Thứ Năm, 17 tháng 4, 2014

Thăm đền Trung Đô (Lào Cai)

Đền Trung Đô là nơi thờ tướng quân Gia Quốc công Vũ Văn Mật cùng các thuộc tướng của mình đã có công xây dựng căn cứ bảo vệ biên cương Tổ quốc và phát triển vùng đất Trung Đô cũng như Bắc Hà thuộc trấn Tuyên Quang xưa (Lào Cai ngày nay) thành trung tâm kinh tế - xã hội thời bấy giờ.

< Đền Trung Đô.

Đền Trung Đô nằm lọt trong vùng thung lũng nơi hợp lưu của 2 dòng suối Nậm Thin (hay còn gọi là Nậm thiên) lũng suối Nậm Khòn ở phía Bắc và phía đông với sông Chảy nằm ở phía Tây của đền. Địa thế ở đây có sông, có núi, hội tụ đầy đủ các điều kiện cần có về phong thuỷ tạo cho ngôi đền một vẻ uy nghi trang trọng.

Vũ Văn Mật là nhân vật lịch sử có thật, sống vào thời Lê (Lê Mạt) khoảng những năm từ 1516 trở đi (không rõ năm sinh và mất, ông đã kế tục sự nghiệp người anh là Vũ Văn Uyên xây dựng căn cứ chống nhà Mạc để khôi phục nhà Lê cách đây trên 300 năm ).

Cách đền khoảng 30m, trong khu rừng cấm có một gò đất khá to, xung quanh được xếp đá tảng bảo vệ. Tương truyền đó là ngôi mộ đôi của hai vợ chồng tướng quân Hoàng Vần Thùng. Sau khi Gia Quốc công Vũ Văn Mật kéo quân về xuôi, Hoàng Vần Thùng được phong làm đại tướng quân, toàn quyền chỉ huy vùng Trung Đô. Trong một trận đánh giặc phương Bắc, mặc dù chiến đấu hết sức dũng cảm, song thế giặc quá mạnh, quân của ông bị thua. Quyết không để lọt vào tay giặc, ông và vợ đã quyên sinh. Những binh lính còn sống sót và dân làng đã đắp đất vào nơi ông bà mất, mối xông lên thành gò lớn.

Các sự kiện liên quan đến hoạt động của ông đều được ghi chép lại khá nhiều trong các thư tịch cổ, cả chính sử cũng như ngoại sử. Qua các sử liệu cho biết, ông là một con người gan dạ khoẻ mạnh và là một vị tướng “ Trung quân ái quốc, biết đặt vận nước lên trên tất cả ) của triều đại phong kiến thế kỷ 16 (Lê Quí Đôn toàn tập – Tiến văn tiểu lục trang 354).

Trải qua những thăng trầm của lịch sử hơn 300 năm, ngôi đền hiện nay có 3 gian thờ với diện tích hơn 30 m2. Tồn tại hơn 300 tuổi, dấu tích của ngôi đền xưa  còn lại những tảng kê chân cột bằng đá, những hiện vật như gạch ngói, trang trí minh chứng cho một thời vàng son. Song nó có giá trị tinh thần vô cùng to lớn đối với người dân Trung Đô nói riêng và tỉnh Lào Cai nói chung. Đó là giáo dục truyền thống cần cù lao động, tự lực tự cường, yêu nước chống thù trong giặc ngoài để bảo vệ đất nước.

Sau khi được nhà nước công nhận di tích văn hóa - lịch sử Quốc gia (năm 2008), tỉnh Lào Cai, huyện Bắc Hà đã đầu tư xây dựng, tái tạo khu di tích này gắn với quy hoạch phát triển làng sinh thái - văn hóa Trung Đô, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc Tày nơi đây phát triển mô hình “du lịch cộng đồng”. Hiện nay, du khách đến Trung Đô không chỉ được sống trong không gian linh thiêng mà còn có thể hoà mình với cảnh sắc thiên nhiên, cộng đồng văn hoá nơi đây. Hằng năm, cứ vào Rằm tháng Giêng, người dân Trung Đô lại tổ chức ngày hội lễ rất long trọng, tạo cho ngôi đền sự uy nghiêm và đầy linh thiêng.

Theo Dulich.vn và báo Quảng Ngãi
Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét