Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2013

Kỹ năng phượt bằng xe đạp

Phượt bằng xe đạp không quá khó nhưng cũng không hề dễ cho những bạn mới tham gia.

Phượt xe đạp là loại hình du lịch đươc giới trẻ ưa chuộng hiện này, không chỉ có điểm mạnh về mặt chi phí hợp lý, du lịch bằng xe đạp còn là phương cách rèn luyện sức khỏe, lại đem đến những khoảnh khắc đẹp và những trải nghiệm khó quên cho phượt thủ 'xế điếc' trong chuyến du hí của chính mình.

Nếu bạn đang dự định làm một chuyến phượt bằng xe đạp thì những lưu ý sau, bạn cần quan tâm để có thể thực hiện thành công một chuyến đi xa. Những trục trặc trên hành trình chinh phục những niềm đất mới trên những con ngựa sắt sẽ bớt nhọc nhằn và tuyệt vời hơn khi bạn bỏ vào ba lô hành lý một ít kinh nghiệm cần thiết.

+ Chọn loại xe thích hợp

- Xe đạp địa hình (mountain bike): Chức năng của loại xe này là đi trên đường núi dốc, gồ ghề đầy đá và hố lởm chởm. Sử dụng loại xe này, bạn sẽ bớt đi sự lo âu về vấn đề xì lốp hay gặp những đoạn đường xấu. Bạn sẽ không ngần ngại chạy qua những đoạn đường đầy đá dăm. Tuy vậy, vì trọng lượng xe này tương đối nặng, bánh xe lại hơi to nên người sử dụng phải tốn nhiều sức.

Đây không phải là loại xe chạy tốc độ nên thời gian đi trên đường sẽ hơi lâu. Nếu bạn đi xuyên Việt theo kiểu du lịch tự tải, xe của bạn phải có braze-on (bộ phận lắp đặt yên xe dùng cho việc chuyên chở hành lý...). Nên lắp thêm viền chắn cho bánh trước và sau để tránh đất cát văng lên mặt khi đi trong mưa. Để tránh vấn đề gãy nan hoa thường xuyên, bạn nên dùng bánh xe có từ 36 nan hoa trở lên.

- Xe đạp đua (road bike): Khi sử dụng loại xe này bạn có được điểm lợi về tốc độ, nhưng bù lại, bạn không thể đi quá nhanh ở những đoạn đường xấu, gập ghềnh. Vỏ và ruột xe của loại xe đạp đua lại rất mỏng nên rất dễ bị hỏng khi gặp chướng ngại vật. Nếu sử dụng loại xe trên, tốt nhất bạn nên mang thêm vỏ và ruột xe dự phòng. Điểm khác cần lưu ý khi sử dụng loại xe này là phải hết sức cẩn thận trong lúc đi mưa vì xe rất dễ bị trượt do độ bám ít.

- Xe đạp thực dụng (touring bike): "Touring bike" được thiết kế cho mục đích du lịch, du mục nên loại xe này không nặng, ngắn đòn như mountain bike và cũng không mảnh khảnh như road bike. Ghi đông, dàng thắng, hệ thống tăng/giảm líp xe đều có chất lượng cao. Ghi đông loại cụp như xe cuốc để người sử dụng dễ thay đổi tư thế điều khiển cho bớt mỏi mệt, bớt cản gió và thư thái hơn trên những đoạn đường dài, lộng gió.
Sườn xe cứng cáp, nhẹ và dài đòn để công việc chuyên chở hành lý không vướng víu, cản trở những vòng đạp. Vành xe rắn chắc vì có từ 36 nan hoa trở lên, vì thế vấn đề gãy nan hoa, cong vành hầu như không xảy ra. Loại bánh xe thích hợp cho du lịch ở Việt Nam là loại 700c x 28, hoặc 700c x 36.

+ Lựa chọn cung đường đi hợp lý

Nếu bạn là người thích được chinh phục nhưng mới lần đầu đến với thú phượt bằng xe đạp địa hình, bạn có thể chọn cho mình những cung đường trải nhựa, đôi khi là những đoạn đường không hoàn toàn bằng phẳng nhưng vẫn có thể dễ dàng đạp xe, mục đích chính là để thưởng thức phong cảnh, hoặc tìm hiểu đời sống văn hoá của địa phương.

Còn nếu bạn đã là những tay lái tương đối chuyên nghiệp thì hãy chọn cho mình những đoạn đường có đá dăm lồi lõm như đến với hành trình Hà Nội – Lào Cai – Sa Pa. Hành trình chinh phục tới những miền đất mới của Tổ quốc vẫn luôn thu hút và hấp dẫn những dân phượt chuyên nghiệp như những cái tên: Hàm Lợn, Thung Nai, Hồ Núi Cốc, đèo Hải Vân…

+ An toàn là trên hết

Đi xe đạp không quá an toàn như bạn nghĩ. Mặc dù xe đạp không có tốc độ lớn như xe máy hay ôtô, nhưng do kích thước xe nhỏ, hay bị khuất tầm nhìn của các phương tiện khác, bạn dễ gặp nguy hiểm khi đi trên đường cao tốc hay ở những ngã rẽ thông ra đường lớn. Bởi lẽ vậy, an toàn nên là điều bạn cần chú ý trước tiên nếu muốn thực hiện trải nghiệm mới mẻ này.

Trước khi đi, bạn nên kiểm tra xe và các thiết bị đi kèm. Nên chú ý xem mũ bảo hiểm có vừa đầu và vướng tầm nhìn không, các bộ phận trên xe có hoạt động tốt (phanh ăn, bánh xe quay đều và không bị lạng…) hay cần thêm bộ phận gì cho xe. Ví dụ như lắp thêm đèn chiếu sáng vào mũ hay bánh trước để bạn nhìn đường rõ hơn và các lái xe khác dễ nhìn thấy bạn vào buổi tối.

Xem kỹ lộ trình bạn định đi cũng là điều cần thiết để giữ an toàn. Nhận biết được điều kiện ngoại cảnh xung quanh chuyến đi, bạn sẽ tránh được các tai nạn không đáng có. Ví như khi bạn biết rõ tuyến đường, dự đoán được giao thông hay nắm được các quy tắc cần thiết khi đi theo lộ trình đó để tránh được những yếu tố không an toàn.

Cũng nên nhớ: khi đi xe đạp thì bạn trở nên nhỏ bé, xe tải hay bất cứ loại xe 4 bánh nào khác sẽ không nhìn thấy nếu bạn không đưa ra dấu hiệu xin đường phù hợp. Quay đầu lại và chú ý nhìn phía sau khi cần thiết chính là những điều đảm bảo an toàn cho bạn.

+ Mang theo đủ đồ dùng cần thiết

Những vật dụng như giấy tờ tùy thân, điện thoại và tiền đủ dùng không chỉ cần thiết cho bạn trong chuyến đi mà còn thực sự quan trọng trong những tình huống ngặt nghèo. Bạn gặp tai nạn và không có ai trên đường để giúp, bạn nhập viện nhưng không có người thân bên cạnh. Đây chính là lúc cần dùng đến điện thoại để gọi người giúp đỡ hay dùng đến tiền và giấy tờ tùy thân để quá trình nhập viện và điều trị diễn ra nhanh chóng, dễ dàng hơn. Trong tình huống nguy hiểm như bị mất tích hoặc ảnh hưởng đến tính mạng, những vật dụng này chính là yếu tố quan trọng giúp các cơ quan chức năng thực hiện cứu hộ và giúp đỡ bạn.

+ Đồ ăn nhẹ và nước là thứ phải có

Đạp xe ngốn của bạn rất nhiều năng lượng, có thể hàng trăm thậm chí hàng nghìn calo. Bạn chưa mường tượng được cảm giác cơ thể cạn kiệt và bất tỉnh. Chân bạn sẽ cứng như chì, và mọi động lực đi tiếp đều bay biến. Để tránh hiện tượng hạ đường huyết hay thiếu hụt năng lượng, hãy mang theo những đồ ăn nhẹ giàu năng lượng và tốt cho sức khỏe. Bạn có thể mang hoa quả như chuối, táo hoặc lương khô, bơ đậu phộng, bánh mì.

Giữ nước cho cơ thể bạn thậm chí còn quan trọng hơn cả việc nạp năng lượng trong suốt chuyến đi. Nếu cơ thể mất nước, máu trở nên đặc hơn, nhịp tim tăng lên, cơ thể yếu đi, và dần dần chuyến đi của bạn sẽ trở nên thực sự tồi tệ. Nên uống nước đều đặn để tránh những hiện tượng trên, nạp 15 phút một lần là khoảng giãn lí tưởng để cung cấp đủ nước cho cơ thể.

+ Biết cách sửa xe cơ bản

Không phải lúc nào bạn cũng tìm được thợ sửa xe trên lộ trình dài dằng dặc của mình. Vậy nên phải nắm được một số kỹ năng (không cần quá chuyên nghiệp) để đảm bảo chuyến đi không bị gián đoạn bởi những vấn đề kỹ thuật bé xíu.

Lốp bị xịt hơi, lốp hỏng cần thay, đứt dây phanh, trùng xích, bạn nên biết cách tự giải quyết những vấn đề hay gặp này. Mang theo các dụng cụ dự phòng như săm, bơm, chìa vặn ốc sẽ là cứu cánh hữu ích cho bạn lúc xe hỏng. Một chút kiến thức căn bản giúp bạn tiết kiệm thời gian, tiền bạc, và biến bạn trở thành chuyên gia đi phượt bằng xe đạp thực thụ chứ không phải kẻ chỉ biết ngồi chờ người khác khi xe gặp sự cố.

+ Lựa chọn quần áo phù hợp cho chuyến đi

Bạn nên tìm hiểu kỹ về điều kiện thời tiết trước chuyến đi để chọn trang phục phù hợp. Lúc đi ôtô, bạn không gặp cảnh phiền hà khi quên áo mưa trong lúc trời trút nước tầm tã. Nhưng đi xe đạp hàng giờ dưới cái nắng gay gắt hay trời mưa gió bão bùng, bạn nhất thiết cần chú ý đến yếu tố thời tiết và trang phục.

Nếu trời khô ráo và ấm áp vào thời điểm bạn đi, một chiếc áo nỉ thấm mồ hôi hay áo phông nhẹ sẽ là lựa chọn phù hợp. Nếu đi vào buổi tối, áo khoác gió mỏng sẽ là thứ nên có trong ba lô của bạn.

+ Một vài lưu ý nhỏ cần chú ý do một phượt thủ chia sẻ:

- Tham khảo thông tin và lên kế hoạch cẩn thận cho từng ngày hành trình. Tìm hiểu trước những địa điểm ăn uống, dừng chân, và nghỉ đêm. Đến những vùng miền khác, bạn có thể bị chặt chém với giá dịch vụ khá cao. Vậy nên tìm hiểu, hỏi giá cũng như trả giá nhiệt tình sẽ giúp tiết kiệm được rất nhiều kinh phí không đáng tốn.

- Máy ảnh hoặc máy quay nhỏ gọn sẽ rất cần thiết để ghi lại những hình ảnh đẹp của chuyến đi. Một thứ cũng không thể thiếu là bản đồ hoặc thiết bị định vị GPS. Với công nghệ hiện nay thì một chiếc điện thoại nhỏ gọn có tích hợp đầy đủ chức năng trên sẽ là vật bất ly thân tuyệt vời của bạn.

- Hết sức cẩn thận khi tham gia giao thông, đặc biệt là các tỉnh phía Bắc do đường quốc lộ còn khá xấu, xe chạy ẩu. Nên trang bị bảo hộ đầy đủ, có thể mua bảo hiểm du lịch nếu bạn đi dài ngày. Không nên đi vào buổi tối hoặc đi những cung đường vắng vẻ mà không có người đi cùng.

-  Nên có bạn đồng hành trong chuyến đi trừ khi bạn thực sự có thể tự lập và thích khám phá một mình.

- Giữ tinh thần vui vẻ lạc quan. Giao tiếp nhiều với dân địa phương sẽ mang lại cho bạn nhiều khám phá thú vị.

Phượt bằng xe đạp, tại sao không?
Teen mê mẩn phượt bằng... "xế điếc"
Những góc ảnh tuyệt đẹp trên xe đạp
Khám phá núi rừng bằng...xe đạp

Travel79.net tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét