(iHay) - Khi đã quá mỏi trong những con phố ngập người và âm thanh vò vò như ong đập cánh của phố thị Sài Gòn, tôi thở phào khi sáng sớm phóng xe máy đi xa một chút, hết 50km để gặp Cần Giờ.
< Cào hàu ở gần resort.
Đi một hồi, nhớ miền Tây
Cần Giờ giống một nét màu xanh mĩ mãn trong một chân dung của đô thị khổng lồ và ứ đầy những ngột ngạt. Bạn đi qua quận 7, men theo đại lộ Nguyễn Văn Linh, rẽ vào đường Huỳnh Tấn Phát rồi cứ thế băng thẳng. Hết nhà cửa, thưa dần xe cộ, cao ốc chót vót bé lại sau lưng, đó là khi những vạt cây xanh lấp ló nở ra như một chân trời ngụp lặn trong màu xanh.
Ở phà Bình Khánh, nơi có “mùi” miền Tây, người ta nghe văng vẳng câu cải lương mà chị bán vé bật từ cái radio đeo bên hông. Người ta nghe thấy những chị bán nước mía, nước dừa chạy lung xung quanh khách đi phà, rao câu ngọt lịm “ai mía lau hôn, nước mía 5 ngàn, 5 ngàn đây”. Coi như miền Tây thu nhỏ, ghé mắt dòm qua cho thỏa cái địa phương mà người xa lạ chưa tới miệt vườn chẳng bao giờ có thể nếm thử.
Sông Sài Gòn có màu đỏ quạch của nước phù sa, có tiếng “bạch bạch” của máy nổ từ mấy con ghe bé xíu đánh bắt gần bờ. Chiếc phà ù ù qua sông. Gió phả vào mặt, nghe mùi của đất, mùi của xứ lúa miền Tây, nghe hoi hoi mà thấy dễ thở lạ lùng.
Từ dạo đó trở đi, hết con phà xình xịch với đám xe hơi rồ máy qua bờ, bạn được thả lại “chốn không người” một mình một ngựa, đi chừng 40km trên con đường thẳng băng không nhà cửa, không bóng người, ấy mới gọi là tới Cần Giờ.
Con đường vắng tênh ấy bắc ngang qua rừng, tuyệt nhiên không có một bóng nhà cửa nào ở hai bên vệ đường (trừ một số ngã ba rẽ vào khu vực dân cư hoặc trạm nghỉ du lịch).
Những thân cây đước, mắm, bần vươn thẳng lên trên mặt nước lợ, tạo thành những hình dáng kì dị đến gai người. Gốc cây vồng lớn bám trên mặt bùn mềm ẩm, như dáng của hai chân người khổng lồ. Nếu bạn lái xe máy vào buổi chiều tối có nắng muộn xuyên qua những tàng lá ở rừng cây hai bên đường, bạn có thể rùng mình khi bất ngờ nhìn thấy một thân cây nào đó phía sâu trong rừng đứng hệt như một dáng người đang đứng choãi chân nhìn phản lại ánh mắt bạn.
< Cơm trắng với cá dứa ăn ngon lành.
Và tôi, buổi sáng ấy, tự dưng quyết phải gặp Cần Giờ (dù đã mò ra đó mấy lần), thong dong trên con đường không bóng người, đi mãi, đi về phía biển, để nhìn thấy những con sóng đang bương mình vào bờ mỏng manh.
Trên lưng con sóng nhỏ
Biển Cần giờ không có vị mặn bám vào những cơn gió. Không khí ở Cần Giờ mát trong như gần một dòng sông, nhưng khi đi hết con đường Rừng Sác, nơi ngã ba nếu rẽ trái (thêm 8km) sẽ là thị trấn Cần Thạnh, thì đi thẳng sẽ ra đến biển Cần Giờ.
Trên lưng những con sóng nhỏ ngoài mớ bờ biển tí xíu ấy ấy, người đi chơi có thể tìm thấy những sạp bán cá khô trong thị trấn Cần Thạnh hoặc những rổ cá tươi rói của người đi biển sớm về đổ vào chợ.
Tôi mê cá dứa như thể huyền thoại (của tôi) về Cần Giờ, kiểu huyền thoại cơm nguội xứ nghèo. Cứ ra đến Cần giờ tôi lại tấp ngay một quán nhậu lợp bạt nhìn chẳng ra sao, hỏi có bán cá dứa không, nói cô hàng nhậu làm cho mình một đĩa cơm nắm, chiên giòn con cá dứa, rồi cứ thế ngây ngây với vắt cơm nắm chặt vừa bàn tay, miếng thịt cá dứa phơi khô dày cui, thơm lừng cắn một cái giòn rụm.
< Rừng ngập mặn Cần Giờ.
Đại khái cứ ra sát biển, vào Cần Thạnh, kiếm một cái nhà bán cá khô, mua cá dứa khô là được cá vừa phơi xong, tươi rói, thịt dày từng thớ đến là ngon lành.
Từ Cần Thạnh, hàng ngày, từ 6 giờ sáng, cách vài giờ lại có ghe cho khách lạ đi ra đảo Thạnh An, Thiềng Liềng chơi. Đó là hai xã đảo nhỏ, Thạnh An đông đúc, có hai ngôi trường tiểu học, trung học.
Thiềng Liềng xa hơn, nhỏ hơn chỉ có 5-6 gia đình sinh sống và mãi gần đây mới có điện mặt trời. Dân trên đảo hiền tới nỗi thấy người lạ đi vòng vòng trên đảo, chào hỏi mấy tiếng đã hỏi có ăn cơm chưa, trên đảo không có hàng cơm đâu, thôi… mời vô nhà ăn luôn cho tiện.
Có một lần tôi theo ghe ra xã đảo Thạnh An, tự dưng được một cô bán hàng ven đường nói: “Đói hông, vô nhà chị ăn đi. Ngủ đây luôn cũng được”. Như... một người lịch sự, tôi leo vô nhà chị luôn. Ở nhà chị, được chị nấu cho ăn món canh bần, món canh sườn/cá nấu với quả bần chua, thanh thanh mà dịu miệng, ăn mát cả buổi trưa nắng gắt giữa hòn đảo bé xíu hứng nắng.
< Trên đảo Thạch An.
Đêm ở đảo Thạnh An, tôi đi bộ lên bờ kè biển, ngồi với những thanh niên trên đảo, nghe họ kể chuyện đi câu mực, đánh cá, nghe chuyện mùa sóng lớn không thể ra khơi, nghe về cuộc sống của những đứa trẻ ở Thạnh An vượt qua những con sóng, mỗi sáng lại xuống ghe vào đất liền đi học cấp 3 bằng giỏ cơm những bà mẹ trên đảo gửi vào trong buổi trưa nắng gay gắt.
Trên lưng con sóng nhỏ sau thành phố, Cần Giờ sôi động mùi ngư dân pha với cái hào sảng, vô tư như cây dừa nước, như dòng sông phù sa trù phú của cư dân Nam Bộ. Ai bận rộn quá chẳng kịp ghé miền Tây thì đi một vòng Cần Giờ, hết 50km là thấy cả biển, cả lúa, cả mùi phù sa trong tiếng cải lương đong đưa quán cà phê buổi trưa hè, đong đưa lẫn cả tiếng rao hàng trên phà Bình Khánh….
Ai mía lau… mía lau… 5 ngàn một bịch hôn…
Theo Khải Đơn (iHay.Thanhnien)
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét