Thứ Hai, 2 tháng 6, 2014

Thăm trại ngựa Bá Vân

(SGGP) - Có lẽ, ít người biết rằng để bảo tồn nguồn gene ngựa Việt, từ hàng chục năm qua có một trung tâm chuyên nuôi dưỡng, bảo tồn và lai tạo những giống ngựa thuộc loại quý hiếm cho nước ta - được đặt ở một nơi khá kín đáo thuộc khu Việt Bắc. Đây cũng là “lò” sản xuất ngựa đầu tiên và lâu đời nhất ở nước ta.

Nằm ở ngoại ô thị xã Sông Công thuộc tỉnh Thái Nguyên, cách trung tâm khoảng 7km, điều bất ngờ hiện ra trước mắt tôi khi lạc vào đây là một “thảo nguyên” toàn những con ngựa đẹp mã đang nhẩn nha gặm cỏ. Hỏi ra mới biết, đây là đàn ngựa nuôi bảo tồn và nhân giống của Trung tâm nuôi ngựa Bá Vân - nay đã được đổi tên thành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi (thuộc Bộ NN-PTNT), nhưng bà con trong vùng vẫn quen gọi là “Trại ngựa Bá Vân” vì tên đã có từ xưa.

Phía sau những rặng keo tai tượng cằn cỗi, các “nài” và huấn luyện viên đang túc trực bên đàn ngựa. Tầm 15 giờ chiều, đội chăn thả lùa cả đàn về chuồng nằm trên một quả đồi. Hàng trăm chiếc móng gõ rầm rập trên đường. Bụi tung mù mịt. Tôi hỏi chị Huệ, một “mã phu” của trại: “Sao lùa ngựa về chuồng sớm thế?”. Chị bảo: “Suốt 1 tháng nay rét hại quá nên mỗi ngày trại chỉ thả ngựa trong vài giờ. Trước 15 giờ phải thu về để ngựa không bị cước chân vì lạnh, nếu không chúng lăn ra chết cả loạt”.

Ngựa trắng chưa hẳn... ngựa bạch

Trạm trưởng của trại là anh Vũ Đình Ngoan mời tôi đi một vòng thăm “trang trại ngựa”, được chia thành rất nhiều khu độc lập. Chỉ vào các khu chuồng ngựa, anh Ngoan nói: “Mỗi khu là một giống ngựa khác nhau. Hiện nay ở đây chúng tôi đang nghiên cứu, bảo tồn, nhân giống và lai tạo rất nhiều giống ngựa. Trong đó, quý nhất là giống ngựa đua và ngựa bạch. Ngoài ra còn có những con ngựa lai khác nữa”.

Từ lâu tôi đã nghe đến cái tên “ngựa bạch” và ở nhiều nơi người ta đang săn lùng ngựa bạch để nấu cao. Giá mỗi lạng cao cũng lên tới 400.000 - 500.000 đồng (bán buôn). Và một con ngựa bạch con (khoảng 2 - 3 tuổi) cũng có giá lên tới 40 - 60 triệu đồng (tùy loại đẹp xấu, to nhỏ). Anh Ngoan bảo luôn: “Tất cả ngựa bạch đều từ đây mà ra. Bây giờ do đã nhân nuôi được nên nó không còn là loài cấm nữa”. Theo anh, trước đây loài ngựa bạch có rất nhiều ở vùng Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng… nhưng “cơn lốc” nấu cao ngựa và phong trào nuôi của bà con mai một nên số lượng đã giảm dần sau nhiều năm. Gần đây, khi trung tâm đẩy mạnh nghiên cứu, nhân giống và chuyển giao ra bên ngoài cho bà con nên phong trào nuôi ngựa đã bắt đầu rộ trở lại.

Tuy nhiên, do quá “sốt” nguồn cao ngựa, theo anh Ngoan, người ta đã nấu (mổ) cả những con ngựa không phải ngựa bạch. “Nhiều người cho rằng cứ ngựa trắng là ngựa bạch nhưng đó là hai loài khác nhau. Thậm chí, nếu không nắm được đặc điểm chính thì không thể phân biệt được” - anh nói. Thực tế, ngựa bạch khác ngựa trắng thường ở chỗ tất cả 9 lỗ đều màu trắng hồng đồng thau (đặc biệt là xem vành mắt) - trong khi trắng thường thì vành mắt đen. “Ngựa trắng thường còn gọi là ngựa kim”- anh Ngoan chia sẻ. Cùng với ngựa bạch là giống ngựa màu quen thuộc, cả hai loại đều là ngựa nội. Từ hàng chục năm qua, trung tâm của anh Ngoan đã lặng lẽ bảo tồn những giống ngựa như thế, trong đó có giống ngựa bạch quý hiếm và rất giá trị.

“Lò” sản xuất ngựa lai

Tuy nhiên, theo anh Ngoan, ngựa bạch và ngựa màu cũng chỉ được coi là giống “ngựa cỏ”- ngựa cổ truyền của người Việt. Bởi đặc tính của chúng thấp, nhỏ và sức kéo (thồ) kém. Đó cũng là lý do vì sao bà con ở vùng nông thôn và vùng miền núi ở cả Bắc bộ, Trung bộ và Tây Nguyên đều không còn hào hứng nuôi nhiều, cộng với tình trạng đàn bị thoái hóa do đồng huyết nên cứ mai một nhanh chóng.

Trong khi đó, giống ngựa ở nước ngoài rất cao to và đẹp mã, sức khỏe khác thường, tiêu biểu như loài ngựa Kabadin. Nhưng anh Ngoan bảo, nếu nhập hẳn giống ngựa ngoại Kabadin về thì bà con không kham nổi do giống ngựa có trọng lượng lớn, chăn nuôi tốn kém, cần nhiều thức ăn. Vả lại, mặc dù chân to, trọng lượng khá lớn, sức thồ - kéo - cưỡi và leo núi đều tốt nhưng kháng thể lại không hợp với khí hậu nước ta nên cũng không chịu đựng được. Vì thế, trung tâm đã lai tạo và nhân giống để cho “ra lò” một giống ngựa lai có tên “ngựa lai Kabadin” nhằm chuyển giao cho bà con ở vùng miền núi.

TS Nguyễn Hữu Trà, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi, cho biết thêm: Giống ngựa Kabadin của trung tâm được nhập về chủ yếu từ Trung Quốc và Liên Xô (cũ). Lúc nào cũng phải duy trì tổng đàn khoảng 200 con, cứ sau 4 - 5 năm lại phải đổi một lứa ngựa Kabadin mới vì chúng sẽ già và bị đồng huyết. Cơ chế lai theo công thức sau: con ngựa đực Kabadin sẽ “lai” với con cái nội (ngựa cỏ) cho ra thế hệ F1. Sau đó, lai tiếp con ngựa đực F1 với con cái nội để ra F2 bằng cách “gửi” con F1 vào đàn ngựa của bà con ở khắp các địa phương từ trong Nam ra ngoài Bắc. “Thực tế bà con rất thích nuôi con F2 hoặc F1 vì nó vừa tầm mắt, sức kéo tốt, cưỡi cũng được. Nếu như con F1 và F2 nặng khoảng 220 - 280kg (F2 nhỏ hơn F1) thì con ngựa thuần Kabadin lại nặng tới 4-5 tạ/con, còn ngựa cỏ nội chỉ nặng có 180 - 230kg/con” - TS Trà cho biết.

Ngựa đua “made in” Việt Nam

Lang thang trên đồng cỏ cùng đàn ngựa, điều làm tôi ngạc nhiên hơn là ở đây còn là một trong những “lò” sản xuất ngựa đua lớn. Những con ngựa đua ra đời ở trại Bá Vân được cung cấp cho nhiều “lò” luyện ngựa đua (nếu không đua thì làm cảnh, nhiều doanh nghiệp đang có mốt chơi) trong cả nước, từ Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai vào tận TPHCM, Đồng Nai và nhiều địa phương khác ở miền Nam… Theo TS Nguyễn Văn Đại, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi, ngựa đua ở đây là giống “ngựa lai ba máu” - thực sự “made in Việt Nam” chứ không được dòng thuần chủng. Và cơ chế lai cũng tương tự như con lai Kabadin 25% máu nhưng có phối thêm gene của con ngựa đua thuần chủng (gọi là ngựa đua ba giống).

“Do điều kiện kinh tế khó khăn, ngân sách không cho phép nên chúng tôi chỉ có thể đưa gene và giống ngựa đua chuẩn của các nước về bằng cách… nhập khẩu tinh trùng của chúng” - anh Đại nói.

Có lẽ, đợt nhập tinh ngựa đua quy mô nhất của trung tâm là nhập 72 liều tinh ngoại, trong đó có 12 liều tinh của hai giống ngựa Westgale và Oldenbuger từ CHLB Đức về Việt Nam để phối giống cho 59 ngựa cái đã lai 25% máu Cabadin. Ngay từ bước đầu thử nghiệm đã có ra “lò” một “mẻ” ngựa đua ba giống “thiện chiến” hơn hẳn. Chỉ sau 2 năm, trọng lượng ngựa đã đạt trung bình gần 260 - 270kg, thành tích tốc độ chạy đã vượt trội hơn hẳn con lai Kabadin 25% máu với mức đạt 42,86 - 43,47km/giờ cho cự ly 1.000m. Tính ra, tốc độ đã cao hơn hẳn ngựa mẹ khoảng 32% và so với giống ngựa bố Flovine đã đạt được 83,7% hoặc 80,9% so với ngựa bố Protential. Cá biệt, có một con đã đạt tốc độ tới 45km/giờ và được trung tâm đặt tên Châu Phi.

Anh Đại chia sẻ: Trại Bá Vân là “lò” sản xuất ngựa đua đầu tiên ở nước ta. Hiện nay đã có thêm một số trung tâm nuôi ngựa như ở Nha Trang (Khánh Hòa), Đức Hòa (Long An) hoặc Củ Chi (TPHCM).

Một ngày ở trung tâm lai tạo ngựa, bên cạnh những đại gia lặn lội từ tận miền Nam ra để lùng mua ngựa đua, ngựa cảnh thì tôi cũng gặp rất nhiều nông dân ở Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Kạn… tìm vào xin nhận chuyển giao về làng bản để nuôi làm ngựa thồ kéo, cưỡi hoặc lập trang trại ngựa thịt.

Điều tôi băn khoăn là tại sao ở một nơi chỉ toàn sỏi đá cằn cỗi, không hề tươi tốt, khí hậu không trong lành như khu thảo nguyên Mộc Châu (Sơn La), Ba Vì (Hà Nội)… lại đem đặt một trung tâm bảo tồn và lai tạo các giống ngựa đặc biệt như trại Bá Vân, TS Đại cười bảo: “Đây là trại ngựa đã được lập ra từ những năm 1960 nhưng vì giai đoạn chiến tranh nên chưa phát triển. Bây giờ cái tên Bá Vân đã trở thành tên gọi quen thuộc của trại nuôi ngựa của chúng tôi”.

* Theo Bộ NN-PTNT, từ năm 2000 đến nay, số lượng ngựa trong cả nước đã giảm nhanh chóng, từ 126.500 con hiện chỉ còn 88.100 con. Nguyên nhân vì giao thông miền núi đã được cải thiện nhưng cái chính là do phong trào nấu cao, xẻ thịt. Chỉ riêng ở huyện Phú Bình - Thái Nguyên, mỗi tuần đều có 200 con ngựa được chuyển từ trên miền núi về để thịt hoặc nấu cao. Tuy nhiên khoảng 3-4 năm gần đây, phong trào nuôi ngựa lại mạnh trở lại do nhu cầu sử dụng ngựa làm du lịch, cưỡi, làm cảnh… diễn ra khá mạnh ở Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Huế, Lào Cai, Hà Giang…


* Theo TS Nguyễn Văn Đại, công trình lai tạo giống ngựa ở nước ta bắt đầu triển khai từ năm 1964. Lúc đó, Chính phủ cho phép nhập 8 con ngựa Kabadin của Liên Xô (cũ) về nuôi, lai tạo và nhân giống. Sau đó, tiếp tục nhập ngựa Kabadin từ Hắc Long Giang (Trung Quốc) về thử nghiệm. Tất cả công thức lai tạo 25% - 50% - 75% máu ngựa Kabadin đều cho kết quả rất tốt. Và thực tế cho thấy, giống ngựa 25% máu Kabadin là công thức phù hợp nhất cho miền núi, còn ngựa 50% và 70% máu Kabadin lại thích hợp cho các khu du lịch, đoàn xiếc, trang trại lớn… để khai thác theo hướng cưỡi, kéo xe du lịch… Chỉ tính những năm gần đây đã có trên 20.000 con ngựa lai từ trung tâm được chuyển giao cho nông dân các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái…

Theo Văn Phúc Hậu (Sàigòn Giải Phóng)
Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét