Thứ Hai, 16 tháng 6, 2014

Những quan niệm sai khi đi biển

(ANTĐ) - Bạn đã bao giờ định nhảy xuống bơi nhưng lại do dự vì chợt nhớ ra là mới ăn chưa được 30 phút, hoặc nếu bị cháy nắng, cứ bôi bơ vào vùng da nóng mà không biết có đúng hay không. Những mẹo áp dụng cho các hoạt động bơi lội và du lịch mùa hè tương tự như vậy đến nay đã được chứng minh là hoàn toàn vô nghĩa.

Nước mặn giúp lành vết thương?

Rất nhiều người trong chúng ta đã nghe nói rằng nếu bị vết thương ngoài da, cứ tắm biển là tốt bởi nước mặn sẽ giúp đẩy nhanh quá trình hồi phục. Điều này không đúng. Nước biển đầy vi khuẩn có thể xâm nhập vào vết thương hở, gây ra lở loét hoặc thậm chí dẫn đến nhiễm trùng.

Một lưu ý khác, ta vẫn quen sử dụng nước muối súc miệng hay nhỏ mũi không phải vì nó là chất kháng khuẩn mà chỉ vì nó giúp loại bỏ chất bẩn và ít gây kích ứng màng nhầy trong miệng (điều này đã được chứng minh trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí Nha khoa Anh năm 2004). Bởi thế, nước máy sạch, nước tinh khiết và xà phòng nhẹ có hiệu quả tốt cho hầu hết các loại vết thương.

Nếu bị sứa đốt, giải độc bằng nước tiểu?

Không đúng, vì bài thuốc này có thể khiến tình trạng trầm trọng hơn. Jennifer Ping, bác sỹ cấp cứu ở Honolulu, Mỹ chuyên nghiên cứu về các phương pháp điều trị hiệu quả nhất khi bị sứa đốt cho biết, mỗi năm phòng cấp cứu nơi bà làm việc tiếp nhận khoảng 15 người bị sứa cắn. Các vết thương đều do tiếp xúc với một xúc tu của sứa khi nó có thể kích hoạt hàng triệu tế bào châm chích xuyên qua da và tiêm nọc độc.

Khi bị sứa đốt, bước đầu tiên cần xử trí là phải ra khỏi nước, sau đó dùng đồ vật gì đó (không dùng tay) gạt các xúc tu còn bám vào. Dùng dung dịch có tính axit như giấm chẳng hạn đổ trực tiếp lên vết thương hoặc áp một miếng vải tẩm giấm. Còn nước tiểu có độ pH khác giấm, nó có thể khiến các đầu xúc tu sưng lên và phóng thêm nọc độc, do đó vết thương ngày càng tồi tệ. Khi đầu xúc tu ngừng hoạt động, cạo chúng ra bằng tấm bìa hoặc thẻ tín dụng. Cuối cùng, chườm vết thương bằng nước ấm để giảm đau hoặc dùng kem dưỡng da nhẹ nhàng nếu có sẵn và không nên băng lại. Nếu người bị sứa đốt cảm thấy khó thở, buồn nôn, chóng mặt hoặc sốt thì phải đi khám càng sớm càng tốt.

Không bơi sau khi ăn 30 phút?

Thực tế là chưa có trường hợp nào được kết luận là chết đuối hoặc suýt chìm vì ăn no xong đi bơi. Nếu ăn no mà nhảy xuống bơi, tình huống xấu nhất có thể xảy ra là bạn sẽ cảm thấy khó chịu hoặc có thể bị chuột rút. Lý do, sau bữa ăn, cơ thể tập trung máu đến dạ dày để giúp tiêu hóa thức ăn. Nếu bơi, một phần máu lại được dồn cho cơ bắp, khiến quá trình tiêu hóa chậm hơn. Và đề phòng bị chuột rút, tốt hơn cả là bơi ở chỗ nào mà bạn có thể thoát ra khỏi nước nhanh chóng. Trẻ em (hoặc những người có trí tưởng tượng phong phú) lo ngại rằng thức ăn sẽ không di chuyển được nếu cơ thể nổi trên mặt nước. Đây là điều không thể bởi đó là cơ chế tự nhiên của con người, ngay các phi hành gia lúc nào cũng lơ lửng trên không vẫn tiêu hóa thức ăn bình thường.

Dùng bơ chăm sóc vùng da bị cháy nắng?

Những người bị bắt nắng nhiều mỗi lần đi biển về thường xuất hiện những vùng da đỏ au do cháy nắng. Liệu bơ có thể làm mát vùng da này? Thực tế, người ta vẫn có thể dùng bơ áp nhanh vào những đốm da bị dầu ăn bắn vào khi đun nấu, nhưng trường hợp này, bơ chỉ là loại kem dưỡng ẩm, không thể làm lành vết bỏng. Giải pháp cho da cháy nắng chính là gạc sữa đá (cho đá xay và sữa vào khăn) vì nó giúp chống viêm, trong khi sữa không có tính axit nên không gây kích ứng da. Tương tự là dùng nước có pha ibuprofen, một chất chống viêm. Một hoặc hai ngày sau khi vùng da cháy nắng dịu đi, dùng kem dưỡng ẩm tốt giúp vết thương nhanh khỏi. Tuy nhiên, thấy xuất hiện mụn nước hoặc sưng lên, cần đi kiểm tra.

Theo Yến Chi (Washington Post - An Ninh Thủ Đô)
Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét