Thứ Hai, 10 tháng 3, 2014

Rừng khộp Tây Nguyên

Sau tết Nguyên đán, con đường xuyên giữa Vườn Quốc gia Yok Đôn (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) vào mùa khô trở nên ngoạn mục dưới nắng trời khi hai bên đường là những cánh rừng khộp rộng lớn đang rụng lá.

< Chạy ngang cánh rừng khộp Tây Nguyên. Người ta nói 'Hết rừng khộp là hết Tây Nguyên' đủ nói lên sự quan trọng của những cánh rừng này.

Tuy nhiên, rừng khộp Tây Nguyên vẫn mang một vẻ đẹp riêng biệt với những lá khô đủ màu sắc trong bạt ngàn cành khô như vươn lên đòi sự sống. Các loài cây trong rừng khộp phần lớn thuộc họ dầu lá rộng (tên khoa học là Dipterocarpaceae) như: cà chít, dầu đồng, cẩm liên, bằng lăng trắng...

< Rừng khộp Tây nguyên đang trong mùa thay lá.

Lúc này, vì cây lá rụng nhiều đã làm cho các loại cỏ và cây con mọc dày đặc ở mặt đất rất dễ cháy. Đây chính là yếu tố tích cực làm quả cây có đủ điều kiện để nảy mầm và tạo nên sức tái sinh mãnh liệt của rừng khộp.

Và thực tế là chỉ cần một cơn mưa khi mùa mưa đến thì rừng khộp gần như ngay lập tức sẽ được thay một lớp áo mới đan dày bằng triệu triệu chiếc lá non xanh mỡ màng.

Rừng khộp là một kiểu rừng với các loài cây thuộc họ Dầu lá rộng (Dipterocarpaceae) chiếm ưu thế. Loại rừng này hình như là một kiểu rừng đặc trưng chỉ có ở Đông Nam Á.

Loại rừng thưa và thoáng này thường phân bố ở những vùng có khí hậu chia thành hai mùa rõ rệt. Ở rừng khộp, cây rừng phát triển mạnh vào mùa mưa và rụng lá vào mùa khô. Vì cây lá rụng nhiều, ở mặt đất lại thường là các loại cỏ, le và cây con mọc dày đặc nên loại rừng này cực kỳ dễ cháy vào mùa khô.

Tuy nhiên, chính lửa lại là yếu tố tích cực làm quả cây có đủ điều kiện để nảy mầm và tạo nên sức tái sinh mãnh liệt của rừng khộp. Vào mùa khô, rừng trơ trụi lá, đất đai khô cằn, các dòng suối trong rừng hầu hết đều cạn kiệt, nhìn như những khu rừng chết, nhưng chỉ cần có một cơn mưa thoáng qua là cả khu rừng lập tức bừng màu xanh trở lại.

Ở Việt Nam, rừng khộp phân bố chủ yếu ở Tây Nguyên, đặc biệt là vùng biên giới giữa Việt Nam và Campuchia. Vườn quốc gia Yok Đôn chính là khu bảo tồn thiên nhiên của loại rừng này.

< Săn ảnh trong rừng khộp.

Rừng khộp là nơi ở của các loài thú lớn như voi, nai, mang, bò rừng, hổ và nhiều loài thú khác. Trong đó bò rừng và voi là các loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng và rất cần được bảo vệ.

Nhà nhiếp ảnh Hữu Thành đã có dịp về Tây Nguyên mùa sau tết đã kịp ghi lại những hình ảnh ngoạn mục rất riêng của rừng khộp, báo Ninh Thuận điện tử giới thiệu cho độc giả bộ sưu tập ảnh độc đáo này.

Theo Ninh Thuận Online
Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét