Một ngôi làng lặng lẽ im lìm trong bóng tre vầu. Thỉnh thoảng vẳng lên tiếng chó sủa, mèo kêu, gà gáy. Tiếng bà ru cháu nghe chênh vênh như nắng bò dần lên dốc...
Ở làng Khuổi Ky, một làng Tày cổ có từ thời nhà Mạc ở xã Đàm Thuỷ, huyện Trùng Khánh, dân làng đã manh nha phát triển nghề dịch vụ du lịch.
Làng Khuổi Kỵ nằm giữa hai địa điểm du lịch Thác Bản Giốc và động Ngườm Ngao thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng). Từ lâu, Khuổi Kỵ đã nổi tiếng với cái tên “làng đá” và tục thờ thần đá độc đáo vùng biên giới. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, giờ đây trong tâm thức người Tày ở Cao Bằng 'thần đá' vẫn gắn bó và tồn tại trong ý niệm của họ.
Chiêm ngưỡng “làng đá”
< Buổi trưa hè, Khuổi Ky vẫn khá mát mẻ.
Làng có 14 nhà sàn 2 tầng bằng đá, một số nhà đổ nát, mới được phục dựng. Nhà văn hoá và cổng làng mới xây.
Tùy thuộc vào căn nhà sàn lớn hay nhỏ (thường là 3 gian - 2 chái và 1 gian - 2 chái), thì chuyện dựng nhà sàn gỗ của người Tày cũng cần ít nhất quãng thời gian 5 năm với hàng chục khối gỗ lớn, lạt, số lượng cột, kèo…”. Tuy nhiên, khi dựng nhà sàn đá lại chú trọng hơn đến khâu lựa chọn đá và sắp xếp chúng. Chẳng hạn, để xếp được một bức tường bằng đá thì người thợ phải mất vài tháng, có khi gần một năm.
< Làng đá Khuổi Kỵ.
Khi xếp đá đến độ cao khoảng 2,5m, người thợ sẽ tính đến chuyện đặt dầm gỗ, sau đó xếp những tấm ván hoặc tre để làm sàn, đồng thời chia cách tầng 1 và tầng 2.
Những viên đá được chọn để dựng nhà gần như có kích thước tương đồng và chúng sẽ được gắn kết với nhau bằng hỗn hợp vôi trộn cát. Một điều nữa có thể nhận thấy sự khác biệt của làng Khuổi Kỵ so với những nơi khác giữa các huyện miền núi là các hàng rào, đường đi lại hoàn toàn được làm bằng đá núi.
< Ngôi nhà đẹp nhất làng Khuổi Kỵ được xây hoàn toàn bằng đá tự nhiên.
Bà Triệu Thị Bề (người làng Khuổi Ky), khẳng định: “Cả làng cả xóm cùng nhau bảo tồn văn hóa, tuyên truyền cho lớp trẻ phải giữ bản sắc dân tộc”. Cụ Nông Văn Tâm (70 tuổi) ở làng Khuổi Kỵ cho hay: “Ngược thời gian vào những năm 1594-1677, khi nhà Mạc lên vùng đất Cao Bằng để xây dựng thành quách để bảo vệ đất nước, những ngôi nhà sàn bằng đá đã được xây dựng lên như một “pháo đài” độc nhất vô nhị chỉ dành riêng cho những bậc quyền quý.
Độc đáo tục thờ “thần đá”
< Đường đi quanh làng cũng được người dân dùng đá để làm hàng rào hai bên.
Trong tâm niệm của người dân nơi đây, đá được coi như một vị thần tượng trưng cho sự lâu bền, vững chắc có thể phục vụ cho các mục đích lâu dài trong đời sống sinh hoạt nên đã lập đền để thờ thần đá.
Đá trong tâm tưởng của họ thiêng liêng như một vị thần giúp che chở những khắc nhiệt của thiên nhiên. Chẳng thế mà trong luật tục của của mỗi tộc người trên vùng đất Cao Bằng này đều có những ngày nhất định để tiến hành tế lễ cảm tạ thần đá, thần rừng.
< Những ngôi nhà được xây dựng như pháo đài – dấu tích một thời chống chọi với giặc giã và thiên nhiên khắc nghiệt.
Còn nhớ tộc người Lô Lô sinh sống ở huyện Bảo Lạc, năm nào cũng vậy, cứ độ vào tiết trời thanh minh tháng Ba là cư dân cả bản dù có bận việc đến đâu cũng sẽ tạm gác lại để cùng họp nhau tại nơi thờ cũng thần đá được quy ước trong bản để làm lễ “mể-lồ-phỉ” (hiểu nôm na là lễ cúng thần đá)...
Theo lời những người dân nơi đây, họ luôn coi đá như một phần trong cuộc sống. Bởi thế nên có những bức tường đá đã phủ hoen màu thời gian vẫn vững chắc tồn tại, mà không ai dám phá cả. Thậm chí bất cứ ai khi đi ngang qua những bức tường đá, chứng kiến chúng chẳng may bị hư hỏng là bà con lại tự động nhặt đá lắp lại.
Giữa không gian bao la, những ngôi nhà sàn đá vững chãi vươn cao như một lũy thép kiên cố. Mặc cho thời gian trôi qua, suốt hàng trăm năm nhưng những ngôi nhà sàn đá này vẫn bền bỉ, kiên định, bao bọc, chở che những cư dân hiền lành, chất phác vùng biên viễn.
Khuổi Ky đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Làng văn hóa truyền thống tiêu biểu dân tộc ít người.
< Những ngôi nhà mới trùng tu.
Nhà văn Y Phương đã góp phần làm cho ngôi làng cổ này thêm nổi tiếng với tùy bút “Hồn làng”. Khuổi Ky trong tâm tưởng Y Phương thanh bình và cổ kính: “Trước mắt tôi là một ngôi làng lặng lẽ im lìm trong bóng tre vầu. Thỉnh thoảng vẳng lên tiếng chó sủa, mèo kêu, gà gáy. Tiếng bà ru cháu nghe chênh vênh như nắng bò dần lên dốc. Nhà nhà vách đất thủng lỗ chỗ. Mái ngói âm dương xô lệch, mọc dầy rêu nâu với những bông hoa hình quả chuông...”
Hướng dẫn thêm:
Từ trung tâm huyện Trùng Khánh đến làng Khuổi Ky chừng 18km (nằm trên đường đến thác Bản Giốc – đi thêm khoảng 2km mới tới thác, muốn đến Khuổi Ky, bạn phải xuống xe giữa đường).
Từ thị xã Cao Bằng chỉ có hai chuyến xe đi Bản Giốc vào buổi sáng, tầm 6h30 và 7h30 (nhà xe Bằng Loan, sđt 0982.142.848, giá 80k), quãng đường khá xa, khoảng 90km.
Ngay tại thác Bản Giốc có nhà nghỉ. Từ đây, bạn có thể tham quan động Ngườm Ngao cách đó chừng 5km.
Đến 13h30, xe khởi hành từ thác Bản Giốc về lại thị xã Cao Bằng. Trên đường, bạn có thể dừng lại Trà Lĩnh, nghỉ đêm để hôm sau đi hồ Thang Hen và Cổng trời (cách thị xã Cao Bằng chừng 15km).
Tổng hợp từ VOV4, Dân Việt
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét