(TQĐT) - Những địa danh của xã Thanh Tương (Nà Hang) như đèo Cổ Yểng, dốc Bản Bung hay đường vào Nà Coóc đều là những địa danh khiến người ta liên tưởng đến việc chinh phục dốc cao, vực thẳm. Chỉ là những con đường có vài cây số thôi nhưng sẽ phải mất ngót nửa ngày mới có thể vượt qua. Ước mong có được con đường bê tông đối với bà con nơi đây đang dần trở thành hiện thực.
Từ mơ ước...
Cách đây hơn 2 năm, con đường mà chúng tôi đi vào Bản Bung cứ ám ảnh mãi trong đầu, như kỷ niệm về một thử thách mà mình đã vượt qua. Chiếc xe máy cứ gầm rú hồng hộc trườn lên, chồm ngược, lao vào những hốc, những tảng đá lởm chởm. Ngồi trên xe mà dây thần kinh chúng tôi căng như dây đàn; lỡ dại, xểnh tay lái theo đà là có thể lao thẳng xuống vực chả ai biết đâu mà tìm. Từ đầu giờ chiều mà tới xâm xẩm tối chúng tôi mới vào tới được Bản Bung.
Men theo con đường đất lầy lội chúng tôi đến nhà ông Nông Văn Năm. Vừa thấy chúng tôi ông Năm ngạc nhiên lắm, ông bảo: “Các nhà báo đi xe máy vào tới tận đây là giỏi lắm đấy! Người Bản Bung chỉ quen đi bộ thôi, đường khó đi mà.
Cũng vì cái đường mà mấy đứa trẻ nhà này chỉ học được hết tiểu học thôi”. Ông Nông Văn Thiên, Bí thư Chi bộ thôn Bản Bung chia sẻ, Bản Bung cách trung tâm xã hơn 7km trong đó có 3km là dốc đá rất khó đi. Từ trước đến nay bà con trong bản giao lưu với bên ngoài hoàn toàn phụ thuộc vào đôi chân. Bản mình là thung lũng bằng phẳng, đất đai rất tốt, thóc ngô được nhiều, bà con cũng tích cực chăn nuôi nhưng phải cái đường vào bản khó đi nên chả mấy khi bán được con lợn, con gà. Bản mình vẫn chủ yếu là tự cấp tự túc thôi. Ước mong bao đời nay đối với người Bản Bung là làm được cái đường mà sức người, sức của có hạn... Anh Nguyễn Văn Thế, thôn Bản Bung từ ngày mua được chiếc xe máy chủ yếu là đi vòng vèo được mấy trăm mét quanh bản. Anh Thế phải gửi xe vào nhà một hộ dân nằm dưới chân đèo muốn đi đâu xa thì phải đi bộ hết quãng đường đèo ra đó lấy xe.
Đến hiện thực
Bẵng một thời gian không có dịp về công tác Thanh Tương, bỗng một hôm chúng tôi nhận được điện thoại của anh bạn đồng nghiệp công tác tại Đài Phát thanh và Truyền hình Nà Hang: “Ông khẩn trương lên Bản Bung viết bài về bà con nơi đây làm đường bê tông đi. Chuyện như cổ tích thời nay đấy”. Chúng tôi đã háo hức trở lại Bản Bung.
Đi hết đoạn đường rải cấp phối trục liên thôn của xã Thanh Tương đến một con suối, dừng lại, ngước nhìn con đường lên Bản Bung trông giống như cái đuôi con rắn thò ra phần đầu cắm vào cánh rừng đại ngàn Tát Kẻ-Bản Bung. Gặp một anh thanh niên cưỡi trên chiếc xe máy trông thật mới, vẫy tại lại hỏi thăm đường lên Bản Bung. Anh chàng này nở nụ cười thật tươi: “Đường vào bản không còn khó lắm đâu, bà con rải bê tông sắp xong rồi. Từ ngày có đường tốt, mình mua xe máy này đấy”. Vậy là cái ước mong bao đời nay của người Bản Bung đã thành hiện thực. Đúng là đường vào Bản Bung không còn khó như trước kia, con đường bê tông rộng 3m rải khá đều, thoải mái mát ga lên dốc.
Ông Triệu Thế Hải, Trưởng thôn Bản Bung cho biết, từ năm 2012 thôn tiếp nhận được chủ trương của Đảng, Nhà nước về hỗ trợ xi măng làm đường. Lúc đó bà con vẫn còn băn khoăn lắm vì công việc chưa bao giờ làm mà chắc chắn là vất vả rồi. Thôn chỉ dám đưa ra kế hoạch làm một đoạn vài trăm mét đoạn khó đi thôi. Làm đường bê tông ở đây, từng bao xi măng, hạt cát, hay một xô nước đều dựa vào đôi chân, đôi vai của người dân. Làm được rồi thì bà con phấn khởi lắm ai nấy cũng đều quyết tâm cao nhưng không thể làm hết ngay được phải làm dần thôi. Ấy vậy mà đến nay bà con đã làm được 2,5km đường, chỉ còn 400m nữa bà con phấn đấu từ nay đến cuối năm sẽ làm nốt.
Việc bà con Bản Bung làm đường bê tông khác xa với việc làm đường ở nhiều nơi khác, đó là công việc trường kỳ kéo dài liên tục từ suốt năm 2012 đến nay.
Nếu đoạn đường dự tính làm 700 m thì thôn ra định mức khoán số mét cho các hộ tính theo nhân khẩu mỗi hộ phải tự đảm nhiệm cung ứng đủ lượng cát sỏi và vận chuyển xi măng và huy động nhân lực làm. Bà con phải xuống tận lòng sông khu vực Nẻ (thị trấn Nà Hang) cách thôn hơn 10 km để khai thác và vận chuyển từ đó về tập kết ở dưới chân đèo. Sau khi tất cả vật liệu tập kết về, bà con sẽ phải cõng, gùi từng bao xi măng, cát sỏi lên đến điểm cần làm.
Chi phí cho việc vận chuyển là rất lớn, từ năm 2012 đến nay bà con đã đóng góp hơn 50 triệu đồng cho việc này, chưa kể có thêm khoản hỗ trợ của Nhà nước. Nếu làm con số cụ thể để tính ra khối lượng bà con đã gùi cõng vật liệu để làm hết con đường này sẽ phải vào khoảng 1.800 m3 vật liệu. Với 42 hộ trong bản thì trung bình mỗi hộ phải gùi cõng trên 40 tấn vật liệu. Đó là chưa kể gần 1.000 ngày công bỏ ra để làm đường. Chiếc xe máy của anh Nguyễn Văn Thế lúc này chứng minh là một công cụ hữu dụng. Trong suốt thời gian dài, anh dùng xe chở từng bao xi măng lên giúp bà con làm đường. Anh Thế hồ hởi chia sẻ, tuy chưa thấm vào đâu những cũng đỡ bà con phần nào. Từ ngày có đường, mình không phải gửi xe nữa rồi, bà con trong bản nhiều nhà đã sắm xe máy rồi đấy. Có đường là bản mình sẽ khá lên, hết nghèo thôi.
Đồng chí Hoàng Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Tương cho biết từ khi có chủ trương Nhà nước hỗ trợ xi măng làm đường bê tông nông thôn, cấp ủy chính quyền địa phương xã Thanh Tương cũng đã quan tâm, ưu tiên mọi nguồn vốn của địa phương để hỗ trợ bà con sớm hoàn thành tuyến đường. Trung bình mỗi năm, xã làm được hơn 6 km, dự kiến đến 2015 thì xã sẽ hoàn thành mục tiêu bê tông hóa giao thông nông thôn. Khó khăn nhất như thôn Bản Bung cuối năm nay cũng sẽ hoàn thành, chỉ đáng ngại nhất là đoạn đường vào thôn Nà Coóc. Đây là tuyến đường dài hơn 7 km việc vận chuyển vật liệu khó khăn, nhưng bà con ở đây rất tích cực hiện bà con đã làm được 800 m. Dự kiến trong năm nay sẽ làm thêm được 800 m nữa.
Theo Thanh Phúc (báo Tuyên Quang)
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét