Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2013

Ra Đại Lãnh ăn “thuồng luồng” biển

(ANTĐ) - Mươi mười lăm năm trước đây muốn ra Bãi Môn - mũi Đại Lãnh phải đi bộ xuyên rừng hoặc đi bằng thuyền. Bây giờ thì khác, dân “ phượt”  thả phanh phóng xe máy trên con đường láng nhựa phẳng lỳ Phước Tân- Bãi Ngà (con đường nối cảng Vũng Rô với thành phố Tuy Hòa) chạy dọc ven bờ biển Phú Yên lộng gió, rừng dừa thơ mộng, cảnh đẹp huyền ảo như một một bức tranh thủy mặc.

Bờ biển Việt Nam có hai điểm cực Đông, điểm thứ nhất là Mũi đôi thuộc tỉnh Khánh Hòa nhô ra xa phía Đông ngoài khơi, nhưng thấp hơn. Mũi Đại Lãnh tụt vào trong một chút nhưng cao hơn, nên người dân ở đây tự hào tuyên bố: Nơi đây đón ánh mặt trời đầu tiên của Việt Nam.

Đứng từ bãi Bạch Môn (còn gọi là bãi Môn) ngước nhìn mũi Đại Lãnh, du khách thấy Đại Lãnh giống như một ngọn núi, đến gần hơn lại thấy giống như hòn đảo vì có một dòng suối ngọt trong vắt chảy quanh tách Đại Lãnh ra khỏi đất liền. Nhưng thực chất Đại Lãnh là đất liền. Du khách tắm biển xong có thể lên ngâm mình thư giãn trong dòng nước ngọt sạch, mát lạnh ngắm bầu trời cao, xanh biếc.

Hải đăng mũi Đại Lãnh được người Pháp xây dựng năm 1890 gồm khối nhà cao 5m, diện tích 320m², dưới có bể ngầm chứa nước mưa. Trên trần nhà đặt hệ thống pin mặt trời cung cấp năng lượng cho ngọn hải đăng chiếu sáng và điện sinh hoạt cho những người gác đèn. Tháp đèn là khối hình trụ, thon đều, màu xám, cao 26,5m so với nền tòa nhà, 110m so với mặt nước biển. Hải đăng có thể phát sáng xa 27 hải lý. Bên trong hải đăng là một cầu thang cuốn 110 bậc bằng gỗ lim nhẵn bóng cùng thời gian.

Anh Nguyễn Ngọc Thắng, Trưởng trạm Hải Đăng, cùng các chiến sĩ canh “mắt biển” hiếu khách, tiếp đón  khách rất nhiệt tình. Kiêm luôn hướng dẫn viên du lịch, anh tự hào kể cho chúng tôi nghe lịch sử ngọn hải đăng, “Địa chỉ đỏ” Vũng Rô, chiến công của những con tàu không số…

Trong ráng chiều chạng vạng, từ ngọn hải đăng, các chàng lính trẻ dẫn chúng tôi xuống bãi đá dưới chân núi để hưởng thú vui câu cá. Các anh giải thích, biển có nhiều loại cá, đặc biệt là cá chình ngọt thịt, thơm ngon. Trong dân gian các chình được gọi là “thuồng luồng” biển. Chúng tôi quăng câu, thời gian chưa hút hết điếu thuốc đã thu ngay chiến lợi phẩm: Một con cá chình cắn câu, nặng 7kg dài 1m, chủ nhà đem làm thịt, ướp đủ loại gia vị.

Cả bộ xương, đầu, đuôi cho vào nồi lẩu. Các loại rau “sạch”: hành, thơm, thìa là, ớt… của nhà trồng được bày biện trên bàn đá quanh nồi lẩu bốc khói. Lửa đốt lên, than hồng rực đỏ, thịt “thuồng luồng” biển xâu vào que tre, mỗi người một xiên tự  nướng. Mùi cá thơm ngậy. Cá nướng nhâm nhi với bát rượu sâm đất giữa trời biển bao la thắm tình quân dân là một kỷ niệm không bao giờ quên. Chúng tôi vừa lai rai, vừa hát, quyết định ngủ đêm trên hải đăng để sớm mai được đón ánh bình minh.

Mới 4 giờ sáng, trăng vẫn mang hình lưỡi liềm treo lơ lửng trên đầu, không ai bảo ai, tất cả đều đã dậy để được chứng kiến thời khắc đón ánh nắng đầu tiên trong ngày trên đất liền Việt Nam. Các loại máy ảnh chuẩn bị cầm sẵn trong tay hồi hộp chờ đợi…

Bỗng bóng tối tách ra, chân trời đằng Đông giữa những mảnh màu hồng vàng rực xuất hiện nhiều đám mây bồng bềnh kết lại thành muôn vàn hình thù kỳ dị, rồi tia nắng đầu tiên của một ngày mới bừng lên tạo một khoảng hồng vàng huyền ảo loang rộng trên mặt biển. Khoảnh khắc tuyệt vời được thu vào ống kính để khoe với bạn bè.

Theo Lê Sĩ Tứ (An Ninh Thủ Đô)
Travel79.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét