(iHay) - Nhiều phượt thủ cho rằng cáp treo sẽ làm niềm tự hào Fansipan trở thành “một địa điểm tầm thường và tẻ nhạt”.
Đối với những người theo chủ nghĩa xê dịch, Fansipan không chỉ là đỉnh núi cao 3.143m, không chỉ là “nóc nhà Đông Dương” mà còn là biểu tượng của sức trẻ, sự quyết tâm, lòng tự hào dân tộc. Nó là nơi các các phượt thủ luôn khát khao chinh phục dù cho phải chuẩn bị và luyện tập rất nhiều từ thể lực cho đến kinh phí và kiến thức. Chính vì thế, ngay khi sau khi thông tin khởi công Dự án xây dựng hệ thống cáp treo phục vụ du khách tham quan từ Sa Pa đi thung lũng Mường Hoa và đỉnh Fansipan ngày 2.11, dân phượt sôi nổi bàn tán và đưa ra ý kiến riêng.
"Có cáp treo, mọi thứ trở thành tầm thường"
Những phượt thủ từng kinh qua cảm giác hơn 2 ngày đêm vượt qua chính bản thân mình trong rừng Hoàng Liên Sơn thì thấy tiếc nuối.
Nam Anh (TP.HCM) bày tỏ: “Việc chinh phục đỉnh cao này, đối với nhiều người là một thử thách của cuộc sống. Cảm giác leo tới đỉnh rất khó tả, khi đó ôm lá cờ Tổ quốc sau khi qua một chặng đường dài, nhiều khó khăn, mệt mỏi thới thấy ý nghĩa làm sao. Còn giờ có cáp, mọi thứ trở thành tầm thường và tẻ nhạt vì chỉ mất có 15 phút là lên tới nơi. Ai mà không đi được?”.
Phượt thủ An Du (TP.HCM) cũng chia sẻ rằng chuyến đi cùng nhóm bạn bay từ Sài Gòn ra tận Hà Nội, lên Sapa và leo Fansipan đã cho cô nhiều bài học giá trị. Việc cố gắng vượt qua trở ngại về thể lực và tâm lý trong thời tiết căm căm buốt da buốt thịt và mưa dầm dề, đường rừng nguy hiểm suốt 2 ngày đêm khiến cô tự mở rộng giới hạn của bản thân. Sau chuyến đi ấy, mỗi lần gặp khó khăn, Du đều nhớ lại giây phút chân chùn, gối mỏi, “đến cái dao bấm để ở túi quần cũng thấy nặng”, bạn bè động viên nhau “cố lên chút nữa” để vượt qua.
“Leo Fansipan, điều tuyệt vời, giá trị nhất không phải là chụp hình bên chóp inox ba cạnh mà là những trải nghiệm trên đường trekking. Đi cáp, sẽ chẳng thể nào có được cảm xúc khi đứng giữa rừng già, ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên nước mình, sẽ không thể có những bài học tự thân trên đường khó và nhận ra bản thân có thể làm nhiều hơn mình tưởng. Đi cáp, sợ rằng sau 15 phút, các bạn sẽ thấy thất vọng vì đỉnh Fansipan tự bản thân nó chẳng có gì”, Du nói.
Ảnh hướng vẻ hoang sơ?
Những phượt thủ khác lại lo ngại chuyện xây dựng sẽ phá vỡ cảnh quan thiên nhiên vốn rất đẹp và hùng vĩ chốn này.
Phượt thủ Giang (Hà Tây) cho rằng việc lắp cáp treo thì phải chặt rừng, những con đường mòn giữa Hoàng Liên Sơn sẽ không còn vẻ hoang sơ nữa, như vậy, kể cả người leo núi đường bộ hay đi cáp treo chắc sẽ chẳng thấy thích thú gì. Anh Giang bày tỏ: “Bản thân Sapa đã bị thương mại hóa nhiều rồi, giờ đến Fansipan cũng bị xâm lấn thì buồn quá”.
Thạch Lão Gia, một phượt thủ có tiếng, nhận xét vui: “Ngày xưa, có người từng ví cáp treo ở Vũng Tàu như “cái dây phơi đồ vắt ngang mặt tiền biệt thự”. Nếu bây giờ người ta xây cáp treo ở Đồng Văn vắt qua hẻm vực Tu Sàn chẳng hạn thì khách du lịch qua Mã Pí Lèng cũng chỉ là người đi ngắm “chiếc dây phơi đồ” mà thôi”. Có người lo xa hơn, sợ rằng các điểm chinh phục của người thích thử thách như A Pa Chải, mũi Đôi… rồi cũng sẽ được xây dựng thành điểm du lịch kiểu như Fansipan.
Phượt thủ Nam Ngô đùa: “2015 sẽ có cáp treo cho Fansipan, đồng thời có đường ô tô tới tận mốc A Pa Chải, dự kiến là 2016 sẽ có đường cao tốc ra tới mũi Đôi”. Nhiều chân đi khác chưa kịp lên đỉnh Fansipan, khi biết tin, lập tức lên kế hoạch, mong được một lần leo núi trước khi có cáp treo.
Nickname Knightley chia sẻ trên diễn đàn dành cho dân phượt: “Tháng 5 dự tính mừng sinh nhật 30 tuổi ở một nơi khác. Nhưng nghe tin Fansipan xây cáp treo, cho nên chuyển hướng đi Fansipan thôi”. Đồng thời, bên cạnh các topic về việc được - mất khi lắp cáp treo trên Fansipan, topic về hướng dẫn chuẩn bị leo Fansipan cũng được nhiều người quan tâm.
"Nước sông không phạm nước giếng"
Ngược lại các ý kiến này, có nhiều lữ khách vẫn thích bụi nhưng lại ủng hộ việc xây dựng hệ thống cáp. Họ cho rằng làm như vậy thì du lịch nước nhà phát triển.
Lan Phương (Bình Dương) phân tích: “Fansipan hiện tại chỉ dành cho người trẻ, có sức khỏe, còn nếu cáp làm xong, ai cũng có cơ hội được ngắm phong cảnh tuyệt vời của những khu rừng nguyên sinh, được đứng trên nóc nhà Đông Dương. Đấy là chưa kể việc đi lại của bà con đồng bào ở đây cũng sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Công tác cứu hộ cũng thuận lợi, nhanh chóng và hiệu quả hơn”,
Anh Long (Thái Bình), một người cũng rất hay lang thang đường phượt, nói: “Làm cáp treo nhìn một cách khách quan là việc tốt, ai thích leo thì vẫn leo, ai thích thảnh thơi thì cứ đi cáp, nước sông không phạm nước giếng". Cũng theo anh Long: "Làm cáp thì kinh tế mới phát triển được chứ. Chỉ có điều làm sao quy hoạch cho khéo, cảnh quan được bảo tồn tối đa, quản lý tốt thôi. Như thế có gì mà các bạn phàn nàn”.
Nhưng nói gì thì nói: cáp treo đã được khởi động xây dựng, khối phượt không vui vì từ 'chinh phục' bổng giảm cấp; trong khi đó thì nhiều người khác lại mừng trong lòng vì chính mình có thể lên nóc nhà Đông Dương dù sức khỏe không cho phép hay do tuổi tác đã cao...
Theo Tạ Ban (iHay.Thanhnien)
Travel79.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét