(TTO) - Điểm dừng thiêng liêng
“Xe máy đã có thể đi hết được đường 20 - Quyết Thắng”, hoa tiêu Hồng Lân nhảy lên vui sướng khi chúng tôi nhận được thông tin từ đồn biên phòng Cà Roòng đóng ở cuối đường, giáp với biên giới Lào thuộc địa phận huyện Bố Trạch, Quảng Bình.
< Ngã ba Trạ Ang trên đường 20 Quyết Thắng.
Sáng ngày thứ năm trên biên giới mưa đã dứt, nắng vàng rưới lên mảnh đất Quảng Bình. Từ ngã tư Trạ Ang trên đường Hồ Chí Minh, chúng tôi háo hức rẽ vào con đường lịch sử.
Đã 20 lần đi du khảo hay đưa du khách đến đường 20 - Quyết Thắng thăm di tích hang Tám Cô, lần nào Lân cũng đều tìm cách lấn thêm vài kilômet vào đường 20, rồi tiu nghỉu quay ra vì đường quá xấu. Mỗi lần trở lại, câu chuyện về con đường sống động đến mức thôi thúc Lân: “Có một ngày được đi đến điểm cuối cùng con đường máu lửa và rộn tiếng cười này”.
Hang Tám Cô
Di tích hang Tám Cô và đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đường 20 - Quyết Thắng ở km16 trong veo trong tia nắng sớm. Tiếng chim hót véo von nghe như bản nhạc rừng. Ba chàng trai phụ trách di tích trong trang phục bộ đội cẩn thận lau chùi và chưng hoa tươi trên các bàn thờ chuẩn bị cho ngày mới. Khung cảnh khiến người dừng chân cảm giác như đang được sống trong không khí bi hùng năm xưa.
Hồn của những câu chuyện về các nam nữ thanh niên xung phong đi mở đường, sự sống cuối cùng khi hang Tám Cô bị bom vùi lấp, cùng những câu chuyện ly kỳ về số 8 trùng hợp như cây chuối rừng trước cửa hang Tám Cô nở ra tám nải chuối, đôi tắc kè sinh ra tám quả trứng dính chặt trên góc tường đền thờ... thổi vào du khách qua lời thuyết minh trầm ấm và đầy truyền cảm của hướng dẫn viên Trần Anh Tuyến. Cạnh bên di tích hang Tám Cô là đền thờ các anh hùng liệt sĩ đường 20 - Quyết Thắng, hiện đã quy tập được hơn 500 liệt sĩ. Tất cả họ hi sinh khi còn rất trẻ.
- Chiều 14-11-1972, máy bay Mỹ lao đến thả bom vào trọng điểm km16 như bao ngày khác. Có tám TNXP, đều quê ở huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) thuộc biên chế đại đội 217, đội TNXP 25, đang bám đường phải chạy vào một hang đá tránh bom rải thảm. Sau loạt bom, những đơn vị chiến đấu gần đó bàng hoàng nhận ra cửa hang đã bị một khối đá khổng lồ bịt kín. Văng vẳng vang ra tiếng con gái kêu cứu, đồng đội đã dùng đến ba xe xích hợp lực lại để kéo nhưng khối đá không hề lay chuyển.
Phương án dùng bộc phá để phá tảng đá cũng không khả thi vì khi mìn nổ thì những người bị lấp trong hang sẽ hi sinh. Đồng đội chỉ còn cách dùng ống nhựa luồn qua khe đá, rồi nghiền cháo, lương khô, thuốc B1 hòa với nước đổ cho chảy vào phía trong với mong muốn những người trong hang tiếp nhận. Đến ngày thứ chín, tiếng kêu cứu trong hang không còn nữa...
Mãi đến năm 1996, hài cốt của tám liệt sĩ mới được đưa ra khỏi hang về với quê hương.
Gắn bó với di tích từ những ngày đầu tiên chính thức hoạt động (năm 2006), hướng dẫn viên Trần Anh Tuyến (33 tuổi) chia sẻ: “Khi khu đền xây dựng xong được giao về Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng quản lý, những ngày đầu nơi ở của chúng tôi chỉ là lán dựng tạm, tựa lưng vào đền vừa đủ chỗ nghỉ cho bốn người. Nước sinh hoạt tụt 100m dốc lấy về, không điện, không sóng điện thoại. Năm 2009 nơi ở của nhân viên được xây dựng. Năm 2010 ban quản lý đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đường 20 - Quyết Thắng được thành lập trực thuộc Trung tâm du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng với nhân sự tám người cố định. Mỗi tháng được luân phiên nghỉ một tuần, nhưng gần như anh em rất ít được nghỉ trọn vẹn vì khách ghé thăm đền mỗi lúc một đông hơn. Có ngày đến 19-20 giờ mới hết khách”.
Hiện lưới điện quốc gia vẫn chưa vào đến, tối phải thắp đèn dầu giữa rừng tĩnh mịch, hoang vắng. Cuộc sống xa nhà của những người giữ đền cũng hệt như người lính. Khó khăn và thiếu thốn rất nhiều nhưng ai cũng nhận thấy điều thiêng liêng từ công việc ở nơi đặc biệt này. Các bạn tiết lộ: “Mừng nhất là tháng 11-2013, mạng Viettel đã phủ sóng toàn khu vực đường 20 - Quyết Thắng. Trước đây muốn thông tin liên lạc, chúng tôi phải đi đến 20km mới có sóng điện thoại”.
Dưới gốc cây “Mối tình Trường Sơn” tỏa bóng mát trước đền, chốc chốc lại thấy có người tắt máy xe tấp vào. Hình ảnh những người bộ hành chậm rãi lấy ra nén nhang đem theo vào đền, vào hang thắp cho các liệt sĩ rồi lên xe tiếp tục hành trình thật xúc động. Đó là các giáo viên cắm bản, những người lính biên phòng trở lại đơn vị sau ngày nghỉ phép, công nhân công trình làm đường, những người dân địa phương... “Chẳng biết từ khi nào đã trở thành một câu chuyện rất tình cảm: dù là khách hay dân địa phương, bất cứ ai ra vào đường 20 đều dừng lại nơi này thắp nén nhang cho các liệt sĩ” - thầy Cao Xuân Đồng, giáo viên cắm bản Arem ở cây số 31, nói.
Tinh thần quyết thắng
“Được xây dựng năm 1966, đường 20 - Quyết Thắng dài 125km, km0 bắt đầu từ bờ sông Son (Phong Nha), dừng lại tại biên giới VN ở km66 rồi chạy tiếp qua đất bạn Lào. Con đường được làm với hơn 8.000 thanh niên xung phong tuổi 18-20 tình nguyện, là con đường để vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Dưới làn bom đạn ngày đêm của Mỹ, đặc biệt tại tọa độ lửa Cua Chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Pu La Nhích. Các chàng trai, cô gái đã quyết tâm làm con đường với tinh thần bất khuất, quyết tâm đánh thắng Mỹ. Độ tuổi 20, tinh thần “quyết thắng” đã được hiện diện thành tên con đường đi vào lịch sử dân tộc VN”, vòng xe tiếp tục lăn bánh, chúng tôi đem theo những lời giới thiệu của hướng dẫn viên Trần Anh Tuyến.
Đường 20 - Quyết Thắng hôm nay chạy xuyên rừng bề ngang chỉ rộng khoảng 6m. Nhiều đoạn một bên là núi, một bên là vực sâu rất hiểm trở. Hôm chúng tôi đi vẫn còn nhiều đoạn rất khó vượt qua được vì đang thi công. Âm thanh của xe cơ giới, của máy trộn bêtông ầm ầm núi rừng, từng tốp công nhân làm đường cười nói rôm rả trong lao động, khiến người đi qua bất giác thấy mình như sống trong quá khứ.
Một dòng suối chảy vắt qua đường sắp được nằm lọt lòng dưới chiếc cầu hiện đại đang hoàn thành để lưu thông qua biên giới. Đón “đoàn quân” lấm lem bùn đất ở km61, thượng tá Lê Văn Sơn - chính trị viên đồn Cà Roòng - bật cười: “Thật không thể tin vào mắt. Lần đầu tiên mới thấy có đoàn nhà báo vào được tận đây, mà đi bằng xe máy từ miền Nam ra mới ác chứ”. Anh giới thiệu từ đây đi thêm 20km nữa qua Lào sẽ đến ngầm Ta Lê và đèo Pu La Nhích, hai trọng điểm ác liệt còn lại của đường 20.
Còn tiếp
Kỳ 1 - Kỳ 2 - Kỳ 3 - Kỳ 4 - Kỳ 5
Theo Tố Oanh (báo Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét