(NĐT) - Ngay tại Thủ đô Hà Nội hiện vẫn tồn tại một ngôi làng với tập tục lâu đời mà ai nghe đến cũng phải tròn mắt ngạc nhiên. Đó là làng Phúc Lâm (xã Phúc Lâm, Mỹ Đức, Hà Nội), nơi mà hễ cứ nghe có đám cưới là cả làng kéo nhau đến ăn cỗ, uống rượu mừng.
< Làng Phúc Lâm, xã Phúc Lâm, Mỹ Đức, Hà Nội nơi có tục lệ: “Đi ăn cưới không cần được mời”.
Không thiếp mời, không phong bì, chỉ cần biết tin thì bận việc mấy họ cũng tranh thủ đến chung vui. Gia chủ không biết mặt khách, không tính trước số lượng khách nên nếu thiếu cỗ cả chủ và khách cùng xuống bếp làm thịt gà là chuyện thường tình. Đây là một trong những miền quê duy nhất ở nước ta có tục lệ hết sức đặc biệt này.
Đám cưới không mời
Xã Phúc Lâm có 4 thôn, với 1800 hộ, riêng thôn Phúc Lâm chiếm đến 1.000 hộ. Điều đặc biệt là ba thôn còn lại không có phong tục “đám cưới không mời”, chỉ riêng Phúc Lâm mới có tục đó. Chẳng ai giải thích vì sao lại có sự khác biệt này bởi từ xưa đến nay, khi trong thôn có cưới hỏi, người dân Phúc Lâm cứ đến ăn cỗ và chúc mừng như những người anh em họ hàng. Riêng ba thôn còn lại, nếu đến thôn Phúc Lâm dự đám cưới chắc chắn họ phải có thiệp mời bởi họ được xem là “khách thiên hạ”.
Sau bữa cơm tối, ông Nguyễn Hữu Tám (63 tuổi) tổ trưởng cụm dân cư số 6 Phúc Lâm lại nhâm nhi ngụm trà mạn và lên tiếng nhắc con cháu xem ngày hôm nay có nghe thấy nhà nào trong thôn chuẩn bị tổ chức đám cưới cho con không. Ngày nào cũng vậy, ông không quên được công việc này. Và khi tin nhà này, nhà kia có đám cưới được tổ chức thì ông lại gác công việc và chuẩn bị quần áo để sáng hôm sau đến dự sớm.
Thấy lạ, tôi đem chuyện ra hỏi, ông Tám bảo, từ bao đời nay rồi, người dân Phúc Lâm vẫn giữ cái lệ như vậy. Đám cưới ở đây thường chẳng bao giờ người ta phải mời nhau. Biết tin thì đến dự. Người đến dự cưới không được mang theo tiền mừng. Nhà có kinh tế thì làm cỗ to, nhà không có thì làm cỗ nhỏ. Thế mà chẳng ai vắng mặt. Đến đám cưới, có gì ăn nấy, vui vẻ rồi về, không bàn ra tán vào, không có cái tục “ma chê, cưới trách”.
Vì là tập tục lâu đời, nên từ xưa đến nay chưa có hộ nào trong làng muốn “phá” cái lệ ấy. Nếu gia đình nào tổ chức đám cưới cho con cái trong gia đình mà đến mời người dân trong thôn thì họ cho là khách khí. Mà gia chủ cũng không dám mời, sợ mọi người hiểu nhầm lại không dám đến với đám cưới nhà mình nữa.
< Hễ người dân Phúc Lâm nghe trong làng có đám cưới thì bận mấy họ cũng đến ăn cỗ từ ngày hôm trước.
Đám cưới không mời đã không tạo ra những áp lực cho các gia chủ nơi đây. Để tổ chức một đám cưới ở Phúc Lâm rất đơn giản. Đầu tiên là chủ nhà tính toán, lo liệu; sau đó là đến họ hàng. Ai có gì cho nấy và góp nấy, chủ yếu là gạo, gà, còn rau thì vườn nhà trồng được. Đội quân làm cỗ nơi đây cũng lạ. Người Phúc Lâm chẳng phải đi thuê người nấu cỗ mà chủ yếu họ hàng và xóm làng tự đứng lên nhóm lửa làm bếp. Cứ mỗi một đám cưới được tổ chức, không cần mời mọc, không cần nhờ vả mà lúc nào cũng có đến 20 - 30 thanh niên nam nữ to khỏe trong thôn tự nguyện đến xin làm giúp. Dưới sự điều hành, sắp đặt của một cao niên trong thôn, mọi thứ đâu sẽ vào đó.
Đám cưới ở đây không linh đình về chuyện dựng rạp. Phần lớn các hộ vẫn giữ lệ có gì làm nấy. Vài tàu lá dừa được cắt, uốn hình tạo dáng bởi các thôn nữ quê, vài tờ giấy đỏ được người có hoa tay trong thôn cắt chữ song hỷ, cắt hình trái tim dán lên tường nhà. Thế là thành một đám cưới ấm cúng. Ngày cưới đến, chú rể sang nhà cô dâu, vài ba câu dẫn cưới thôn quê được thưa lên, không mĩ miều cầu kỳ, cô dâu được đón về nhà chồng. Cuộc sống mới từ một đám cưới đơn sơ, lành mạnh đang chờ đón đôi trẻ mà không phải nặng lòng nghĩ đến chuyện “nợ miệng” phải trả.
Đám cưới không mời ở Phúc Lâm còn là một sự thể hiện đến cao cả của tình làng nghĩa xóm. Nhà nào cũng coi đám cưới của hàng xóm là của nhà mình nên họ không nề hà, tất cả đều xúm tay vào làm giúp. Nhà có con gà góp con gà, nhà có mớ rau góp mớ rau, thậm chí có nhà góp mấy viên than. Tất cả những sự đóng góp này đều được gia chủ vui vẻ đón nhận. Vui nhất và thắm đượm nhất về tình làng xóm ở đây là việc góp cơm cho đám cưới. Nhà xa đám thì không sao chứ nhà gần đám thì chẳng ai bảo ai cứ gần lúc đi dự là họ tự nguyện lấy gạo ngon để thổi lấy một nồi cơm. Cơm chín, giờ tổ chức đến là họ lót lá cắp cơm đi cùng. Cơm được góp nên gia chủ chỉ mất thức ăn để đãi khách thôi.
“Cháy cỗ” bởi khách quá đông
Ông Tám tự hào khi nói về tục lệ đám cưới đặc biệt ở làng mình. Ông nói rằng: “Đây là tục lệ có từ xa xưa. Tôi nhớ rõ nhất là thời còn pháo nổ. Sáng sớm, nhà có đám cưới đốt một tràng pháo dài, thay cho việc thông báo cỗ đã bày dọn xong, mời người trong thôn đến ăn”. Rồi ông Tám cười hóm hỉnh: “Phải tự hào chứ, hiếm có ngôi làng nào cỗ “to” như thôn Phúc Lâm này.
< Trong đám cưới, trai làng thường kênh rồi tung chú rể lên, vừa là chúc mừng chú rể lấy được vợ, vừa thể hiện mong muốn từ nay người đàn ông có thể vững vàng đối mặt với cuộc sống gia đình.
Có đám lên tới 200 mâm. Cả làng mà có đám cưới là vui như Tết. Nhiều người còn nghỉ chợ để đến góp vui cùng nhà đám”. Ông Tám bảo, nhờ tình làng nghĩa xóm, nhờ văn hóa của những đám cưới không mời này, tuy không có đến tiền triệu để lo đám cưới mà ông vẫn tổ chức được cho các con của mình đi lấy chồng, lấy vợ. Các con ông có vợ, có chồng, có cỗ cưới đều nhờ anh em và hàng xóm láng giềng cả”.
Sau lần ấy, tôi được đi dự đám cưới khác của một hộ gia đình không mấy khá giả ở thôn Phúc Lâm. Mâm cỗ sang nhất của đám ấy là đĩa thịt gà cùng khoanh giò lụa tự giã của cánh thanh niên trong xã. Không khói thuốc, không lu bù rượu bia, nhưng khách đến rầm rập. Ai cũng vui vẻ, ăn cỗ xong phần lớn những phụ nữ tham dự còn dọn dẹp bát đĩa và đem rửa giúp chủ nhà. Đến lúc mọi người ra về thì công việc của gia chủ cũng đã đâu vào đấy.
Vì là đám cưới không mời, không chủ động được số lượng khách đến dự nên vui nhất trong lễ cưới này là khoản chạy cỗ khi thiếu cỗ. Bà Nguyễn Thị Minh, một người dân làng Phúc Lâm vẫn không quên và rất lấy làm vui cho đợt chạy cỗ đám cưới nhà mình. Bà bảo, đám cưới cho con bà ước chừng chỉ làm độ 30 mâm và tất nhiên là không phải mời ai. Ấy thế mà vào ngày cưới, già trẻ lớn bé trong làng ùn ùn kéo đến. Thế là thiếu cỗ. Gà, vịt, ngan trong nhà có con nào mổ được là huy động hết. Thế mà cỗ vẫn thiếu. Không cần gia chủ có lời nhờ vả, nhiều nhà hàng xóm đã tự nguyện về bắt gà nhà mình để giúp bà làm cỗ, trong đó có cả những con gà đang ấp.
< Vì đơn giản, không mời và không câu nệ nên đám cưới ở Phúc Lâm có rất nhiều trẻ con đến dự.
Từ những đám cưới không mời mà tình làng nghĩa xóm ở Phúc Lâm vẫn luôn bền chặt, mặc sự biến động, đổi thay của xã hội. Chính nhờ sự tương thân, tương ái qua những đám cưới ân tình này mà sự hòa thuận cũng như tinh thần đoàn kết xóm làng luôn được duy trì. Không có chuyện xô xát, cãi cọ trong mỗi gia đình, người dân đoàn kết thương yêu nhau. Đất Phúc Lâm, người Phúc Lâm vẫn giữ được bản chất thuần hậu, đậm chất thôn quê.
Nhà trai góp cỗ bao nhiêu thì góp chứ không thách cưới
Ông Nguyễn Văn Tuấn, cán bộ xã Phúc Lâm nói rằng: Đây là một tập tục văn hoá có từ xưa và rất đáng được trân trọng. Người trong thôn vì vậy luôn đoàn kết giúp đỡ nhau. Ông Tuấn bảo con gái thôn ông đi lấy chồng không bao giờ có cái lệ thách cưới. Gia đình nhà trai tự ý góp cỗ bao nhiêu thì góp chứ nhà gái người ta không bao giờ đòi hỏi. Có nhiều cô gái nơi đây ra vùng quê khác lấy chồng hay có cô lấy chồng nhà giàu trên phố, nhà trai muốn bày vẽ thế nào thì tùy, riêng nhà gái vẫn giữ cái lệ không mời đám cưới của mình.
Theo Cao Tuân - Phương Phương (Người Đưa Tin)
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét