(Thangnt) - Lang thang xứ sở, mỗi lần gặp một dòng nước lạ, tôi đều nháo nhác hỏi bất kỳ ai thắc mắc của mình: “sông/suối này là sông/suối gì bác nhỉ”. Nhưng ít ai thèm để ý đến câu hỏi ngơ ngẩn kiểu mộng rớt thi nhân nửa mùa của tôi, bởi họ đang tranh luận cây cầu bắc qua sông đầu tư bao nhiêu tỷ, cái ô tô vừa lướt qua là của hãng gì mà đẹp đến thế, rồi cái cô ngồi trong xe, chân đã dài miên man, mắt lại ướt sượt như là… có lửa.
Khi ấy, tôi bèn lẩn thẩn ao ước, giá mà cùng với việc kẻ vẽ tên cầu là gì, xây ngày bao nhiêu, hợp long ngày nào, cao bao nhiêu, dài bao nhiêu mét tây mét ta, tải trọng bao nhiêu – nên chăng, người ta viết thêm cái dòng cầu ấy bắc qua sông/suối gì thì… quý hoá quá.
Con sông! Nó mang tải cả những nền văn minh lớn nhất của nhân loại, hạt phù sa của nó nhiệm màu đến mức cứ khiêm tốn lặng lẽ thế mà làm thay đổi cả thế giới này. Sông suối càng lớn, hương rừng sắc núi, sóng nước ngàu ngọt càng lắng tụ nhiều, sinh ra hiền kiệt giai nhân.
< Tác giả tại thượng nguồn sông Hồng, nơi ngã ba suối giáp biên Lũng Pô và sông Hồng vừa gặp nhau.
Không ai ngọt ngào với tên sông tên suối, không ai thích thắc mắc, sông lớn mày chảy về đâu, mày từ đâu đến, tôi bèn lần mò tự định vị sông, khám phá sông, lý giải sông. Rồi đến lúc, đi mãi, giật mình, mình đã có cả bộ sưu tập ảnh thượng nguồn các dòng sông lớn (tạm thời cứ tính trên lãnh thổ Việt Nam). Luyện công phu đến độ có thể nhắm mắt thấy dào dạt sông nào đi từ đâu, đến đâu thì hoà nước vào sông anh sông chị (lớn hơn) mà tiếp tục xuôi ra biển (hoặc đôi khi chảy ngược, kiểu “Chúng thuỷ giai đông tẩu/ Đà giang độc Bắc lưu” (sông Đà có khúc chảy ngược lên phía Bắc), hoặc nữa: “Trăm con sông cùng chảy về xuôi/ riêng quê tôi có con sông chảy ngược” (sông Kỳ Cùng ở Lạng Sơn, từ Trung Quốc về Việt Nam rồi chảy ngược sang… Trung Quốc; nó cũng giống như sông Quây Sơn ở Cao Bằng)…
Chung quy thì kiếp sông hồ rất giống kiếp con người, có các giai đoạn ứng với những ái ố hỉ nộ/ mạnh yếu theo một quy luật; nhưng cái thói cá lớn nuốt cá bé thì đám sông ngòi nó dã man hơn đứt cái anh… người. Sông lớn ăn thịt sông bé, sông Nậm Na thơ mộng và hùng vĩ đệ nhất toàn cõi Tây Bắc, gặp sông Đà ở chỗ dinh “vua Thái” Đèo Văn Long giáp ranh hai tỉnh Điện Biên – Lai Châu thì bị sông Đà nuốt chửng, sông Đà sặc sỡ chuồi mình trên đá phiến, về đến ngã ba Trung Hà của tỉnh Hà Tây thì bị sông Hồng ăn thịt. Sông Hồng đi thêm một khúc đường hơn chục cây số nữa thì lại đớp luôn mất sông Lô ở ngã ba Bạch Hạc huyền sử. Trước đó, sông Lô đã cướp nước của sông Gâm, sông Chảy. Cái câu trăm sông đổ về biển lớn rất đúng, đúng trước nhất là ở cái nghĩa đen xì “sông lớn nuốt sông bé” này của nó.
< Thượng nguồn sông Quây Sơn trên đất Việt thuộc địa bàn xã biên giới Đàm Thuỷ, Trùng Khánh, Cao Bằng.
Nếu không sợ các bạn mê ngành “sông học” rối rắm, thì cũng cần mở ngoặc thêm, thường thì sông vẫn lạnh lùng sát thủ với nhau theo lối cá lớn nuốt cá bé. Nhưng đôi khi cũng có ngoại lệ (đời người cũng vậy mà), ví thử nhiều nhà khoa học đã bắc máy móc đo đạc đàng hoàng rồi kết luận, rằng là ở cái chỗ Trung Hà (còn gọi là ngã ba Hồng Đà, vì đó là nơi sông Hồng, sông Đà húc phải nhau), lưu lượng nước của sông Đà (đơn vị là m3/s) lớn hơn sông Hồng hẳn hoi.
Nhưng sông Đà không nuốt được sông Hồng, mà oán thán thay! – ngược lại. Lý do dễ hình dung thế này: một lọ mực Cửu Long đổ vào một bể nước, thì cái màu mực ít ỏi vẫn thắng màu nước lã tràn trề, đơn giản nó là cái màu mạnh, màu lấn át. Sông Hồng đã thắng vì cái màu hồng đỏ nặng phù sa của nó, cái tên Sông Hồng đã rạng danh trôi về đến tận biển Đông. Cái màu hồng sậm đặc. Thôi thì sông Hồng nó có đức thì nó được hưởng lộc giời một tí cũng xứng đáng thôi. Bởi phù sa của sông Hồng đục ngàu, nó là dòng sông có sức lấn biển lớn thứ nhì trên thế giới, mỗi năm, vùng Kim Sơn, Tiền Hải (Ninh Bình, Thái Bình) lấn ra biển tới 80m, chỉ đứng sau có mỗi cái kỷ lục lấn biển của sông Misssissippi của Bắc Mỹ!
< Nguồn sông Chảy và cảnh mở đường dần tiến lên bản Cốc Dế, Si Ma Cai, Lào Cai.
Thế cho nên, nếu bạn muốn xem kỳ quan thiên nhiên thì hãy đến Ngã ba Hồng – Đà (giáp ranh hai tỉnh Phú Thọ và Hà Tây): một dòng sông chia đôi tim dòng ra, thấy rất rõ nó có hai màu: hữu ngạn có màu đỏ như nước cốt trầu; và tả ngạn thì lại cứ xanh đen như nghiền nát đá núi với ngàn vạn diệp lục rừng già trong bụng nước. Nửa tả ngạn là nước xanh đen của sông Đà mà người Pháp trước đây gọi là sông Đen (Rivièrre Noire), nửa hữu ngạn là nước đỏ đặc, đỏ đậm đến mức gọi thành tên sông Đỏ (cũng Pháp gọi là Rivièrre Rouge) của sông Thao (tên gọi khúc trung lưu của sông Hồng). Hai con sông gặp nhau, hai cái màu cãi nhau một chốc rồi “chó con bỏ bu”, chúng tự thoả thuận, sông Đà tự rút lui. Nó tìm lối thoát trong danh dự, bảo rằng: sở dĩ tớ bỏ cuộc đua về với biển, là vì tớ là con sông dũng mãnh, suốt đời chỉ hồng hộc băng mình trên đá phiến và ghềnh thác. Đến chỗ Hà Tây, Phú Thọ, chảy trên đất bằng phẳng, tớ tê cuồng triệu triệu cái vó nước, tớ quay đầu ngược Tây Bắc để thoả chí rong chơi với ghềnh thác…
< Phong cảnh quyến rũ của sông Đà, nơi con sông Đà chảy vào đất Việt.
Tựu trung có vài cái cách đặt tên sông rất dễ nhớ, hoặc gọi là “sông”, hoặc gọi là “nậm” (hoặc đọc chệch là “nặm”, tức là dòng nước, theo tiếng của một số cộng đồng người phía Bắc). Nậm Tè là dòng nước chảy qua huyện Mường Tè, nó chính là tên “phương ngữ” dùng để gọi sông Đà ở khúc thượng lưu. Nặm Tao là tên gọi của sông Hồng ở đoạn trên, xuống khu vực trung du Phú Thọ bà con gọi (và đọc chệch theo phương ngữ, tiếng Việt) thành Sông Thao (Sông Thao nước đục người đen/ Ai lên Vũ Ẻn thì quên đường về), ở khúc từ Hà Tây đổ về biển qua cửa Ba Lạt, Thái Bình – sông Thao chính là sông Hồng. Cả vùng Tây Bắc vút ngàn trùng xa, hầu hết cả chục con sông, cả trăm con suối đều bắt đầu bằng chữ Nậm, vào mãi khu Bắc miền Trung như Nghệ An, ta vẫn gặp Nậm Mộ, Nậm Nơn (dòng sông làm Thuỷ điện Bản Vẽ, cuối năm 2007, chúng ta vừa mất ít nhất 18 kỹ sư và công nhân trong lòng núi dữ ở đó). Nậm Nơn, Nậm Mộ, hai con sông kỳ ảo lướt mình giữa mênh mông diệp lục của rừng Việt, rừng Lào, qua những bản làng dân tộc thiểu số sặc sỡ sắc màu (như người Ơ-đu, Đan Lai), đôi sông dữ dằn đã húc vào nhau ở ngã ba huyện Tương Dương, khai sinh ra sông Lam.
< Nơi sông Lam được sinh ra, ngã ba Nậm Mộ, Nậm Nơn thuộc địa bàn huyện Tương Dương, Nghệ An.
Nước sông Lam biết khi mô cho cạn, con sông này ăn quá sâu vào tiềm thức người quê Bác nói riêng và cả người Việt Nam nói chung; nhưng ít ai để ý rằng, “cậu/cô ta” dù được gọi là sông Cả, nhưng cả việc sinh ra, cả việc vùi mình vào với biển ở gần cầu Bến Thuỷ nổi tiếng, “đồng chí ông Lam” chưa bao giờ bò ra khỏi địa phận duy nhất một cái tỉnh Nghệ An. Kỷ lục nữa, ở quê hương câu hò Nghệ Tĩnh, ôm trong mình con sông có cái tên thơ mộng nhất Việt Nam, sông Giăng (ở Con Cuông) và con sông có cái tên… (cảm giác là) ô nhiễm nhất Việt Nam (sông Rác ở Kỳ Anh).
Mấy cái kỷ lục mà tôi mạnh dạn tấn phong nữa, đó là con sông chảy trên cao nguyên cao nhất Việt Nam, tạo nên áng tình sử núi – sông kỳ vĩ nhất: sông Nho Quế. Nếu đứng trên Mã Pí Lèng án ngữ giữa hai huyện vòi vọi của cao nguyên đá Đồng Văn – Mèo Vạc, bạn sẽ có cảm giác sông Nho Quế chỉ là một chút dung nham trắng xanh kỳ ảo, không thấy nước chảy, không thấy thác reo. Ném hòn đá lớn xuống sông, bạn sẽ không thể quan sát được viên đá bay đi đâu, và nếu nó đụng vào mặt sông thì đụng bằng cách nào, nó lăn bao lâu mới qua được vời vợi vực sâu ngàn thước len cao ngàn thước xuống giữa lởm chởm đá, tơi toang một biển mây mù kia.
< Sông Nho Quế, phần thượng du kỳ vĩ và hoang vu tột cùng, nhìn từ đỉnh Mã Pí Lèng, Hà Giang, đỉnh của cao nguyên cao nhất Việt Nam.
Tiếp: con sông chảy từ Trung Hoa vào Cao Bằng, hình như thấy cái chỗ đã cao lại còn bằng thì chảy làm sao, sông quày quả lượn sang nước bạn, để lại cái tên diễm tình “sông Quây Sơn” và hệ thống thác cao, đẹp, mĩ miều nhất mà người Việt Nam không xuất ngoại vẫn được mục sở thị: thác Bản Giốc. Chuyện về sông nó cũng dài như sông vậy. Tôi lan man muốn tổ chức tua du lịch sinh thái (nói chữ sinh thái vào cho nó “mốt”): đi đến thượng nguồn các dòng sông dữ, sông lớn, sông mang tải lịch sử nước nhà. Những chuyến đi đệ nhất gian khổ nhưng mà cũng đệ nhất sung sướng.
Ai cũng biết, sông Hồng là bầu sữa mẹ lớn nhất, là “cái bọc trăm trứng” kỳ diệu đã khai sinh ra cả nền văn minh của Châu thổ Bắc Bộ. Nền văn minh của người Việt. Sông Thao – Sông Hồng – Sông Cái – sông Mẹ, đó là vài trong số rất nhiều những cái tên thương mến, kính cẩn mà người Việt Nam đã dùng để nhắc đến Red River. Hạt phù sa màu nhiệm của sông Hồng đã nuôi dưỡng, tưới tắm cho cả châu thổ Bắc Việt Nam, cái nôi của nền văn minh Đại Việt. Tôi sinh ra ở cái ngã ba Hồng – Đà nơi hai con sông lớn hoà sắc vào nhau, tôi lớn lên ở rệ đê sông Hồng, được tưới tắm nhiều năm bởi sông Cái; nên mới gọi cái vụ liều mình lên đầu ngọn sông Hồng (địa bàn biên giới tỉnh Lào Cai) thời hoang rậm kia là một chuyến hành hương. nhưng dữ dằn hơn, hoang dại, hiểm trở và gây nhiều xúc cảm “choáng” hơn, là thượng nguồn sông Đà (trên địa bàn biên giới tỉnh Lai Châu), sông Chảy (địa bàn biên giới tỉnh Lào Cai).
Mơ màng và ghềnh thác, là thượng nguồn sông Lam (địa bàn huyện Tương Dương, Nghệ An). Sông Quây Sơn ở khúc thượng du thật diễm tình với Thác Bản Giốc (địa bàn biên giới tỉnh Cao Bằng). Nho Quế lại hoang vu, kỳ quan dựng giữ đất trời hùng vĩ, nó gợi cho con người ta cái xúc cảm vũ trụ hơn cả (địa bàn tỉnh Hà Giang) – càng “vũ trụ” thì càng thấy kiếp phận người thật nhỏ bé, và thấy con người cần những dòng sông như thế biết bao nhiêu. Miền Trung sông thường dốc, chảy ào một cái đã qua khúc ruột buốt xót nắng hạn lũ nhiều kia ra biển lớn. Miền Nam sông hiền hoà đến tẻ nhạt, sông lớn nhất như Mê Kông, trước khi vào Việt Nam lại còn ủ mình nhút nhát trong cái Biển Hồ ngờm ngợp nước.
Hoá ra, sông ngòi Việt Nam, ám ảnh người ta hơn cả là những con sông kỳ bí và dễ gây sửng sốt ở miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Nhưng, quê hương ai cũng có một dòng sông, sông nào chả đẹp.
Xem thêm >
Theo Đỗ Doãn Hoàng (Thangnt.blog.com)
Travel79.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét