Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2013

Thăm Vàm Nhựt Tảo

Tọa lạc tại Vàm Nhựt Tảo, xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An, khu di tích Vàm Nhựt Tảo là nơi tái hiện cuộc đời và sự nghiệp của anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực – người con ưu tú đất Long An trung dũng, kiên cường.

Xuất thân từ dân chài, giỏi võ, can đảm, tinh thần yêu nước nồng nàn là những yếu tố cần thiết để Nguyễn Trung Trực thành thủ lĩnh nghĩa quân, lập nên nhiều chiến công hiển hách thời kháng Pháp. Chiến đấu dưới quyền Trương Định, được sự giúp đỡ của hương chức làng Nhựt Tảo, Nguyễn Trung Trực táo bạo xây dựng kế hoạch, cùng 59 nghĩa quân tấn công, đánh chìm tiểu hạm L’Esperance trên sông Nhựt Tảo ngày 10/12/1861, làm nên:

Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa,
Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần.

Theo tác phẩm Abrégédel’histoire D’An Nam của Alfred Schreiner, trận Nhựt Tảo là khúc dạo đầu cho cuộc tổng công kích hầu như toàn bộ các đồn của Pháp… Là biến cố bi thảm đã gây nên một nỗi xúc động sâu sắc nơi người Pháp và kích thích một cách lạ lùng trí tưởng tượng của người An Nam.

Sau trận Nhựt Tảo, danh tiếng anh hùng Nguyễn Trung Trực vang dội khắp nơi, phạm vi hoạt động không ngừng mở rộng. Đầu năm 1867, ông nhậm chức Lãnh binh Bình Định, đến nửa năm sau, ông được thăng chức Thành thủ úy tỉnh Hà Tiên.

< Tàu Hy Vọng (Tiểu hạm Espérance) phục chế.

Sau khi Pháp tái chiếm Kiên Giang, ông cùng nghĩa quân ra đảo Phú Quốc tiếp tục kháng chiến. Lực lượng của ông hao mòn dần sau nhiều trận chiến không cân sức. Để bảo toàn lực lượng, chờ thời cơ, ông một mình ra mặt để Pháp bắt. Không lay chuyển được lòng dạ sắt son của ông, thực dân Pháp đem ông về Rạch Giá – Kiên Giang xử chém. Hy sinh ngày 27/10/1868 khi vừa tròn 30 tuổi, Nguyễn Trung Trực đã để lại cho đời câu nói bất hủ: Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây.


< Vàm Nhựt Tảo.

Năm 1996, Vàm Nhựt Tảo được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia, nơi ghi dấu một trong hai chiến công oanh liệt của anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực trong thời kháng Pháp cuối thế kỷ XIX.

Hậu thế tri ân

Đến nay, cơ sở thờ tự anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực đã được xây dựng trên 6 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long: Kiên Giang, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Long An. Trong đó, khu di tích Vàm Nhựt Tảo là nơi lưu giữ, bảo tồn nhiều hình ảnh, tư liệu tái hiện cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của anh hùng Nguyễn Trung Trực.

< Mảnh ván tàu Espérance đang được trưng bày tại đền thờ chính, Rạch Giá.

Ngoài ra, nơi đây còn trưng bày một số ấn phẩm và công trình khoa học về ông như quyển Anh hùng kháng Pháp Nguyễn Trung Trực (Nguyễn Văn Khoa – NXB Trẻ TPHCM), Nguyễn Trung Trực – một kinh kha của miền Nam, Lịch sử cuộc viễn chinh Nam Kỳ 1861 (NXB Phương Đông)…
Con cháu đời sau mến phục tấm kiên trung, bất khuất của bậc anh hùng, tôn thờ ông như một vị linh thần “sinh vi tướng, tử vi thần”.

Ngày nay, nếu xuôi dòng Vàm Cỏ Đông đến địa phận xã An Nhựt Tân, du khách sẽ được ngắm nhìn vùng sông nước hữu tình vàm Nhựt Tảo. Sông nơi đây khá rộng, dòng nước trong xanh, hai bên bờ là những mái nhà xinh xắn nép mình dưới rặng dừa nước và một số loài cây hoang dại như vẹt, bần, đước, mắm. Cách vàm 200m là chiếc cầu treo bắc qua sông Nhựt Tảo nối liền 2 xã An Nhựt Tân và Bình Trinh Đông.

< Mảnh ván tàu Espérance đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - Thành phố HCM.

Những buổi bình minh đứng trên cầu treo nhìn ra vàm sông ta mới cảm nhận hết vẻ đẹp như tranh nơi đây. Sương tan là đà trên mặt sông dài như được nhuốm hồng bởi ánh bình minh, đó đây văng vẳng tiếng hò khoan dìu đặt của người dân chài lưới. Gần vàm là ngôi chợ khá lâu đời, hiện vẩn còn 2 dãy phố lợp ngói khá cổ kính. Đối diện chợ là trụ sở ủy ban nhân dân xã An Nhựt Tân. Khuôn viên ủy ban có bia kỷ niệm chiến thắng Nhựt Tảo được xây dựng năm 1980.

Nói chung dưới sự tác động của thiên nhiên và con người hơn một thế kỷ qua, di tích vàm Nhựt Tảo đã có sự thay đổi nhất định so với thời điểm xảy ra trận đánh ngày 10/12/1861. Tuy nhiên những gì còn hiện hữu ở vàm Nhựt Tảo cũng đã minh chứng tài năng quân sự của Nguyễn Trung Trực- người đầu tiên duy nhất đánh chìm được một tiểu hạm trong cuộc kháng chiến chống Pháp nửa cuối thế kỷ XIX.

Chiến thắng Nhựt Tảo cũng cho thấy rằng ta có thể đánh bại quân xâm lược bằng mưu trí và lòng dũng cảm dù chỉ được trang bị vũ khí thô sơ. Mặt khác ''trận hỏa hồng Nhựt Tảo'' chính là biểu tượng của tinh thần yêu nước, bất khuất trước ngoại xâm của nhân dân ta. Chính những người ''dân ấp, dân lân'' chỉ vì ''mến nghĩa'' mà đứng lên đánh Pháp đã làm nên chiến thắng vang dội Nhựt Tảo trong khi Triều đình Huế vì yếu hèn đã vội cầu hòa, cắt đứt một phần giang sơn gấm vóc cho quân xâm lược.

135 năm sau ngày Nguyễn Trung Trực đánh chìm tàu L' Espérance, vàm Nhựt Tảo đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là di tích Quốc gia năm 1996 bởi những giá trị, ý nghĩa sâu sắc chứa đựng trong đó.

Năm 2003, một dự án tôn tạo di tích quy mô đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Long An phê duyệt và thực hiện với Khu di tích Vàm Nhựt Tảo, đưa vào sử dụng năm 2010, mỗi năm thu hút khoảng 10.000 lượt khách viếng thăm. Diện tích khu là 6.1 ha gồm các hạng mục chính: Đền Tưởng niệm, Nhà Trưng bày, Nhà bia, Tượng đài Nguyễn Trung Trực, đường nội bộ, bến thuyền, cầu cảnh,…

Hàng năm, khuôn viên Di tích Vàm Nhựt Tảo –  quê hương và là nơi ông đốt tiểu hạm L’Esperance của Pháp – diễn ra trọng thể lễ tưởng niệm anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Điều này thể hiện sự tri ân của mình đối với người có công với quê hương, đất nước, một nét đẹp trong văn hóa Việt cần được bảo tồn và phát huy hơn nữa.

Theo Baochi.edu.vn, CTTĐT Long An
Travel79.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét