(DNSG) - Thái Bình một trong những vựa lúa lớn nhất miền Bắc, thuộc đồng bằng sông Hồng. Một vùng đất địa linh, nhân kiệt, khung cảnh yên bình và trù phú đúng như tên gọi của mình.
Thái Bình không có rừng hay núi, bốn phía là sông và biển bao quanh (một mặt là biển, ba mặt là sông Hồng, sông Luộc, sông Hóa). Phía Bắc và Đông Bắc giáp tỉnh Hải Dương và Hải Phòng, phía Đông giáp biển Đông, phía Tây và Tây Bắc giáp Hà Nam và Hưng Yên, phía Nam giáp Nam Định.
Với diện tích 1.546,5 km² bao gồm các huyện: Hưng Hà, Quỳnh Phụ, Thái Thụy, Đông Hưng, Vũ Thư, Kiến Xương, Tiền Hải và thành phố Thái Bình. Là một trong những tỉnh đông dân nhất Việt Nam, chỉ đứng sau hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
< Chùa Keo.
Thiên nhiên ban tặng cho Thái Bình đất đai bằng phẳng, mầu mỡ, phì nhiêu và nguồn tài nguyên phong phú. Toàn tỉnh có bờ biển dài 53km, cảng biển Diêm Điền, 5 cửa sông lớn và trên 16 nghìn ha bãi triều với trên 200 loài thuỷ sản, gần 2.500 đầu chim quý hiếm và những khoáng sản trầm tích tiến xa ra biển.
Trải qua 844 năm dưới chế độ khoa cử của các triều đại phong kiến (1075 - 1919), trong tổng số 2.898 trí thức đại khoa của Việt Nam, có 111 vị sinh ra từ quê hương Thái Bình. Nơi đây đã sinh ra những người con kiệt xuất của dân tộc như:
Tam khoa bảng nhãn Lê Quý Đôn - nhà bác học thế kỷ XVIII, Lý Bí, Trần Lãm; và những anh hùng đã ghi danh vào sử sách như: Nguyễn Đức Cảnh, Phạm Tuân, Nguyễn Thị Chiên, Tạ Quốc Luật (người cầm cờ trên nóc hầm Đờ - Cát trong chiến dịch Điện Biên Phủ); Bùi Quang Thận (người phất cờ trên Dinh độc lập ngày 30/4/1975)...
< Đền Trần.
Người dân Thái Bình cần cù, sáng tạo, dũng cảm và thân thiện. Ở bất cứ đâu du khách cũng bắt gặp những nụ cười hồn hậu của người dân nơi đây. Vào mùa nào cũng vậy, Thái Bình là một bức tranh tuyệt mỹ đầy màu sắc; lúc lúa đương thì con gái, khắp nơi chế ngự một nền xanh bất tận, điểm xuyết những cánh cò trắng, còn vào mùa lúa chín, tất cả vàng rộm một màu, chen lẫn những ngôi đền, ngôi làng trù phú dưới bóng những bụi tre.
< Đền Tiên La.
Thái Bình níu chân du khách bằng 82 công trình kiến trúc đã được nhà nước xếp hạng di tích đặc biệt cấp quốc gia: chùa Keo, đền Trần, đền Đồng Bằng, đền Tiên La, đình An Cố, đình Thọ Phú, đình Thượng Phúc, Cụm di tích lưu niệm Danh nhân Lê Quý Đôn... , và 16 loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc hết sức phong phú và đặc trưng như múa rối nước, hát chèo, kéo chữ Phụng công, múa bát dập, hát ống Lộng Khê, hát trẽ khói Cốc mỏ… Nhiều trò chơi dân gian độc đáo: thi pháo đất, bắt cá, bắt trạch, bắt vịt, nấu cơm, dệt chiếu, rước ông Ðùng – bà Ðà, chọi trâu, chọi gà… Cùng với các làng nghề thủ công truyền thống như chạm bạc, thêu ren, dệt đũi, dệt chiếu…
Vùng quê này còn là một trong những vùng còn lưu giữ được dấu ấn của nghệ thuật hát ca trù. Bên cạnh đó, Thái Bình vẫn được nhắc tới là cái “nôi chèo”, “đất chèo". Đặc biệt nghệ thuật múa rối nước ở xã Đông Các, huyện Đông Hưng, ra đời cho đến nay hơn 10 thế kỷ, đã được ghi nhận là một trong những loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian truyền thống độc đáo, một sáng tạo đặc biệt của người Việt.
Chùa Keo - một trong những ngôi chùa cổ ở Việt Nam được bảo tồn hầu như còn nguyên vẹn kiến trúc 400 năm tuổi, một trong 10 kiến trúc cổ nhất Việt Nam và là một trong 3 ngôi chùa đặc biệt nhất Việt Nam. Chùa còn lưu giữ khá đầy đủ những di vật cổ, trong đó có hàng trăm pho tượng cổ thời Lê và nhiều bức trạm, bức khắc...
Gác chuông chùa Keo là một công trình nghệ thuật bằng gỗ độc đáo, tiêu biểu cho kiến trúc cổ Việt Nam thế kỷ 17, cao 11,04m và có 3 tầng mái. Tầng 1 có treo 1 khánh đá dài 1,87m, tầng hai có quả chuông đúc năm 1686, tầng 3 và tầng thượng có chuông đúc.
Khu di tích đền Trần là một quần thể di tích gồm các đền thờ, lăng mộ thờ các vị vua, quan nhà Trần thuộc làng Tam Đường, xã Tiến Đức huyện Hưng Hà. Lễ hội đền Trần diễn ra từ ngày 13 đến 18 tháng Giêng âm lịch hàng năm với nhiều hoạt động phong phú: thi cỗ cá, thi gói bánh chưng, thi thả diều, thi pháo đất, thi vật cầu, thi kéo co.
< Đền Đồng Bằng.
Đền Tiên La, nơi thờ Bát Nàn Tướng quân Vũ Thị Thục (thường gọi là Thục Nương - danh tướng triều Hai Bà Trưng), tại thôn Tiên La, xã Đoan Hùng (huyện Hưng Hà). Lễ hội đền Tiên La diễn ra vào trung tuần tháng Ba hàng năm.
Đền Đồng Bằng tọa lạc tại xã An Lễ - Quỳnh Phụ, nơi thờ Đức Vua Cha Bát Hải Động Đình, người có công lớn trong việc bình thục giữ nước và chiêu dân lập ấp xây dựng giang sơn xã tắc từ buổi sơ khai. Hội đền Đồng Bằng là một hội tứ phủ lớn trong vùng. Đây là dịp tập hợp lớn nhất các ông đồng, bà cốt từ khắp mọi miền, kéo dài từ ngày 20 đến 26 tháng 8 Âm lịch.
< Cồn Vành.
Thái Bình còn có bãi biển Đồng Châu, các đảo cồn Vành, cồn Thủ và làng vườn Bách Thuận bốn mùa ngát thơm hoa trái. Cồn Đen còn được xưng tụng là cồn biển đẹp nhất miền Bắc Việt Nam. Đặc biệt vào những ngày cuối năm, mùa hoa cải bắt đầu nở rộ. Nhiều cánh đồng hoa cải trổ vàng, trải dài, ươm màu rực rỡ hòa với màu của lúa, ngô...làm cho tiết trời đông trở nên ấm áp, tinh khôi lạ thường.
< Bánh cáy.
Đến Thái Bình, du khách không thể nào quên được hương vị đặc sắc của những đặc sản đã làm nên thương hiệu nơi đây đó là bánh cáy, canh cá, bánh giò Bến Hiệp, ổi Bo...
Bánh cáy làm từ nếp cái hoa vàng (còn gọi là nếp quít), đường kính, nha, mỡ lợn, dừa, gấc, lạc, vừng... Ai đã thưởng thức bánh cáy cùng với chén trà nóng ướp hoa ngâu hay hoa nhài thơm ngát đều khó có thể quên được dư vị ngọt mát của đường pha chút cay dịu của gừng và ngầy ngậy của lạc, vừng...
< Canh cá Quỳnh Côi.
Còn bánh giò Bến Hiệp (Quỳnh Phụ) cũng không thua gì bánh cáy làng Nguyễn, bánh gai Vũ Thư, bánh bèo Thái Thụy, bánh đúc làng Tè. Hay món canh cá Quỳnh Côi cũng hết sức đặc sắc, món ăn này gọi là canh cá, nhưng không phải là cá nấu chua mà là một món ăn điểm tâm như phở hay mì.
Khi ăn thấy vị ngọt của cá, cái mát thanh thanh của rau tươi, của bánh đa làm từ gạo; vị ngon của những miếng cá chiên cùng vị bùi của rau thì là và vị thơm của gừng tươi tạo nên hương vị rất độc đáo.
Du khách cũng đừng quên thưởng thức trái ổi Bo Thái Bình, không bị hoà trộn với bất cứ loại ổi nào, dường như trái ổi đã hội tụ tất cả những gì tinh tuý nhất của đồng đất và con người Thái Bình. Những ai đã từng một lần thưởng thức ổi Bo hẳn sẽ rất ấn tượng với cùi dầy, ít hạt, giòn và vị thơm ngọt man mát.
Trước khung cảnh yên bình, gần gũi cộng với những món đặc sản có một không hai, du khách như hiểu vì sao có câu hát: “Thái Bình ơi, sao mà yêu đến thế...”.
Theo Thu Hà (Doanh Nhân Sàigòn)
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét