(SGGP) - Giữa tháng 5/2013, chúng tôi nhận được thông tin mới: phía xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, đã phát lộ thêm 14 hang động đẹp mê hồn. Chúng kéo dài thành một vòng cung mê hoặc giữa thiên nhiên núi rừng đá vôi lộng lẫy.
< Thác nước rất đẹp trong hang động ngầm ở những hang mới phát hiện tại vùng Tân Hóa.
Chính quyền địa phương đã tổ chức đoàn khảo sát; tiếp đó, các nhà khoa học Anh lại tuyên bố về một loạt hang động thẳng đứng, lần đầu tiên được mô tả và hệ thống hóa hết sức công phu.
Bất ngờ nối bất ngờ
Chuyên gia hang động hàng đầu của Hoàng gia Anh - ông Howard Limbert cho biết: “Chúng tôi đã khám phá ra được hơn 10 hang động thẳng đứng. Trước đây, chúng tôi đã nghiên cứu những hang động nằm ngang, đi sâu vào các mỏm núi; đã biết về những hang sông rất dài ở Phong Nha - Kẻ Bàng… nhưng chúng tôi vẫn rất bất ngờ với loạt hang động thẳng đứng này. Nó hết sức kỳ diệu, cho thấy sự kỳ công của tự nhiên. Sức mạnh của tự nhiên quả là ghê gớm mà sự tưởng tượng của con người khó mà đạt tới”.
< Một trong những hang động thẳng đứng vừa được phát hiện tại Phong Nha - Kẻ Bàng.
Các hang động này đều có chiều cao thẳng đứng, không có dốc hoặc các lối đi thuận tiện. Muốn xuống tận đáy hang phải là các chuyên gia thực thụ, bởi thành của hang không có nơi để bám víu. Trong số này đã có 10 hang động thẳng đứng được đặt tên và thám hiểm độ sâu như hang Hạ Lau sâu 354m, hang Nobu Salt and Pepper sâu hơn 200m, hang Du sâu 256m, hang Vực Tặng sâu 325m, hang Lọng Coong sâu 97m, hang Nightmare sâu 149m, hang Vực Boom sâu 232m, hang Hai sâu 182m, hang Khe Cung sâu 95m, hang Vực Ký sâu 312m.
Đặc biệt, trong các hang động này, Vực Tặng được đánh giá là kỳ vĩ bậc nhất về hang động nằm ở độ sâu dưới mực nước biển, sau khi đến đoạn sâu nhất của hình hang động thẳng đứng, các nhà thám hiểm đã tìm thấy một lòng hang động sâu hun hút với độ dài 3.460m (gần gấp đôi cầu Mỹ Thuận), phía dưới có những bề mặt lòng hang bằng phẳng như những thảo nguyên đang hình thành vô số thạch nhũ non.
Trong khi đó, ở phía đường hang khác xuất hiện những khối thạch nhũ khổng lồ, dày đặc, vút cao như khu rừng gỗ lớn chưa có dấu chân người khám phá. Những hang động này được các nhà khoa học Anh nhận xét: “Hang động thẳng đứng là các hiện tượng tự nhiên siêu đẳng; là các sinh cảnh, kỳ quan thiên nhiên có vẻ đẹp tự nhiên, độc đáo khác thường xét theo phương diện thẩm mỹ”.
Tự nhiên kỳ diệu
Những hang động thẳng đứng này tập trung ở 2 khu vực phía Đông và phía Tây sông Chày, nơi chúng có mặt nhiều nhất là thung lũng Xưởng rộng hàng ngàn hécta, một địa hình đá vôi hiểm trở tầm thấp. Những hang động này về hình thức như những lỗ khoan khổng lồ có đường kính từ 30m - 100m, như thể có chiếc máy nào đó đã đào chúng và để lại chúng giữa tự nhiên núi rừng hàng triệu năm qua.
Nhưng các giả thiết của các nhà thám hiểm đưa ra cho rằng, đá vôi nguyên chất ở Phong Nha - Kẻ Bàng có nguồn gốc từ biển là xác của sò, ốc biển và vô số loài vật có canxi khác, khi vỏ trái đất nâng lên, đá vôi giàu canxi này gặp nước mưa đã hòa tan. Vùng Kẻ Bàng từng một thời gặp rất nhiều trận siêu lũ lớn đã giúp tạo ra các hang động thẳng đứng. Lúc đầu những lỗ nứt bị lũ cuốn sỏi, cuội vào các dòng xoáy; những dòng xoáy làm cuội, sỏi, đá chạm vào các hốc đá vôi, mài mòn qua mỗi giây nước chảy; từ một lỗ nhỏ, nước đã miệt mài tạo ra các hang động thẳng đứng.
Để chứng minh cho giả thiết đó, các nhà khoa học đã kiểm chứng sự bào mòn của cuội, sỏi với đá vôi tại động Thiên Đường, ở cây số thứ bảy, nơi có dòng thác rất lớn vào mỗi mùa mưa lũ, các nhà khoa học phát hiện hàng trăm hốc đá to như cái bát tộ.
Một sự kỳ lạ khác, ở các hang động này không có đất và chất dinh dưỡng tự nhiên như trên bề mặt rừng Kẻ Bàng, những loài thực vật vẫn “di cư” đến sống bám vào các kẽ đá của các hang động này. Những mầm sống này đã có cơ chế tiến hóa rễ, tiết ra dung dịch như axít nhẹ để bão hòa đá vôi làm thành chất mùn dinh dưỡng, lá của chúng to hơn cùng loài trên mặt đất để tranh thủ lấy năng lượng từ ánh nắng mặt trời mỗi ngày dọi vào chỉ vài giờ đồng hồ nhằm sinh trưởng.
Những hang mới ở Tú Làn
Các chuyên gia cũng xác nhận ở vùng Tân Hóa, Minh Hóa đã tìm kiếm thêm được 14 hang động mới. 6 hang động cũ đã được phát hiện năm 2009, trong đó Tú Làn được đánh giá bậc nhất. Và các hang này đã vượt xa độ rộng lớn của Tú Làn. Hai hang động đẹp mỹ miều được vinh danh trên tạp chí lừng danh National Geographic là hang Ken và hang Kim đã chứng thực điều đó.
Theo chuyên gia hang động Howard Limbert, hang Ken là một hang động tuyệt vời, các nhiếp ảnh gia đã chụp ảnh khối thạch nhũ khổng lồ như những chiếc kén buông từ trần hang xuống đáy hang, phía sau các buồng kén là dòng sông hiền hòa mát lạnh. “Cần phải đính chính một việc, bức ảnh tuyệt đẹp mà nhiếp ảnh gia Casrten Peter chụp đăng trên National Geographic chính là hang Ken, ở khu vực Tú Làn, chứ không thuộc không gian của Sơn Đoòng như một số tài liệu ở Việt Nam đã đưa nhầm”, Howard Limbert đề nghị.
Kỳ lạ ở 14 hang động này là có đến 3 thác nước trong hang, rất hiếm thấy. Chứa trong lòng hang là những dòng sông có nguồn nước dường như vô tận và không bị cạn đáy mỗi mùa hè. Chính điều đó đã làm sinh sôi các loài động vật như các loài cá bơi ngược thác để sinh sản, loài cua hang động, giáp xác dưới đáy hang, v.v...
Những kỳ thú đó ở Phong Nha - Kẻ Bàng và vùng Tú Làn đã được nhà khoa học Pierre G (Pháp) nhận xét rất đích đáng: “Đây là quần thể hang động kỳ vĩ, tráng lệ, rộng nhất, cao nhất, dài nhất, nhiều cá thể hang động nhất, bao gồm cả hang động khô đã ngừng hoạt động và hang động ướt đang hoạt động; bao gồm cả một số hiện tượng tự nhiên siêu đẳng như hố sụt Karst sâu nhất Đông Nam Á (với độ sâu hơn 255m) và các sinh cảnh, kỳ quan thiên nhiên tuyệt đẹp, tráng lệ, độc đáo khác thường trong các khu rừng nguyên sinh trên thảm thực vật hệ khối núi đá vôi có tuổi cổ hơn 400 triệu năm, dày trên 1.000m trong điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa... được phân lập đa dạng theo các chu kỳ kiến tạo khác nhau trong lịch sử của trái đất”.
Theo Sài Gòn Giải Phóng
Travel79.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét