Không ồn ào như Sài Gòn, Hà Nội, cũng không vồn vã gọi mời để rồi tan nhanh trong tiếng sóng biển như Nha Trang, Vũng Tàu… “Phố Tây” Đà Lạt có một khoảng lặng vừa đủ để thâm trầm và quyến rũ.
< Phố Tây Đà Lạt nằm trên đường Trương Công Định.
Tiếng lách cách của những quả bi-a va chạm nhau sau một đường cơ đầy chuẩn xác và điêu luyện của một nữ du khách Nhật Bản. Tiếng cười, tiếng bật nắp bia, tiếng cụng ly chúc mừng bàn thắng “lội ngược dòng” khá ngoạn mục của vị nữ du khách…
Tất cả những âm thanh phát ra vừa đủ để vui, hoan hỉ nhưng vẫn không phá vỡ cuộc chuyện trò của những vị khách du lịch đa quốc tịch ngồi chung trong một không gian ấm cúng, thanh thoát mang đậm chất triết lý Phương Đông của bar café – Restaurant My Town nằm ở đầu con dốc Trương Công Định (P.1, TP. Đà Lạt). Đây cũng là điểm đầu của con “phố Tây” được hình thành tự phát từ lâu giữa lòng thành phố hoa Đà Lạt.
Đi dọc suốt chiều dài con phố chưa đầy 01 km, không chỉ có bar My Town – được thiết kế toàn bằng tre, trúc, mới thu hút các vị khách Tây, ngược về hướng Hòa Bình (khu Trung tâm TP. Đà Lạt), cách đó vài chục mét, nằm trên lưng chừng con dốc Trương Công Định, bar café ART cũng là một trong nhiều điểm thu hút khá đông du khách nước ngoài đến dùng bữa tối, thưởng lãm tranh nghệ thuật và xem anh chàng “họa sĩ – kiêm bồi bàn” biểu diễn tài nghệ vẽ tranh bằng ngón tay trỏ…
Anh Võ Trịnh Biên, chủ bar ART thổ lộ: “Văn hóa phương Tây khác với phương Đông chính là ở chỗ họ rất tôn trọng không gian công cộng. Hầu hết khách vào bar đều nói chuyện thoải mái nhưng rất nhỏ nhẹ và không làm ảnh hưởng đến người bên cạnh, ngay cả khi vui buồn tột độ họ cũng biết điều tiết và chỉ thể hiện bằng nụ cười hay ánh mắt mà thôi”.
Điều thú vị, trên suốt chiều dài con phố vừa cong, vừa dốc và ngắn – đường Trương Công Định, từ lâu đã trở thành khu lưu trú, nghỉ chân và vui chơi về đếm cho du khách nước ngoài nên được mệnh danh là con “phố Tây Đà Lạt”, tuyệt nhiên không thấy những người buôn bán hàng rong đeo bám du khách. Một không gian yên bình, tĩnh lặng… và chỉ cần có một nụ cười của ai đó cũng có thể làm tan vỡ đi ánh hoàng hôn của ngày trên cao nguyên này.
Anh Tùng, một người chuyên tổ chức tour cho khách nước ngoài cho biết: do khu vực này nằm ngay trung tâm thành phố lại là đường một chiều, ít ồn ào, an ninh tốt nên anh em làm hướng dẫn viên thường đưa khách về đây lưu trú và dần dần hình thành nên khu “phố Tây” từ bao giờ không biết.
Cũng theo anh Tùng, các khách sạn, nhà hàng, quán bar, cửa hàng… trên cung đường này trước đây vốn đã có sẵn văn hóa kinh doanh của người Đà Lạt – không nói thách, bán hàng giá hợp lý, vừa với túi tiền của du khách.
Du khách có thể nghỉ chân tại bất cứ khách sạn nào trên con đường này mà không phải lo bị “chặt chém”, chỉ khoảng 8 – 10 USD/ngày đêm, như khách sạn Thanh Thế, Phương Thành, Nam Việt, Peace…
Ở khu vực này, còn có nhiều công ty, văn phòng hướng dẫn tour như Công ty Du lịch Cảm Giác Mạnh, Chân Trời Việt, Highland Holiday, Thái Sơn, Phương Nam… nên khách du lịch có thể dễ dàng nắm bắt thông tin về các điểm, tour du lịch ở khu vực Tây Nguyên cũng như các tour du lịch địa phương khác. Trên con phố này cũng đã xuất hiện rất nhiều cửa hàng lưu niệm với các mặt hàng tranh thêu tay, tranh đá quý, gốm sứ…
Khi được hỏi về việc địa phương có ý định xây dựng một “phố Tây” đúng chuẩn để đón tiếp du khách nước ngoài hay không, ông Lương Tấn Hoành, Chủ tịch UBND phường 1, TP. Đà Lạt cho biết: có nhận được ý kiến đề xuất của một số người dân địa phương, tuy nhiên điều cần thiết hiện nay là vận động người dân trong khu phố tiếp tục xây dựng nếp sống văn minh đô thị, văn hóa kinh doanh, còn việc xây dựng “phố Tây” dù muốn hay không vẫn phụ thuộc lượng khách đến nên hãy để cho thị trường quyết định.
Theo Dalatcity.com (PLY)
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét