(TBKTSG) - Chùa Cổ Thạch hay còn gọi chùa Hang, chùa Đá, tọa lạc ở xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận; cách thành phố Phan Thiết 105 cây số về hướng bắc, nằm cận biển, bên cạnh bãi đá Cà Dược bảy màu.
Ngôi chùa cổ này đã có hơn 100 năm tuổi. Đây một trong những danh thắng nổi tiếng lọt thỏm giữa những hang động trên một ngọn đồi đá cao 64 mét so với mặt nước biển.
Từ TPHCM đến chùa Cổ Thạch khoảng 280 cây số. Du khách có thể theo quốc lộ 1A từ thị trấn Liên Hương (Tuy Phong) vào chừng 10 cây số là đến chùa. Ngôi cổ tự này đã được công nhận là di tích, thắng cảnh cấp quốc gia vào năm 1993.
Khu vực chùa Cổ Thạch là một quần thể kiến trúc, am, điện, cốc được xây dựng rải rác, liên hoàn trên khu đồi đá rộng hơn 4 hecta. Ngôi chính điện nằm xen lẫn với những tảng đá to dựng đứng, sừng sững trông rất hoành tráng, ấn tượng. Kế đó là các nhà thiền, từ đường, nhà tổ, gác chuông, lầu trống, am cốc thờ tự, lúc nào cũng ngan ngát khói hương.
Khu vực chùa Hang được hình thành nên từ những tảng đá khổng lồ, hình thù kỳ lạ, gác tựa, chồng chất lên nhau tạo ra những hang động. Mỗi động thờ một vị Phật, hoặc Bồ tát... Hang thờ Tổ khai sơn Cổ Thạch tự là nhà sư Bảo Tạng, có tượng nhà sư và nhiều bài vị của các nhà sư khác có công lao xây dựng chùa đã viên tịch. Nơi thờ Phật Chuẩn Đề là một hang động bên trong có tượng Phật 8 tay và nhiều tượng cổ. Hang Tam Bảo thờ 23 pho tượng Phật cổ với nhiều kích thước và niên đại khác nhau…
Nếu đến chùa Cổ Thạch vào các ngày rằm hay các ngày lễ lớn của Phật Giáo như lễ Phật Đản, lễ Vu Lan, lễ Hoài niệm ân sư, du khách sẽ được hoà mình vào không khí đông vui, tưng bừng cùng hàng ngàn nam, phụ, lão, ấu tham gia lễ hội chùa Hang với nét mặt thành kính cùng những ước mơ, nguyện cầu được thành công viên mãn. Cờ, phướn, băng, hiệu bay phấp phới. Gió biển mát lành thổi phóng khoáng qua đồi đá cheo leo. Tiếng tụng niệm ê a. Tiếng mõ chuông văng vẳng giữa khói hương ngan ngát… Người đi lễ chùa cảm thấy lâng lâng như lạc vào nơi sân Tiên, cửa Phật, chìm đắm giữa sắc màu thiền lam u nhã.
Những ngày nầy, nhà chùa cung cấp cơm chay miễn phí cho khách hành hương. Dọc hai bên đường vào chùa là những gian hàng bán đồ lưu niệm vật dụng, đồ trang sức được chế tác bằng san hô, ốc biển và các sản phẩm, vật dụng bằng đá như cối chày, ấm trà, bình cắm hoa, vòng đeo tay, tượng phật, xâu chuổi… Trái cây địa phương thì có thanh long, chuối sứ, nho xanh, dứa gai, xoài hòn… Có nhiều gian hàng bán cơm, thực phẩm chay, nước giải khát, chè lạnh cho khách tham quanvới giá cả bình dân.
Đường lên chùa Hang thông thoáng nhưng quanh co, khúc khuỷu theo những bậc, thềm đá; dọc đường có nhiều tranh, tượng miêu tả cuộc đời Đức Phật và chư vị bồ tát. Trên mỏm núi đá nhỏ sát bờ biển có tượng Quan Thế Âm Bồ Tát uy nghi, tự tại đứng nhìn ra biển khơi. Cạnh chùa là bãi đá Cà Dược nhiều màu sắc chạy dọc bờ biển. Cảnh quan thiên nhiên chung quanh chùa Hang rất đẹp. Nhiều ngôi nhà xinh xắn, gọn nhẹ xây theo kiểu mới để phục vụ khách từ các nơi về hành hương và tham quan thắng tích.
Du khách đứng trên đỉnh đồi đá có thể ngắm nhìn bao quát cảnh quan cả một vùng biển bao la với hàng ngàn tảng đá lớn nhỏ xếp chồng ngổn ngang lên nhau thành thiên hình vạn trạng. Do sự xâm thực của nước mưa và gió, đồi đá Cổ Thạch có nhiều hang động với vẻ độc đáo, lạ lùng. Sau khi vãn cảnh chùa, bạn có thể vòng xuống bãi Cà Dược nhìn, ngắm hàng triệu viên đá, với bảy màu: đen, trắng, vàng, xám, nâu, hồng, tím sẫm. Bãi đá nầy chạy dài hơn 1 cây số dưới chân đồi Cổ Thạch.
Đến với dải đất cuối Nam Trung bộ đầy nắng và gió, bạn sẽ có nhiều cảm xúc khó quên.
Theo The Saigon Times
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét