Thứ Năm, 12 tháng 6, 2014

Nơi bảo tồn văn hoá làng chài Hạ Long

(BGO) - Cách cảng tàu du lịch Bãi Cháy 20km về phía nam Vịnh Hạ Long, Trung tâm Văn hoá nổi Cửa Vạn nằm ngay trong khu vực làng chài Cửa Vạn. Đây là một trong những điểm du lịch hấp dẫn, với nhiều nét đẹp văn hoá cũng như phong tục tập quán mang đậm sắc thái vùng biển của một cộng đồng ngư dân sinh sống trên Vịnh đã và đang được bảo tồn, gìn giữ...

Trung tâm Văn hoá nổi Cửa Vạn ra đời năm 2006. Đây là một dự án đặc biệt trong 12 dự án thành phần của Bảo tàng sinh thái Hạ Long (Bảo tàng sinh thái đầu tiên ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á) được cơ quan hợp tác phát triển Na Uy tài trợ. Trung tâm Văn hoá nổi Cửa Vạn được xây dựng tại làng chài Cửa Vạn, làng chài lớn nhất trên Vịnh Hạ Long.

< Một góc Trung tâm văn hóa nổi Cửa Vạn.

Nơi đây có cảnh quan thiên nhiên đặc sắc và sự quần tụ sinh sống của một cộng đồng dân cư đông đúc, chính họ đã sản sinh ra các giá trị văn hoá tinh thần mang đậm yếu tố biển của vùng Vịnh Hạ Long. Trung tâm có diện tích 330m², là nơi trưng bày những hình ảnh, hiện vật sinh động, thể hiện toàn bộ cuộc sống vật chất, tinh thần của ngư dân trên Vịnh Hạ Long xưa và nay.

Với mục tiêu giới thiệu và góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá làng chài Cửa Vạn, ngoài việc trưng bày triển lãm cố định, một số hiện vật, hình ảnh do các cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Vịnh dày công sưu tập được tại làng chài Cửa Vạn, giới thiệu về đời sống vật chất và tinh thần của ngư dân theo các chủ đề: Tự nhiên và con người; phương thức kiếm sống; đời sống vật chất, thuỷ cư với cuộc sống đời người; tâm linh và cuộc sống tinh thần...

< Khu trưng bày hiện vật tại Trung tâm Văn hoá nổi Cửa Vạn.

Trung tâm còn tổ chức các buổi trưng bày theo chuyên đề có sự thay đổi theo từng sự kiện, thời điểm lịch sử và cuộc sống hàng ngày của cộng đồng dân cư. Qua các hiện vật sống động, du khách có cái nhìn bao quát hơn về cuộc sống của ngư dân làng chài trên Vịnh, với những nét đặc trưng riêng. Từ cuộc sống mưu sinh vất vả, lúc buồn vui, khi giao lưu sớm tối, kết bạn, lấy vợ gả chồng và cả khi tổ chức lễ Tết, hội hè… chính là nguồn gốc ra đời của những làn điệu hát giao duyên đằm thắm, những phong tục tập quán mang đậm sắc thái văn hoá của một vùng biển, góp phần tăng thêm trách nhiệm của cả cộng đồng trong việc bảo tồn, phát triển bền vững di sản thế giới Vịnh Hạ Long.

< Hát giao duyên, hát đám cưới đã được truyền dạy cho lớp trẻ của làng chài Cửa Vạn.

Không chỉ trưng bày triển lãm, trung tâm còn là nơi tuyên truyền giáo dục cộng đồng và du khách tham gia bảo vệ, giữ gìn môi trường Vịnh Hạ Long và là nơi diễn ra các buổi sinh hoạt văn hoá, giao lưu giữa ngư dân làng chài Cửa Vạn với nhau và với các làng chài khác trong khu vực, với cộng đồng và du khách.

Đây cũng là nơi trình diễn các làn điệu hát giao duyên độc đáo, đặc sắc của cộng đồng ngư dân, các nghề thủ công truyền thống... và cũng là nơi dành cho học sinh, sinh viên, nhà khoa học v.v. đến nghiên cứu tìm hiểu về các giá trị văn hoá làng chài, các giá trị tiềm năng của Vịnh Hạ Long.

< Làng chài nổi Cửa Vạn.

Trung tâm Văn hoá nổi Cửa Vạn có ý nghĩa đặc biệt trong việc bảo tồn, giới thiệu các giá trị văn hoá làng chài Cửa Vạn. Không chỉ là văn hoá truyền thống mà cả văn hoá đương đại; không chỉ là văn hoá điển hình và cả là văn hoá đời thường. Đây cũng chính là nơi gắn kết cộng đồng ngư dân cùng tham gia bảo vệ, giữ gìn và phát huy bền vững các giá trị di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.

Theo Cẩm Thu (Báo Bắc Giang)
Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét