Chủ Nhật, 16 tháng 3, 2014

Lang thang ngoại ô Sàigòn (C - P6)

(Tiếp theo) - Long Hòa là một xã có diện tích 130,3 km² thuộc huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.

Theo vị trí địa lý thì xã Long Hòa nằm ở phía Đông Nam thành phố. Phía Bắc giáp xã An Thới Đông, phía Tây giáp sông Đồng Tranh, phía Đông giáp thị trấn Cần Thạnh, phía Nam giáp biển Đông. Long Hòa cách trung tâm thị trấn Cần Giờ 13,4km, cách trung tâm thành phố HCM 56,5km theo đường bộ và cách Vũng Tàu khoảng 12km theo đường biển.

Những di chỉ khảo cổ học tìm được tại khu vực xã Long Hòa cho thấy cách đây khoảng 2.000 năm nơi đây đã có sự hiện diện của con người từ thời bộ lạc. Tuy nhiên cho tới thế kỷ XVI vùng đất này vẫn còn hoang vu, chưa được khai phá.

< Trong lúc nửa kia gọi nước, mình rảo bước ra bãi biển Đồng Tranh chỉ các đó vài ba mươi thước, vị trí lúc này ở đây.

Lê Quý Đôn đã từng mô tả trong sách Phủ biên tạp lục: “Từ các cửa biển Cần Giờ, Soài Rạp, Cửa Tiểu, Cửa Đại trở lên, toàn là rừng hàng ngàn mấy ngàn dặm”...

< Biển Cần Giờ đoạn Đông Hòa, ngay mũi Đồng Tranh thế này đây.
Như bạn thấy: bãi biển rất lài do độ nghiêng thấp. Chính vì lài nên khi triều dâng hay rút, nước lên xuống cũng rất nhanh.

Bên vành ngoài là những con đê biển nhưng đã bị phá vỡ! Biển Cần Giờ khá êm đềm, vậy điều gì khiến những con đê bê tông và đá này lại tan tành? Đó là do dòng cuốn của biển đấy!

< Phía xa xa là nhà hàng ngoài biển của KDL Hòn Ngọc Phương Nam.

Châu Quang Đạt – một sứ thần Trung quốc xưa cũng viết: “Bắt đầu từ Chân Bồ hầu hết cả vùng đều là bụi rậm của khu rừng thấp, những cửa sông của con sông lớn chạy dài hàng trăm dặm, bóng mát um tùm của những gốc cổ thụ và cây mây dài tạo thành nhiều chỗ trú sum suê...

< Còn đây là hướng ra mũi Đồng Tranh, sẽ phải cuốc bộ thêm vài trăm mét nữa.

Một điều rất đặc biệt mà mình chưa từng thấy ở các bãi biển từng đã qua: Từ trên bờ là đất rồi đến cát vàng, nhạt thôi...
Vậy nhưng khi xuống bãi thì nền cát rõ là màu đen pha vằn pha vện cùng cát trắng, cát trắng phau!
Thứ cát trắng tinh này ở đâu ra nhỉ?

< Mũi Đồng Tranh ngay cửa biển cùng tên. Cầu tàu đều chống cột, còn nếu là đê bê tông cứng thì đều bị cuốn trôi hết.

... Tiếng chim hót và tiếng thú kêu vang dội khắp nơi. Vào nửa đường trong cửa sông, người ta mới thấy lần đầu cánh đồng bỏ hoang, không có một gốc cây nào. Xa hơn tầm mắt chỉ toàn là cỏ cây đầy rẫy, hàng trăm hàng ngàn trâu rừng tụ họp từng bầy”.

< Không ảnh chụp mũi Đồng Tranh và cửa biển cùng tên (internet). Trung tâm là khu dân cư Đông Hòa, góc phải trên của ảnh chính là KDL Hòn Ngọc Phương Nam.

Gần ngã ba Thiềng Liệng giữa một vùng phù sa bùn lầy lá mục, lại có hàng trăm gò đất màu vàng cháy và những gò đất đỏ bazan. Năm 1980, khi đào thử một số gò ở Cái Trăm, người ta khai quật được 4 bộ xương người và nhiều vỏ ốc, sò, các tảng đá dài; trên đầu bộ xương có hoa tai bằng đồng... Tại xã Long Hòa, người ta cũng đào được 10 bộ hài cốt cỗ mà qua xét nghiệm đã nhận định đây là xương người ở thế kỷ XVIII.

< Chỉ lang thang ít phút rồi phải trở lại quán do ly cà phê đã kêu, mình ráng chụp thêm tấm cuối với cái nền cát đặc biệt lạ kỳ này; ở bãi tắm 30 Tháng 4 chỉ có màu cát vàng (phía trên) và sạm màu đất (phía dưới bãi.

Vài ngư dân đang bắt cá ở vành đê biển đã vỡ nát. Xem biển êm đềm nhưng sức tàn phá khủng khiếp thật nhỉ?

< Ngồi uống ly cà phê đá, tán chuyện cùng anh chị chủ quán cóc. Anh là Tư Hành, cũng là ông từ của đình Long Hòa gần đó.
Anh người chính gốc ở đây, còn bà xã người Tiền Giang, vượt sông theo anh lập nghiệp tại mảnh đất này hơn chục năm.

Dáng vẻ rất phong trần, vậy nhưng anh là người rất dễ gần gũi, ít ra với bọn mình. Vậy là những câu chuyện cứ nổ ra, từ chuyện ngày đầu lập nghiệp trên xứ lạ, từ chuyện xoài Tiền Giang thua xa xoài Cần Giờ...

< Từ chuyện có CTy ở thành phố muốn xây KDL ở đây nhưng vướng... tầm súng bên biên phòng nên dở dang, chuyện khai thác cát lậu làm lở bờ, chuyện dân Đông Hòa hồi tháng trước đi tìm xác của 7 em học sinh bị nước cuốn xuống tận đây... đến cả chuyện CSGT Cần Giờ... quá khó!

Mình cho là họ khó chắc chỉ với khách Sàigòn, còn dân địa phương thì không... nhưng anh lắc đầu: 'Còn khó hơn kìa, lúc trước tui chạy xe ôm, cứ chạy ngang qua là nó thổi bắt bẻ chuyện này chuyện kia' trong khi người quen nó không thổi...

Theo anh, hồi cái bùng binh Long Hòa - Cần Thạnh mới xây dựng, dân Cần Giờ chạy quẹo ở đó đa phần đều bị phạt ráo. 

Thuở ấy, cái 'cục giữa' nó bé téo chưa đầy thước nhưng nếu xe rẽ mà không 'vòng quanh nó' là dính liền. Quẹo mà quên nhấn đèn signal cũng nhận phiếu ráo, đường thênh thang vắng xe nhưng phóng nhanh là cũng teo luôn...

 May mắn là bây giờ đã tương đối 'dễ thở' hơn, còn cái 'cục giữa' bùng binh thì nay đã thành cái tiểu đảo to chần dần, rõ ràng nên không thể nào đi sai được. Có lẽ xứ biển duy nhất của thành phố lo khách du lịch ở nội ô sợ quá không xuống nữa thì toi.

Rồi anh lại luyên thuyên về chuyện lễ hội ở đình làng, anh hỏi bọn mình có muốn vào đình xem và chụp ảnh không thì sẽ mở khóa ngay.

Đã khá trưa rồi nên thôi, bọn mình còn phải ra chợ Cần Thạnh nữa. Vậy nên hẹn lại lần sau rồi từ giả 'ông từ' có gương mặt khá ngầu nhưng lại thật cởi mở và vui tính.
Trả tiền nước, anh tính ly cà phê đá chỉ 5k. Về tạt ngang đình Đông Hòa, chụp một tấm.

Trong lịch sử phát triển của mình, những lớp cư dân khai phá và sinh sống trên vùng đất Long Hòa ngày nay, luôn mang trong mình truyền thống yêu nước, không cam chịu sống cuộc đời nô lệ cho ngoại bang, vì vậy họ đã liên tục đứng lên chống lại những kẻ thù đến đây xâm lược. Yêu nước, nghĩa khí, thủy chung, cần cù, lạc quan yêu đời là những phẩm chất tiêu biểu của những người đầu tiên đến đây mở đất, lập làng.

< Về ngay lúc đám nhỏ đi học về,
thấy 'nửa kia' đưa máy ảnh lên ngắm bèn cười toe toét - ăn ảnh nha!
Bạn thấy phía sau không? Toàn là những cây xoài trong vườn.

Theo số liệu thống kê đến cuối năm 2006, dân số toàn xã là 10.152 người với tổng số lao động là 6.592 người. Trong đó có 2.517 người hộ gia đình được phân bố ở 04 ấp với 51 Tổ nhân dân. Tuy nhiên, sự phân bố này cũng không đều, ấp Long Thạnh thuở ấy là ấp có đông dân cư nhất và ấp Đồng Tranh là ấp có dân số thấp nhất. Mật độ dân số của xã là 33,5người/km², so với mật độ dân số của huyện là 825người/km² thì mật độ dân số của xã là thấp.

< Người ta đi học về đông, còn chú này chỉ khoái một mình.
Dọc đường có đôi chỗ bán xoài hái từ trong vườn, trông ngon nhưng giá đã hơn 30k/kg do cuối mùa, vậy nên không mua.
Lúc này đã gần 11h trưa.

Ngày nay, thời thế thay đổi khiến ấp Đồng Tranh trở thành nơi nhộn nhịp nhất với khu dân cư Đông Hòa. Ấp có khu chợ khá đông đúc, có nhà thờ, đình, bến cá, nhiều vườn cây ăn trái và có cả khu du lịch biển.

< Cái ngã 3 mà trong bài trước mình từng đề cập là đi ngõ nào cũng vào Đông Hòa. Hồi vào mình đi đường kia (đường Duyên Hải), khi ra thì đi đường này (Nguyễn Văn Mạnh).

Một nhánh của sông Đồng Tranh nằm ở phía trái xã, là ranh giới tự nhiên giữa Long Hòa với các xã Lý Nhơn, An Thới Đông. Sông Đồng Tranh chính là một phân lưu của sông Đồng Nai làm ranh giới tự nhiên giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai.

< Đến bùng binh, mình... bật signal rồi rẽ phải (hi hi, đề phòng mà). Vị trí bùng binh ở đây.

Sông được chảy tách ra từ sông Lòng Tàu tại địa phận xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch chảy theo hướng đông - đông nam, đến đoạn giao với sông Bà Giỏi tại xã Phước An, Nhơn trạch thì đổi hướng chảy theo hướng nam và nhập vào với sông Ngã Bảy tại xã Thạch An, Cần Giờ. Tại đây, sông Đồng Tranh tách ra làm 2 nhánh, một nhánh đổ ra biển Đông ven xã Thạnh An, nhánh còn lại hòa với sông Lòng Tàu tạo ra một nhánh khác đổ ra cửa biển Đồng Tranh.

< Rồi trực chỉ đường trục Duyên Hải đi chợ Cần Thạnh.

Sông có chiều dài khoảng 30km, từ đoạn sông Lòng Tàu và sông Bà Giỏi làm ranh giới tự nhiên giữa hai huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai và Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh.

Du lịch ở biển Cần Giờ chủ yếu tại bãi biển 30 Tháng 4 thuộc xã Long Hòa. Tại đây có con đường láng nhựa chạy theo ven biển có bờ kè kéo dài đến tận mũi Gành Rái, luôn mát rượi bởi gió biển.

< Ven hai bên đường Duyên Hải là những hàng dương...

Dọc đoạn đường này có khá nhiều nhà hàng hải sản, nơi du khách có thể tha hồ ăn hải sản hay ngồi uống nước hóng gió biển với giá phải chăng.

Tại đây cũng có nhiều resort - khách sạn nghỉ dưỡng như KDL Hòn Ngọc Phương Nam, KS Tâm Ngọc là chốn trú chân.

< ... và những ruộng muối trắng tinh.

Nhưng khu du lịch Cần Giờ cũng có những nhược điểm của nó, đó là dịch vụ vui chơi giải trí còn sơ sài, biển vắng. Cảnh quan cũng tạm được song nước biển đục nên hầu như ít ai tắm. Nó cũng giống như khu du lịch Đồ Sơn ngoài Bắc: chỉ đi chơi và ngắm cảnh chứ ít ai nhảy xuống tắm. Trong thật tế gần đây, biển Cần Giờ khá sạch. Bãi cát màu xảm xịt không phải là nước biển dơ mà do ở đây là loạt cát đen, lại ngay ở các cửa sông lớn nhiều phù sa nên nhìn nước có vẻ như đục dơ.

< Khu vực quảng trường Rừng Sác.

Bãi biển Cần Giờ rất lài, nhiều đoạn có thể ra xa gần cây số nhưng nước biển vẫn chỉ lấp sấp ngang bụng. Do vậy, phía ngoài bãi biển được ngư dân nuôi nghêu. Biển không sâu, ít sóng... nhưng bạn đừng để biển đánh lừa nhé! Chỉ mới đây thôi, 7 học sinh Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (ở H.Dầu Tiếng, Bình Dương) khi đi tham quan biển Cần Giờ đã bị nước cuốn và tử nạn tại KDL 30 Tháng 4. Trong đó, có những em bị nước cuốn xa đến hàng cây số rồi tấp vào bờ gần Mũi Đồng Tranh.

< Đối diện bên kia là nghĩa trang Liệt sĩ Cần Giờ.

Bãi biển Cần Giờ cạn? đúng vậy. Tuy nhiên do ngay cửa biển nên dòng chảy rất mạnh, tạo ra nhiều vũng sâu thay đổi theo từng tháng năm. Những vũng sâu này khiến chính ngư dân tại đây còn sợ dù họ bơi như rái cá; nguy hiểm vì vũng sâu bất chợt, vì nước biển không trong và dòng cuốn cũng rất mạnh. Trong khi đó, để chống lở bờ biển thì người ta đã xây dựng nhiều kè đá và các kè này cũng trở thành những bẩy đá nguy hiểm với người bị sóng cuốn.
Cẩn thận không thừa, bạn nhé: không ra quá xa dù mình biết bơi để có được sự an toàn.

< Vào tiếp con đường Cần Thạnh mát rượi đầy bóng cây.

Lại có ít chuyện về Rừng Sác, nơi mà đã về Cần Giờ thì không thể bỏ qua bạn nhé...

Rừng Sác là một trận đồ bát quái mà thiên nhiên đã tạo ra từ ngàn xưa. Chỉ trên một đoạn bờ biển dài độ 20km đã có 4 cửa sông rạch lớn của các dòng sông: Soài Rạp, Đồng Tranh, Ngã Bảy, rạch Ta Chen.

< Và cứ trực chỉ con đường này thì cuối đường sẽ đến chợ Cần Thạnh, lúc này đã 11h trưa.

Sông rạch cắt ngang, cắt dọc bãi triều lớn thành các đảo triều. Những con sông đều có những bãi bùn lan xa ra cửa biển, nên dòng sông thường bị cạn, nhất là ở mạn doi Gành Rái. Cửa Cần Giở có bãi cát đen kéo dài đến 3km. Cửa sông Soài Rạp rộng nhất trong các cửa sông ở Rừng Sác mở ra từ 5 đến 8km đường chim bay.

< Chợ Cần Thạnh gồm 2 gian lớn với rất nhiều quầy hàng bên trong.
Bà xã vào trong mua... mắm (cá cơm) lựa xoài, còn mình lang thang vòng ngoài kiếm... cơm.
Xoài không phải mùa rộ nên thua vì giá cũng chả còn bèo.

Các sông lạch ở Rừng Sác như sông Cái Giáp, sông Thị Vải, sông Gò Gia có độ sâu từ 15 đến 20m. Riêng sông Ngã Bảy nối liền với sông Lòng Tàu là sâu nhất. Đoạn vịnh Gành Rái có chỗ sâu 29m. Nhờ thế mà tàu có trọng tải hàng chục tấn có thể vào cảng được.

< Quán cơm không có, chỉ thấy miếu Hải Thần cuối chợ. Bảng ghi rằng 'Thạnh - Phước - Lạch, Lăng Ông Thủy Tướng' với năm xây dựng 1805.
Ngày xưa đất xung quanh trống trải, nay trở thành giữa khu dân cư.

< Chợ không hàng quán cơm, vậy nên bọn mình đành chạy ra khúc ngoài và thấy quán bột chiên lề đưởng vùa dọn ra, vậy là nhào dzô. 15k/dĩa, không ngon như bột chiên Dương Bá Trạc nhưng tạm đỡ lòng vậy!

< Về theo đường Cần Thạnh, ghé mấy điểm hàng hiên lựa xoài: 30k/kg do đã cuối mùa.
Mắm cá cơm và xoài cát là thứ bà xã mê như thứ gây nghiện, hi hi...

Bãi triều hoang vu ngập mặn Rừng Sác đối với các nho sĩ Gia Định xưa là chốn rừng xanh nước biếc đầy nguy hiểm dành cho những du khách hiếu kỳ: "Vũng nước sâu và có nhiều lạch lớn đổ vào khi ánh mặt trời sớm chiều với bóng mây rọi xuống lẫn vào bóng cây xanh mát, sóng nước lao xao, thì từ xa thìn đến quả là cảnh tượng tươi thắm... Trong vùng nước này có nhiều cá sấu nương náu thường rình bắt người…1 (Theo sách Gia Định Thành Thông Chí)

< Đường Cần Thạnh hướng về Sàigòn, đoạn này rợp bóng mát. Lúc này đã là 11h kém 10.

Đứng trên sông Ngã Bảy nổi sóng giữa Rừng Sác mà nhìn, thấy núi giăng ba mặt: bắc, đông, đông nam. "Trông về phương bắc thấy núi Dinh ở chân trời thì lòng người dân Việt cảm thông với công lao dựng nước và giữ nước của tổ tiên hơn ở đâu hết" (Bến Nghé xưa - Sơn Nam).

< Đôi đoạn có những đống muối to lù lù nằm ven đường của diêm dân, màu trắng tinh tươm.

Trong Rừng Sác có những "bãi chà" mắm san sát trên mặt nước, những "ống đũa" đước mượt mà từ muôn ngàn "chiếc nơm" vọt lên cao, những "rừng gươm" dừa nước trùng trùng điệp điệp... Bên những dòng sông bao la xa tít chân trời và tràn đầy ánh nắng lại có những hang động chà là bịt bùng thế riêng một cõi, tầng cây rán che phủ như những "mái nhà" mênh mông chỉ có đất mà không có trời...

< Rồi mình vào con đường thênh thang và dài ngoẳng Rừng Sác, nắng vẫn đổ lửa xuống lưng.

Trước khi chưa bị chiến tranh tàn phá, hầu hết các loài thú rừng nhiệt đới đều có mặt ở Rừng Sác như heo rừng, khỉ đen, khỉ đột, rái nước, trăn, kỳ đà, sóc bông, nai, tê tê, chồn hương, chồn đất, beo, mèo rừng, dơi quạ... dĩ nhiên không loại trừ "chúa nước" cá sấu và "chúa rừng" là cọp.

< Ngay trên đoạn đường này cũng có ruộng muối: Đồng muối Hào Vỏ. Xa biển, nước ít mặn chắc hiệu xuất không cao.

Xưa kia, đêm đêm dân chài lưới thường nghe cọp gầm văng vẳng ở phía sông Tiền, Rạch Lá, Thiềng Liềng, giồng Chùa, rạch Su… Dấu vết rùng rợn của cọp còn để lại một cái tên "Xóm ăn Thịt". Đó là một xóm của xã Tam Thôn Hiệp (ba thôn hiệp lại), một cù lao hình tam giác. Hồi xưa vùng này nổi tiếng "sâu rạch lá, hạm ăn thịt"1 (Dân Rừng Sác gọi hổ là con hạm).

< Đồng hành khi vượt cầu Dần Xây. Bác này chạy nhanh khiếp luôn dù chiếc xe cũ mèm, hình như bác ấy đang chở tôm giống.

... Nơi đây có một lần hạm nhảy xuống ghe tát chết người chồng rồi lôi người vợ lên bờ xé xác ăn thịt, chỉ để lại đầu, bộ lòng và xương. Nhưng nguy hại nhất chính là con beo. Beo Rừng Sác trước kia thường phục kích trên các chàng cây tại các khúc quanh âm u. Khi xuồng ghe đến, nó bất thần nhào xuống móc họng làm chết người tại chỗ.

< 'Đồng hành' chạy nhanh quá nên để bác ấy tự đi, bọn mình lơn tơn mình ên. Nói lơn tơn vậy chứ kim đồng hồ công tơ mét cũng nhảy đến 60, chỉ giảm khi vào các cua.

Rừng Sác còn có con nưa chín mũi, có người gọi là trăn nước, là một con vật có thật. Thời kháng chiến chống Pháp, các chiến sĩ ta được chứng kiến những đêm giao chiến ác liệt giữa heo rừng với trăn nước. Con vật hiếm hoi này chỉ xuất hiện từng cặp vào những ngày dâng lũ, nước ngập lâu ngày. Các trận đánh giữa heo rừng và trăn nước thường xảy ra vào ban đêm trên các gò cao. Sáng ra, trên bãi chiến trường cây cối tơi tả, xác heo rừng hoặc con nưa nằm lăn lóc…

< Còn 2km nữa sẽ đến Ngã 3 Bà Xan (vị trí), đây là ngã rẽ vào Tam Thôn Hiệp thông qua cây cầu Tắc Tây Đen mà bọn mình từng có dịp chạy ra trong chuyến vào ấy.

Họ hàng đông đúc ở Rừng Sác còn có rái nước, mỗi năm đều có những ngày hội của rái nước mà nhân dân ở đây gọi là "ngày giỗ rái". Ngày này, hàng trăm con rái tụ tập sắp hàng trên các gò nổi. Dưới lớp nước Rừng Sác, người ta tìm thấy loài đất sét có thể làm gạch hay hóa chất công nghiệp, chất vôi lấy từ vỏ hào, nghêu sò, phốt phát và thạch cao có thể kết tủa.

< Cổng phà Bình Khánh phía Cần Giờ kia rồi, lúc này đã 1h trưa ngày 7 tháng 3 năm 2014.

Đối với thành phố công nghiệp đông dân, Rừng Sác trở nên một cái máy điều hòa khổng lồ được gió biển phát huy sức mạnh. Gió chuyên chở các nguồn dưỡng khí tươi mát trong lành của biển cả, rừng xanh đi vào thành phố. Cho nên vào những ngày hè nắng gắt, đi trên đường phố bụi và khói của Sài Gòn, người ta vẫn thấy hơi mát từ phương nam thổi về. Đó là nguồn dưỡng khí quý giá không gì đánh đổi được.

< Về Phú Xuân - Nhà Bè theo chuyến phà trưa. Bột chiên Cần Giờ lúc này vẫn còn phát huy tác dụng nên chưa đói. Nếu bạn muốn qua bữa tại đây: hãy ghé phía ngoài bến phà Bình Khánh phía Cần Giờ. Ở đây có nhiều quán cơm ngon, lại rẻ.

Mất thêm hơn nửa tiếng nữa thì về nhà, hết một chuyến đi. Thành quả của bà xã là mấy ký xoài vàng hực, ngọt lịm và hơn ký mắm cá cơm nguyên chất chính hiệu Cần Giờ. Với mình, những thông tin biết được thêm về An Thới Đông, Lý Nhơn và vùng cực Nam thành phố Long Hòa là điều vô giá.
Hẹn bạn trong những chuyến lang thang sau nhé!

Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6

Điền Gia Dũng
Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét