(ANTĐ) - Đèo Khe Nét thuộc huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình là một trong 5 đèo cao nhất trong hệ thống đường sắt quốc gia.
Đêm xuống, con đèo chìm trong bóng tối. Nhưng tại các nhà ga xung quanh cung đường khu vực đèo, ánh sáng điện ban đêm không bao giờ tắt…
< Tàu hàng vào cua tại đèo Khe Nét, Quảng Bình.
Tôi mua vé tàu đêm vào Vinh, rồi chuyển sang tàu chợ, qua khoảng hơn chục ga lớn nhỏ mới đến được ga ở lưng chừng đèo - Ga Khe Nét. Quãng đường có hơn trăm cây số nhưng phải đi mất hơn nửa ngày trời. Nghe nói, ga này được xây dựng vào khoảng năm 1999. Từ ga, đường đến đỉnh đèo Khe Nét chỉ còn khoảng 5km men theo đường tàu hỏa.
Ngoài người tuần đường, người dân được khuyến cáo không nên đi bộ lên đèo vì có thể nguy hiểm đến tính mạng khi gặp tàu hỏa chạy qua. Vậy nhưng vẫn có một con đường nhỏ men theo vách núi để lên tới đỉnh đèo.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, tôi đã liên hệ với lãnh đạo ga Đồng Chuối và Cung trưởng Cung đường Khe Nét. Nguyện vọng đi bộ lên đèo của tôi được chấp thuận với điều kiện, tôi sẽ đi cùng với một cán bộ tuần đường.
Đèo Khe Nét có độ dốc 17° với nhiều khúc cua dốc nên tàu chỉ có thể đi với tốc độ chậm. Do nhiều góc cua hẹp nên đường ray ở đây cũng khá đặc biệt với hai lớp ray cua song song để hộ bánh. Anh Nguyễn Văn Tĩnh - tuần đường của Cung đường Khe Nét liên tục nhắc tôi để ý tiếng còi tàu từ xa hoặc cảm nhận đường ray rung để phát hiện tàu đến. Lúc đầu tôi hơi lo, nhưng có đi bộ trên đường ray mới thấy việc phát hiện tàu từ xa không khó, bởi ở đây rất yên tĩnh, thi thoảng lắm mới nghe tiếng suối róc rách, nên việc phát hiện tiếng còi tàu từ xa không khó khăn.
< Đi cùng cán bộ tuần tàu trên đèo Khe Nét.
Mất chừng 2 giờ đồng hồ đi bộ, tôi gặp một ngôi miếu nằm lẻ loi bên đường. Theo những người dân ở đây kể lại, ngôi miếu rất thiêng thờ Mẫu Thượng Thiên. Thành kính một phút trước ngôi miếu, tôi lại tiếp tục hành trình.
< Ngôi miếu nhỏ trên đèo Khe Nét.
Do đường đèo chỉ để dành cho tàu hỏa nên người đi bộ chỉ còn cách đi trên đường ray. Thi thoảng lắm mới gặp vài người dân bản ngược đèo kiếm củi. Gặp khách lạ, nhưng ai cũng vui vẻ, thân thiện.
Khí hậu Khe Nét khá khắc nghiệt. Mùa rét, cán bộ đường sắt ở đây được trang bị thêm loại áo ấm riêng giống như áo trấn thủ ngày xưa. Còn mùa nóng nhiệt độ có khi lên đến hơn 40 độ C. Thế nên cán bộ ở đây chỉ toàn là đàn ông, bởi phụ nữ không thể chịu nổi thời tiết thất thường và khắc nghiệt này.
< Cảnh vật trên đèo.
Ga Khe Nét nằm lọt thỏm trong rừng, mỗi ngày có khoảng 40 chuyến tàu khách và tàu hàng chạy qua. Số lượng cán bộ công nhân của nhà ga chỉ khoảng 12 người.
Buổi tối ở đèo Khe Nét tĩnh lặng lạ kỳ. Vị khách đặc biệt là tôi bữa đó được mời ở lại dùng cơm với anh em ở cung đường. Bữa cơm đạm bạc, rau rút rừng xào tỏi, đĩa trứng tráng, một âu ớt quả ngâm muối và đĩa mắm muối mặn chát. Ở giữa rừng núi hiểm trở, không có chợ nên công nhân ở đèo chỉ còn biết ăn mắm muối trộn cơm qua ngày.
Theo Bách Hội (An Ninh Thủ Đô)
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét