(BBT) - Ngắm đáy biển từ tàu đáy kính là một dịch vụ du lịch mới ở Tuy Phong (Bình Thuận), bước đầu thu hút một lượng đông đảo du khách.
Biển La Gàn (xã Bình Thạnh, Tuy Phong) trong những ngày tháng tư sóng êm, gió lặng. Chúng tôi theo đoàn du khách TP. Hồ Chí Minh lên chiếc tàu đáy kính để ngắm đáy biển La Gàn. Tàu đáy kính có một phần đáy là những tấm kính trong suốt, trang bị những phương tiện rất hiện đại, đảm bảo an toàn. Tàu chở từ 10 -20 người, với giá thuê tàu 1 triệu đồng cho chuyến thám hiểm ven bờ và 3,5 triệu đồng cho 1 ngày thám hiểm từ vùng biển Bình Thạnh đến Hòn Cau (Khu bảo tồn sinh vật biển ở xã Phước Thể).
Với 4 khoang kính, mỗi khoang rộng 1m², khách thỏa sức ngắm nhìn cuộc sống đầy sinh động dưới đáy biển 4 - 5m. Sự bí ẩn của đại dương được tìm thấy ở đây.
Anh lái tàu vui vẻ cho biết, trước kia biển La Gàn là một bến thuyền đông đúc ghe thuyền ở vùng biển Tuy Phong. Thời ấy, hải đặc sản nhiều vô kể, thậm chí tôm hùm cũng gánh đi bán dạo và chỉ cần men theo các bờ đá là tha hồ bắt cua, ghẹ. Trải qua bao biến cố thăng trầm, đến nay La Gàn vẫn là nơi đẹp nhất, cả dưới biển lẫn trên bờ.
Do đặc điểm tự nhiên là vùng nước ấm, có nhiều hang động, khó sử dụng một số phương tiện đánh bắt nên nơi này đã trở thành nơi trú ngụ, sinh trưởng của nhiều loài sinh vật biển quý hiếm.
Chiếc tàu lướt nhẹ trên mặt biển, tạo cảm giác phiêu du. Cái cảm giác được tận mắt ngắm vẻ đẹp trong lòng đại dương xanh làm ai cũng háo hức, đón chờ. Qua tấm kính trong suốt, dài khoảng 5m dưới đáy con tàu, hiện ra trước mắt tôi là nhiều loài sinh vật biển rất lạ mà tôi chưa bao giờ được nhìn thấy. Thật tuyệt vời. Đại dương là ngôi nhà chung của hàng ngàn loài cá quý hiếm và sinh vật lạ.
Thích nhất là khi tận mắt ngắm nhìn những con tôm, cua đầy màu sắc thập thò trong hang động. Từng đàn cá tung tăng bơi lượn. Có đàn lên đến vài trăm con đủ màu, dạn dĩ, vụt qua, sống động và quyến rũ.
Tàu đưa du khách lượn vòng cung theo mũi La Gàn, ai nấy đều sững sờ vì không gian biển La Gàn quá đẹp. Nhìn từ biển vào, mũi La Gàn với những phiến đá cao chót vót, chen chúc, ngả nghiêng như đùa giỡn với trời mây và sóng nước. Trên mặt những khối đá này là những vết nứt gãy tưởng chừng như có thể ngã đổ bất cứ lúc nào. Ấy vậy mà chúng vẫn tồn tại vững chãi trước bão giông suốt hàng ngàn năm qua.
Ở một vài nơi, đá chất chồng lên nhau, tạo những hình thù kỳ quái, khơi gợi trí tưởng tượng của du khách. Những làn gió biển mát dịu và những bãi cát trắng lộng lẫy nối liền với bờ nước trong xanh như pha lê làm cho nơi này trông như một thiên đàng thực sự.
Qua lớp kính của tàu, nước trong vắt, từng rặng san hô đủ màu sắc hiện ra, lung linh, tạo thành một miền san hô dưới đáy biển xanh. San hô nối tiếp và chất chồng lên nhau làm khách thích thú. Những cánh san hô xòe ra bằng bàn tay và quấn quanh một thân chính, tạo cảm giác như một rừng nấm san hô. Bề ngoài, trông chúng tương tự như nấm linh chi nên người dân địa phương lấy tên loại nấm này đặt tên cho san hô.
Cùng với đó là khá nhiều đàn cá mú, cá gáy, cá nhái, cá đuối to và các loài nhuyễn thể. Nhiều du khách hét lên khi thấy những con cá đuối cỡ 10 - 20 kg, dang vi rộng lướt dưới thân tàu. Và, vô cùng ngộ nghĩnh với chú cá to bằng cổ chân, dài, đang rình rập săn mồi trong những cái hang…
Hiện nay, tại vịnh La Gàn có 2 tàu đáy kính, hoạt động từ Gành Rái (Chí Công) đến Khu bảo tồn sinh vật biển Hòn Cau (Phước Thể). Gặp chúng tôi, anh Nguyễn Thanh Quốc, du khách TP. Hồ Chí Minh vui vẻ cho biết: “Du lịch biển bằng tàu đáy kính, tôi mới có cơ hội được trông thấy những hình ảnh đẹp mà thiên nhiên ban tặng con người”.
Theo anh Quốc, nhiều du khách đến La Gàn nhưng chưa hề xuống lòng biển. Ðó có thể là điều đáng tiếc, bởi ngắm đáy biển là điều rất hấp dẫn, cho ta thấy những bí ẩn đến kỳ lạ dưới mặt nước xanh kia.
Một chuyến đi không dài, nhưng nụ cười hồ hởi, mãn nguyện nở trên gương mặt là điều thường gặp ở du khách ngay khi bước lên bờ sau một chuyến du thuyền ngắm biển ở vịnh La Gàn. Ngoài thế mạnh vùng biển đẹp, sức hút từ dưới lòng đại dương, sự hiếu khách của người dân địa phương và nhất là dịch vụ chưa bị “làm giá” như các nơi khác nên có khá nhiều người chọn làm điểm đến.
Sau khi ngắm biển thỏa thích, chúng tôi dừng chân tại quán Thùy Dương ven biển để thưởng thức hải sản. Quán này thiết kế đơn giản, gần gũi với thiên nhiên, ẩn mình dưới rặng dương xanh mát rợi. Tại đây, có khá nhiều loại cá, ghẹ, cua, mực, ốc… hoàn toàn tươi sống, được thu mua ngay tại biển từ những ngư dân đánh lưới quét hay tàu thuyền vào biển La Gàn nên giá cả không quá đắt đỏ.
Thông tin về tàu đáy kính
Tàu đáy kính do người nhà của ông Huỳnh Thanh Tùng, một cán bộ xã Bình Thạnh bỏ vốn đóng. Tàu dài 11,5m, rộng 2,8m, giá trị mỗi chiếc là 400 triệu đồng. Trên tàu trang bị các phương tiện bảo hộ, cứu sinh hiện đại, an toàn theo tiêu chuẩn quy định. Tàu có sức chở tối đa 20 người, hoạt động cách bờ 7 hải lý và hoạt động tốt trong điều kiện gió cấp 4. Trên mỗi tàu có một hướng dẫn viên. Tuy chưa tổ chức dịch vụ ăn uống trên tàu, nhưng tại các điểm đến và dừng nghỉ đều có các dịch vụ ăn uống, phục vụ du khách.
Theo Minh Chiến (Báo Bình Thuận)
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét