Chủ Nhật, 15 tháng 6, 2014

Làng biển Mỹ Long

Làng ven biển Mỹ Long (nay chia tách thành xã Mỹ Long Bắc, Mỹ Long Nam và thị trấn Mỹ Long), thuộc huyện Cầu Ngang, cách thị xã Trà Vinh 30 cây số về  hướng đông nam, cũng là một địa chỉ du lịch được nhiều người biết đến.

< Tưng bừng lễ hội cúng biển ở Mỹ Long ngày 9/6.

Làng biển Mỹ Long có từ những năm 20 của thế kỷ trước. Ngư dân không chỉ bám nghề để làm giàu từ tôm cá mà còn vươn khơi để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tại đây, Hàng  Dương nằm dọc theo bờ biển gần 5 cây số của xã Mỹ Long Nam, quanh năm mát mẻ, lồng lộng gió từ biển khơi thổi vào, thích hợp cho các hoạt động cắm trại,  picnic, dã ngoại…

Hầu hết các làng quê ven biển Nam bộ hàng năm đều có lễ hội Nghinh Ông và ở thị trấn Mỹ Long của huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) có lễ "cúng biển" diễn ra từ mồng 10-12 tháng 5 âm lịch. Theo tương truyền, khoảng năm 1799, trong lúc Nguyễn Ánh bôn tẩu quân Tây Sơn, tìm đường biển chạy sang Xiêm thì gặp bão lớn làm thuyền chao đảo. Trước lúc nguy nan, con cá voi (còn goi là cá Ông) đến nâng thuyền lên và đưa vào bờ biển Trà Vinh giúp Nguyễn Ánh thoát nạn.

Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi, lấy hiệu là Gia Long. Nhớ ơn cá voi cứu mình, ông sắc phong cho cá voi là Nam Hải Đại tướng quân.

Khoảng 100 năm trước, làng biển Cung Hầu - Mỹ Long là một trong chín cửa sông Cửu Long đổ ra biển Đông có rất nhiều cá mập. Ngư dân hành nghề đóng đáy song cầu, đáy hàng khơi khi ấy chủ yếu dùng phương tiện thô sơ như thuyền buồm, ghe tam bản nên thường xuyên bị gió bão đánh chìm.Tuy nhiên rất ít trai tráng bị cá mập ăn thịt bởi thuyền khi đắm thường được cá voi cứu giúp, nâng đẩy vào bờ. Từ đó, dân làng tổ chức lễ hội "cúng biển" hàng năm với ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng và tạ ơn biển khơi cùng con cá voi luôn cứu giúp ngư dân bị nạn.

< Nghi thức tống tàu ra khơi.

Đến năm 1920, cuộc sống làng biển Mỹ Long khá giả lên, ngư dân đóng góp xây miếu Bà Chúa Xứ để thờ cúng. Lễ hội không thể thiếu nghi thức Nghinh Ông Nam Hải rồi đến giỗ tiền chức, chánh tế, tống tàu ra khơi. Những chiếc tàu tống ra biển thường chở theo các phẩm vật nhưng con heo trắng hơn 60 kg, gạo, củi, muối…

Cồn Nghêu là cồn cát mới nổi giữa cửa biển Cung Hầu, cách bờ  biển Mỹ Long Nam chừng 3 cây số. Khi thủy triều lên, cả cồn cát chìm trong biển nước nhưng khi nước ròng sát hàng trăm hecta bãi cát nổi lên giữa nắng gió. Người dân Mỹ Long tận dụng cồn cát trời cho này thành bãi nuôi nghêu cho năng  suất cao, sản lượng lớn.

Tuy phải phụ thuộc vào thủy triều nhưng khách du lịch  vẫn ưa thích đến với Cồn Nghêu để được sống giữa biển trời và thưởng thức món nghêu luộc do tự tay mình bắt lấy. Cồn Bần là cồn đất phù sa kết tụ mới nổi giữa cửa biển Cung Hầu, cách Cồn Nghêu chừng 5 cây số về phía thượng nguồn, cách  bờ biển Mỹ Long Bắc chừng 2 cây số. Cả cù lao có diện tích hơn 200 hecta là một  bãi rừng bần nguyên sinh hoang sơ và còn chìm dưới mặt nước khi thủy triều lên.

Trên tán bần quanh năm xanh mát là nơi trú ngụ ưa thích của bao loài chim muông, thú rừng. Dưới cội bần ngâm chân trong nước là môi trường cư trú tự  nhiên của bao loài thủy sinh có giá trị phục vụ cuộc sống con người và tái tạo nguồn lợi thủy hải sản ven bờ. Xen lẫn trong rừng bần, nơi những cuộc đất cao  ráo, những người nông dân yêu lao động, thích sống cuộc đời tự do, cá nước chim  trời, bằng chính đôi tay và sức lực của mình, ngày đêm lấn biển mở rừng, dựng  nhà lập ấp.

Đến với Cồn Bần là đến với vùng rừng sinh thái ngập mặn tiêu biểu  của Trà Vinh và du khách có thể tận mắt mình chứng kiến quá trình khai hoang  mở cõi của cha ông xưa bằng chính những công việc hàng ngày của những cư dân  tiên phong ngày nay trên đất cồn bãi. Mỹ Long là ngôi làng cổ ven biển với những  di tích lịch sử  gắn với giai đoạn “Gia Long tẩu quốc” như Bến Ngự, Bãi Bùn…  cùng nghề truyền thống đóng đáy hàng khơi và lễ hội Nghinh ông nổi tiếng. Mỹ  Long cũng là vùng đất giàu truyền thống, là một trong những chiếc nôi thiêng của  phong trào cách mạng tỉnh Trà Vinh.

Tổng hợp từ Vnexpress, Travinh.gov
Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét