(TQO) - Một ngày cuối tháng 3, chúng tôi có dịp theo chân đoàn cán bộ kiểm lâm Yên Sơn đến thăm mô hình bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn tại thôn Khuổi Bốc, xã Trung Minh.
Lên với Đá Nản
Hai tiếng đồng hồ ngồi trên chiếc xe uoát trên con đường cua, xóc, gập ghềnh từ huyện lỵ vào đến thôn, ai cũng thấm mệt. Song khi nghe Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hoàng Văn Kiên cho biết, khu rừng nghiến trăm tuổi và những thảm thực vật phong phú ở đây không kém gì rừng quốc gia Cúc Phương, ai cũng háo hức muốn leo rừng, tận mắt chứng kiến khu rừng nguyên sinh kỳ thú này.
Khuổi Bốc là một trong những thôn đặc biệt khó khăn của xã Trung Minh. Thôn có 43 hộ đồng bào dân tộc Dao, Mông thì có 27 hộ thuộc diện nghèo (chiếm 62%). Tuy nhiên, điều thật đáng trân trọng là không một ai xâm phạm đến rừng vì lợi ích mưu sinh.
Dẫn chúng tôi lên khu rừng già Đá Nản, ông Lý Văn Cam, Bí thư chi bộ, thành viên tổ quản lý, bảo vệ khu rừng nguyên sinh chỉ cho chúng tôi xem một chiếc ao cách khu rừng Đá Nản chừng 200 mét, ông bảo đó là ao Tiên.
Chiếc ao Tiên này đã tồn tại từ bao đời nay cùng với khu rừng. Ao rộng chừng 5 sào, hình tròn, nước trong xanh bốn mùa, không bao giờ cạn. Ông Cam bảo, các thế hệ đồng bào ta ở đây truyền nhau kể lại rằng, đã có người nhìn thấy Tiên bay trên đỉnh núi Đá Nản, rồi sà suống ao tắm, nên mới đặt tên là ao Tiên. Đời sau, có một số người không tin chuyện ngày xưa, tháo cạn nước ao đi để bắt cá, trồng cây, nhưng không thu được gì mà còn bị lụi bại vì bệnh tật, ốm đau. Các cụ già mách, đắp lại ao như cũ để trả cho Tiên chỗ tắm. Mấy người vội làm theo. Thật kỳ lạ mấy ngày sau mưa xối xả, khi ao đầy nước cũng là lúc người nọ khỏi bệnh. Từ đấy, không một ai dám động đến ao Tiên. Ngày đầu năm hoặc cuối năm, dân trong bản lại bảo nhau góp gạo nấu xôi, mổ con gà trống đem ra ao cúng, cầu thần tiên ban cho mưa thuận gió hoà, phù hộ cho dân làng được yên vui, no ấm.
Qua ao Tiên, đến cửa rừng, chúng tôi bắt gặp một tảng đá to, có hình thù như một tấm bình phong che chắn cho khu rừng. Đoàn bám sát nhau leo lên đến độ cao trên 100 mét thì tới rừng nghiến. Quang cảnh đập vào mắt mọi người là một dãy hơn chục cây nghiến mọc hàng ngang gần như thẳng tắp, cây nào cũng có đường kính trên 1 mét. Có lẽ, những cây nghiến cổ thụ này đã phải chắt chiu chất đất, vật lộn với gió bão hàng mấy trăm năm mới sinh tồn hiên ngang được đến ngày nay. Cùng với nghiến là các loài cây gỗ khác như trai, chò, kẹn, phay, sấu, vẩy ốc cũng có đường kính trên dưới 1 mét. Dưới chân là từng lớp thảm lá mục dày tới vài chục phân, nhưng tuyệt nhiên không có một con vắt hay con muỗi nào.
Cán bộ kiểm lâm giải thích, bây giờ chưa vào mùa mưa nên chưa có muỗi và vắt, tuy nhiên, đây là khu rừng trên núi đá vôi, chủ yếu là các loài cây gỗ lớn sinh trưởng nên rừng thoáng mát, khô ráo nên mùa mưa cũng rất ít muỗi, vắt. Chúng tôi tiếp tục trèo lên đỉnh rừng, phóng tầm mắt nhìn xuống thấy bản làng dưới những tán cây rừng, xen lẫn trong ngàn hoa rừng là hoa chuối đỏ trông thật thích mắt. Anh Kiên cho biết thêm, khu rừng nguyên sinh này rộng trên 650 ha, trong đó có nhiều khoảnh toàn gỗ quý như nghiến, trai. Đây cũng là khu rừng nguyên sinh giàu các loài cây gỗ quý nhất huyện. Ngoài ra, trong rừng vẫn còn nhiều loài động vật như kỳ đà, rùa đá, tắc kè, trăn, rắn, chim rừng, gà rừng cùng nhiều loài thảo dược quý hiếm khác.
Trách nhiệm cộng đồng
Tháng 3-2008, Hạt Kiểm lâm huyện chính thức triển khai mô hình bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn cộng đồng thôn bản theo dự án RIDP, giao cho dân bản thực hiện nhằm bảo đảm nguồn nước cho sản xuất, môi sinh, đời sống và quan trọng nhất là bảo vệ bằng được diện tích rừng hiện có. Dân bản được hưởng lợi từ nguồn lâm sản phụ dưới tán rừng phòng hộ, tận thu những cây chết hoặc cây gẫy, đổ do thiên tai gây ra. Bảo vệ rừng là trách nhiệm của cả cộng đồng, tuy nhiên nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ rừng được giao cho 4 thành viên của tổ quản lý, bảo vệ, là những người có trách nhiệm, sức khoẻ, uy tín nhất do dân bản bầu ra.
Cứ một tuần hai lần, tổ bảo vệ lại cùng nhau mang theo biđông nước và cơm nắm đi tuần rừng nhằm phát hiện, xử lý kịp thời những dấu hiệu xâm phạm rừng. Để đi khắp khu rừng này phải mất một ngày ròng không nghỉ. Ai cũng thuộc nằm lòng vị trí từng cây nghiến, cây trai cổ thụ. Tuy nhiên, tròn một năm đã trôi qua, dường như chưa một ai động đến nguồn lâm sản phụ cũng như tận thu các cành, cây chết, gẫy, đổ ở rừng. Nhưng, không vì thế mà tổ lơ là, xao nhãng nhiệm vụ được giao, dù tiền công tuần rừng chỉ có 100.000 đồng/người/tháng. Mỗi cây nghiến cổ thụ trên núi đá này có trị giá hàng trăm triệu đồng, cả khu rừng nghiến, trai quý trị giá nhiều tỷ đồng vẫn vẹn nguyên. Bởi một điều thật đơn giản, nhưng thiêng liêng, đó là khu rừng đã tồn tại, che chắn, bảo vệ bao thế hệ người nơi đây, là tài sản quốc gia.
Cụ Triệu Văn Tài, năm nay gần 80 tuổi đời, cụ đã được tặng Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng rưng rưng xúc động mỗi khi kể về rừng. Cụ nói: "Rừng che chở cho bản làng, rừng thiêng lắm! Bản chưa một lần bị lũ ống, lũ quét tàn phá cũng nhờ có rừng. Bản bốn mùa có nước trong mát, khí hậu trong lành, người người khoẻ mạnh cũng nhờ rừng". Bởi vậy, cụ và các lớp con cháu ở đây quyết tâm bảo vệ rừng đến cùng. Các cán bộ kiểm lâm huyện cũng luôn sát cánh cùng bà con cùng nhau bảo vệ nguồn tài sản quý của quốc gia.
“Không thể bảo vệ rừng nếu không có sức mạnh cộng đồng” - Hạt phó Kiểm lâm Hoàng Văn Kiên khẳng định. Nhưng ở đây vẫn tồn tại một nghịch lý: Rừng giàu - dân nghèo. Nguyên nhân do bà con có quá ít đất sản xuất. Bao đời nay bà con vẫn sống bằng cây ngô, cây sắn trồng trên những khu đất đồi thấp, còn đất ruộng có quá ít, không đáng kể. Thôn đã vận động bà con tăng cường phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà, song kinh tế của bà con hầu hết vẫn là tự cung tự cấp, chưa có sản phẩm hàng hoá.
Để bà con thoát nghèo, làm giàu từ rừng, ngay trong tháng 4 này, Hạt Kiểm lâm huyện triển khai phát cây giống, hướng dẫn bà con trồng rừng keo, mỡ trên 36 ha đất vườn đồi; đề nghị trợ cấp gạo cho bà con mỗi người 10 kg/tháng theo chương trình trợ cấp gạo cho đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi thay thế nương rẫy của Chính phủ. Được biết, nguồn cây giống chỉ hỗ trợ cho gia đình nào có diện tích trồng rừng từ 0,5 ha trở lên; còn chương trình hỗ trợ gạo UBND tỉnh đang xem xét. Mong rằng, các chương trình trên sớm được triển khai để người dân nơi đây được hưởng lợi từ rừng một cách xứng đáng.
Theo Thèn Hương (báo Tuyên Quang)
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét