Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2013

Về nơi di tích lẫn trong di tích

(TTCT) - Dấu ấn mang phong cách Bình Định trên vùng đất hai vua nằm ngay quần thể di tích thành Hoàng Đế ở thị xã An Nhơn. Dấu tích xưa còn phảng phất trên những lối mòn lọc cọc xe ngựa, quanh đầm sen, trầm tích những ngôi chùa, ngọn tháp.

< Cổng chùa Thập Tháp.

Thế kỷ 10, Chiêm Thành chọn vùng đất này xây thành Đồ Bàn, đến khoảng thế kỷ 12 xây tháp Cánh Tiên. Thế kỷ 18 hoàng đế Nguyễn Nhạc chọn nền cũ Đồ Bàn xây thành Hoàng Đế. Xung quanh là quần thể tháp xưa cổ kính, đặc biệt là ngôi chùa Thập Tháp cách thành cũ khoảng vài trăm mét.

Di tích chen di tích

Tất cả đều là di tích quốc gia, di tích nằm trong di tích. Nhiều nhà khảo cổ học đến đây cũng ngỡ ngàng vì sự phong phú này. Khách đến đây như lạc vào những vết son sử hào hùng, chiêm bái thành tựu văn hóa cổ xưa để kính cẩn nghiêng mình, để niềm tự hào lan tỏa.

< Xe ngựa vẫn còn chạy trên kinh đô xưa.

Từ bến Xe Ngựa, du khách có thể ngồi trên chiếc xe ngựa lọc cọc, bồng bềnh bước vào một thời quá vãng để được nghe giai thoại về hạt lúa thần khổng lồ, về công chúa Huyền Trân, về chiến công lẫy lừng của các anh hùng sinh ra trên mảnh đất địa linh. Vẫn còn đó con đường làng quanh co dưới lũy tre cỗi già ông bà xưa dùng đánh giặc, giữ làng.

Tháp Cánh Tiên là sự hiện hữu một nét kiến trúc độc đáo nhất trong quần thể tháp Chăm. Có người nghi ngờ rằng đây là tháp Chế Mân xây riêng tặng công chúa Huyền Trân vì trong tháp có những hình chạm khắc công phu mang dáng dấp một mỹ nữ.

Vút lên trời cao ngọn tháp đứng trong một không gian thoáng đãng, cứ tưởng dang tay ra là ôm hết bầu trời. Không biết vị trí này đắc địa như thế nào mà trong nhiều thế kỷ, các vương quốc, các vị hoàng đế lại chọn xây thành kiên cố trị vì đất nước, nhiều thiền sư dừng chân trên đường truyền đạo.

< Điện bát giác tại thành Đồ Bàn.

Bình Định xưa nay được mệnh danh là đất võ - trời văn, kiến tạo văn hóa, quần tụ linh khí địa linh nhân kiệt thì nơi này chính là hạt nhân, nơi khởi nguồn của những khởi nguồn ở Bình Định.

Quần thể di tích chồng lấp lên nhau là lăng Võ Tánh được xây trên nền thành Hoàng Đế, thành Hoàng Đế thì lấy nền móng thành Đồ Bàn. Hiện các nhà khảo cổ đang khai quật và tìm thấy dấu vết của một tử cấm thành kinh đô xưa. Cổng lăng, song trung miếu, điện bát giác, hồ bán nguyệt, hậu cung... vẫn còn chứng giám trầm tích lịch sử một thời vang bóng.

Non nước hữu tình

< Tháp Cánh Tiên, di tích trong di tích thành Hoàng Đế.

Nếu du khách hiểu biết về lịch sử, về vương quốc Champa, về thời Tây Sơn, chùa chiền thì bước chân chắc chắn bị níu lại nhiều ngày. Có người cho rằng đây là nơi hội ngộ lịch sử. Đổi châu Ô và châu Rí lấy công chúa Huyền Trân và cuộc chiến với nhà Trần của Champa; cuộc chiến nhà Tây Sơn với hơn 20 vạn quân Thanh, Rạch Gầm - Xoài Mút với quân Xiêm và với nhà Nguyễn...

Đứng ở thành nhìn rõ tháp Cánh Tiên, đứng ở tháp Cánh Tiên nhìn thấy chùa Thập Tháp, đứng ở chùa Thập Tháp nhìn thấy núi Mò O. Nhìn từ phía chùa, núi Mò O (hay còn gọi là Thiên Bút, Ma Ha, Tiên Tỉnh Sơn, Mạ Thiên Sơn...) như một cánh buồm căng gió hướng ra biển Đông. Truyền thuyết kể rằng trên núi có nhiều mỏm đá giương ra phía Bắc hứng gió ngàn năm để biến thành kim cương nên được cho là nơi cuối cùng của long mạch, tiềm ẩn và phát tích đất đế vương.

Cảnh ở đây quá tuyệt nên có thơ: Rồng thiêng tiên cưỡi đi đâu/Cánh Tiên để đó dãi dầu nắng mưa/Cùng non tháp giữ tình xưa/Trải bao dâu bể vẫn chưa nao lòng/Đồ Bàn còn núi còn sông/Còn tiên kết cánh, còn rồng tuôn mây.

Lặng lẽ ngôi chùa Thập Tháp linh thiêng với kiến trúc hơn 340 năm vẫn âm vang theo tiếng chuông. Chùa gắn với câu chuyện hạt lúa khổng lồ, cứ đến mùa xuân, sau khi ruộng cày bừa xong lúa tự lăn ra đồng gieo hạt, đâm chồi trổ gié. Đến mùa hạ, người nông dân dọn dẹp sân sạch sẽ lúa tự lăn về. Mỗi hạt lúa dùng đủ no một tháng và chỉ dành cho người nghèo khổ.

< Làng sen Bả Canh bên cạnh tháp Cánh Tiên.

Chùa lồng lộng mát hơi nước sông Kôn lại rợp bóng cây cổ thụ hơn 200 năm tuổi và những báu vật như quả chuông đúc từ thế kỷ 19, câu đối của chúa Nguyễn Phúc Chu, 2.000 bản gỗ in kinh Di Đà...

Rợn ngợp trong không khí linh thiêng, hòa cùng non nước hữu tình, du khách có thể thả hồn mình ven con đường làng, qua những bàu sen để đến chùa Nhạn Sơn theo tiếng đồn linh thiêng của hai pho tượng Ông Đỏ - Ông Đen, đến nỗi đồn rằng ai có nỗi ưu phiền thế sự, xui xẻo khi chui qua Ông Đỏ - Ông Đen là mọi việc được xóa sạch...

Dấu vết xưa không chỉ còn ở di tích lịch sử mà du khách còn tha hồ thăm những làng nghề truyền thống duy trì bao đời xúm xít quanh kinh đô xưa. Từ làng gốm Vân Sơn, làng dệt, làng rèn Phương Danh, làng đúc đồng Bằng Châu, làng tiện gỗ, làng nón Gò Găng, nón ngựa Phú Gia và rất nhiều làng võ dọc sông Kôn cho thấy sự rộn ràng xe ngựa phồn hoa trên mảnh đất kinh kỳ.
Xem nguồn >

Theo Trường Đăng (Tuổi Trẻ Chủ Nhật)
Travel79.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét