Chủ Nhật, 16 tháng 3, 2014

Thăm chùa Côn Sơn

Chùa cổ Côn Sơn nằm trên núi Côn Sơn thuộc phường Cộng Hòa, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương, là một trong những điểm du lịch tâm linh hấp dẫn trong quần thể di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc.

Chùa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam xếp hạng quốc gia đợt I năm 1962 và xếp hạng đặc biệt quan trọng vào năm 1994.

Chùa Côn Sơn còn có tên gọi là Thiên Tư Phúc tự hay chùa Hun, được xây dựng từ thế kỷ X và hoàn thiện vào thế kỷ thứ XIV. Chùa Côn Sơn trở thành một trong 3 trung tâm nổi tiếng của dòng Phật giáo Trúc Lâm, nơi 3 vị tổ của trường phái Thiền Phái Trúc Lâm gồm Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Trang đã tu hành và thuyết pháp tại đây.

Chùa Côn Sơn xưa là một công trình kiến trúc hoàn thiện, có 385 pho tượng.

Tương truyền ở ban thờ đầu hồi phía Đông nhà Tổ có 2 pho tượng nhỏ ngồi xếp bằng, một đàn ông, một đàn bà hướng về bàn thờ Phật. Tăng ni tu ở chùa Côn sơn không biết hai pho tượng đó là ai và có tự bao giờ. Trong thời gian kháng chiến chống Pháp, sợ giặc đến chùa tàn phá, các tăng ni Phật tử dã đem đồ thờ và các pho tượng nhỏ cất giấu ở trong núi.

Vào một đêm mưa gió sấm sét to, sư ông trụ trì chùa ngủ không yên, đợi sáng hôm sau trời tạnh vào thăm lại bức tượng. Sư ông vào xem và thấy hai pho tượng trên đắp bằng đất bị mưa làm vỡ, lộ hai dải yểm tâm mới biết đó là tượng Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ.

Phía sau chùa Côn Sơn là khu mộ tháp. Đăng Minh bảo tháp được dựng bằng đá xanh, cao 3 tầng, trong đặt xá lợi và tượng Thiền sư Huyền Quang.

Nằm ở sườn núi Kỳ Lân, bên phải là lối lên Bàn Cờ Tiên, dưới chân Đăng Minh bảo tháp là Giếng Ngọc. Người xưa cho rằng Giếng Ngọc chính là mắt của con Kỳ Lân. Giếng Ngọc cũng có thời gian bị cỏ cây che lấp. Năm 1995, ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đã cho khơi lại, kè đá, xây bờ, lát sân để phục vụ cho du khách về tham quan Côn Sơn lại được tận hưởng nước giếng thiêng.

Tại Bàn Cờ Tiên trên đỉnh núi Côn Sơn, nơi đây ngày xưa có một am nhỏ hình chữ Công (I), tám mái chảy, có lan can xung quanh. Am này có tên là Am Bạch Vân.

Chùa Côn Sơn đã chứng kiến một chặng đường đời và bi kịch của người anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi. Sau những năm tham gia triều chính, Nguyễn Trãi lui về Côn Sơn và sống cuộc dời ẩn dật. Cảnh đẹp Côn Sơn đã gợi nên cảm hứng để Nguyễn Trãi sáng tác nhiều bài thơ trong Quốc Âm thi tập:

Côn Sơn suối chảy rì rầm
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai
Côn Sơn có đá rêu phơi
Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm.

Trải qua thăng trầm lịch sử , ngày nay chùa Côn Sơn vẫn còn giữ dấu tích của kiến trúc thế kỷ XIV-XIX, vẫn tầng tầng lớp lớp theo lối cung đình: Hồ Bán nguyệt, tam quan, lầu chuông, vườn tháp, giếng Ngọc, am Bạch Vân, miếu thờ “Tứ độc Sơn Xuyên” (trời đất sông núi) trên Ngũ Nhạc linh từ.

Những cây đại, cây thông cổ thụ trong khuôn viên chùa cũng như rừng thông xung quanh càng tăng vẻ đẹp cổ kính pha chút u tịch cho ngôi chùa.

Hệ thống tượng thờ ở chùa khá phong phú, thể hiện thế giới Phật giáo thu nhỏ với ý nghĩa triết lý nhân sinh, giáo dục hướng thiện khai tâm cho chúng sinh. Hiện nay, chùa Côn Sơn còn lưu giữ hệ thống giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú như hệ thống văn bia từ thế kỷ XIV tới thế kỷ XVIII, đặc biệt là tấm bia Thanh Hư Động tạo thời Long Khánh (1373-1377) là bút tích của vua Trần Nghệ Tông; tấm bia “Côn Sơn Tư Phúc tự bi” (1607), ngói mũi hài, chân đá tảng chạm cánh sen đời Trần.

Hàng năm, lễ hội mùa xuân của chùa Côn Sơn diễn ra với nhiều nghi thức truyền thống như lễ khai hội, lễ cúng đàn Mông Sơn, lễ tế trời đất trên Ngũ Nhạc linh từ, lễ rước nước cùng nhiều trò chơi dân gian như đu tiên, chọi gà, cờ người, đấu vật…

Ngoài chùa Côn Sơn, du khách còn có cơ hội tham quan các khu di tích khác như khu di tích Kiếp Bạc, đền thờ Nguyễn Trãi trong quần thể di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc - một trong 23 di tích quốc gia đặc biệt quan trọng của Việt Nam.

Trải qua hơn nghìn năm tồn tại và phát triển, ngày nay, nhân dân trong và ngoài nước vẫn về với Côn Sơn trẩy hội, chiêm bái các vị danh nhân và tìm về chốn thanh tịnh, hướng thiện. Về với chùa Côn Sơn là về với điểm du lịch tâm linh hướng về nguồn cội đất nước.

Du lịch, GO! tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét