(BQN) - Huyện Ba Chẽ có một điểm du lịch tâm linh đang thu hút sự quan tâm của nhiều người khi đến địa phương, đó là Di tích lịch sử cấp tỉnh Miếu Ông - Miếu Bà ở xã Nam Sơn.
< Miếu Ông bên kia sông, nhìn từ bên Miếu Bà.
Từ trung tâm huyện, nếu đi đường bộ, theo tuyến đường Cái Gian - Cửa Cái, chiều dài 6,3km, được khởi công đầu năm 2013. Điểm đầu con đường thuộc thôn Cái Gian, xã Nam Sơn (Ba Chẽ) nối với điểm cuối ở QL18A thuộc khu vực Cửa Cái, gần cầu Ba Chẽ (Tiên Yên). Do vậy, du khách từ các huyện, thị khác trong tỉnh hoặc tỉnh khác muốn đến Miếu Ông - Miếu Bà có thể tắt ngang từ QL18A về thôn Cái Gian khoảng chừng 2km là đến. Nếu ai thích kết hợp ngắm cảnh núi rừng thì hãy xuôi dòng Ba Chẽ bằng thuyền, điểm xuất phát từ thôn Nam Hả, xã Nam Sơn.
< Miếu Bà.
Trước đây, khi tuyến đường Cái Gian - Cửa Cái còn là những rừng cây um tùm, đan xen với những núi đồi trập trùng, những người dân địa phương đến thắp hương ở Miếu Ông - Miếu Bà chỉ có cách đi bằng thuyền xuôi theo dòng sông Ba Chẽ. Đi theo tuyến đường này, nhất là vào buổi sáng sớm sẽ được ngắm cảnh con sông nguyên sơ hoang dã, hùng vĩ với những rừng cây ngập mặn đầy sức sống vươn mình trên dòng sông. Nếu đi thuyền vào buổi sáng sớm sẽ được thưởng thức sương mù giăng giăng, đan xen với cảnh núi rừng thơ mộng huyền ảo. Trên cao hơn là các khu rừng nguyên sinh với các cây trâm, dẻ, táu hay si, đa cổ kính.
< Du khách đến Miếu Ông thắp hương, vãng cảnh.
Đến Miếu Ông bằng đường bộ, khi muốn sang Miếu Bà vẫn phải đi bằng thuyền, vì ngôi miếu nằm bên kia bờ sông. Ba Chẽ không có khu vực nào người dân sống hoàn toàn bằng nghề chài lưới, rất ít thuyền bè để phục vụ việc đi lại trên tuyến sông, cả 2 ngôi miếu này có thời gian rất khó tiếp cận vì phải đi thuyền mới đến được, nhưng quanh năm khói hương nghi ngút. Những người thợ sơn tràng hay ngư dân khi đi qua khúc sông này đều đến thắp hương tại miếu để có được những chuyến vượt sông, vượt biển may mắn và làm ăn thuận lợi.
< Bên trong Miếu Ông.
Theo tài liệu “Lý lịch Di tích lịch sử Miếu Ông - Miếu Bà xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ” của UBND huyện Ba Chẽ, thì Miếu Ông là nơi thờ Đức thánh phù Trần, tả tướng quân Lê Tự Đức. Ông đã có công lớn trong việc phò vua Trần Nhân Tông, Thái Thượng Hoàng Trần Thánh Tông và Quốc Công Tiết chế Trần Quốc Tuấn khi họ tạm lánh ở sông Ba Chẽ đầu năm 1285 để chuẩn bị chiến đấu lâu dài. Đối diện với Miếu Ông bên kia sông là Miếu Bà, là nơi thờ Mẫu Thượng Ngàn tức bà chúa của rừng xanh.
Theo truyền thuyết Mẫu là con gái của Sơn Tinh (tức Tản Viên Sơn Thánh) và công chúa Mỵ Nương (con gái vua Hùng thứ 18). Khi còn trẻ bà là cô gái đức hạnh, lại tài sắc vẹn toàn, bà được cha mẹ đặt tên là La Bình và được cha yêu chiều đưa đi khắp mọi nơi, từ vùng sơn cước đến miền trung du đồi bãi trập trùng. Do luôn được theo cha, lại thông minh sáng dạ nên La Bình đã học hỏi được nhiều điều. Bà đã có công dạy những người dân miền núi cách trồng cây ăn quả, trồng lúa nương, đắp ruộng bậc thang, dựng nhà cửa, hái cây thuốc chữa bệnh…
Giáo sư sử học Lê Văn Lan đã đến Di tích Miếu Ông - Miếu Bà tháng 11-2012. Ông đã quan sát trực tiếp quần thể khu miếu và các di vật còn sót lại từ đời Trần và đời Lý, như: Nền nhà đá, chuông gang, bia đá, ngọn tháp yểm, bạch hổ, gốm sứ và một số ngôi mộ cổ. Từ đó ông đã có nhiều ý kiến quý báu giúp cho Ba Chẽ nhận định rõ hơn về những vấn đề lịch sử đời Lý, Trần có liên quan đến Di tích Miếu Ông - Miếu Bà và khu vực lân cận. Giáo sư Lê Văn Lan đưa ra lời nhận định rằng: “Miếu Ông - Miếu Bà có giá trị lịch sử văn hoá to lớn gắn với hoạt động quân sự của vua tôi nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ 2 ở thế kỷ XIII. Các ngôi miếu này còn là bằng chứng về những hoạt động thương mại của dân cư trong vùng từ ngàn năm nay”. Ngày 23-6-2013, Miếu Ông - Miếu Bà đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh.
< Du khách trong và ngoài huyện đến dâng hương và tham quan khu di tích lịch sử Miếu Ông - Miếu Bà.
Bên cạnh giá trị lịch sử, tâm linh, nơi đây còn là địa điểm rất tốt để khai thác du lịch. Du khách đến đây được du ngoạn bằng thuyền trên sông Ba Chẽ. Khu vực này lòng sông sâu và rộng hơn các khu vực khác có thể đi được tàu nhỏ hoặc thuyền độc mộc. Xuôi theo dòng sông không xa về phía Đông là đến được rừng ngập mặn Đồng Rui (huyện Tiên Yên), nơi đây có hơn 3.000ha rừng ngập mặn. Đi sâu vào rừng bằng thuyền khoảng 1 giờ đồng hồ sẽ hiện ra trước mắt ta mũi Lòng Vàng với bãi cát vàng rộng 22ha rất đẹp, thích hợp với du lịch tắm biển. Trong tương lai không xa, điểm di tích này sẽ là điểm đến hấp dẫn của du khách gần xa.
Theo Công Thành (báo Quảng Ninh)
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét