(Q9TPHCM) - Chùa Bửu Sơn tọa lạc tạị số 341 đường Nguyễn Văn Tăng phường Long Thạnh Mỹ, quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh.
Cho đến nay vẫn chưa tìm thấy nguồn tư liệu chính thống nào cho biết chùa được xây dựng từ bao giờ nhưng theo các sư cô (tu tại chùa) chùa được thành lập vào cuối thế kỷ XIX. Chùa có cùng thời với chùa Hội Sơn và Chùa Phước Tường. Chùa Bửu Sơn thuộc hệ phái Bắc Tông chi phái lâm tế dòng Liễu Quán. Vị sư trụ trì đầu tiên tại chùa là Hòa Thượng Thích Bửu Cảnh sau khi Hòa Thượng viên tịch chùa được giao lại cho hòa thượng Huệ Minh trông coi, nhưng chỉ một thời gian ngắn thì chùa bị bỏ hoang.
Năm 1986, chùa Bửu Sơn được giáo hội Phật Giáo huyện Thủ Đức giao cho ba vị ni sư tiếp quản trông coi. Giữ vai trò trụ trì là ni sư Thích Nữ Diệu Lành; các vị được thờ chính trong chùa Bửu Sơn: Đức Phật Thích Ca Mâu Ni; Quán Thế Âm; Địa Tạng Vương Bồ Tát; Văn Thù Bồ Tát; Phổ Hiền Bồ Tát; Đại Thế Chí Bồ Tát; Thập Điện Diêm Vương; Di Lặc Bồ Tát; Địa Mẫu Nương Nương; Hộ Pháp; Tiêu Diện Đại Sĩ; Tổ Sư Đạt Ma.
Chùa Bửu Sơn được xây dựng trên một khuôn viên rộng khoảng 8000m². Cổng tam quan chùa được xây dựng kiên cố giữa các trụ có có mái giả lợp ngói xanh, giữa mái trang trí bánh xe pháp luân cách điệu hình bông hoa, các trụ cổng được ốp đá và trang trí búp sen trên đầu các trụ. Năm 1986 chùa xuống cấp nặng và đã được trùng tu lại theo giống kiến trúc ban đầu. Mặt tiền chùa, các cửa vòm được xây theo kiểu kiến trúc của Pháp, đây là kiểu mặt tiền phổ biến rất phổ biến của các chùa vùng Thủ Đức xưa. Mái chùa lợp ngói vảy cá, trên đường bờ nóc mái trang trí tượng đầu rồng đội bánh xe pháp luân, đường bờ dải trang trí tượng rồng uốn lượn trong mây đầu đao trang trí tượng chim phượng. Cửa chùa được làm đơn giản không trang trí hoa văn cầu kỳ, ba cửa gỗ lớn rất chắc chắn được sơn màu nâu sậm tạo thêm vẻ u tịch cho không gian thờ cúng bên trong.
Chùa Bửu Sơn gồm các đơn vị kiến trúc: Tiền điện là nhà ba gian, cột gỗ mái lợp ngói vảy cá đặt giữa tiền điện là lư hương lớn bằng đá, khám thờ tiêu diện đai sĩ và hộ pháp được bày trí đăng đối với nhau. Tượng hai vị được làm bằng thạch cao đặt trên khám thờ ốp gạch men. Trống và chuông được đặt đối diện nhau ở hai góc của tiền điện.
Chính điện chùa Bửu Sơn được xây dựng theo kiểu tứ trụ: giữa chính điện có bốn cột gỗ tròn lớn đỡ lấy bộ vì kèo bằng gỗ mở rộng ra bốn phía. Các kèo, xà, cột được lắp ghép lại với nhau bởi các mộng giống kỹ thuật làm nhà rường của người Nam Bộ xưa. Chính điện và tổ đường đối ứng với nhau qua vách ngăn giữa bàn Tam Bảo và bàn thờ tổ. Chính điện có bàn thờ Phật Thích Ca, tổ đường có thờ các vị tổ sư của giáo phái và các đời trụ trì chùa. Chạy dọc theo hai bên chính điện- tổ đường là hành lang bên trái và bên phải, có các bàn thờ: bàn thờ Quán Thế Âm Bồ Tát, bàn thờ Thập Điện Diêm Vương, bàn thờ Mẹ Sanh, Địa Tạng Vương Bồ Tát, đèn Dược Sư, bàn thờ 5 vị Bồ Tát.
Điện thờ phật thích ca được trang trí bao lam chạm lộng tứ linh: Long, Lân, Qui, Phụng và dây lá, hoa. Ở hai cột bên trang trí đôi câu đối bằng gỗ hình lòng máng, xung quanh chạm khắc hoa văn Kỷ Hà và Dơi (biểu tượng của điềm phúc, điềm tốt lành). Bàn tam bảo, bậc trên cao là tượng Phật Thích Ca tọa thiền trên tòa sen, tay bắt ấn, hình vẽ cây bồ đề trên bức tường phía sau tương Phật tạo cho người viếng cảnh chùa có cảm giác Phật đang thiền định dưới bóng cây. Bậc tiếp theo của bàn Tam Bảo là bộ tượng Phật Tam Tôn: A Di Đà, Quán Thế Am Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát. Phía trước tượng A Di Đà có tượng Thích Ca sơ sinh và ngoài cùng của bàn tam bảo có bảy tượng Dược Sư Lưu Ly Quang Phật bằng gốm men nhiều màu. Trước bàn Tam Bảo có hai bàn hương án hình cuốn thư, bằng gỗ.
Dọc theo hành lang bên trái chính điện có 3 bàn thờ trong cùng là bàn thờ Phật Quán Thế Âm, hàng trên có tượng Phật đứng trên tòa sen, tay trái bắt ấn, tay phải nâng bình cam lồ. Tầng thứ hai có tượng phật Bà tọa trên tòa sen, hai tay bắt ấn đỡ lấy bình cam lồ trước ngực.
Tiếp theo là bàn thờ Thập Điện Diêm Vương. Bộ tượng Diêm Vương làm bằng gỗ mít, hiện nay còn được 5 tượng Diêm Vương , 2 tượng Phán Quan, và 2 người Hầu. tượng 5 vị Diêm Vương ngồi trên ngai, 4 vị tay cầm hốt chấp, 1vị tay cầm bút, tượng Phán Quan và người Hầu đứng trên bục. Đây là những hiện vật quý báu của chùa Bửu Sơn có cùng niên đại khi chùa được xây dựng. Bên cạnh bàn thờ Thập Điện Diêm Vương là bàn thờ Mẹ Sanh
Dọc theo hành lang bên phải chính điện, phía trong cùng là bàn thờ Địa Tạng Vương Bồ Tát, kế đến là cây đèn Dược Sư bằng gỗ, tượng Phật, tượng rồng ẩn trong mây, tượng Lân được chạm khắc khéo léo sinh động. Đối xứng với bàn thờ Mẹ Sanh là bàn thờ 5 vị đạo hạnh trong thuyết nhà Phật gồm: Phật Thích Ca Mâu Ni và các vị Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát, Văn Thù Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát đang cưỡi trên lưng các linh thú. Đối ứng với bàn Tam Bảo qua vách ngăn cách chính điện là tổ đường, là nơi thờ Tổ Sư của giáo phái và các đời trụ trì chùa. Ở vách tường phía sau bàn Tam Bảo treo bức tranh vẻ Tổ Sư Đạt Ma.
Tiếp sau tổ đường là khu trai đường là khu nhà được xây dựng mới, mái lợp ngói đây là nơi dùng để tiếp khách và là nơi tu học của các sư cô. Ở hai vách trai đường là nơi để di ảnh của Phật tử. Phía cuối trai đường là dãy phòng nghỉ của các ni sư. Mộ tháp ba tầng của Hòa Thượng Thích Bửu Cảnh được xây dựng ở khu vực bên trái chùa, mộ có kiến trúc hình lục giác, các tầng nhỏ dần lên trên các mặt bao quanh không trang trí hoa văn mà sơn màu vàng, các đường chỉ, điểm giao giữa các mặt và các đường chỉ làm điểm nhấn giữa các tầng đều được sơn màu vàng đậm. Phía trước mộ có bia đá hoa cương màu đen. Bên cạnh mộ tháp là ngôi mộ được xây vào đầu thế kỷ XX.
Tiếp nối khu vực mộ táng là khu an cốt đường, là nơi để các hủ cốt của bá tánh, Phật tử. Hiện nay hiện vật trong chùa Bửu Sơn đều là những hiện vật đã được làm mới, làm bằng thạch cao, giá trị nhất là bộ tượng Diêm Vương bằng gỗ mít và các hoành phi liễn đối có giá trị về nội dung, giá trị nghệ thuật trong các tác phẩm được chạm khắc…Để gìn giữ tốt các hiện vật thuộc di tích cần có sự thống kê số lượng, phân loại theo chất liệu từ đó đề ra những phương pháp bảo quản, phát huy giá trị hiện vật một cách phù hợp nhất.
Hàng năm ở chùa Bửu Sơn đều tổ chức các nghi lễ trang nghiêm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của đông đảo Phật tử và bá tánh đến chiêm bái như: Lễ Phật đản, Lễ Vu Lan, Lễ An Cư Kiết Hạ. Bên cạnh đó các ni sư còn tổ chức các lễ kỵ húy trong năm để tưởng nhớ các vị tổ sư.
Chùa Bửu Sơn với bề dày lịch sử khoảng 150 năm trong quá trình tồn tại lâu dài đó kiến trúc chùa nay đã có thay đổi song vẫn giữ được nét cổ kính, u tịch của chốn thanh tịnh Phật tọa thiền. Chùa vẫn là nơi hoạt động tôn giáo thu hút không ít Phật tử, bá tánh khắp nơi đến thăm viếng, chiêm bái vào các ngày lễ lớn, ngày kỵ húy của các hòa thượng đã viên tịch. Điều này cho thấy sự gắn bó chặt chẽ giữa đạo và đời luôn răng dạy con người sống phải có tâm hướng thiện, sống và hưởng hôm nay phải luôn phải nhớ đến công đức của nguời đã có công khai sơn, tu bổ, gìn giữ chùa đó là truyền thống “ uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của nhân dân ta bao đời nay.
Chùa Bửu Sơn tuy đã được trùng tu lại vào thế kỷ XX, nhưng ni sư trụ trì đã cho trùng tu theo hình dáng kiến trúc trước đây, chính điện được làm theo kiểu nhà tứ trụ một kiểu kiến trúc rất phổ biến của đình chùa vùng Nam Bộ xưa. Các cột, kèo, đòn tay, trính, xuyên đều làm bằng gỗ, không chạm khắc rồng mây hay lá hoa nhưng toát lên vẻ đơn sơ mộc mạc chúng được ghép lại với nhau bởi các mộng, tạo nên một bộ khung kiến trúc vững chắc đỡ lấy bộ mái ngói với những tượng trang trí hoành tráng mang đậm mô típ Phật giáo.
Ngày nay số tượng quí trong chùa đã mất mát nhiều chỉ còn một số tượng Diêm Vương, Tượng Phán Quan, tượng Người Hầu, tượng Mẹ Sanh, tượng Giám Trai bằng gỗ mít có giá trị điêu khắc, giá trị về niên đại. Một số tượng bằng thạch cao như tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, bộ tượng Phật Tam Tôn (Phật A Di Đà, Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát), tượng Địa Tạng Vương Bồ Tát được làm từ những năm 60,70 của thế kỷ XX cũng góp phần tô điểm thêm nét đẹp của chùa. Các hiện vật như bao lam, hoành phi, câu đối, bài vị cũng là những tác phẩm điêu khắc sắc xảo, phản ánh được kỹ thuật chạm khắc gỗ của những người thợ vùng Nam Bộ vào nữa đầu thế kỷ XX.
Chùa Bửu Sơn là ngôi chùa có giá trị về kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu cho kiến trúc của các đình, chùa tại Nam bộ. Vì vậy chùa đã được Ủy ban nhân dân Thành Phố Hồ Chí Minh kí quyết định xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố theo quyết định số 2209/QĐ-UBND ngày 28/4/2012.
Theo Web Quận 9 - TP HCM, ảnh Rongcoithit (Panoramio)
Travel79.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét