Từ cầu Hiền Lương đến địa đạo Vĩnh Mốc rồi nghĩa trang Trường Sơn, trên khắp mảnh đất Quảng Trị đều lưu dấu những người đã ngã xuống vì tổ quốc hôm nay.
Với chiều dài 671 km từ Hà Nội, mất một đêm ngủ ngon trên ôtô là sáng hôm sau đã có mặt tại Đông Hà, đô thị trung tâm của tỉnh Quảng Trị. Từ đây ngược trở lại quốc lộ 1 để đến với cầu Hiền Lương và địa đạo Vĩnh Mốc, mở đầu một ngày khám phá vùng đất anh hùng.
Trong những năm kháng chiến ác liệt nhất, cây cầu chia cắt hai miền đất nước ở vĩ tuyến 17 này đã chứng kiến một thời kỳ lịch sử oai hùng. Một cây cầu mới đã được dựng đi qua sông Bến Hải dành cho việc lưu thông xe qua lại trên quốc lộ 1A, cây cầu cũ nằm sát gần đó được bảo tồn như một di tích.
Từ Cầu Hiền Lương rẽ vào địa đạo Vĩnh Mốc cách đó chừng 20 km. Khu địa đạo nằm dưới bóng mát của những vòm tre. Khác với địa đạo Củ Chi tại Tây Ninh dùng cho công tác chiến đấu với các hầm thấp và nhỏ hơn, địa đạo Vĩnh Mốc với những hốc nhỏ dành cho một gia đình từ 2 đến 4 người, trạm xá, nhà bếp, nhà vệ sinh, phòng họp… cùng hệ thống thông khí và nước uống.
Địa đạo được đào từ năm 1965 đến 1967 gồm 3 tầng, có bậc thang lên xuống lượn xoắn ốc, dốc thoai thoải để hầm dễ dàng thoát nước. Khi đông nhất có khoảng 1.200 người từng sống dưới những cơn mưa bom đã trút không thương tiếc xuống mảnh đất này.
Từ Vĩnh Mốc, chạy dọc sát bờ biển 6 km đến với cửa Tùng, bãi biển đẹp từng được người Pháp khai thác làm nơi nghỉ ngơi, tắm biển và giải trí. Sau bữa trưa ngon lành với hải sản tươi như tôm hùm, mực và cá thu, theo sát đường ven biển rất đẹp để tiếp tục cuộc hành trình với nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn nằm tại huyện Gio Linh.
Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn là nơi an nghỉ của hơn 10.000 chiến sỹ đã ngã xuống vì tổ quốc. Khu mộ có danh, khu khuyết danh, những người con của miền Bắc vượt rừng, băng sông mở đường, giờ khi đất nước hòa bình, họ được đưa về đây, đoàn tụ cùng đồng chí, đồng đội. Không gian lặng yên, những người đến viếng lặng lẽ thắp nhang trên mộ.
Theo đường 9 huyền thoại đoạn từ nghĩa trang Trường Sơn sẽ đến với khu căn cứ địa Khe Sanh, cách Đông Hà hơn 60 km. Khu căn cứ với sân bay dã chiến, nhà trưng bày, giao thông hào, hầm chỉ huy, hàng rào kẽm gai, đường băng, máy bay, pháo, xe tăng và nhiều hạng mục hạ tầng khác. Tất cả giờ đã rỉ sét và không còn nguyên vẹn, nhưng những chứng tích của nó để lại vẫn là vết đau trong da thịt mỗi gia đình có mất mát vì chiến tranh.
Theo Lam Linh (Vnexpress)
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét