(TTO) - Cuốn theo dòng hải lưu đen
Tối 1-6, chúng tôi thoáng thấy bờ biển màu xám của Đài Loan và nhờ có gió thuận chúng tôi đã đi qua O-Luan, mũi đất cực nam của đảo. Chiếc bè tre rụt rè đi chéo lên dòng hải lưu đen vốn chạy ngang qua mũi đất.
Gió thổi lên từ hướng nam, gần mạnh như một cơn dông nên không còn có thể quay đầu lại được nữa. Chiếc bè bị đẩy ngay vào dòng hải lưu đen Kuroshio chảy qua Đài Loan, băng qua các rạn đá ngầm và những vùng nước nông khiến cho nước của nó chất thành sóng cồn.
Trên những đợt sóng nhấp nhô này, cơn gió mạnh giờ đây đang tạo nên những con sóng lạ, đưa bè nâng lên và hạ xuống như đi tàu lượn. Gió thổi thẳng từ phía đuôi mảng là hướng gió nguy hiểm nhất, vì có thể những cánh buồm quạt quay từ bên này sang bên kia và đập vào nhau nát bét.
Bị đưa đi sai hướng
Ba hay bốn giờ sau, chúng tôi nghe tiếng thanh xà của cánh buồm trước gãy làm hai. Vì không dám để lỡ mất cơn gió và dòng hải lưu, chúng tôi không dừng lại để sửa chữa.
Trong vòng chưa đầy tám giờ, chúng tôi được quét đi 50 dặm đến bờ đông của Đài Loan. Bên trái chúng tôi là những vách đá cao vút và những rặng núi sâu của bờ đông Đài Loan với đỉnh núi màu đen pha lẫn màu chàm, lúc ẩn lúc hiện sau những dải mây xám như khói thuốc súng. Đó là một chặng đường khá mạo hiểm vì bè lúc đó ở rất gần bờ. Chỉ cần gió đổi chiều là bè sẽ bị đẩy vào bờ vô phương cứu chữa.
Chúng tôi trơ trọi một mình. Những người bạn từ Hiệp hội Thuyền buồm Đài Loan đã nói rằng họ sẽ đi tìm chúng tôi, nhưng họ không thể nào biết chính xác nên tìm ở đâu vì chúng tôi không có radio để thông báo vị trí chính xác.
Tầm giữa sáng một cơn mưa nữa lại đổ xuống và tầm nhìn xa rất tệ. Dù chiếc bè bị đu đưa theo những con sóng cứ dâng lên từ phía đuôi mảng và sủi bọt trong boong, chúng tôi vẫn thực hiện được những thao tác rắc rối một cách nhịp nhàng.
Chúng tôi hạ thấp cánh buồm trước bị gãy xuống, chữa nó bằng những thân tre mới và lại kéo lên. Mọi động tác diễn ra đều đặn như một cái máy, và khi chúng tôi cần đổi hướng, một thao tác lạ để đón một cơn gió lớn thì có cảm giác như chúng tôi đã lái mảng cả đời rồi vậy. Dưới sự hướng dẫn của Lợi, chúng tôi kéo hai cái xiếm trước lên và cột chắc lại buồm trước để tăng tốc độ theo chiều gió.
Sau khi phán đoán tình hình, chúng tôi đảo buồm trước từ mạn này sang mạn bên kia, và một chốc sau đó đẩy tới buồm nhỏ phía đuôi giống như điều khiển cánh lái phụ phía đuôi của máy bay. Bè bắt đầu chuyển hướng, chiếc buồm chính màu đỏ đảo một đường lớn oai vệ, và mảng chúng tôi giương buồm chuyển sang lèo khác theo chiều gió. Chúng tôi thậm chí không cần chạm đến bánh lái.
Giờ đây chúng tôi đã ở trên biển 19 ngày, gấp đôi thời gian dự định cho chặng đường đầu tiên. Hiển nhiên lương thực của chúng tôi đang cạn dần. Tất cả chúng tôi bắt đầu trông mong đến lúc lên được bờ Đài Loan.
Lý do lớn nhất để cập bến Đài Loan là rất thiết thực: chiếc bè sắp dùng hết các phụ tùng thay thế. Mỗi lần chúng tôi thay một thân tre bị gãy hay củng cố thêm sườn cabin, gia cố các mối buộc, thực hiện một vài cải tiến về cấu trúc cho mảng, chúng tôi dùng dần mớ tre và lạt mây dự trữ đã đem theo trên mảng. Tôi hi vọng là ở Đài Loan chúng tôi có thể bổ sung những vật liệu thiết yếu.
Song trong 24 giờ tiếp theo, chúng tôi nhận ra chiếc bè không còn nằm trong tay lái của mình nữa. Dòng hải lưu đen đã đoạt lấy quyền chỉ huy. Mãi về sau chúng tôi mới nhận ra là mình đang bị đưa đi sai hướng và chúng tôi hoàn toàn bất lực.
Cưỡi dòng hải lưu
Tôi gọi thủy thủ đoàn họp mặt ở buồng lái.“Nếu chúng ta không có được gió thuận mạnh hơn - tôi tuyên bố - có lẽ chúng ta sẽ không thể cập bến Đài Loan được. Tôi sẽ chờ thêm 24 giờ nữa nhưng tôi nghĩ chúng ta nên bắt đầu xem xét những phương án khác.
Đầu tiên là chúng ta có thể nhấn nút phao báo sự cố và chờ cho ai đó đến cứu. Nhưng tôi không nghĩ đây là một giải pháp vì ta chỉ nên làm khi nguy hiểm gần kề. Cách thứ hai, chúng ta có thể nhờ một tàu đi ngang qua chuyển một thông điệp đến Đài Loan để ai đó gửi tàu kéo ra. Nhưng tôi nghĩ không dễ gặp tàu nào đâu vì chúng ta không còn ở trong tuyến đường hàng hải chính nữa. Cách thứ ba, những người bạn ở Đài Loan có thể sẽ bắt đầu lo lắng và đi tìm chúng ta. Cách thứ tư, chúng ta nên tìm những chỗ cập bến khác.
Khả thi nhất là đến quần đảo Ryukyu của Nhật nằm cuối dòng hải lưu. Okinawa là đảo lớn nhất và cách đây 300 dặm. Chúng ta có thể đến đó trong vòng 7-10 ngày, nhưng điều đó đồng nghĩa với việc đặt ra một chế độ khẩu phần nước và lương thực nghiêm ngặt hơn”. Thủy thủ đoàn chăm chú lắng nghe tôi. Vào ngày 7-6 trời vừa sáng, tôi kiểm tra la bàn. Chúng tôi không hề tiến gần đến mục tiêu thêm một chút nào.
Đã đến lúc phải thay đổi kế hoạch. Một lần nữa tôi gọi thủy thủ đoàn ra buồng lái và cho họ thấy đường đi của chiếc bè trên hải đồ. Giải pháp hợp lý là từ bỏ hi vọng đến Đài Loan, chọn một tuyến đường mới dọc theo hải lưu và hướng đến quần đảo Ryukyu, nơi gần nhất cách đây 130 dặm. Song, tôi cảnh báo thủy thủ đoàn, chúng tôi phải thay đổi lối sống.
Bằng việc cắt bớt lương thực tiêu thụ hằng ngày, chúng tôi sẽ có đủ nước và lương thực để cầm cự mười ngày nữa, đồng thời có thể hứng nước mưa và bắt cá.
Nguồn nhiên liệu cho bếp mới đáng lo ngại. Chúng tôi chỉ còn lại hai lít dầu hỏa. Chừng này chỉ đủ nấu một bữa nóng mỗi ngày, và hai lần đun thức uống nóng cho bữa sáng và giữa trưa. Kể từ nay, chế độ ăn chỉ có một bữa nóng vào buổi tối. Mục tiêu của chúng tôi là quần đảo trải dài từ điểm cách bờ đông Đài Loan 60 dặm cho đến quần đảo chính của Nhật. Rải rác thành một vòng cung dài 650 dặm, quần đảo Ryukyu rất rộng đến nỗi không có cách nào biết chắc được là dòng hải lưu sẽ đưa chúng tôi đến đâu, liệu có đưa chúng tôi vào bờ hay lọt thỏm giữa các đảo.
Thất bại khi cố gắng đến đảo Đài Loan, tôi quyết định chắc ăn nhất là lái chiếc bè cưỡi dòng hải lưu đen dọc theo chiều dài của vòng cung Ryukyu. Tôi hi vọng sớm muộn gì cũng sẽ gặp một hòn đảo của Ryukyu trên đường đi. Tôi hi vọng điều này sẽ xảy ra trước khi chúng tôi hết sạch dầu đun bếp và phải ăn đồ nguội suốt ngày.
Vào ngày 9-6, chúng tôi dùng bộ đàm bắt liên lạc được với một tàu chở dầu, và người điều hành radio của tàu hứa sẽ thông báo vị trí của chúng tôi cho phía Hong Kong. Ba giờ sau, một tàu đánh cá nhỏ tiến về phía chúng tôi, bắn pháo hiệu đỏ lên trời. Tôi nhặt ống nhòm lên để xem cho rõ. Ở đó, trên boong của chiếc tàu đánh cá, nhảy loi choi và vẫy tay cuồng nhiệt là bóng dáng nhỏ nhắn nhưng không lẫn đi đâu được của người nữ họa sĩ Nhật Bản của chúng tôi, Nina.
Lần cuối cùng tôi gặp Nina là ở Hong Kong. Cô từ Tokyo đến đó để tiễn chúng tôi và vẽ lại cảnh chúng tôi xuất phát. Ngay từ đầu khi còn ở Việt Nam, Nina đã luôn quyết tâm phải tham gia bằng được hành trình này, và ở vịnh Hạ Long, Nina và tôi đã nhất trí rằng sẽ hợp lý hơn nếu cô ấy đợi đến khi bè cập bến Đài Loan và nhập hội cùng thủy thủ đoàn tại đó. Thế rồi Nina leo lên bè. Mark, Joe, Lợi, Nina và tôi cùng ngồi trong buồng lái để nâng ly.
Còn tiếp
Kỳ 1 - Kỳ 2 - Kỳ 3 - Kỳ 4 - Kỳ 5 - Kỳ 6 - Kỳ 7
TIM SEVERIN
Đỗ Thái Bình - Vũ Diệu Linh dịch - Báo Tuổi Trẻ
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét