Thứ Ba, 31 tháng 12, 2013

Đêm tất niên trên đỉnh Mã Pì Lèng

(TTO) - “Em muốn uống trà mật ong Quản Bạ, ăn bát phở gà Tráng Kìm, cà phê trên thảm cỏ xanh Yên Minh, ngắm hoa hồng Phó Bảng, ăn xôi gà trên dốc Sủng Là, tất bật với Đồng Văn…”, đọc Facebook của bạn ngày cuối năm, đêm tất niên trên đỉnh Mã Pì Lèng lại xốn xang trở về...

Đã bao nhiêu lần đi qua Mã Pì Lèng (Hà Giang), tôi không đếm nữa. Con đèo mà người bạn Tày so sánh độ hiểm nguy như "một con chuột béo chạy qua mũi một con mèo đói". Một hình ảnh so sánh khiến tôi bật cười, quên đi cái nôn nao trong dạ bởi sự xoắn xuýt của cung đường.


< Mã Pì Lèng - con đèo hiểm trở và lộng lẫy của cao nguyên đá.

1. Mã Pì Lèng lúc nào cũng thế, hiểm trở, lộng lẫy và oai hùng. Đá tai mèo xô nhau lúp xúp đi về tận cuối trời. Dòng Nho Quế biếc xanh vẫn âm thầm chảy men theo vách núi. Mùa đông, gió buốt giá chạy qua bờ rào đá, len lỏi vào tận bếp lửa hồng đang liu riu cháy giữa nhà.

Chúng tôi rời Xín Cái khi trời vẫn còn tỏ, vậy mà ra tới con đường Hạnh Phúc đã không còn thấy mặt người. Trời tối mịt mùng như đêm ba mươi. Đã từng có dịp chạy xe qua con đèo hiểm trở bậc nhất Việt Nam trong đêm, tôi không sao quên được cảm giác hun hút, lạnh lẽo và cô độc đó.


< Hẻm vực Tu Sản và dòng sông Nho Quế.

Những mỏm núi đá ấn tượng vào ban ngày là thế, vào ban đêm lại biến thành những con quái vật khổng lồ nhe răng đe dọa. Không gian tĩnh lặng đến rợn người, hiếm hoi lắm mới thấy một ánh đèn xe ngược chiều. 22km nối Đồng Văn với Mèo Vạc, nối ánh sáng với ánh sáng qua bóng tối bao giờ cũng dài tưởng như không có điểm kết thúc.

Thế nhưng, đêm ấy xe chúng tôi dừng ngay lưng chừng đèo.
Dưới ánh đèn xe loang loáng sương mù, chúng tôi quyết định dừng lại trên đèo để tìm một nơi “ăn tất niên”. Hình như là Pải Lủng. Bên dưới taluy âm khá xa có vài ánh lửa le lói, nghĩa là dưới đó có nhà dân.

Nhà của người Mông tất nhiên không nằm sát quốc lộ. Nhà của người Mông nằm chênh vênh trên sườn núi, dưới những bậc cấp bằng đá dốc ngược. Hai người trong đội tiền trạm mũ áo kín mít, tay cầm đèn pin và điện thoại để soi đường, tìm cách vào ngôi nhà có ánh lửa ấm áp kia.
Có tiếng chó sủa dội lên, rồi tiếng chó văng vẳng ở nơi xa đáp lại.

< Những ngôi nhà chênh vênh vách núi.

Trong lúc chúng tôi còn đang loay hoay thì… một, hai, ba… người phụ nữ xuất hiện trên lối mòn. Mỗi người đứng một bờ rào đá, chăm chăm nhìn hai vị khách không mời trong im lặng. Bạn tôi cất tiếng chào, xua tan sự tịch mịch của màn đêm.

2. Người Mông ít nói nhưng hiếu khách và thân thiện. Dù vốn tiếng Kinh ít ỏi, gia chủ cũng hiểu được có một nhóm người Kinh muốn vào nhà cùng ăn tối với gia đình. Vì không có sóng điện thoại nên hai người tiền trạm lại lò dò quay lên đường để gọi đồng đội.

< Đến với dòng Nho Quế biếc xanh.

Mọi người háo hức mang hết đồ ăn dự phòng trên xe vào nhà người Mông. Mặc kệ đêm tối, mặc kệ hơi lạnh bốc lên từ những hốc đá, trong ánh sáng le lói của điện thoại, chúng tôi biết mình đang đi về phía có bếp lửa hồng.

Căn nhà vốn dĩ trầm ngâm và im lặng trong đêm cuối năm trở nên rộn ràng bởi sự có mặt của nhóm trẻ người Kinh. Gia đình chủ nhà cũng chưa ăn tối, trên bếp củi giữa nhà chỉ có một nồi mèn mén đang bốc hơi nghi ngút. Chúng tôi mỗi người mỗi việc, người hỏi nồi, người hỏi bát đĩa, ai cũng tíu tít chuẩn bị cho bữa cơm tất niên bất ngờ trên đỉnh Mã Pì Lèng.


< Trong căn nhà của người Mông trên đỉnh Mã Pì Lèng.

Lúc đội tiền trạm vào nhà, chỉ có hai vợ chồng gia chủ và cô con gái tên Mai. Lúc này đây, căn nhà đã trở nên đông vui và háo hức hơn bởi sự góp mặt của đám trẻ. Hỏi ra mới biết căn nhà có tới ba thế hệ cùng sinh sống. Anh con trai chủ nhà đi vắng, đi uống rượu với bạn còn mải chơi chưa về. Cô con dâu ôm đứa con bé lít nhít cũng y như đứa em chồng.

Một không khí gia đình ấm áp, đầy đủ và hạnh phúc bừng lên trong căn nhà. Không ai bảo ai nhưng tất cả đều cảm nhận mình đang trải qua những khoảnh khắc không phải ai cũng có được trong đời.


< Ấm áp bên bếp lửa hồng.

Với sự giúp đỡ của Mai, chúng tôi hấp lại xôi nếp, cắt giò, bánh chưng, làm salad rau, nấu một nồi mì tôm to sôi bùng bục trên bếp củi. Chủ nhà lấy ra cốc rượu ngô ủ trong chum nơi góc nhà để đãi khách. Mỗi người nhấp một chút thứ nước cay xộc của người vùng cao để chống lạnh, rượu vừa qua cuống họng, bụng đã ấm nóng đến bừng cả người.
Cậu bé con chủ nhà chưa đầy 2 tuổi được bố đưa cho chén rượu, cầm lên làm một hớp đánh ực khiến đám trẻ người Kinh mắt tròn mắt dẹt.

3. Bữa tối ấm áp và ngon lành, một bữa tối mà bạn tôi sau này đã thốt lên rằng “đây là bữa tối ngon nhất thế giới”. Không có khoảng cách giữa những con người xa lạ, chúng tôi quây quần bên bếp lửa, lúc này đây đã như một gia đình lớn trong đêm cuối năm lạnh giá trên đỉnh Mã Pì Lèng.


< Bôi kem nẻ cho đám trẻ.

Do sự hạn chế trong ngôn ngữ của những người phụ nữ Mông trong gia đình, anh chủ nhà là người trực tiếp trò chuyện với nhóm khách không mời, thỉnh thoảng phiên dịch lại cho cả gia đình. Nhưng điều đó cũng không làm vơi đi những nụ cười, những ánh mắt thân thương và trìu mến hay những câu chuyện sẻ chia.

Đám trẻ tíu tít chạy qua chạy lại trong nhà, má đỏ hồng và nứt nẻ vì giá lạnh. Một người bạn đồng hành trong nhóm lục balô lấy ra hộp kem chống nẻ và các bạn tôi bắt đầu “làm đẹp” cho trẻ con và phụ nữ trong gia đình. Đó thực sự là những khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong hành trình, khi cả chủ và khách đều ấm áp tươi cười bên bếp củi hồng. Dường như mùa xuân đang ùa vào cửa, mặc kệ bóng tối, mặc kệ gió buốt, mặc kệ mùa đông…
Đêm cuối năm trên đỉnh Mã Pì Lèng…

Theo Thủy Trần (báo Tuổi Trẻ)
Travel79.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét