Bạn còn nhớ chuyến đi của mình hồi cuối tháng 9.2010 không? 'Sáu ngày đêm dzọc nát Bình Tiên, Bình Lập' đã cho bọn mình một cảm nhận thật đẹp về một vùng biển tựa xứ tiên, rất hoang sơ và người dân lại chân chất đến không ngờ. Ấy là khi đó nơi này đã được (hay bị?) giải tỏa, khu tái định cư cũng đã xuất hiện rồi nhưng một số nhà dân vẫn còn lác đác ven biển - khách phượt là bọn mình vẫn lang thang thoải mái.
Vậy nhưng bây giờ thì không còn sau mình thấy thông tin về vùng biển này từ báo Lao Động. Hóa ra, rất có thể chuyến vừa rồi mình chạy ngang Bình Tiên và không vào được có lẽ cũng do một nguyên nhân đặc biệt là rất có thể nhà đầu tư muốn 'kín cổng cao tường'?
Khoác “áo rách” cho làng biển Bình Tiên
(LĐO) - Một người dân thôn Bình Tiên (xã Công Hải, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận) vừa té chết ở cống nước xây dựng cẩu thả nằm trong khu du lịch Bình Tiên. Vậy là dự án du lịch “khủng” này không chỉ đang khoác “áo rách” cho làng biển, đẩy cuộc sống của người dân ở đây vào cảnh bế tắc, mất kế sinh nhai... mà còn gây chết người!
< Cầu cảng xây dựng nham nhở gây mất mỹ quan biển.
Chị Nguyễn Thị Út Hiền - người báo cho tôi tin tai nạn chết người tại công trình xây dựng khu du lịch Bình Tiên - than thở: Bao đời dân chài nơi đây có cuộc sống ấm êm, sung túc.
Nhưng tất cả đã loạn lên kể từ ngày có dự án khu du lịch Bình Tiên (ngày 14.3.2005, với tổng vốn giai đoạn 1 lên đến hơn 2.500 tỉ đồng). Đất đai dọc dài bờ biển bị băm nát ngổn ngang, rồi bỏ dở dang kéo dài đến nay. Dân làng chài được tái định cư (TĐC), nhưng sống lay lắt vì không còn ruộng đồng, không có việc làm; nhiều người lần lượt ly hương kiếm sống...
“Tan đàn xẻ nghé”
< Khu nhà xây dở dang của dự án khu du lịch Bình Tiên.
Chị Út Hiền tiếp tôi tại nhà trong khu TĐC khang trang, thấp thoáng cả nhà cao tầng. Thắc mắc, nhà cửa thế này mà rên đói thì vô lý quá. Chị phân trần: “Đó chỉ là cái vỏ ngoài thôi. Được vậy là do dân nhận tiền đền bù TĐC rồi dồn vốn vào làm nhà cửa, mua sắm, chứ cuộc sống thật của chúng tôi không giống như vậy. Đói là do bà con cứ tưởng được giải quyết việc làm như lời hứa của Công ty CPĐT và du lịch Bình Tiên (Công ty Bình Tiên).
Ai ngờ dự án giậm chân tại chỗ; và năm, bảy năm rồi, dân rỗi nghề chứ không biết làm gì để sinh sống ở nơi mới. Miệng ăn núi lở, bao nhiêu tiền bạc cứ rứa đi hết”. Gia đình chị Hiền được bồi thường hơn 100 triệu đồng để TĐC, chỉ đủ xây nhà và ăn tạm thời gian ngắn. Chồng mất, một mình chị phải bươn chải nuôi 3 con, mẹ già. Gia cảnh kiệt quệ dần, chị đành vay mượn nuôi 3 con bò để trang trải sống qua ngày...
< Đường vào bị cày xới.
Trưởng thôn Bình Tiên - ông Phạm Hữu Phong - cho hay: Thôn Bình Tiên có 63 hộ với 257 khẩu. Ở nơi cũ, đất đai lên đến 176ha, kéo dài từ eo biển đến chân Vườn quốc gia Núi Chúa. Nhà nhà tha hồ trồng trọt, chăn nuôi, và vươn ra biển khơi đánh bắt con tôm, con cá. Có gia đình sở hữu đến hơn 8ha đất. Khi nhường “bờ xôi ruộng mật” cho dự án, dân chuyển đến nơi TĐC mới chỉ được cấp 400m2 đất ở/hộ và không có một tất đất sản xuất. Hiện nhiều hộ dân có hai, ba người con lập gia đình riêng, nhưng không có chỗ ở. Trong tình cảnh cuộc sống bế tắc, nhiều gia đình, anh em trong làng xóm đành bấm bụng “tan đàn xẻ nghé”, ly hương mưu sinh trong khó nhọc...
Không khỏi chạnh lòng xót xa khi chứng kiến trong thôn có đến 9 hộ không còn tiền lo cái ăn, học hành cho con cái, đành xoay xở bằng cách cắt bán bớt một nửa đất đang ở. Hay sau những tháng ngày “ngồi chơi xơi nước” chờ việc làm, đói lả, cả thảy có 15 hộ dân Bình Tiên lần lượt bán sạch cơ ngơi để đi đến các tỉnh khác tìm kiếm kế sinh nhai. Anh Bùi Xuân Linh, 40 tuổi, quê ở Phú Yên, mồ côi cha mẹ, lấy vợ và lập nghiệp ở Bình Tiên.
< Nhiều người dân vẫn sống tạm bợ trong khu TĐC Bình Tiên.
Cuộc sống gia đình anh đang “phất lên” như diều nhờ thu nhập từ đàn dê nuôi béo tốt, khi dự án du lịch Bình Tiên triển khai, anh đành chuyển đàn dê đi chăn nuôi ở vùng núi Phan Rang, nhưng dê bị chết dần vì thời tiết, đành bán sạch. Ông Nguyễn Kịp - cha vợ của anh Linh - tâm sự: “Ở khu TĐC không thể làm ăn được, thằng Linh đã dẫn vợ và 3 đứa con vào Phan Rang - Tháp Chàm. Còn tui già rồi đành bám trụ ở đây, chứ biết đi đâu, về đâu?”.
“Nhốt” dân TĐC trong khu du lịch!
Mất đất sản xuất, bà con nơi đây kéo nhau đi biển khai thác thủy sản. Nhưng Công ty Bình Tiên lại “tiệt” luôn đường dân sinh từ khu TĐC ra biển. Không có đường, dân đành đi nhờ đường tạm duy nhất ra biển nằm trong vùng dự án. Song, một lần nữa phía công ty này lại làm barie rồi treo biển “Công trường đang thi công, không phận sự cấm vào”! Có thời điểm, nhà đầu tư hoàn toàn không cho phép người dân đi lại trên con đường này. Biển trước mặt bỗng chốc như cách trở, như xa... vời vợi với người dân làng chài Bình Tiên!
< Đường ngách xuống biển bây giờ cũng không còn.
Lòng dân ở đây thêm rối bời, bất an vì đường làng đổ đá cấp phối lởm chởm nằm cạnh đường đất với nắng bụi, mưa lầy, gây đi lại khó khăn và thường xuyên bị tai nạn. Mới đây, cả làng Bình Tiên đau buồn trước cái chết thương tâm của ông Vũ Văn Bình (SN 1961). Ông Võ Thành Lũy - người dân Bình Tiên - nghẹn ngào kể: “Anh Bình vốn khỏe mạnh, đi giữ thuê xe cơ giới cho đơn vị xây lắp mặt bằng trong vùng dự án du lịch. Hôm ấy trời mưa, anh Bình chạy xe Honda đi khỏi nhà chừng vài trăm mét thì trượt xe té ngã và bị nước cuốn vào cống trên đường ra biển. Đơn vị thi công cầu cống đường quá cẩu thả, bỏ dở dang nên mới xảy ra cơ sự chết người đáng tiếc như vậy. Anh Bình ra đi, bỏ lại vợ và 4 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học”.
Thêm bất hợp lý khi đất đai xã biển Công Hải dài rộng thế, nhưng không hiểu sao ngành chức năng tỉnh Ninh Thuận lại quy hoạch xây dựng khu TĐC nằm lọt thỏm trong vùng dự án du lịch Bình Tiên. Ông Phạm Văn Hòa - người dân Bình Tiên - bức xúc: “Ở xung quanh làng này đều là đất và cơ sở hạ tầng dự án du lịch.
Dân muốn kiếm một thẻo đất trồng rau ăn cũng không có. Họ quản tất tần tật mọi ngõ ngách, kể cả đường giao thông đi lại, nên chúng tôi có cảm giác như bị nhốt ở đây”. Không chỉ thế, cuộc sống của dân Bình Tiên chịu nhiều thiệt thòi khi hàng loạt công trình xây dựng cơ bản như trạm y tế, trụ sở thôn, đường dân sinh... không được nhà đầu tư quan tâm thực hiện. Trường tiểu học cơ sở tại thôn chỉ bố trí giáo viên dạy lớp mẫu giáo. Vì thế, ngày ngày các bậc phụ huynh phải vất vả chở con đi học cấp 1 ở cách xa cả chục cây số...
Dự án... khoác “áo rách” cho Bình Tiên!
Còn nhớ vào tháng 10.2009, nhà đầu tư cùng với đơn vị tư vấn nổi tiếng thế giới là Công ty Horwth Asia Pacific WATG (Mỹ) của Trung tâm Phát triển vùng Sena tiến hành lễ khởi công hoành tráng và công bố dự án du lịch Bình Tiên xây dựng hiện đại mang tầm cỡ khu vực và thế giới.
Quy mô với hệ thống khách sạn 5 sao 200 phòng, 59 nhà nghỉ cao cấp, sân golf 18 lỗ... ở ven biển; cụm khách sạn trên núi 100 phòng và 20 nhà nghỉ cao cấp; cụm 60 biệt thự, các dịch vụ công cộng, thương mại, thể thao biển... được vận hành bởi một công ty quản lý khách sạn có thương hiệu danh tiếng trên toàn cầu. Dự án này sẽ hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2012, hứa hẹn giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương. Và chính quyền tỉnh Ninh Thuận kỳ vọng lớn vào khu du lịch Bình Tiên sẽ là bước đột phá để khai mở, đánh thức tiềm năng du lịch biển trong tương lai.
Thế nhưng, giờ đây, không chỉ “đẩy” dân mất kế sinh nhai, dự án du lịch Bình Tiên xây dựng ì ạch, kéo dài đã làm phá vỡ môi trường cảnh quan biển gắn với Vườn quốc gia Núi Chúa đẹp bậc nhất của Ninh Thuận, nằm giáp ranh với tỉnh Khánh Hòa.
Qua 8 năm triển khai, với 4 đời chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, hơn 90% hạng mục của dự án này vẫn còn... trên giấy! Tại công trình thi công, mặt bằng đã san ủi từng cụm nham nhở như chiếc áo rách; cầu cảng đóng cọc lởm chởm với đất đá ngổn ngang; vài căn nhà biệt thự chỉ mới xây dựng tường gạch rồi bỏ dở. Hàng trăm cây dừa mấy mươi năm tuổi dọc theo biển bị đào lên rồi đưa vào trồng tập trung bị chết sạch, và thân cây dừa khô được đem ra trồng làm trụ điện! Khi chúng tôi đến, công nhân ở đây đều nghỉ việc, chỉ có vài chiếc xe tải, máy xúc đang hoạt động cầm chừng. Đây đó những đàn dê, bò đang ung dung gặm cỏ ngay trên công trường xây dựng khu du lịch Bình Tiên...
Dù tỉnh Ninh Thuận đã nhiều lần nhắc nhở, nhưng nhà đầu tư nại lý do công ty không chủ động được vốn, phải chỉnh sửa thiết kế dự án nhiều lần và chỉ “hứa” suông trong việc đẩy nhanh tiến độ thi công dự án, các công trình dân sinh. Người dân Ninh Thuận đang hoài nghi liệu “bánh vẽ” của dự án “khủng” du lịch Bình Tiên có thể trở thành hiện thực?
< Bình Tiên ngày ấy...
Sẽ thu hồi dự án nếu vẫn chậm triển khai
Ông Trần Quốc Nam - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Ninh Thuận - cho biết, dự án Bình Tiên quá chậm tiến độ gây mất lòng tin trong nhân dân. Tại cuộc họp nóng với Cty DL Bình Tiên mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận - ông Nguyễn Đức Thanh - đã yêu cầu nhà đầu tư cần nghiêm túc nhìn nhận trách nhiệm cam kết của mình đối với tỉnh; cấp tốc giải quyết những vướng mắc của các dự án để triển khai nhanh các hạng mục công trình theo kế hoạch. Nếu nhà đầu tư tiếp tục vi phạm, dây dưa không thực hiện cam kết, thì sẽ xem xét thu hồi dự án trong thời gian tới.
Đáng tiếc cho một vùng biển đẹp, tiếc cho kỳ vọng của bà con khi đã lỡ trông chờ vào một dự án treo!
Theo báo Lao Động
Travel79.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét