(TTO) - Vượt biển suốt bảy giờ đồng hồ trong điều kiện sóng gió tây nam mạnh cấp 4 để đến quần đảo Thổ Chu, chúng tôi dự định đi cho biết đây đó rồi trở về đất liền ngay ngày hôm sau. Nhưng cái màu xanh khoáng đạt của rừng, biển và những rạn san hô đẹp nguyên thủy nơi đây đã níu chân chúng tôi đến sáu ngày!
< Hòn Xanh nhìn từ Thổ Chu.
Quần đảo Thổ Chu gồm tám đảo nằm trong vịnh Thái Lan, trong đó đảo Thổ Chu hay còn được ghi là Poulo Panjang trong hải đồ của các nhà hàng hải phương Tây, là đảo lớn nhất với diện tích 13,95km² và là trung tâm hành chính xã Thổ Châu, cách Rạch Giá 220km, cách Phú Quốc 102km, đồng thời được xem là điểm cực tây nam của Tổ quốc.
Vào nơi yên tịnh của thiên nhiên
< Một góc Hòn Nhạn.
Phải chăng do vị trí nằm biệt lập cùng với yếu tố thời tiết, khí hậu, đầu sóng ngọn gió mà hệ sinh thái quần đảo Thổ Chu rất đa dạng, độc đáo và còn ẩn chứa trong thiên nhiên nhiều điều kỳ thú. Đứng trên Hòn Nhạn, nhìn tứ bề: gần bên là những tác phẩm đá được thiên nhiên gia công mài dũa, tạo hình hoàn mỹ, xa hơn là đảo Thổ Chu tựa như bức trường thành, xa hơn nữa là biển cả mênh mông, những con thuyền vượt sóng ra khơi... mới thấy quê hương đẹp làm sao!
< Ghềnh đá Hòn Từ bị xâm thực tạo nên hình dáng lạ lùng đẹp mắt.
Từ trung tâm xã đi đến các bến thuyền, bãi tắm, hải đăng, địa điểm thăm thú... mọi con đường đều xuyên qua rừng nên khách phương xa chạy xe chẳng mấy ai cần vội vàng, phóng nhanh như người bản địa. Bởi họ dành chút thời gian ngắm nhìn lá vàng rơi lả tả theo chiều gió và lắng nghe tiếng chim thay nhau hót líu lo trên những vòm cây cao chót vót. Thỉnh thoảng dừng xe, men theo lối mòn vào rừng sẽ bắt gặp cây vải rừng với những chùm quả chín đỏ hoặc cây dâu với trái chín vàng bám chi chít từ thân đến cành cây trông thật bắt mắt, khiến khách khó cưỡng lại ham muốn thưởng thức cây trái trời cho này.
< Thu hoạch vải rừng đầu mùa.
Rừng phủ kín đảo Thổ Chu là rừng nguyên sinh với hệ thực vật có trên 200 loài, chiếm ưu thế là các họ bứa (Guttifereae), đậu (Fabaceae) và hồng xiêm (Sapotaceae) được bảo vệ nghiêm ngặt, không hề có nạn phá rừng. Vì vậy rất dễ dàng bắt gặp bên đường những cây cổ thụ thẳng đứng 5-7 người ôm không hết vòng. Có đất, có rừng ắt có nước ngọt. Quả thật mạch nước ngọt trên đảo dồi dào quanh năm, không xảy ra tình trạng khô hạn.
< Một góc bãi biển với cát mịn, trắng ở Hòn Từ.
Rời bãi Dong, một bãi biển nằm hướng đông bắc đảo Thổ Chu, chúng tôi theo thuyền đánh bắt cá hướng tới Hòn Từ. Không lâu sau đó thuyền tiếp tục men theo ghềnh đá để tránh những đợt sóng nhồi trước khi xuôi dòng chảy tiến vào Hòn Cao. Thủy triều đang xuống, phơi bày ven bờ những bãi đá đầy cành san hô chết khô. Còn trên đảo là màu xanh um của cây rừng. Cảnh sắc rừng trên Hòn Cao mang sắc thái riêng, không chỉ tươi mát bởi toàn cây cổ thụ: phong ba, bàng vuông, cây da... với những bộ rễ bám chắc vào rạn san hô được hình thành qua quá trình tạo sơn. Những chỗ này còn là nơi cư trú của đàn dơi quạ đang treo ngược ngủ trên cành cây sau một đêm kiếm ăn. Chợt phát hiện kẻ lạ xâm nhập, chúng phát ra âm thanh ríu rít như gọi bầy đàn rồi vỗ cánh bay đen kín cả một góc trời. Bất giác cảm thấy hối hận vì nỗi đã phạm vào sự yên tịnh của thiên nhiên bằng những bước chân.
Huyền ảo dưới đại dương
< Dơi quạ có rất nhiều ở Hòn Cao.
Nếu chuyến đi rừng đã khiến tôi mê mẩn thì chuyến đi lặn biển tại Hòn Từ với chủ thuyền Nguyễn Văn Hòa chuyên sống bằng nghề lặn bắt bào ngư... lại gây ấn tượng mạnh hơn, ngay cái nhìn đầu tiên dưới lòng đại dương. Đó là một thế giới huyền ảo của 99 loại san hô khác nhau bên cạnh thảm cỏ biển mà chiếm ưu thế là các giống Acropora (san hô tán/bàn), Montipora (san hô sừng hươu) cùng đàn cá đủ màu sắc, những loại ốc cờ, ốc tai tượng, bào ngư, cổ hiếu, cầu gai... đang ẩn mình dưới độ sâu từ 7-10m. Thật khó diễn tả hết bằng lời, cũng không thể chia sẻ với ai bởi lẽ có nói thành lời cũng chẳng đủ ngôn từ để mô tả. Vậy nên đành phải yên lặng mà để cảm xúc cứ thế dâng trào.
< Ngư dân Nguyễn Văn Hòa - người hướng dẫn chúng tôi thực hiện chuyến khảo sát lặn biển ở Hòn Từ thuộc đảo Thổ Chu.
Theo các chuyên gia, đây còn là nơi lý tưởng để các loài rùa biển đang bị đe dọa trên toàn cầu như đồi mồi (Eretmochelys imbricata) và vích (Chelonia mydas) chọn làm tổ. Bởi thảm cỏ biển tại khu vực này chính là nguồn thức ăn khoái khẩu của các loài rùa biển.
Bơi lặn vùng biển Thổ Chu, chúng tôi trải nghiệm nhiều điều: biết đeo dây bảo hiểm nối với thuyền đề phòng dòng chảy cuốn ra xa. Nếu lặn nổi thì chỉ cần đeo kính và ống thở là có thể ngắm san hô hiện hữu dưới độ sâu 10m, muốn lặn sâu thì tiện thể học cách sử dụng ống hơi phát ra từ máy bơm oxy trên thuyền như một dân chài thực thụ. Hơn thế nữa nó lại nhẹ nhàng và thời gian sử dụng kéo dài so với lặn bằng bình dưỡng khí...
Rộn ràng Hòn Nhạn
Nhưng niềm hạnh phúc nhất của chúng tôi trong những ngày ở Thổ Chu là vượt biển đặt chân tới Hòn Nhạn, cũng là điểm chuẩn A1 của đường cơ sở để xác định lãnh hải Việt Nam và là nơi chim nhạn di trú và sinh sản, cách Thổ Chu 5km về hướng tây nam.
Hôm chúng tôi khởi hành đến Hòn Nhạn, biển đang sôi sục, mặt nước chuyển dần sang màu xanh sậm, từng cơn sóng nối tiếp nhau chồm lên dữ dội như muốn dìm lấy con thuyền câu nhỏ bé. “Đành phải chạy cặp theo Hòn Xanh để núp gió trước khi gối lên sóng đi tiếp ra Hòn Nhạn” - anh Hòa nói thế. Hơn tiếng đồng hồ sau, Hòn Nhạn đã hiện trước mặt cùng lúc trong không gian vang lên âm thanh ồn ào từ tiếng kêu của vô vàn chim nhạn bay kín trên bầu trời, tạo nên cảnh tượng rộn ràng như muốn xua đuổi những vị khách không mời mà tới.
< Lặn biển ở Hòn Từ với vô vàn cá, san hô đẹp mắt.
Sóng vẫn dồn dập, thuyền vẫn nghiêng ngả, tới mức chúng tôi không thể đứng vững huống hồ là để chụp ảnh, quay phim. Tới nước này, muốn lên đảo chỉ còn cách thuyền phải neo đậu xa bờ để tránh va chạm vào đá ngầm, riêng chúng tôi ôm thùng xốp chứa túi máy ảnh, máy quay phim, cứ thế mà bơi vào. Mặc cho sóng dữ đẩy đưa, mặc cho giày dép bị trôi mất và đá ngầm thỉnh thoảng cứa vào chân, cuối cùng chúng tôi đã đổ bộ lên đảo.
Hòn Nhạn là đảo khô, vốn toàn đá tảng lớn nhỏ chồng chất lên nhau và cây cỏ chỉ sinh sôi khi mùa mưa tới, đó cũng là thời điểm từ tháng 4 đến tháng 9 âm lịch, loài nhạn thường bay về sinh sản. Mỗi mùa nhạn thường đẻ 1-2 trứng trong những hốc đá hoặc dưới lùm cây cỏ dại. Nhạn không ấp trứng nhưng hằng ngày sau khi bay đi kiếm ăn thường bay về để xem chừng. Trong vòng 30 ngày, trứng nở, lúc ấy chúng mới mớm cho nhạn con ăn, đến khi đủ lông đủ cánh.
Trở về đất liền, chúng tôi mang theo niềm vui của kẻ khám phá ra nhiều điều kỳ thú về đảo tiền tiêu phía tây nam của Tổ quốc. Nhưng vẫn canh cánh nỗi lo lắng vu vơ: trong tương lai, liệu địa phương có biện pháp bảo tồn môi trường thiên nhiên tươi đẹp như hiện nay khi mà hằng ngày vẫn thấy từng nhóm người lên đảo Hòn Nhạn để săm soi lượm trứng, những con thuyền ngẫu hứng dừng đậu xung quanh Hòn Từ, Hòn Cao... và mỗi lần thả neo họ có nhận thức đã làm gãy vụn biết bao cành san hô, cả những trường hợp ghe cào con banh lông cày nát đáy biển từng ngày...
< Người dân kiếm sống trong rừng Thổ Chu.
Cố gắng đến hè 2015 sẽ khai thác...
Năm ngoái, trong một chuyến tháp tùng cùng Bộ tư lệnh Vùng 5 hải quân đi thăm hàng loạt hòn đảo của vùng biển Tây Nam như Thổ Chu, Nam Du, Hòn Khoai, Hòn Chuối, đảo Hải Tặc... cả đoàn TP.HCM ai cũng liên tục chắc lưỡi trước vẻ đẹp đến ngỡ ngàng của những nơi này.
Nhưng, đi kèm sau những tiếng reo vui ngỡ ngàng, bao giờ cũng là câu hỏi: Sao chưa thấy phát triển du lịch? Bởi lâu nay, tuy Thổ Chu, Nam Du, Hòn Khoai, Hòn Chuối, đảo Hải Tặc... chẳng lạ lùng gì với dân phượt; nhưng đó cũng chỉ là những chuyến đi tự phát của dân du lịch bụi, chứ ngành “công nghiệp không khói” chưa hề có dấu ấn ở đây.
< Ông Trần Thế Dũng trong chuyến “lên rừng xuống biển Thổ Chu”.
Vì vậy, khi nghe ông Trần Thế Dũng - giám đốc Công ty du lịch Thế Hệ Trẻ (TP.HCM) - kể vừa thực hiện một chuyến đi khảo sát Thổ Chu, với những trải nghiệm thực tế một cách chuyên nghiệp của dân làm du lịch, chúng tôi đã hỏi ngay cảm tưởng của ông Dũng về nơi này. Ông Dũng hít hà nói: ”Đẹp lắm. Tuyệt vời lắm”. Và theo lời đề nghị của chúng tôi, ông Dũng đồng ý viết bài, gửi ảnh để giới thiệu chuyến khảo sát này. (Theo tìm hiểu của chúng tôi, hình như đây là lần đầu tiên có một nhà làm du lịch đi khảo sát lặn biển, vào rừng ở Thổ Chu - NV).
Nhưng liệu đến bao giờ thì tour lặn biển Hòn Từ, thăm rừng Thổ Chu và khám phá Hòn Nhạn sẽ chính thức được khai thác? Trả lời câu hỏi này, ông Dũng nói: ”Nếu mọi chuyện suôn sẻ thì đến mùa hè năm sau. Bởi chúng tôi còn phải rà soát lại mọi chuyện, từ phương tiện di chuyển sao phải thật an toàn cho khách, đến nơi ăn chốn ở phải đạt chuẩn làm du lịch, rồi còn phải làm việc với địa phương...”.
Theo Trần Thế Dũng (báo Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét