(Giải trí) - Nếu đã leo Fansipan ở Lào Cai thì rất có thể đỉnh cao tiếp theo mà bạn muốn chinh phục là Kinabalu (Malaysia) - nơi được mệnh danh là nóc nhà của Đông Nam Á.
Núi Kinabalu thuộc Vườn quốc gia Kinabalu (bang Sabah, Malaysia) có đỉnh cao 4.095 m, là dãy núi cao nhất giữa Himalaya và Papua New Guinea. Xung quanh và chính trên ngọn núi này có một hệ thực vật phong phú thuộc một trong những khu sinh thái quan trọng của thế giới. Những năm gần đây, nhiều bạn trẻ Việt Nam ưa chinh phục đỉnh cao đã leo thành công Kinabalu. Những kinh nghiệm dưới đây được họ chia sẻ:
Công viên Kinabalu cách thủ phủ Kota Kinabalu của bang Sabah hai tiếng lái xe. Bất kỳ ai khi leo núi đều phải xuất phát từ công viên này. Nếu ít thời gian, bạn có thể đi thẳng từ sân bay quốc tế Kota Kinabalu tới công viên. Còn để dưỡng sức, nên nghỉ một đêm trong thành phố.
Du lịch Malaysia có những quy định khắt khe nên nếu chưa đăng ký trước, bạn sẽ không được phép leo núi. Việc đăng ký phải được thực hiện trước nhiều tháng, thậm chí tới cả năm nếu số lượng người muốn tham gia quá lớn. Tốt nhất nên tập hợp thành nhóm khoảng 6 người, đăng ký thông qua các công ty du lịch Malaysia hoặc tại website của Ban Quản lý Công viên Kinabalu. Bạn cần cung cấp ngày leo, số người, số ngày, thông tin ngày sinh, số hộ chiếu…
Khi có mặt ở chân núi, bạn sẽ được cấp thẻ gồm họ tên, mã số, thứ tự... và được kiểm tra liên tục ở mỗi chặng dừng.
Hai ngày 1 đêm hoặc 3 ngày 2 đêm là tour phổ biến để leo lên đỉnh núi cao nhất Đông Nam Á. Với các VĐV chuyên nghiệp, họ có thể chạy bộ lên đỉnh núi trong 2-3 tiếng. Khách du lịch nước ngoài có thể đăng ký tour từ sân bay Kota Kinabalu.
Giá một tour leo núi Kinabalu dao động từ 700 RM (khoảng 5 triệu đồng) tới 2.000 RM (khoảng 14 triệu đồng) tùy thuộc các dịch vụ đi kèm. Giá tour bao gồm phòng nghỉ trên lưng chừng núi qua đêm, người hướng dẫn, các bữa ăn trong hành trình.
Không có quy định về độ tuổi dành cho các nhà leo núi Kinabalu, tuy nhiên phổ biến nhất là từ 10 đến 70 tuổi. Thời điểm lý tưởng leo núi là tháng 4 cho tới tháng 9, khi trời khô ráo, hầu như không có mưa, nhiệt độ không xuống quá thấp.
Có hai đường để khởi đầu hành trình lên đỉnh núi. Thứ nhất là đường mòn từ Timpohon Gate (độ cao 1.866 m); thứ hai là đường mòn từ Mesilau Gate (từ độ cao 2.000 m) - nơi có Mesilau Nature Resort. Đường thứ hai được Ban Quản lý Công viên Kinabalu khuyến khích vì ít dốc hơn, lại chạy giữa rừng nguyên sinh nên khá mát mẻ, cảnh đẹp, nhiều thảm thực vật phong phú, đi qua nhiều cầu và suối.
Mất trung bình khoảng 4 - 6 tiếng để đi từ Timpohon Gate đến chặng nghỉ đêm. Nếu xuất phát từ Mesilau Gate thì mất khoảng 6 - 7,5 tiếng. Timpohon Gate cách Mesilau Gate 60 phút di chuyển bằng xe khách loại nhỏ. Hai đường mòn chênh nhau khoảng 1.500 m gặp nhau tại Layang Layang Hut (2.702 m).
Laban Rata Resthouse là điểm dừng chân ban đêm, cũng chính một nhà nghỉ lớn gồm cả nhà hàng nằm ở điểm 3.272 m. Đây là nhà nghỉ lớn nhất, có thể chứa được khoảng 80 người và cũng được nhiều người lựa chọn nhất. Ngoài ra còn có các nhà nghỉ như Panar Laban Hut, Waras Hut và Gunting Lagadan Hut nhưng đều nhỏ hơn. Cần có mặt ở nhà nghỉ trước 18h30 nếu không bạn sẽ bị đói vì hết đồ ăn cho dù danh sách có tên bạn. Hành trình tiếp theo sẽ bắt đầu từ khoảng 2h sáng để đón bình minh trên đỉnh núi.
< Bùi Thanh Tùng trên đỉnh núi Kinabalu lúc sáng sớm.
Via Ferrata, leo núi đá dốc bằng dây và đinh, là một hành trình mạo hiểm nhưng rất nên thử nếu bạn không phải là người có bệnh về tim mạch. Via Ferrata chỉ áp dụng cho chặng leo xuống, bắt đầu từ đỉnh núi, thời gian sẽ ngắn hơn một nửa so với đường thông thường. Để tham gia Via Ferrata, bạn phải đăng ký với công ty quản lý và ngày hôm trước phải leo lên nhà nghỉ trước 15h để dự buổi training. Không kịp có mặt ở buổi huấn luyện này, bạn sẽ không được tham gia Via Ferrata và không được trả lại chi phí. Ngoài ra, bạn còn phải chinh phục đỉnh 4.095 trước 6h30 phút sáng hôm sau.
< Leo dây Via Ferrata là một trải nghiệm khó quên.
Có dịch vụ cõng nếu bạn đang leo mà gặp vấn đề về sức khỏe với giá 300 RM (khoảng 2 triệu đồng)/ người/ km chiều đi lên và 200 RM/ người/ km cho chiều đi xuống. Thuê người khiêng hành lý giá khoảng 9 RM (khoảng 6.000 đồng)/ kg cho một hành trình 2 ngày. Bạn có thể thuê người vác đồ gồm quần áo, đồ ăn dự phòng... còn bạn chỉ vác các vật dụng cá nhân như máy ảnh, một ít đồ ăn, thuốc men... nhẹ nhàng.
Nên mang theo nước dù dọc đường đi có những trạm dừng chân tiếp nước. Nước ở những nơi đó đều chưa qua xử lý. Hãy hỏi người hướng dẫn nơi có thể lấy được nước miễn phí trước khi bắt đầu hành trình.
< Một mẫu giấy chứng nhận dành cho người đã leo thành công Kinabalu.
Có hai loại giấy chứng nhận (màu và đen trắng). Giấy màu chỉ dành cho người chinh phục đỉnh núi và xuống đến điểm xuất phát ban đầu. Giấy đen trắng dành cho người có tham gia tour leo núi, nhưng không lên được đến đỉnh. Chi phí cho giấy chứng nhận là 12 RM (khoảng 85.000 đồng) mỗi người và được trả khi bạn hoàn thành hành trình leo núi. Đây là chi phí không bắt buộc nếu bạn không cần giấy chứng nhận.
Nên mua các trang phục leo núi tại các cửa hàng chuyên dụng vì chúng có khả năng chống thấm nhưng vẫn thoát mồ hôi, nhất là găng tay. Nếu mang găng thường, khi bị ẩm sẽ rất khó chịu. Quần nên mặc loại vải nhẹ, có khả năng co dãn, tránh vải len hay bò vì khi thấm nước sẽ rất nặng. Giày nếu không phải loại chuyên dụng thì cũng nên có đế cứng, ma sát tốt, cao cổ để tránh trẹo cổ chân, điều rất dễ xảy ra khi đi xuống. Mũ len và đèn headtouch (gắn trên trán) cũng rất cần thiết. Càng lên cao thời tiết sẽ càng lạnh, nên chọn trang phục sao cho đủ ấm mà không quá nặng.
Nên leo thong thả, đừng căng tốc độ vì chắc chắn bạn sẽ đuối sức vào cuối chặng. Việc đi nhanh quá cũng dễ dẫn tới cảm giác khó thở, chóng mặt do nhịp tim đập nhanh yêu cầu lượng oxy lớn hơn. Mặt khác, càng lên cao thì không khí càng loãng và thiếu oxy.
Bí quyết cuối cùng và quan trọng nhất là sức khỏe. Bạn cần dành trước 1 - 2 tháng để tập thể dục, nhất là với những người ít vận động. Cách tốt nhất là nên leo cầu thang, tập thở và đi bộ nhiều. Trước khi leo núi một tháng nên đi bộ khoảng 5 - 10 km ít nhất mỗi tuần một lần. Trước khi leo núi 10 ngày thì phải đi bộ hằng ngày.
- Bùi Thanh Tùng, leo Kinabalu tháng 7/2013, kể: "Cho đến bây giờ tôi vẫn không thể nào quên được cảm giác khi hoàn thành chuyến leo núi của mình. Lúc đó hoàn toàn kiệt sức, hai đầu gối chỉ muốn quỵ xuống, nhưng nghĩ lại cái cảm giác được đứng trên đỉnh cao nhất khi bình minh đang lên thì không gì có thể tả nổi. Nhóm của tôi gồm 6 người (3 nam, 3 nữ), nhưng chỉ có duy nhất tôi hoàn thành Via Ferrata. Đó là một trải nghiệm khó có lần thứ hai trong đời, không dễ dàng và có thể khiến bạn sợ phát khiếp nhưng hiển nhiên là nhớ rất lâu".
- Phương Hoàng, thành viên Phuot.vn leo Kinabalu năm 2011, kể: "Càng lên cao, càng khó thở, dốc thẳng đứng, rét căm căm, chỉ khoảng 2 hay 3 độ, lại thêm gió thổi mạnh, muốn thổi bay luôn. Bình thường tôi vốn chịu lạnh kém, lại sống trong Nam nên cái lạnh của sáng sớm hôm đó phải nói là từ nhỏ đến lớn tôi chưa bao giờ gặp. Hãi hùng! Quần áo 5 lớp, găng tay 3 lớp mà vẫn lạnh. Phải di chuyển liên tục, người tôi có thể chịu được, nhưng bàn tay thì tê cứng, mặt không thể che kín được, gió cứ thế quất vào, ôi tê tái! Trên đường đi tôi chỉ mong sao có một chỗ để núp gió mà không có, trơ trọi, chỉ toàn đá với đá và chẳng có gì thảm hơn".
- Nguyễn Thành Vinh, sắp leo Kinabalu vào tháng 4/2014, chia sẻ: "Tôi đã leo Fansipan hai lần vì thích chinh phục những đỉnh cao, đặc biệt với mức độ khó tăng dần. Do đó, tôi chọn Kinabalu là mục tiêu tiếp theo. Ngoài ra, việc lựa chọn Kinabalu cũng một phần vì nghe giới thiệu của những người đi trước về cảnh quan, con người và cách làm dịch vụ leo núi của Malaysia rất tốt. Từ cuối năm 2012 tôi đã liên hệ với một số nhà cung cấp dịch vụ leo núi tại Sabah để thu thập các thông tin liên quan và đến tháng 10/2013 đã đặt tour chính thức cho chuyến leo cuối tháng 4/2014. Tôi có nghe nói nhiều đến hình thức Via Ferrata và dự định sẽ thử".
Theo Linh Hương (Vnexpress)
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét