Động Vân Trình rộng gần 3500m², là một động lớn nhất và đẹp nhất của tỉnh Ninh Bình. Động Vân Trình nằm trong núi Mõ thuộc thôn Vân Trình, xã Thượng Hoà, huyện Nho Quan. Núi Mõ là tên gọi tượng hình của dân gian, còn tên chữ thời xưa gọi là núi Thổ Tích.
Động còn có tên gọi là Giáng tiên. Huyền thoại kể rằng muốn giúp cho người trần nuôi con khoẻ mạnh, xinh đẹp, nàng tiên con út của trời đã xuống, thấy vùng này có phong cảnh ngoạn mục nên dừng chân dùng động làm nơi trú ngụ. Nàng đã cho xây nhiều bể tắm trong động. Nước trong bể lúc nào cũng đầy và trong. Về sau nàng tiên về trời, dân địa phương đã lập đền thờ nàng trước cửa động. Từ đó có tên gọi là Giáng Tiên.
Tương truyền những nhà nghèo, hiếm con hoặc nuôi con khó, vất vả đều đến để cầu khấn Tiên giúp đỡ. Họ thường mua một tấm vải đặt lễ cúng tại đền cửa hang xin Tiên phù hộ. Hôm sau, họ trở lại không thấy miếng vải đâu, chỉ xuất hiện chiếc áo lọt lòng. Đem về họ cho con mặc, con lớn nhanh và khoẻ mạnh.
Không chỉ có người dân đến lễ bái ở đền, các quan chức thời trước cách mạng tháng 8 năm 1945 hiếm con, nuôi con khó khăn cũng đến đây lễ bái cầu tự, lấy nước và xin thuốc tiên rất đông. Nhân dân địa phương phải phục dịch đón tiếp, khiêng các quan từ bờ sông lên cửa động rất vất vả và tốn kém. Họ bàn nhau lấp cửa động để cho quan lại không đến đây nữa. Từ đó động có thêm một tên nữa: Hang Lấp.
Đến chân núi Mõ, men theo sườn núi, bước lên cao khoảng 3m, du khách tới nhà nghỉ của trạm du lịch. Ngồi ở đây ít phút du khách sẽ bắt đầu chuyến leo núi vào Động Vân Trình. Du khách bước lên khoảng 80 bậc như bậc cầu thang trong nhà là đến cửa động.
Cửa động có độ cao khoảng 15 mét so với chân núi, cửa động chỉ cao có 1,5 m, rộng hơn 1m. Động Vân Trình gồm 2 hang liền nhau, so le, một cao, một thấp nên gọi là Hang Thượng, Hang Hạ.
Hang Hạ là hang Cả được chia làm hai khu ngăn cách bởi một bức bình phong nhũ đá. Bước tiếp xuống du khách nhìn lên cao thấy có những khối nhũ đá giống như những quả phật thủ khổng lồ. Thành hang bên tay phải là rất nhiều nhũ đá chảy dài như những sợi dây đàn hay còn giống như mái tóc mượt mà của các cô gái. Phải bước xuống 63 bậc, du khách mới tới nền động.
Lòng động đột ngột mở ra một không gian rộng lớn. Du khách có cảm giác như đang đứng trong một toà lâu đài cổ kính, có lối kiến trúc đồ sộ và hùng vĩ. Thành hang bên phải có nhũng dải nhũ đá nhẵn lì rộng, dài nhô ra đường chỉ mỏng nhẹ, trông như những tấm lụa trắng phơi bay trong gió.
Trong hang có bức bình phong nhũ đá rất đẹp, cao gần 7m, dài trên 10m, rộng 1m, ngăn động làm hai cung, hai bức bình phong đều được điểm tô bởi những đám mây cao thấp, phía xa là cảnh núi rừng có những muông thú và dòng sông - một bức tranh thuỷ mặc hữu tình được bàn tay thượng đế trau chuốt tỉ mỉ. Vòm động cao vút, lồng lộng màu thạch nhũ xanh như dát ngọc. Lại có những chùm hoa đá rực rỡ, những khối "kim cương" chợt loé lên bao sắc màu óng ánh khi đèn pin chiếu vào.
Xung quanh thành hang, tạo hoá như treo sẵn những bức tranh, các mảng điêu khắc, chạm nổi những nhân vật trong các câu chuyện cổ tích xưa. Chính những giọt nước trong suốt, miệt mài, kiên định bao đời đã tạo nên những kiệt tác như vậy.
Cũng từ thành động phía Tây có đường lên hang Thượng ở trên cao so với nền động khoảng 6m. Nền hang rộng đến 150m², nhấp nhô toàn nhũ đá nhỏ như hình người ngồi, đứng - vì thế nơi đây được gọi là chợ Trời.
Nền hang phẳng nhưng lại đùn lên vô vàn nhũ đá có hình thù khác nhau như: Cây đèn, cây nến, con nghê chầu, chim đại bàng, con hổ, con rùa, cung nữ đứng hầu, và cả quan thái giám..., tất cả những con vật đó như được hoá đá nơi đây. Trên đỉnh động có một lỗ thông thiên hay còn gọi là 'mắt trời'- nơi âm dương tương ngộ, đất trời giao hòa. Đi sâu vào trong động, du khách càng như lạc vào cõi bồng lai.
Một điều đặc biệt là nếu nhìn kỹ trên sàn động, du khách sẽ bắt gặp nhũng hòn đá nhỏ tròn như quả trứng vịt, trúng gà, viên bi, hạt đậu rất nhẫn, màu đen nhu hạt na, nhưng rất chắc khác hẳn kiểu nhũ đá trong động. Các nhà khoa học sơ bộ đã giải thích chúng ra đời cùng với thời kỳ hình thành động. Tương truyền, người xưa thường vào động, lấy chúng đem mài để uống sẽ chữa được một số bệnh.
Vân Trình ngày nay vẫn giữ được vẻ đẹp vốn hữu hình, trinh nguyên của đá. Mỗi bước đi du khách lại phát hiện thêm những điều mới lạ, cảm nhận một cảnh trí khác nhau, đẹp mê hồn, không sao tả hết được.
Travel79.net tổng hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét