Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2014

Kỳ bí lá cỏ đá của người Ca Dong

(QNO) - cộng đồng người dân tộc Ca Dong tại huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) trong các lễ hội, cúng tế, cưới xin đều không thể thiếu một loại lá được người dân cho là rất linh thiêng dùng để cúng phép: lá cỏ đá.

< Già làng đang dùng lá cỏ đá để cúng phép cầu sức khỏe cho dân làng.

Lễ vật cúng phép

Trong một lần đến vùng cao xã Trà Đốc (huyện Bắc Trà My), chúng tôi có dịp tham gia lễ đâm trâu của người Ca Dong. Lễ đâm trâu thì chúng tôi đã gặp nhiều ở các cộng đồng người dân tộc khác như Cơ Tu, Ve, Tà Riềng. Tuy nhiên, có một điều khá thú vị làm chúng tôi không khỏi ngạc nhiên đó là trong suốt quá trình diễn ra lễ hội, người Ca Dong đều dùng một thứ lá cây rất lạ để cúng phép, làm lễ. Hỏi ra mới biết, thứ lá đó có tên gọi là “cỏ đá”.

“Lá cỏ đá linh thiêng lắm! Ông bà từ xưa lúc mới lập làng, lập bản đã dùng lá cỏ đá để cúng phép rồi. Lá cỏ đá là vật phẩm người dân dùng để cúng trâu, làm phép cho con cháu, dân làng được khỏe mạnh” - già làng Đinh Văn Xếc (80 tuổi, ở thôn 5) nói.

Nhìn bên ngoài, lá cỏ đá có hình dạng rất giống với cây dương xỉ. Lá nhọn, có màu xanh, mép lá hình răng cưa, mọc ra nhiều nhánh và có mùi thơm rất dễ chịu. Theo lời người dân, cỏ đá thường mọc ven suối. Khi làng hoặc một gia đình có đám, lễ gì, người đàn ông trong gia đình sẽ ra ngoài bờ suối hái lá về làm vật phẩm để cúng phép.

Ông Nguyễn Văn Tiến - Trưởng thôn 5, xã Trà Đốc, cho biết tất cả đám tiệc, lễ đâm trâu, cưới hỏi… luôn có sự hiện diện của lá cỏ đá. Lá cỏ đá, cùng với rượu cần, rượu nếp, như một vật phẩm không thể thiếu để cúng ông bà, cúng thần linh, ma lúa, cầu cho dân làng được khỏe mạnh, mùa màng bội thu, thôn xóm yên ấm. Việc dùng lá cỏ đá để cúng phép của người Ca Dong được truyền từ đời này sang đời khác và cứ thế tiếp diễn.

“Tục đâm trâu cúng ma lúa và dùng lá cỏ đá để cúng phép chỉ còn ở các xã Trà Đốc, Trà Bui, Trà Tân và được đồng bào Ca Dong gìn giữ. Lá cỏ đá là vật thiêng được dân làng dùng để cúng phép trong các dịp lễ đâm trâu, cưới hỏi, ma chay, mừng nhà mới…
Đây là nét văn hóa đặc sắc truyền thống của người Ca Dong có từ rất lâu đời, cần được trân trọng, gìn giữ” - ông Hồ Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Trà Đốc nói.


< Phụ nữ Ca Dong mang gùi lá cỏ đá nhảy múa trong lễ đâm trâu.

Trong lễ đâm trâu của người Ca Dong, suốt mấy ngày diễn ra lễ, dân làng đi hái lá cỏ đá về chất quanh cột trâu. Việc cúng tế diễn ra trong nhiều ngày liên tục rồi mới đến nghi lễ đâm trâu. Khi cúng trâu, già làng sẽ cầm chùm lá cỏ đá trên tay để làm phép, lẩm nhẩm trong miệng điều gì đó trước mũi con trâu. Sau đó, già làng cầm chùm lá cỏ đá nhúng vào bát rượu nếp, vẩy lên đầu trâu.

Ngoài ra, trong lễ đâm trâu, lá cỏ đá còn được dùng để làm phép cầu an cho dân làng. Già làng sẽ cầm chùm lá cỏ đá và lẩm nhẩm trong miệng những bài cúng làm phép cho từng người dân trong làng, đến lượt người nào, người đó sẽ nắm tay vào chùm lá cỏ đá.

Thứ lá linh thiêng

Sau khi dùng lá cỏ đá để cúng phép cho từng người, già làng sẽ phân phát từng chùm lá cỏ đá cho mỗi người trong làng. Từng người một quấn chùm lá trên đầu hoặc lưng quần. Mỗi người sẽ giữ lá cỏ đá bên mình trong suốt quá trình diễn ra lễ hội đâm trâu, mà theo họ là giữ sự may mắn cho suốt cả một năm. Từ già đến trẻ, từ đàn ông đến đàn bà, ai cũng sở hữu chùm lá cỏ đá như một vật trang trí, tô đẹp thêm bức tranh lễ hội.

Trong một nghi lễ khác ở lễ hội đâm trâu của người Ca Dong là tục khóc trâu cũng không thể thiếu lá cỏ đá. Khi con trâu được cột mũi tại trụ, những già làng lớn tuổi, hoặc trung niên sẽ nối vòng tròn đi quanh trâu, sờ đầu trâu, đuôi trâu, mình trâu và hát những bài hát bằng tiếng Ca Dong. Trên đầu, trên lưng của họ luôn cột thêm chùm lá cỏ đá.

Già làng Xếc kể, những bài hát khóc trâu thường có ý nghĩa kể về tiểu sử ma lúa, những lời chúc làm ăn phát lộc, người dân làng đừng có đau ốm, con cháu được khỏe mạnh, mùa màng bội thu. Kiểu khóc trâu của người Ca Dong thường được hát theo lối đối đáp, một người hỏi, người kia sẽ trả lời.

Ngoài ra, trước khi đâm trâu, người phụ nữ lớn tuổi nhất bản sẽ mang một gùi lá cỏ đá cùng với những phụ nữ Ca Dong khác múa những điệu múa truyền thống quanh con trâu. Hỏi ra mới biết, làm như vậy là để xua đi những điều xui xẻo, mong con trâu là vật phẩm sẽ đến với thần linh.

Ngoài dùng lá cỏ đá để cúng phép, người Ca Dong còn dùng lá cỏ đá treo thành từng chùm trên giàn bếp để làm bùa, trừ ma quỷ, đuổi cái xui. Đến nhiều ngôi nhà của bản làng người Ca Dong, chúng tôi nhìn thấy những chùm cỏ đá khô vắt trên giàn bếp.

Dân làng cho biết, sau mỗi lần cúng tế bằng lá cỏ đá, không ai được phép vứt lá cỏ đá đi mà phải mang về nhà, vắt lên giàn bếp.
“Nhà nào có càng nhiều chùm lá cỏ đá khô treo trên giàn bếp sẽ được thần linh phù hộ, mùa màng no đủ, con cái khỏe mạnh. Đây là thứ lá linh thiêng, cúng xong không thể đem vứt đi được đâu, sẽ bị thần linh quở phạt đó!” - già làng Đinh Văn Xếc nói.

Theo VÕ LÊ (Quảng Nam Online)
Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét