. Từ đây, nhìn ra xa là rừng phi lao, thông trãi dài tít tắp. Ở độ cao 15m, trước không gian rộng mở bao la, dường như không khí ở đây thoáng nhẹ hơn hẳn những nơi khác, chỉ cần bước vào khu vực nhà chùa ta đã cảm thấy như là sự yên tỉnh, trong sạch của chùa đã lọc đi trong lòng người những bụi bặm của đời thường, khiến ta cảm thấy thanh cao hơn, càng làm ta cảm cái ân tình của thiên nhiên mà người xưa đã chọn nơi đây để tạo dựng nên chùa.
Đến dâng hương chùa Quan Âm Tự mà chưa ra biển thì chuyến đi chưa phải đã trọn vẹn. Sát chùa Đức Trạch là bãi biển rất đẹp với bãi cát dài thoai thoải. Cát ở đây rất trắng nên nước biển trong và sạch không khác gì nước trong bể kính. Ai đến đây cũng cảm thấy khoan khoái dễ chịu và được hít thở bầu không khí trong lành.
Đến Đức Trạch viếng chùa, ngoài cảnh đẹp kỳ thú của thiên nhiên, biển cả, khi ra về, du khách còn có nhiều thứ đặc sản nổi tiếng làm quà. Đó là nước mắm Đức Trạch vàng ong, rất thơm, ăn vào không thể nào quên; là cá mực khô con to, dày và trắng, nướng lên ăn rất ngọt, đượm mãi trong cổ.
Lễ hội ở đây cũng thật đa dạng. Hầu hết các lễ, vía của phật đều được nhà chùa tổ chức. Nhưng hàng năm, cứ vào ngày rằm tháng 4 (Âm Lịch) - ngày phật đản, nơi đây lại diễn ra hội lớn. Dòng người thiện nam tín nữ tấp nập từ các vùng xung quanh đỗ về chùa Quan Âm Tự dâng hương.
Theo báo Quảng Bình, ảnh Phattuvietnam và nhiều nguồn khác
Travel79.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét